Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Tương tác Góc nhìn Bãi đỗ xe gầm cầu: "Đứa con út" của giao thông đô thị

Bãi đỗ xe gầm cầu: "Đứa con út" của giao thông đô thị

Viết email In

Khi cuộc chiến giành giật từng mét vuông vỉa hè, lòng đường thành nơi trông giữ xe trở nên gay gắt hơn bao giờ hết thì tới lượt gầm cầu được... trưng dụng. Nhưng cũng không thể nhìn vào mặt trái của nó để suy xét, dè bỉu mà quên đi nhờ vào những khoảng không này mà cả ngàn chiếc xe đã được xếp ngay ngắn, gọn gàng.

Rao bán cả... gầm cầu

Khi TP Hà Nội tuyên bố cấm trông giữ xe trên 262 tuyến phố nhằm hạn chế tình trạng quá tải, ùn tắc giao thông thì nhu cầu gửi xe của người dân lại càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Đã từ nhiều năm nay, việc tận dụng không gian gầm cầu làm điểm trông giữ xe được xem như giải pháp hữu hiệu nhất giúp giảm bớt “cơn khát” bãi gửi xe trong nội đô.

Trong số 6 cây cầu vượt thuộc khu vực nội thành hiện nay, gầm cầu đã và đang được các đơn vị như Công ty khai thác điểm đỗ xe Hà Nội (thuộc Tổng công ty Vận tải Hà Nội); HTX Thành Công... chăng lưới thép quây khung sắt thành từng điểm trông giữ xe an toàn và khá quy củ. Theo quan sát của phóng viên những ngày gần đây, mỗi gầm cầu được tận dụng “nhét” hàng trăm xe máy, tùy theo diện tích của mỗi điểm. Nơi nào rộng rãi được chủ điểm đỗ “nhồi” cả ôtô vào để có thêm lợi nhuận. Ngoài lượng xe tĩnh thì mỗi ngày có hàng trăm lượt ôtô, xe máy ra vào ký gửi giữ xe. Đặc biệt, vào giờ cao điểm nhiều nơi chật kín điểm đỗ xe.

Giữa nơi đất chật người đông này, một mét vuông đất là có thể nhồi được 2 chiếc xe máy, theo một nhân viên trông giữ xe thì “trông xe lời gấp trăm mà sức tốn một”. Để giải đáp cho nguyên lý “lợi nhuận gấp trăm” này chúng tôi đã mất nhiều ngày trời để tìm ra câu trả lời. Khu vực gầm cầu Thanh Trì có chiều dài khoảng 2km (đoạn từ ngã 3 Pháp Vân tới đường Nguyễn Xiển) đã được căng dây, kẻ vạch bán cho nhiều chủ khác nhau. Biết chúng tôi đang cần đất để làm điểm rửa xe, kết hợp trông giữ xe một đầu nậu (xin được giấu tên - PV) bật mí: "Mỗi doanh nghiệp ở đây đang phải thuê với mức giá từ 12 - 15 nghìn đồng/m2/tháng”.

Nhưng đó là mức giá ký trên giấy, còn bên ngoài, tùy mối quen thân mà mỗi ông phải chi thêm từ 5 - 7 nghìn đồng/m2/tháng. Tuy nhiên, khi được hỏi ông chủ đích thực của khu đất là ai thì vị này lắc đầu quầy quậy từ chối vì lý do "tối mật"?!

Ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam:

Để giải quyết tình hình bãi đỗ xe cấp bách, việc dùng gầm cầu làm bãi đỗ xe có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, cần có quy định nghiêm ngặt và tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc PCCC. Không được làm ảnh hưởng đến chất lượng giao thông, nghiêm cấm những hoạt động dễ gây cháy, nổ, như hàn xì, tập kết hàng hóa, kho chứa hàng…

Theo lời giới thiệu của vị "lái" đất mới gặp, chúng tôi được ông giới thiệu đang có 3 miếng có diện tích: 300m2; 800m2 và 2 nghìn m2 với mức giá trung bình 23 - 25 nghìn đồng/m2/tháng. Với một phép tính đơn giản, với tổng diện tích vào khoảng gần 100 nghìn m2 ở gầm cầu vượt Thanh Trì, ông chủ của nó cũng nhẹ nhàng đút túi hàng tỷ đồng mỗi tháng. Vậy ai đang chễm chệ "ăn" ngon khoản thu hàng chục tỷ bất chính mỗi năm từ khu vực này?

Mặc dù được quy định, cấp phép là điểm trông giữ xe công cộng, nhưng hầu hết các bãi gửi xe dưới gầm cầu vượt vừa thiếu vừa yếu trong công tác đảm bảo vệ sinh, an toàn, phòng chống cháy nổ - điều tối cần thiết cho bất cứ điểm trông giữ xe. Tình trạng thiếu phương tiện phòng cháy, chữa cháy; hệ thống điện nước không đảm bảo là hiểm họa khôn lường trong môi trường dễ cháy nổ, nếu như không được các cơ quan chức năng kịp thời kiểm tra, kiểm soát.

Phạm luật nhưng được châm chước

Khu vực gầm cầu vượt Ngã Tư Vọng (Q.Thanh Xuân) cũng được chia làm ba bãi đỗ xe với tổng diện tích lên cả nghìn mét vuông, do HTX Thành Công quản lý. Đơn vị này dựng hàng rào bằng thép hai bên mép chân cầu. Ôtô, xe máy gần như chật kín diện tích. Nhân viên trông giữ xe tận dụng luôn phần không gian còn lại làm nơi nấu nướng, ăn nghỉ, kéo dây điện chằng chịt... Tương tự là điểm giữ xe dưới chân cầu vượt dẫn lên cầu Chương Dương (thuộc P.Phúc Tân, Q.Hoàn Kiếm), do công ty CP Đồng Xuân quản lý.

  • Ảnh bên: Mỗi mét đất thuê tại gầm cầu đang có giá thuê từ 23 - 25 nghìn đ/m2 (ảnh chụp tại gầm cầu Thanh Trì).

Theo Thông tư số 39/2011/TT-BGTVT ký ngày 18/5/2011 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 11/2010/NĐ-CP ngày 24/2/2010 của Chính phủ về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Thông tư quy định: “Không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, hoạt động kinh doanh dịch vụ, điểm dừng xe, bến xe gây mất an toàn công trình cầu, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường”.

Nghị định 34/2010/NĐ-CP ngày 02/4/2010 của Chính phủ cũng nêu rõ: “Phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng đối với một trong các hành vi buôn bán, dựng lều quán, công trình tạm thời khác trái phép trong khu vực đô thị tại hầm đường bộ, cầu vượt, hầm cho người đi bộ…”. Như vậy, nếu dựa trên cơ sở này, việc xây dựng điểm trông giữ xe dưới gầm cầu vượt là hoàn toàn trái với quy định.

Tuy nhiên, đứng trước tình hình thực tế, khi nhu cầu dừng đỗ và gửi xe của người dân Thủ đô là rất lớn, trong khi số lượng các bãi, điểm đỗ trên địa bàn TP không đủ đáp ứng. Chính vì vậy, UBND TP Hà Nội đã thống nhất chủ trương cho một số đơn vị, DN tổ chức kinh doanh bến bãi làm nơi trông giữ xe. TP Hà Nội giao cho Sở GTVT cấp giấy phép hoạt động từ 6 tháng đến 1 năm/lần cấp phép.

Thượng tá Nguyễn Văn Sơn - Trưởng phòng Hướng dẫn PCCC Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội: 

Thực tế các bãi đỗ xe ở gầm cầu chưa trang bị đầy đủ hệ thống PCCC mà chỉ có phương tiện chữa cháy cá nhân. Nếu để xảy ra hỏa hoạn sẽ thiệt hại rất nặng, bởi nó chứa hàng trăm chiếc xe máy, ô tô chứa vật liệu dễ cháy.

Chủ trương sử dụng không gian dưới gầm cầu cho việc giữ xe của TP Hà Nội đề ra được cho là khả quan. Nhưng nếu tính về lâu dài, mặc nhiên biến gầm cầu thành bãi đỗ xe mà không có kết hợp với các công trình phụ trợ nào khác sẽ gây ra sự bất hợp lý về mật độ, vị trí và khoảng cách các điểm đỗ xe, cản trở việc lưu thông phương tiện, không đảm bảo hài hòa lợi ích sử dụng cũng như tính thẩm mỹ của mỗi cây cầu vượt.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng: “Gầm cầu vượt là chân hành lang bảo vệ. Do vậy về lý, việc giữ xe dưới chân, gầm cầu là không được. Nhưng với điều kiện giao thông tĩnh như ở Hà Nội hiện nay, do thiếu trầm trọng những bãi giữ xe, nên phải tận dụng các khu vực chân, gầm cầu vượt để làm nơi giữ xe. Khi quy hoạch ổn thỏa, nhiều điểm giữ xe được xây mới, đảm bảo được nhu cầu của người dân thì Sở GTVT sẽ không cấp phép cho các điểm giữ xe dưới khu vực chân, gầm cầu vượt”.

Chỉ trong thời gian ngắn tới đây khi Hà Nội sẽ hoàn thành thêm nhiều cầu vượt, đường cao tốc trên cao, đường sắt trên cao… với không gian rộng lớn của gầm cầu, gầm đường này nếu không được quản lý bài bản, sẽ khiến các gầm cầu vượt trở thành những điểm đen, phá vỡ không gian cảnh quan, mỹ quan đô thị. Cầu vượt giao thông là công cụ hữu hiệu, có vai trò vô cùng quan trọng để giải quyết vấn đề ùn tắc, phân luồng di chuyển các phương tiện tại các nút giao thông. Tuy nhiên, việc điều tiết công năng, xử lý cảnh quan dưới gầm cầu vượt cũng có tác dụng tích cực để giải quyết công tác quản lý xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, văn minh đô thị.

Hà Ngọc


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo