Ashui.com

Friday
Nov 29th
Home Tương tác Góc nhìn Trước mặt tiền

Trước mặt tiền

Viết email In

Chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây cũ) có một điểm lạ, cổng vào ở bên cạnh do cửa chính ở mặt tiền ít khi mở. Chính vì vậy mà khách thập phương phải đi ngược từ sau ra trước nên bao giờ cũng nhìn thấy lưng hai ông thiện ác rồi mới thấy mặt. Thế cũng hay, hoá ra mặt sau của ông thiện ông ác, của thiện ác cũng có vô khối thứ để nhìn, để ngẫm. Theo cái lý nhất nguyên của nhà Phật thì thiện ác cũng là một, lưng của hai ông này rất giống nhau không thể phân biệt được. Còn mặt thì ông thiện là để khuyến thiện, ông ác để răn người ta không nên làm điều ác, chỉ nên làm điều thiện, khác mà vẫn giống là thế. Thêm một điểm độc đáo nữa, mặt tiền chùa Thầy nhìn ra một cái hồ rộng, ở giữa có một toà thuỷ đình để biểu diễn rối nước. Mùa xuân đi hội chùa Thầy, vào lễ Phật xong ra xem diễn rối nước rất vui. Từ bi trước hỉ xả sau, từ bi mệt quá thì lại hỉ xả.


Chợ trước cổng chùa Mía

Điểm nhấn dễ nhận ra của mặt tiền chùa Mía (xã Đường Lâm, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây cũ) và chùa Đậu (xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Nội) là kiến trúc cổng, kiểu tam quan này điển hình của thế kỷ 17, dưới là cổng, trên là gác chuông. Liền ngay cửa chùa Mía có một cái chợ, sáng nào cũng họp, chợ làng thôi thế mà vẫn đủ cả, rượu thịt, dao thớt, chặt chém, bán mua, đủ cả tham sân si. Chẳng sao, đạo với đời suy đến cùng là một, là như nhất, mê là người, ngộ là Phật. Trong đời có đạo, trong đạo có đời, bên trong cổng là đạo, ngoài cổng là đời, ngoài cổng là bến mê, trong cổng là bờ giác. Trong và ngoài tam quan, trước hay sau tiếng chuông, mặt tiền hay mặt hậu chỉ là phương tiện. Tuỳ duyên mà đi, tuỳ duyên mà nghe, tuỳ duyên mà nhìn.

Nói chuyện chợ chùa thì phải nói chuyện chợ đình. Làng Nành (ngoại thành Hà Nội) là tên Nôm, mọi người thường gọi là làng Ninh Hiệp chuyên bán buôn các loại vải. Chùa Nành ở cuối chợ còn đình Nành thì ở đầu chợ. Trong đình Nành có bức hoành phi năm chữ “Quốc biến dân bất biến” nghĩa là nước có biến, chiến tranh thiên tai thì lòng dân vẫn thế, vẫn phải chợ búa, làm ăn, mưu sinh để sống. Sống đã! Không sống thì còn yêu làng, yêu nước sao được? Cho nên chợ trước đình đẹp cả chợ, đẹp cả đình.

Mặt trước của đình Mông Phụ (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây cũ) ngay bên trái tam quan có một ngôi nhà nhỏ kiểu ba gian hai chái, tiền kẻ hậu bẩy. Không còn đình nào có ngôi nhà như vậy ở trước mặt tiền. Đây là nhà xích hậu, tuy liền với cổng đình, là một bộ phận của đình nhưng vẫn ở ngoài đình. Nhà này có hai chức năng, một là nơi “tạm giam” phạm nhân trước khi bị giải vào đình để các cụ xét xử, hai là nơi để thay phục trang và “make up” của các đào kép chuẩn bị cho đêm diễn chèo trong sân đình. Đình là chốn tôn nghiêm cho nên ngay từ khi thiết kế đã vẽ ra kiểu nhà này. Làm được việc tưởng nhỏ như vậy nhưng chính ra lại là làm được việc lớn, làm được lễ, giữ được lễ. Người xưa quan trọng chuyện lễ chứ đâu như bây giờ. Mất lễ từ trên xuống dưới nên mới sinh ra nhem nhuốc, nhếch nhác, xô bồ từ ăn mặc, nói năng đến đi lại rồi nhà cửa nữa... Đi cả buổi từ hồ Gươm vào Hà Đông rồi quay ra mà chẳng thể tìm được một cái mặt tiền nào ra hồn, càng mới càng xấu, càng nhà to, nhà giàu càng thê thảm.


Đầm sen trước làng Cựu

Nói chuyện mặt tiền chùa và đình rồi, giờ nói đến làng. Mặt tiền làng là cổng làng nhưng phía trước của cổng làng là gì? Đẹp nhất và hay gặp nhất ở các làng cổ vùng đồng bằng sông Hồng là đầm sen phía trước làng, ví dụ như ở làng Cựu (Phú Xuyên, Hà Tây cũ) bên cạnh cổng làng là đình, phía trước là đầm sen, chùa ở sau làng, có thể là để tịnh và tĩnh hơn. Thêm một lý do nữa, đình thờ Thánh và thờ Thành hoàng làng (người có công lập làng) nên để phía trước. Tiền Thánh hậu Phật. Còn trong tất cả các chùa Việt thì bao giờ cũng có bàn thờ Thánh (nhưng để phía sau), tức là ngược lại tiền Phật hậu Thánh.

Hoạ hoằn có trường hợp đặc biệt, đình không quay mặt ra ngoài mà quay về làng, cho nên làng trở thành trang trí mặt tiền cho đình. Đó là đình Phù Lão (xã Đào Mỹ, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang).

Làng nào mà chẳng có đình, có chùa. Phía trước đình nào, chùa nào cũng có một cái hồ, phần lớn là hồ bán nguyệt, viền quanh bờ hồ xây gạch, gọi theo lối cũ là xây kiểu bát vần. Nhưng lạ thế này, có ai quy định không mà phần lớn các hồ đó đều hình bán nguyệt.

Đình chùa bao giờ cũng được dựng ở vị trí đắc địa trong cuộc đất của làng. Người ta tin rằng sinh mệnh của làng phụ thuộc vào điều này. Cũng theo phong thuỷ, hồ hoặc giếng phía trước đình (chùa) là minh đường thuỷ tụ mang lại phúc lành cho dân làng. Ấy thế nhưng ở đời luôn có hai phần lành dữ, may rủi, xấu tốt, âm dương. Vậy thì cái hồ bán nguyệt trước cửa đình (chùa) biểu tượng cho sự mong cầu điều lành nhưng chỉ một nửa thôi, nửa lành còn lại dành cho người làng khác cùng hưởng. Đó là vẻ đẹp nhân văn của hồ bán nguyệt chăng?


Giếng Ngọc, làng Diềm

Làng nào cũng có đình chùa, làng nào cũng có giếng, giếng làng, giếng đình, giếng chùa. Nhưng giếng như giếng ở làng Diềm (Bắc Ninh) thì độc nhất. Giếng ở phía trước làng, cách cổng làng một đoạn. Giếng hình chữ nhật, ba cạnh là thành giếng, một cạnh còn lại xây bậc thang. Cách đây năm năm trong một lần Bắc du, bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng đi thăm làng Diềm, ông đứng soi mình xuống giếng Ngọc, nhìn bầu trời xanh lung linh trong đáy nước và thốt lên rằng: Hỡi ôi! Chả thể tìm được hình ảnh nào hay bằng cái giếng để nói về y đức. Giếng chỉ cho mà không bao giờ nhận, cho mà không bao giờ hết, cho đi rồi lại đầy... Lần đó bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng và tôi nói nhiều về chuyện giếng, nói lan sang quẻ Tỉnh, quẻ Thuỷ Phong Tỉnh trong kinh Dịch (Tỉnh là giếng). Giếng làng là huyệt đất tốt, hoặc để trấn yểm đất dữ cho làng nên giếng luôn có bệ thờ thần giếng.

Tuần trước tôi đi làng Diềm, không phải để nghe các liền chị ngoài tám mươi hát quan họ, tôi vào đình Diềm đàm đạo với ông từ. Ông thủng thẳng: Cậu đến muộn rồi, mùng ba tháng ba hàng năm là hội, mọi người trong làng cùng ra giếng Ngọc, làm lễ thau giếng, tát nước, dọn dẹp lòng giếng... Tôi chợt nghĩ: giếng là nơi sâu nhất của làng, theo cách nghĩ của Lão Tử thì cũng là nơi cao nhất. Sâu nhất, thấp nhất cũng có nghĩa là nơi chứa đựng được nhiều nhất. Cho nên lòng giếng cũng là lòng làng, lòng người. Bất luận thế nào nếu nặng lòng quá với những gì đã qua, nếu cứ chứa chất mãi cho dù hay dở làm nó đầy thêm thì sống tiếp sao được? Lòng ai mà chả bừa bộn ngổn ngang chuyện này, chuyện khác, mỗi người mỗi phận, mỗi gia mỗi cảnh. Thỉnh thoảng người ta cũng nên nghỉ ngơi, nên dừng lại để dọn mình, dọn dẹp lòng mình là vậy.

Lê Thiết Cương

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...