Trong quy hoạch đô thị, vỉa hè là không gian thiết yếu dành cho người đi bộ lẫn người sử dụng các loại xe thô sơ như xe lăn. Đặc biệt, khi đô thị xây dựng hệ thống giao thông công cộng (như tàu điện, xe buýt), vỉa hè chính là “con đường” an toàn và tiện lợi nhất để cư dân đến được với tàu, xe.
Ở TPHCM, suốt một thời gian dài vỉa hè bị các nhà quy hoạch và quản lý coi như những “công trình phụ”. Nhiều nơi, đường có đã lâu, nhưng vỉa hè đoạn có đoạn không. Có nhiều con đường, vỉa hè đã có nhưng cũng như không. Bởi vỉa hè xây dựng đến đâu đã bị chiếm dụng đến đó. Điều đáng nói, việc chiếm dụng đó dường như đã có trong tâm thức của nhiều người và nó diễn ra như một lẽ tự nhiên!
Ai đến TPHCM đều biết, hệ thống vỉa hè của đô thị này đã bị tắc. Vỉa hè trở thành “chợ”, nơi mà người ta quen gọi là “chợ cóc”, “chợ lề đường”. Và cũng trên vỉa hè, người ta dựng lều, che bạt, để bàn ghế, bày nồi niêu, nhóm bếp nấu nướng, bán đồ ăn, thức uống... Hơn thế, ngay từ khi xây dựng đường phố, không ít các đơn vị thi công lắp đặt một cách tùy tiện các hố ga, trụ điện, bình biến áp và thậm chí còn cho xây cả nhà vệ sinh công cộng trên vỉa hè, cứ như thể họ không biết đó là không gian thiết yếu của người đi bộ.
- Ảnh bên: Việc chiếm dụng vỉa hè dường như đã có trong tâm thức của nhiều người và nó diễn như một lẽ tự nhiên (Ảnh: Thanh Toán)
Có thể nói, vỉa hè ở TPHCM đã không được xây dựng và tổ chức một cách có hệ thống và quy củ để cư dân có thể đi bộ liên thông được trên các tuyến đường.
Thực tiễn của cuộc mưu sinh!
Cư dân buôn bán trên vỉa hè chủ yếu vẫn là những người không có tay nghề, không có nhiều vốn, không còn trẻ và khỏe để vào làm việc trong các công ty, hay đó là những người đã hết tuổi lao động mà không có khoản tiền trợ cấp xã hội nào khác để sống nên đành bấu víu vào vỉa hè.
Vỉa hè đã trở thành nơi kiếm sống của một bộ phận người dân bởi nó đáp ứng được nhu cầu dịch vụ và hàng hóa giá rẻ, tiện lợi và tiết kiệm thời gian cho đông đảo cư dân đô thị trong nội thành lẫn ngoại thành. Thực tiễn đô thị hóa ở TPHCM cho thấy cư dân ở đây vẫn có thói quen mua hàng tại các hàng quán nhỏ “bên đường”, đặc biệt là những khu “chợ lề đường” với các mặt hàng tiêu dùng đa dạng, giá rẻ. Đáng chú ý, trong bối cảnh chi phí cho các nhu cầu thiết yếu như thuê nhà ở, tiền điện, tiền nước, y tế, giáo dục tăng đều trong thời gian gần đây đã khiến cư dân tìm đến các chợ cóc, chợ lề đường ngày một đông hơn.
Dù nhìn nhận dưới góc độ nào thì những hoạt động mưu sinh trên vỉa hè đã nảy sinh, tồn tại rất phổ biến và mang tính khách quan.
Từ ngăn cấm... đến tổ chức!
Từ năm 1995, UBND TPHCM đã có những chỉ thị cho các quận/huyện triển khai và thực hiện nhiều giải pháp nhằm ngăn cấm hoạt động buôn bán “lấn chiếm lòng lề đường”. Các giải pháp từ đó đến nay vẫn chủ yếu là treo khẩu hiệu, thu gom, phạt tiền, và giúp cư dân “chuyển đổi nghề”. Tuy nhiên, kết quả của các giải pháp này vẫn chưa thể trả lại được vỉa hè cho người đi bộ. Thực tế cho thấy các nhà quản lý cần quan tâm đến nhiều vấn đề khác.
Vỉa hè là không gian kinh tế, không gian xã hội rất nhạy cảm. Trong những hoàn cảnh kinh tế - xã hội nhất định, người ta phải điều hòa lợi ích để cho nhiều nhóm xã hội tham gia hưởng lợi từ vỉa hè. Các nhà quản lý cần cân nhắc để quyền được khai thác vỉa hè của một nhóm người ưu tiên nào đó không mâu thuẫn và xung đột với quyền đi bộ trên vỉa hè của các cư dân. Để hạn chế các xung đột về quyền lợi này, người ta phải nghiên cứu để đưa ra các quy định cũng như ứng dụng các giá trị văn hóa xã hội của cộng đồng để tổ chức tốt đời sống đô thị.
Giải pháp để trả lại vỉa hè không phải là ngăn cấm, hay dẹp bỏ các hoạt động mua bán. Cái chính yếu, là hoạt động buôn bán đó diễn ra ở đâu, trong phạm vi nào, cách bài trí hàng hóa, văn hóa kinh doanh... phải được tổ chức ra sao. Cư dân chiếm dụng vỉa hè phải tự thu xếp sao cho không lấn át quyền lưu thông của người khác. Phải có những giải pháp nhằm chuyển những hành động, cách ứng xử được coi là không văn hóa, không văn minh (giữa các nhóm cư dân) trên vỉa hè trở thành những hành động, ứng xử có văn hóa, có văn minh trên vỉa hè.
(ảnh: SGTT)
Thành phố phát triển là thành phố đem lại cơ hội và chất lượng cuộc sống tốt đẹp cho các thành phần cư dân khác nhau. Do vậy, thay cho các giải pháp ngăn cấm là nhóm các giải pháp tổ chức để sống chung với các hoạt động buôn bán nhỏ. Qua đó, chính những người chiếm dụng vỉa hè tự thấy phải trả lại không gian vỉa hè cho cư dân thành phố một cách chủ động, chứ không phải trả lại cho chính quyền phường/quận hay cho lực lượng cảnh sát như lâu nay.
Trong việc tổ chức lại như vậy, thiết nghĩ chính quyền và người dân nên cùng hợp tác xây dựng các tuyến phố chuyên doanh, nơi chuyên cung cấp những mặt hàng và dịch vụ nhất định, phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Thông qua các tuyến phố chuyên doanh đó mỗi địa phương dễ dàng xây dựng và thể hiện các nét văn hóa kinh doanh của mình. Và cũng từ đó, sẽ có điều kiện thuận lợi về mặt không gian để quản lý trật tự, xây dựng nếp sống văn minh với sự tham gia của cộng đồng.
Khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia xây dựng mạng lưới những cửa hàng giá rẻ dưới dạng những siêu thị nhỏ, phân bố tương đối dày, đều khắp, tương tự mạng lưới của các đại lý bưu điện hiện nay.
Cùng với người dân, chính quyền phường xã nên xây dựng các mô hình quản lý kinh doanh tự quản, tiến tới xây dựng những nội quy nhằm giúp người dân tham gia hoạt động buôn bán nhỏ biết được quyền lợi và nghĩa vụ khi thực hiện giữ gìn vệ sinh, an ninh trật tự,... trong kinh doanh, buôn bán (dù là buôn bán nhỏ). Nên chấm dứt tình trạng chế tài nửa vời, tức phạt tiền theo mức quy định, không để người dân tự cho mình cái quyền chiếm dụng vỉa hè sau khi đã tính toán nâng giá hàng hóa lên mức trừ hết các chi phí (cả tiền thuế, tiền phạt...) vẫn còn lời!
Cần có lực lượng cảnh sát đô thị (cảnh sát đường phố) hoạt động chuyên trách để nhắc nhở hoặc phạt nặng các trường hợp cố tình làm mất trật tự, chiếm dụng vỉa hè sai quy định. Song song đó là việc giáo dục, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện buôn bán thiếu văn hóa để làm sao người bán hàng lẫn người mua hàng cùng hiểu được rằng mua bán trên vỉa hè cũng là một hoạt động văn hóa.
Phạm Thanh Thôi
Từ 16/5, một đoàn thanh tra liên bộ gồm đại diện các bộ Giao thông vận tải (GTVT), Tài chính, Công an và Xây dựng đã bắt đầu thanh tra việc chấp hành quy định trong quản lý, sử dụng lòng đường, hè phố tại TPHCM để chỉ ra những vướng mắc hoặc vi phạm để kịp thời chấn chỉnh. Ông Nguyễn Xuân Hào, Chánh Thanh tra bộ GTVT, trưởng đoàn thanh tra, cho biết tại TPHCM thời gian vừa qua, vỉa hè, lòng đường bị lấn chiếm để làm nơi buôn bán kinh doanh, trông giữ xe gây mất trật tự an toàn giao thông cũng như ùn tắc giao thông, gây bức xúc cho người dân. Và chấn chỉnh tình trạng này trở thành một công việc ưu tiên trong năm an toàn giao thông 2012. Thực tế trên diễn ra đã từ lâu. Từ năm 1995, UBND TPHCM đã cho nhiều chỉ thị cho các quận huyện thực hiện nhiều giải pháp ngăn cấm hoạt động buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường nhưng hầu như không mấy hiệu quả. Năm 2009 TPHCM đã ban hành danh mục 112 tuyến đường được phép sử dụng một phần vỉa hè để kinh doanh nhưng thực tế trên toàn địa bàn thành phố với cả nghìn con đường, đâu đâu vỉa hè cũng bị lấn chiếm để bày hàng buôn bán, làm dịch vụ (sửa xe...) hoặc làm nơi để xe gắn máy, xe ô tô. Theo khảo sát của sở GTVT TPHCM tại 20/14 quận huyện có 2.389 điểm kinh doanh trông giữ xe, trong đó có hơn một nửa (1.437 điểm) chiếm dụng vỉa hè, lòng đường. Nhà nghèo đã thế, nhà giàu cũng không kém. Cũng theo sở GTVT, đến giữa năm 2011 tại khu vực trung tâm thành phố có 79 tòa nhà cao tầng, trung tâm dịch vụ thương mại, văn phòng cho thuê nhưng chỉ có 14 tòa nhà có đủ diện tích để đậu xe, 65 tòa nhà còn lại thiếu hoặc không có chỗ đậu xe cho nhân viên, khách đến giao dịch, buộc phải chiếm dụng vỉa hè, lòng đường để đậu xe. Nếu kiên quyết thực hiện “lòng đường để cho các phương tiện lưu thông, vỉa hè dành cho người đi bộ” như tuyên bố của ông Chánh thanh tra Nguyễn Xuân Hào, có khả năng nhiều gia đình sẽ mất đi chỗ kiếm cơm, từ đó đặt ra cho xã hội thêm nhiều vấn đề phải giải quyết. Giải quyết mâu thuẫn này như thế nào quả không dễ. Trên báo Lao động, ông Thạch Như Sỹ, Phó trưởng đoàn thanh tra, cho rằng giải quyết triệt để tình trạng lấn chiếm sử dụng vỉa hè, lòng đường hiện nay có 4 vấn đề cần thực hiện đồng bộ. Đầu tiên là các cơ quan quản lý nhà nước cần ban hành các văn bản phù hợp thực tiễn, quản lý tốt các vỉa hè, lòng đường. Đồng thời, để không xảy ra lấn chiếm thì cơ quan quản lý cũng phải tổ chức, quy hoạch sắp xếp lại cho người dân, đây là cái gốc của vấn đề. |
- Chuyện phố phường, làng xã
- Hiện đại hóa tiểu thương: Chợ sẽ thắng siêu thị?
- Cải tạo chung cư cũ: Nhìn từ chung cư… hoang!
- Đô thị cổ Liên Lâu, nơi phát tích Đạo Phật Việt Nam
- Hà Nội: mưa = ngập
- Động và tĩnh trong quy hoạch
- Nhà ở kết hợp buôn bán: văn hoá kinh doanh hợp quy luật lịch sử
- Lời cảnh báo đáng lắng nghe...
- Gương mặt mới của nghèo đói
- Trước mặt tiền