Ashui.com

Sunday
Apr 28th
Home Tương tác Góc nhìn Động và tĩnh trong quy hoạch

Động và tĩnh trong quy hoạch

Viết email In

Nhiều nhà nghiên cứu đô thị lấy mật độ lưu thông trên các tuyến đường của một đô thị làm một trong những tiêu chí để phân biệt đô thị “động” hay đô thị “tĩnh”. Một thành phố phát triển bền vững phải chú ý đến chất lượng sống của người dân, phải là nơi hội tụ đủ các yếu tố mà cư dân có thể sống, nghỉ ngơi và làm việc.

Trong đó khu vực động là nơi của yếu tố làm việc, với nhịp sống sôi động, sự tấp nập trên các con phố, những cửa hàng buôn bán và ở đây giá trị của hai chữ “mặt tiền” được thể hiện rõ nhất. Còn khu vực tĩnh là nơi chủ yếu để nghỉ ngơi và sống với những hàng cây phủ bóng mát, những con đường yên tĩnh, nhịp sống nhẹ nhàng hơn và khái niệm mặt tiền ở đây không còn thể hiện đầy đủ giá trị so với ở thành phố động…

Như vậy ngay trong bản thân một đô thị bao giờ cũng cùng tồn tại 2 khái niệm động – tĩnh và do đó trong quy hoạch tổng thể thành phố, việc quy hoạch phân khu chức năng làm việc và để ở phải có sự tách biệt và phải khác nhau về cấu trúc hạ tầng. Tại khu vực thành phố “động”, đường sá phải được làm to hơn nhằm đáp ứng mật độ lưu thông cao hơn so với những khu “tĩnh”. Không ít người dân thành phố đã lấy khu dân cư Bàu Cát quận Tân Bình TPHCM làm bài học nhãn tiền về tầm nhìn cũng như thiếu rõ ràng về phân khu chức năng trong quy hoạch. Khu dân cư Bàu Cát được xem là một trong những khu dân cư mới, điển hình vào những năm đầu thập niên 90 thế kỷ XX.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do trong đó có lý do là những người có chức trách trong quy hoạch khi đó chưa hình dung hết tốc độ cũng như quy mô phát triển ở khu vực này, xem đây sẽ chỉ là khu vực tĩnh nên những con đường được làm chỉ đủ đáp ứng cho mật độ dân số vừa phải. Chính vì thế sau khi nơi đây trở thành khu dân cư sầm uất thì những con đường trong khu dân cư Bàu Cát bỗng trở thành những “con đường làng” đã tạo ra nghịch lý, hạ tầng khu vực tĩnh phục vụ các hoạt động khu vực động, nên cảm giác chật chội, đông đúc thiếu trật tự là điều không tránh khỏi.

Ngay từ trước ngày giải phóng Sài Gòn thống nhất đất nước, câu nói “ăn quận 5 nằm quận 3, làm quận 1” cũng đã chia thành phố thành những khu tĩnh và động. Đến nay mặc dù quận 3 đã trở thành một trong những quận trung tâm về kinh tế, dịch vụ… nghĩa là đã chuyển từ khái niệm tĩnh sang động nhưng phảng phất đâu đó trên những con đường Tú Xương, Trần Quốc Thảo… vẫn còn nét của sự tĩnh lặng.

Tại TPHCM hiện nay, mặc dù có rất nhiều khu dân cứ mới được mọc lên, tuy nhiên hai khái niệm “động” và “tĩnh” vẫn chưa được các nhà quy hoạch quan tâm đúng mức. Vì thế hiện nay khó ai có thể chỉ ra trong thành phố đâu là nơi để ở, đâu là nơi làm việc, đâu là nơi vui chơi giải trí. Ngay cả những con hẻm khi xưa thường được xem là nơi để ở thì nay cũng đã trở thành nơi kinh doanh, buôn bán... Không có sự phân biệt khái niệm động và tĩnh trong quy hoạch thành phố cũng đồng nghĩa với việc ngay cạnh một cơ quan làm việc, hay trong một khu vực làm việc vẫn có thể có chỗ để ở hoặc vui chơi giải trí và ngược lại…

Phân biệt rõ khu vực “tĩnh” và “động” trong một thành phố là điều mà bất cứ đô thị phát triển nào cũng phải quan tâm thực hiện, vì chỉ có như thế mới bảo đảm sức khỏe để tái sản xuất sức lao động cho cư dân đô thị.

Chiến Dũng

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo