Ashui.com

Saturday
Apr 20th
Home Tương tác Góc nhìn Dòng kênh hồi sinh

Dòng kênh hồi sinh

Viết email In

“Con kênh xanh xanh”, đó không còn là mơ ước mà sắp thành hiện thực chỉ nay mai. Sau gần 20 năm cải tạo, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TP.HCM) chuẩn bị khoác lại chiếc áo trong xanh như từng có. Chiếc áo xanh mà dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè từng mặc chỉ cách đây chưa đầy hơn nửa thế kỷ. Khi đó hai bên bờ còn bát ngát những rặng dừa xen lẫn cây bình bát trái chín vàng.


Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè ngày nay
(Ảnh: T.T.D.)

Hồi ức màu xanh

Gương mặt hằn những nếp nhăn ngang dọc, ông Nguyễn A (ở 64/2 Hoàng Sa, P.5, Q.Tân Bình) nhìn về dòng kênh nước đen hồi tưởng lại những niềm vui nho nhỏ mà thời thơ ấu của ông lớn lên cùng dòng Nhiêu Lộc - Thị Nghè 50 năm về trước. Hồi đó, con kênh còn được người Sài Gòn gọi là kênh Trương Minh Giảng vì nó băng qua cây cầu cùng tên.

“Nước kênh trong xanh, có thể thấy nhiều loại cá lóc, cá rô, tôm đất bơi thành bầy. Bọn trẻ con cầu Sạn chúng tôi hay thả câu cá rô, vớt tôm dưới kênh đưa về cho mẹ kho mặn để ăn với rau muống luộc hái dưới kênh” - ông Nguyễn A chặc lưỡi. Thời đó, gia đình nào cũng đông con, “Bọn trẻ chúng tôi làm đủ thứ nghề, lúc thì bưng thau đi bán vài con cá lóc, khi chở vài mớ rau muống ra chợ bán, tất cả đều câu, hái từ dòng kênh này” - ông Nguyễn A nhớ lại.

Nhờ sự góp sức của người dân

Để có được dòng kênh trong xanh, trong suốt năm năm qua hàng triệu người dân TP đi lại vất vả và hàng chục nghìn hộ dân buôn bán ế ẩm vì “lô cốt” ở các công trình đào đường lắp đặt cống thoát nước.

“Khó khăn đã qua và sắp tới hàng triệu người sẽ được hưởng lợi vì đường phố không còn ngập nước, tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sẽ đẹp hơn là nhờ sự hi sinh, góp sức của rất nhiều người dân TP” - ông Phan Châu Thuận chia sẻ.

Cũng câu chuyện 50 năm về trước, bà Long Giang (ở 40/50 Trường Sa, Q.3) nói: “Lúc đó dưới chân cầu Trương Minh Giảng người dân trồng rau muống nước nhiều lắm. Từ cầu nhìn xuống có thể bắt gặp những cô gái chèo ghe qua lại trên mặt kênh trồng và hái rau muống. Nước kênh sạch nên rau muống trồng ở kênh nổi tiếng là ngọn to, dài cọng, người dân gọi là rau muống ngọn đua. Ăn rất giòn và thơm”. Còn bà Trần Thị Ngân (ở 220/164/4 Trường Sa, Q.3) kể: “Đêm đến, ghe, đò chèo qua lại thắp đèn dầu giăng lưới bắt cá, tôm cả đêm”.

Những ngày này, chiều chiều hai cụ Nguyễn Văn Long và Nguyễn Thị Thê lại dìu nhau tập thể dục trên đường Trường Sa. Cụ Long luôn miệng kể: “Năm 1945, tôi về đây ở với hai bàn tay trắng lập nghiệp bằng nghề lơ xe. Chiều về đến kênh tôi nhảy cái ùm, bơi qua bơi lại gột rửa hết bụi bặm trên người mới về nhà. Đến những năm 1967, 1968 do chiến tranh nên dân tứ xứ ùn ùn kéo nhau về đây dựng nhà dọc hai bờ kênh, kéo dài từ khu Lăng Cha Cả đến địa giới Thị Nghè (Bình Thạnh). Đa số là dân nghèo nên nhà chỉ dựng tạm bợ bằng cây, mái lợp lá. Vài năm sau, dòng kênh bị ô nhiễm, nước đen và bốc mùi hôi”.

Tôm cá sớm trở lại

Bây giờ đi trên hai tuyến đường Trường Sa và Hoàng Sa dọc hai bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, mọi người đều cảm nhận dòng kênh đang dần thay đổi từng ngày. Đoạn đường ven kênh từ Út Tịch (Q.Tân Bình) đến cầu Lê Văn Sỹ (Q.3) đã được trải nhựa và mở rộng lên 9m cho dòng xe lưu thông thông thoáng. Hai bên đường là những căn nhà cao tầng thay cho những căn nhà lụp xụp năm xưa. 


Nhà lụp xụp bên bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè năm 1993
(Ảnh: Nguyễn Công Thành)

Cảnh quan kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đang đẹp hơn vì vỉa hè sát bờ kênh đã trồng những hàng cây xanh, thảm cỏ, những cây hoa tầng thấp, tầng cao, có chỗ được tạo nên những ngọn đồi nho nhỏ và đặt đá cảnh. 

Ông Ngô Bá An - phó giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 - cho biết sắp tới sẽ trồng cây bàng vuông, cây phong ba được đem từ đảo Trường Sa về để người dân TP luôn nhớ đến Hoàng Sa, Trường Sa - mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc ở biển Đông. Những cây gỗ bắc qua hai bờ kênh ngày xưa nay thay thế bằng chín chiếc cầu bêtông nối đôi bờ kênh. Mỗi chiếc cầu đều xây dựng bồn trồng những giàn hoa màu hồng, màu đỏ. Đêm đêm, dưới ánh sáng lung linh của những ngọn đèn đường, trên những vỉa hè lát gạch con sâu, nhiều nhóm trẻ sẽ có không gian cùng nhau chơi đùa.

Đi trên đường Trường Sa và Hoàng Sa đoạn từ cầu Lê Văn Sỹ đến cuối con kênh đổ ra sông Sài Gòn, phía đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh) nơi đang là công trường mở rộng đường ven kênh giai đoạn 2, những chiếc máy trộn bêtông đang hoạt động hết công suất, hàng trăm công nhân luôn tay đổ những mẻ bêtông làm đẹp vỉa hè nhằm đảm bảo tiến độ đến lễ Quốc khánh 2/9/2012 hoàn thành.

Trên dòng kênh, hàng chục chiếc sà lan, xáng cạp đang múc những mẻ bùn đất. Anh Nguyễn Quang Hải, một người thợ vét bùn, cho biết: “Hai năm nay chúng tôi đã chuyển đi hàng ngàn chuyến sà lan bùn ở lòng kênh này. Sắp tới nước từ sông Sài Gòn được dẫn vào kênh để rửa ô nhiễm, hi vọng dòng kênh sẽ trong xanh trở lại và có cá tôm như ngày xưa”.

Gần 20 năm xây dựng

Là một trong những người đầu tiên bắt tay thực hiện dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, ông Phan Châu Thuận, giám đốc Ban quản lý dự án vệ sinh môi trường TP.HCM, cho biết giai đoạn 1993-2000 TP đã quyết tâm thực hiện chương trình đầu tư cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè với tổng vốn đầu tư 1.600 tỉ đồng, dù lúc đó ngân sách TP còn rất eo hẹp. Số tiền này dành để đền bù giải tỏa và tái định cư cho gần 7.000 hộ dân sống ven kênh, nạo vét khoảng 260.000m3 bùn đất, làm đường, lát vỉa hè, trồng cây xanh...

Tuy nhiên, để cải thiện cuộc sống của hơn 1,5 triệu người sống trong lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy phát triển kinh tế của TP, năm 1997 Thường vụ Bộ Chính trị đã chỉ đạo về chủ trương đầu tư cải tạo nâng cấp hệ thống thoát nước, thu gom nước thải cho tuyến kênh này. Năm 2003 dự án vệ sinh môi trường TP.HCM lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè khởi công với tổng vốn đầu tư 199,9 triệu USD, trong đó 166,3 triệu USD vay vốn từ Ngân hàng Thế giới với lãi suất 0%. Theo ông Thuận, dự án nạo vét hơn 1 triệu m3 bùn, lắp đặt hơn 70km cống lớn, xây dựng trạm bơm nước thải có công suất 64.000m3/giờ... sẽ giải quyết triệt để ngập nước ở bảy quận trung tâm TP.

Theo ông Phan Châu Thuận, đến cuối tháng 5/2012 toàn bộ cống thoát nước hai bên bờ kênh sẽ được đưa vào tuyến cống bao (có đường kính 3m) dài 8,9km về trạm bơm nước đặt gần cầu Văn Thánh 2 (Q.Bình Thạnh). Từ đây nước thải sẽ được trạm bơm pha loãng và bơm ra sông Sài Gòn. Kênh sẽ tiếp nhận nước sông Sài Gòn, nước mưa nên sẽ dần dần trong xanh như sông Sài Gòn và lúc đó sẽ có tôm, cá.

Theo ông Thuận, đến hôm nay dự án đã hoàn tất 98% khối lượng và đến cuối tháng 6/2012 dự án hoàn thành. Như vậy mùa mưa năm nay dự án bắt đầu phát huy hiệu quả chống ngập nước ở TP.

Ngọc Ẩn, Đức Thanh 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo