Từ giữa tháng 4, TP.HCM bắt đầu chi hơn 50 tỉ đồng để lắp đặt dải phân cách cho các tuyến đường Nguyễn Tất Thành, Trường Chinh, Cộng Hoà, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Lê Thị Riêng, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, quốc lộ 1, 13, 22, liên tỉnh lộ 25B… nhằm giảm bớt nạn kẹt xe. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra cho thấy, các cơ quan chức năng đã không khảo sát và hệ luỵ là gây bức xúc, lãng phí tiền thuế của người dân đóng.
Phân làn giao thông: dân ra giữa đường đón xe buýt
Trên đường Trường Chinh, gần 4,1 tỉ đồng đã được chi để lắp 2,7km dải phân cách đoạn từ ngã tư Bảy Hiền đến đường Cộng Hoà, quận Tân Bình, nhưng lại gây kẹt xe kéo dài trong những giờ cao điểm. Chính quyền địa phương đã phải huy động lực lượng dân phòng đứng thành rào chắn ở phía bên đường không kẹt xe để hướng dẫn cho xe hướng đang kẹt lấn sang bên trái dải phân cách. Nhưng theo ông Lê Trung Toàn, ngụ phường 14, Tân Bình: “Ai liều mới dám đi theo hướng dẫn của dân phòng vì chỉ cần lái xe chiều ngược lại, không quan sát thì coi như xong tính mạng”.
Cũng trên đường Trường Chinh, đoạn từ cầu Tham Lương đến mũi tàu Cộng Hoà – Trường Chinh, từ khi cấm các loại xe máy lưu thông vào phần đường ôtô, thì xe máy không còn chỗ chạy vì làn đường quá hẹp. Ngày 8.5 vừa qua, sở Giao thông vận tải TP.HCM đã họp và tháo gỡ bằng cách: tất cả xe buýt (15 tuyến với khoảng 2.700 lượt xe mỗi ngày) phải chạy sang làn ôtô để ưu tiên làn hỗn hợp cho xe máy. Các trạm dừng xe buýt theo đó cũng sẽ được chuyển từ lề đường sang mép dải phân cách cứng sát với làn ôtô. Như vậy, mối nguy mất an toàn mới phát sinh: người đi xe buýt phải băng đường để lên xuống xe buýt. Sáng ngày 10.5, chúng tôi đứng nhìn từng người dân len lỏi băng qua đường để đến các trạm xe buýt mà không khỏi thót tim. Ngành giao thông vận tải nghĩ sao khi tính mạng con người bị xem nhẹ như vậy?
Dẹp làn giao thông: lãng phí tiền của dân
Khác với đường Trường Chinh, tại đường Võ Văn Kiệt (đại lộ Đông Tây), khi nhận được phản ánh của một số người dân là làn đường dành cho xe máy hẹp, gây kẹt xe, sở Giao thông vận tải TP.HCM đưa ra giải pháp: sẽ phá bỏ dải phân cách cứng (tức hàng cây xanh) ở giữa hai làn xe gắn máy (hướng lưu thông từ huyện Bình Chánh tới đường hầm sông Sài Gòn) để tạo bề rộng cho các xe cộ lưu thông an toàn.
Ngay sau khi sở Giao thông vận tải đưa ra chủ trương trên, nhiều kiến trúc sư đã lên tiếng phản ứng. Họ cho rằng, dải phân cách cứng trên đường Võ Văn Kiệt được đầu tư nhiều tiền của, có trồng cây xanh, nay nếu phá bỏ sẽ phá vỡ cảnh quan, gây lãng phí. Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu (hội Kiến trúc sư TP.HCM) khuyến cáo, ngành giao thông cần tính toán để vừa tổ chức giao thông hợp lý vừa tránh phải phá bỏ dải phân cách trồng cây xanh cho đường Võ Văn Kiệt.
Qua khảo sát của phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị từ 11 – 13 giờ 30 trưa ngày 10.5 trên suốt tuyến đường Võ Văn Kiệt, chúng tôi ghi nhận không có vụ ùn tắc giao thông nào ở hai làn đường dành cho xe máy nói trên. Và thực tế với hai làn đường dành cho xe máy ở một hướng đi (với chiều rộng hơn 6m) nhìn đường Võ Văn Kiệt thông thoáng chẳng khác nào đường cao tốc khi vắng xe vì thu phí cao.
Trao đổi với hàng chục hộ dân cũng như những người thường xuyên buôn bán trên tuyến đường này, tất cả đều khẳng định: rất hiếm khi xảy ra tình trạng ùn ứ giao thông, chứ đừng nói tới kẹt xe máy. Có ý kiến đặt vấn đề, nếu cho rằng phần đường cho xe máy hẹp, không thoát được xe, vậy trách nhiệm thuộc về ai khi thiết kế con đường này? “Họ không tính toán, không khảo sát, tuỳ tiện dùng tiền ngân sách do dân đóng góp”, một người dân bức xúc.
Ông Thành (buôn bán há cảo, dọc tuyến đường Võ Văn Kiệt) cho biết: “Nếu ai nói, vì gắn dải phân cách mới ở đây gây kẹt xe là nói không đúng, bởi bản thân tôi ngày nào cũng đi lại trên con đường này buôn bán, có khi nào thấy kẹt xe đâu”. Theo TS Nguyễn Hữu Nguyên, trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam, để giải bài toán kẹt xe thông qua công tác phân luồng, lắp dải phân cách… trước khi thực hiện ở bất kỳ một tuyến đường nào thì phải khảo sát xem mật độ, thói quen đi lại của các phương tiện… để xây dựng phương án hiệu quả; còn nếu làm sai thì phải sửa, nhưng sửa như thế nào sao cho người dân không còn phải bức xúc mới đạt.
(SGTT)
- Động và tĩnh trong quy hoạch
- Nhà ở kết hợp buôn bán: văn hoá kinh doanh hợp quy luật lịch sử
- Lời cảnh báo đáng lắng nghe...
- Gương mặt mới của nghèo đói
- Trước mặt tiền
- Tòa nhà và tầm nhìn
- Bãi đỗ xe gầm cầu: "Đứa con út" của giao thông đô thị
- Tìm lại ngôi nhà xanh
- Được, mất ở Văn Giang
- Người nhà quê ở Sài Gòn