Ashui.com

Friday
Nov 29th
Home Tương tác Góc nhìn Người nhà quê ở Sài Gòn

Người nhà quê ở Sài Gòn

Viết email In

Sài Gòn bây giờ có bao nhiêu người nhà quê? Một câu hỏi thuộc lĩnh vực xã hội học cực kỳ phiền toái. Số người nhà quê như thế ở Sài Gòn phải cả triệu.

Tạm hiểu người nhà quê ở Sài Gòn là người không có nhà và hộ khẩu Sài Gòn, là người làm ruộng, tới Sài Gòn kiếm sống mỗi vụ nông nhàn, hoặc tá túc làm thuê đôi ba năm, gặp cơ may thì đổi đời quê thành đời phố, nếu không, gom ít vốn liếng rồi “ta về ta tắm ao ta”.

Góc riêng của nhà quê 

Đa số người nhà quê ở Sài Gòn làm thuê trong các khu công nghiệp, khu chế xuất như Hiệp Phước, Tân Tạo, Linh Trung, Vĩnh Lộc... Đó là những công dân nhà quê còn rất trẻ, phần lớn trong biên độ từ mười sáu đến ba mươi. Láu cá một chút là nhận ra những người nhà quê lần đầu tiên đến Sài Gòn ngay từ bến xe Miền Đông , bến xe Miền Tây, hay ga Hòa Hưng. Vừa chạm đất Sài Gòn là họ phải trả giá cao sự ngơ ngác và hau hắn tìm việc quá lộ liễu.

Đầu tiên là cuốc xe ôm mua đường. Từ bến xe Miền Đông đến khu công nghiệp Vĩnh Lộc, lẽ ra thẳng Phan Đăng Lưu, qua lăng Cha Cả tới mũi tàu Cộng Hòa, rẽ Tân Kỳ Tân Qúy hết Lê Trọng Tấn băng qua Gò Mây là đến. Tiết kiệm đường như thế chỉ nỡ lấy bảy chục nghìn . Nhưng chịu khó hao xăng vòng ra An Sương rẽ lên Bà Điểm rồi mới tới Vĩnh Lộc vô tư đòi trăm ngàn mà chỉ tốn thêm năm ngàn tiền xăng cùng với ánh mắt phân ưu, can cớ gì không tính.

Việc thứ hai người nhà quê cần làm ngay là đến văn phòng giới thiệu việc làm. Tùy theo công việc và mức lương đăng ký, người nhà quê phải nộp khoản phí từ một đến năm trăm ngàn cho một cái hẹn có địa chỉ nhưng rất mơ hồ đạt đích. Không thể hàm hồ mà phán xét những văn phòng việc làm nhè vào đối tượng nai non này để kiếm chác. Nhưng một sự thật hiển nhiên là đa số người nhà quê tìm việc qua con đường từ văn phòng giới thiệu việc làm, mất vài ba lần mua giấy hẹn, việc thì có nhưng làm thì không thể.

Rốt cuộc thất nghiệp lại hoàn thất nghiệp. Vì nhân viên văn phòng giới thiệu việc làm rất giỏi kỹ năng giao tiếp nên giả sử có phát hiện ra trò liên minh ma quỷ giữa văn phòng giới thiệu việc làm và các công ty xí nghiệp thì người nha quê cũng chỉ biết ngậm bồ hòn làm ngọt!

Nhưng rồi đa số người nhà quê cũng lọt lưới xuống giỏ, kín mít các khu công nghiệp, chế xuất. Có việc làm rồi, người nhà quê phải kiếm chỗ ăn ngủ thuận với công việc hàng ngày. Kiếm phòng trọ không khó chỉ khó kiếm phòng trọ hợp với túi tiền. Không sao, ông chủ bà chủ các khu nhà trọ ý tứ lắm. Muốn rẻ có rẻ . Ngõ hẹp, cửa nhỏ, tường thấp, điện giá cao, đặt cọc nhiều tháng...

Một phòng diện tích từ mười đến mười hai mét vuông , không bao điện nước ở khu vực quận ven thời giá hiện nay khoảng một triệu hai, có thể ở năm người , bình quân mỗi người hai trăm ngàn một tháng, chỉ bằng tiền bốn giờ thuê khách sạn mini, giá vậy không thể bèo hơn. Nếu người nào đã từng ngủ một đêm, một đêm thôi ở những phòng trọ như thế ắt phải mủi lòng hoặc thương hại hoặc khâm phục nhưng người nhà quê đã hàng tháng, hàng năm khổ luyện trong những lò bát quái như thế. Ngủ mà cựa mình là đụng, mồ hôi ra như tắm, thiếu dưỡng khí đến nỗi phải chờ nhau để thở thì ngay cả giấc mơ cũng héo nói gì đến da thịt. Nếu chẳng may hôm nào cúp điện thì chỉ còn cách bơi ra đường, chờ sáng!

"Ăn được ngủ được là tiên". Người nhà quê ở Sài Gòn ngủ không ngon, nhưng ăn thì rất khỏe, bất kể là cơm, phở, bún, bánh ướt hay gỏi cuốn... Chỉ có điều ăn chủ yếu cho bõ thèm và no bụng còn thực hư chất lượng món ăn, trời biết. Một đĩa cơm mười lăm nghìn. Một tô bún mười hai nghìn. Một gỏi cuốn năm nghìn. Một xị rượu chuối hột hoặc rượu thuốc mười nghìn... Đó là giá nhà quê. Ở Sài Gòn mà được ăn uống với giá nhà quê như thế thì còn mong gì hơn.

Không phải vơ đũa cả nắm nhưng thực phẩm gia vị để chế biến món ăn bình dân với giá nhà quê như thế may ra chỉ có muối hạt là có thể tin được. Đồng ý rằng xã hội văn minh thì ẩm thực phải có văn hóa. Nhưng người nhà quê làm thuê ở các khu công nghiệp có muốn văn hóa ẩm thực cũng không thể. Một là do tiền, ít tiền nên lúc nào cũng chỉ mục đích hạ nhiệt cái đói. Hai là thời gian, thiếu thời gian, tăng ca liên tục nên phải nhai nhanh nuốt gọn. Bởi vậy văn hóa ẩm thực của họ vỏn vẹn trong bốn từ: Tiện, ngon, nhanh, rẻ.

Nói như vậy không có nghĩa là bức tranh toàn cảnh về người nhà quê làm thuê ở khu công nghiệp , khu chế xuất Sài Gòn chỉ một màu xám xịt. Có nơi, có lúc, có người vui tươi, sáng sủa vụt lóe như tia chớp trong đê. Nếu qui ra thóc với giá năm nghìn một ký thì lương hai triệu rưỡi một tháng bằng một nửa tấn lúa.

Cũng không ít công ty xí nghiệp ăn ra làm nên, gặp ông chủ bà chủ khôn ngoan chia sớt thêm cho người làm thuê một phần thành quả vào dịp lễ, tết thì cuộc sống của người nhà quê ở Sài Gòn bỗng trở thành giấc mơ của nhiều miền lam lũ. Thử hỏi, ở vùng Năm Căn, Tháp Mười ... miền Tây hay vùng Ba Tơ, Nghĩa Thành... miền Trung, làm gì có được cái cảnh, sau giờ tan ca, nam thanh nữ tú xúng xính trong bộ đồ nhái hàng hiệu hoặc diễn ngoài chợ chồm hổm hoặc ngó ngơ trong siêu thị CoopMart...

Đẳng cấp hơn nữa là lướt phím trong tiệm nét, du ngoạn trên cầu Phú Mỹ, chui hầm Thủ Thiêm tận hưởng giây phút khuyến mãi của âm thanh sắc màu chốn thị thành. Cao hứng chụp một vài tấm ảnh kỹ thuật số lấy liền, chỉ mất mấy chục nghìn mà ký gửi cả đời mình vào được cái hình nền giàu sang của Sài Gòn hoa lệ!

Nét quê tô sắc Sài Gòn

Có một bộ phận dân nhà quê không sinh sống thành cộng đồng như ở các khu công nghiệp hay khu chế xuất mà chia nhỏ từng nhóm vài ba người phong tỏa hầu hết ở các công viên xép, ga tàu, bến xe, bùng binh, đầu đường, cuối hẻm... Một chiến thuật kinh doanh du kích, lấy ít địch nhiều, lấy thô sơ thay hiện đại mà hiệu quả không ngờ. Phải nói rằng,hầu hết các người nhà quê chưa hề biết maketting là gì nhưng năng khiếu tiếp thị và dự báo thị trường khá nhạy.

Lực lượng người nhà quê phục vụ thức ăn nhanh sáng, chiều và ăn dặm ở Sài Gòn khá đông đảo. Một đôi quang gánh, một chiếc xe đẩy một cái ghế đẩu... là thành quán hàng rong, ngụp lặn suốt ngày giữa dòng xe cộ, giữa nắng mưa, gió bụi, giữa lo sợ bị dân phòng hoặc cảnh sát 113 hốt gọn.

Bữa sáng thường là xôi, bánh ướt, bắp luộc, bánh mì... Bữa  chiều hủ tiếu, bánh xèo, hột vịt lộn, gỏi cuốn.... Bữa dặm bánh lăng, sữa đậu nành, bột chiên... Dễ tới hàng trăm món cho sáng, chiều, dặm để thực khách lựa chọn, và mỗi mùa lại thêm món mới, món lạ. Lạ nhất, hót nhất là món bánh tráng trộn. Bánh tráng mỏng, khô, xé vụn, trộn sa tế, muối tôm ăn với rau răm. Lúc đầu món này chỉ dành cho phái nữ lứa tuổi xì tin sau lam tỏa ra cả cộng đồng. Đỉnh điểm của cơn sốt bánh tráng trộn là vào năm 2010. Bánh tráng trộn thời điểm 2010 chỉ  một bịch năm trăm một bịch nhỏ, một ngàn một bịch lớn. Người ta thích ăn không phải vì nó rẻ bởi người ăn đa số thuộc gia cảnh trung lưu. Thời của bánh tráng trộn cũng là thời dễ thở của người nhà quê ở Sài Gòn. Vốn ít, bán chạy, hoa hồng cao ít hư hao luôn là những câu thần chú mà người nhà quê buôn bán ở Sài Gòn ngày, đêm tụng niệm.

  • Ảnh bên: Anh Hải người Sóc Trăng đang nặn tò he bán cho những đứa trẻ trong dịp đón Noel ở Sài Gòn (nguồn: Tá Lâm /VnExpress)

Những năm đầu của thế kỷ hai mốt, Thảo Cầm Viên, Kỳ Hòa, Đầm Sen, Suối Tiên... xuất hiện khá nhiều nghệ nhân bán Tò He. Tò He là nghề cổ truyền ở vùng Thường Tín, Chương Mỹ Hà Nội. Tò He được nặn từ bột gạo chín, chế màu thực phẩm, Tò He là những con Gà, con Chim, con Lợn, Con Ngựa hay các nhân vật trong truyện như Chú Tễu, Thằng Bờm, Tôn Ngộ Không... được bàn tay nghệ nhân vê, véo, chắp, nặn... mà thành.

Tò He ngộ nghĩnh sắc màu, ngô nghê đường nét... làm rung rinh thời quá vãng của mỗi đời người. Tò He là thứ hàng hóa thơm thảo ẩn chứa nụ cười hôn nhiên con trẻ. Tò He vừa được để chơi  và cũng có thể ăn. Tò He là giấc mơ xuân của trẻ nghèo trong những phiên chợ tết ở xứ Bắc ngày xưa.... Chỉ bấy nhiêu về Tò He thôi cũng đủ thấy người nhà quê nặng lòng toan tính cho cuộc mưu sinh ở Sài gòn như thế  nào.

Những nghề mà người nhà quê tha phương cầu thực ở đường phố Sài Gòn có đến hàng trăm. Bán dạo cá cảnh,cây cảnh, tôm, gà, cua, ghẹ... Rồi ép dẻo, xỏ lỗ tai, cân sức khỏe, vé số.... Có nghề phải lông nhông, oang oang ngoài đường như bán keo dính chuột.

Ở Sài Gòn, cái bang cũng gọi là một nghề. Gọi là nghề vì cái bang Sài Gòn không nghiệp dư như cái bang thời xưa chỉ duy nhất một màn ca cẩm "con lạy bà, lạy ông, cho con xin..." mà là thông qua đàn hát, gia cảnh, dung nhan rồi chỉ ngửa mũ, ngửa nón... chứ không nói gì cả. Có những cái bang xịn hơn gắn bốn bánh xe đẩy vào miếng ván gỗ có gắn loa, nằm ngửa lên sao cho lộ hết khuyết tật của cơ thể, mở băng tụng kinh niệm phật, lăn lóc dưới lòng đường phố.

Người ta đồn rằng cái bang Sài Gòn không lấy tiền lẻ. Đúng vậy, cầm tờ hai trăm đồng hay năm trăm đồng mà cho những con người cùng bất đắc dĩ phải chìa tay ra thì người cho cũng thấy ngượng!

Cứ tưởng tượng đến một ngày nào đó Sài Gòn không còn người nhà quê nữa thì buồn lắm. Buồn vì không còn được ăn những món khoái khẩu trên những chiếc xe đẩy, những quang gánh hàng rong. Buồn vì không còn được nghe những tiếng rao khuya "bánh giò, bánh chưng...", "bánh mỳ...".

Buồn vì thành phố không còn phảng phất mùi khoai nướng, bắp xào, chuối chiên... Buồn vì không còn được sẻ chia niềm vui nỗi buồn của những người mẹ, người cha quê mùa nghèo khó, hàng ngày chắt chiu, nâng niu từng đồng từng cắc nuôi con ăn học như thể những dòng sông gầy còm gom nhặt phù sa bồi đắp cho bãi bờ...

Nhưng có lẽ buồn nhất là chỉ còn được ngắm bức tranh phố với những gương mặt mà thần sắc nhang nhác như nhau, những gương mặt dễ bị tổn thương, đổi màu nếu thiếu son phấn, hàng hiệu, tiện nghi và tiền bạc!

Ngô Quốc Túy

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...