Ashui.com

Friday
Nov 29th
Home Tương tác Góc nhìn Gương mặt mới của nghèo đói

Gương mặt mới của nghèo đói

Viết email In

Trong các chương trình truyền hình chào mừng các ngày lễ lớn hay muốn minh họa sự phát triển của TPHCM, rất thường hay thấy cảnh kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. 

Có lẽ đó là một sự so sánh đắt nhất những đổi thay ngoạn mục của thành phố này, giữa hình ảnh những dãy bờ kè ngăn nắp của dòng kênh ngày hôm nay, cùng những dãy nhà phố khang trang sầm uất và những quán nhậu đông đúc khi chiều đến, như minh chứng sự phồn thịnh của hiện tại, đối lập với hình ảnh những khu ổ chuột nhếch nhác, bẩn thỉu và dòng kênh đen ngòm khi xưa.


Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè ngày nay
(Ảnh: T.T.D. /Tuổi Trẻ)

Năm 1995-1996, khi làm việc trong một chương trình hỗ trợ trẻ đường phố thuộc một tổ chức phi chính phủ của Pháp, tôi đến những khu ổ chuột ven kênh Nhiêu Lộc đó hầu như mỗi tuần, nhưng chưa bao giờ dám đi một mình mà không có người dẫn đường. Không phải vì sợ, mà vì rất dễ lạc trong những con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo như ma trận luồn lách qua những cái gọi là “nhà”, thường là những căn lều rách rưới tạm bợ xiêu vẹo dựa dẫm vào nhau, hay gác lên dòng kênh đen hôi một mùi đặc quánh, ám ảnh. Nhưng những cư dân ở đó không bao giờ biết sự tồn tại mùi hôi ấy, họ đã quá quen thuộc với nó.

Dự án của tôi kết thúc cũng là lúc khu vực kênh Nhiêu Lộc giải tỏa, thỉnh thoảng tôi cũng muốn tìm gặp lại những đứa trẻ lang thang đó và người thân của chúng. Thậm chí tôi đã từng tìm đến thăm hỏi những khu chung cư được xem là dành cho người tái định cư khu vực ổ chuột hồi trước, nhưng tuyệt không có dấu tích của họ. Những thầy cô giáo của những lớp tình thương năm xưa nói rằng, lũ trẻ và gia đình của chúng đã dạt ra ngoại thành, những khu vực như Hóc Môn, Nhà Bè, Thủ Đức... Nghe nói, nhiều người trong số họ dù ở xa, vẫn tiếp tục hàng ngày chạy xe hay đi xe buýt vào trung tâm thành phố, vào các khu chợ và các ngõ hẻm quận 1, quận 3... để bán vé số, đánh giày, bán hàng rong, bốc vác, ăn xin..., tiếp tục cuộc mưu sinh của họ.

Vì thế, như một thói quen, tôi vẫn luôn chú ý nhìn gương mặt của những người nghèo mà tôi thấy trên đường. Dù vẫn chưa gặp lại những người quen cũ, nhưng tôi lại thấy vô số những gương mặt mới, đa dạng hơn của nghèo đói.


Nhà lụp xụp bên bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè năm 1993
(Ảnh: Nguyễn Công Thành)

Nếu người nghèo năm xưa là con cái của những người nghèo “gia truyền” đã định cư ở khu ổ chuột từ đời này qua đời khác, thì nay “người nghèo mới” nhiều hơn, từ các tỉnh và các vùng thôn quê đổ về. Mỗi buổi sáng sớm, khi những con đường còn chưa kịp “kẹt” xe, trên những cửa ngõ vào thành phố có nhiều người lũ lượt đạp xe gắn những cái cần xé bằng dây thép chất đầy một loại trái cây nào đó mà chắc họ phải dậy từ sớm hơn nữa để mua ở chợ đầu mối, để đến khi người thành phố đi làm đã thấy họ đứng bán ở những góc đường từ bao giờ. Có một buổi chiều mưa, tôi thấy một người đàn ông như thế đứng tần ngần bên chiếc xe còn tới hơn phân nửa cần xé những trái táo nhỏ, nhìn kỹ đã hư ủng gần hết, nhưng dường như ông vẫn hy vọng sẽ còn ai đó muốn mua...

Nếu người nghèo những năm trước còn thong thả, nay họ phải cạnh tranh quyết liệt hơn nhiều. Ông Sáu đã hơn năm chục tuổi, chạy xe ôm ở Bến xe Miền Đông “từ hồi đó tới giờ”, nói “hồi đó” người đi nhiều hơn xe, nay xe nhiều hơn người, khó khăn vô cùng. Gia nhập lực lượng này có thêm nhiều người ở quê mới lên, những thợ hồ, công nhân thất nghiệp, cả sinh viên làm thêm... Ông Sáu kể, như ông chạy xe lâu có mối mang mà còn khó, mấy đứa mới vô nghề kể như đói liên miên. Nhiều xe thì phải cạnh tranh bằng cách hạ giá, trong khi xăng thì lên giá mãi, nhiều khi cầm mấy tờ bạc mà ứa nước mắt. Chưa kể, vì giành khách mà đánh chửi nhau xảy ra như cơm bữa, tình người mong manh hơn bao giờ.

  • Ảnh bên: Những người nghèo không biến mất, họ vẫn còn đi về khắp các ngả đường và ngày càng nhiều lên (Ảnh: Thanh Tao)

Cuộc mưu sinh khắc nghiệt và sự cách biệt giàu-nghèo có thể khiến con người trở nên chai sạn đi. Tôi đã chứng kiến những đám giỗ ở làng quê mà những người trong họ tộc bao nhiêu năm tình thân gắn bó, giờ từ mặt nhau chỉ vì cái nghèo. Một gia đình làm mấy sào rau chỉ bán được hơn 100.000 đồng, chưa đủ tiền thức ăn, làm sao có tiền đóng góp cho họ tộc, cho việc mồ mả cha ông? Xích mích đó còn nhẹ, chuyện trộm nhau con gà, trái mít... có khi cũng dẫn tới đánh giết nhau.

Ở nơi cái nghèo thấm thía ăn mòn trong máu thịt, con người có thể còn hơn cả hổ dữ. Tôi từng biết có người mẹ bán trinh những đứa con gái của mình, lần lượt. Đến đứa con gái mười lăm tuổi đã mất trinh, không bán được, bà ta bực mình nói, “rút kinh nghiệm con em nó, mười hai mười ba tuổi là phải bán liền kẻo không kịp”. Liệu ai có thể cứu được họ khi chính họ không còn biết đó là tội ác. Người mẹ ấy bán trinh con mình mà thản nhiên như thể đi hốt hụi.

Khi xưa đến khu ổ chuột kênh Nhiêu Lộc và hỏi sao mùi hôi thế mà mọi người cũng chịu được, họ đều nhìn tôi ngạc nhiên, cái gì hôi, tụi tui có thấy mùi gì đâu? Họ sống trong mùi hôi ấy đã quá lâu, đến nỗi không còn cảm nhận được nó. Rồi đến khi chính họ cũng không cảm nhận được là họ còn có thể sống như những con người, có quyền có những điều cơ bản nhất, như quyền được sống sót mà không phải đánh đổi tất cả, kể cả tình yêu thương, kể cả lòng tự trọng, phẩm giá và cả mạng sống của mình.

Họ không những không cảm thấy được mùi hôi thối của con kênh, họ còn đang trở nên vô hình, vô tiếng. Người ta đã quên mất họ, không nhìn, không nghe thấy họ, trong những chương trình phát triển, tái cơ cấu, đầu tư... hàng trăm ngàn tỉ. Những người nghèo không biến mất, họ vẫn còn đi về khắp các ngả đường và ngày càng nhiều lên, nhưng trên những bản đề án, những khung hình truyền hình, chỉ còn lại những bờ kênh gọn gàng, những tòa nhà lộng lẫy, những con đường mênh mông rực rỡ ánh đèn và những tượng đài hoành tráng.

Thanh Hương


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Lời bình  

 
+1 # Minh Châu 15/05/2012 19:25
Cảm ơn nhà báo Thanh Hương và ashui.com đưa ra góc nhìn rất thực tế này trong cái gọi là tiến trình quy hoạch hiện đại hóa TP. Trong cụm từ chúng ta hay được nghe trong chính sách QLĐT là " chuyển hóa địa bàn" dành cho những khu vực/cộng đồng nghèo thường bị gắn với những tệ nạn xã hội. Chính vì vậy hơn ai hết các nhà lãnh đạo và QLĐT đều hiểu rất rõ làm gì có chuyện "tự nhiên biến mất" các CĐ nghèo! Chỉ có điều họ không muốn nhìn thấy, không muốn nghe sự thật. Vậy thôi!
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 
 
0 # Van Lang 15/05/2012 22:16
Con kenh lam 10 nam chua xong.Nuoc van còn hội thối như cũ.
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...