Hà Nội đang trong những ngày nắng nóng kỷ lục. Cuối tuần, nhiệt độ Thủ đô là 42 độ C, đồng thời nhiệt độ ngoài đường có thời điểm được cho là lên tới gần 60 độ C. Nhiều người đã thử ốp trứng bằng cách đặt chảo lên...mặt đường và thành công.
Tất nhiên, sinh hoạt tại Thủ đô bị ảnh hưởng nhiều. Cuối tuần, phố đi bộ Hồ Gươm vắng hơn mồng Một Tết. Các bể bơi đều có dấu hiệu quá tải – trong khi những kinh nghiệm tránh nóng cho trẻ em, người già liên tục lan truyền.
Giữa đợt "nóng phát điên", thông tin về việc Thành phố Hà Nội sẽ chặt hạ, di chuyển 1300 cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng trở thành tâm điểm. Buồn và tiếc nuối là cảm giác chung - dù theo những thông tin đưa ra, việc chặt cây là không tránh khỏi.
Công nhân cắt tỉa cây xanh trên đường phố Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Văn Cảnh /TTXVN)
Suốt những ngày cuối tuần, vấn đề nắng nóng và cây xanh trở nên nhức nhối. Tốc độ bê tông hóa nhanh đã khiến thời tiết Thủ đô đang trở nên khắc nghiệt hơn. Mấy năm trước, Hà Nội trong đợt nóng kỷ lục 40 năm. Đến năm nay, kỷ lục mới được thiết lập: nóng nhất 45 năm!
Những kỷ lục đáng buồn được thiết lập liên tiếp khiến những người không quan tâm tới môi trường cũng phải nhìn nhận vấn đề nghiêm túc. Bởi sự bức bối của nền nhiệt đã không chừa một ai. Lúc này, gần như ai cũng đã nhận ra, bên cạnh chuyện biến đổi khí hậu toàn cầu, còn là cái giá đắt của việc đô thị hóa mà không đánh giá đúng vai trò của môi sinh.
Và, khi nhận ra đã mất gì, con người càng trở nên khát khao tìm lại hoặc gìn giữ phần "gia tài" cây xanh còn lại của Thành phố. Khát khao này được chất chứa bởi nhiều năm Hà Nội từng mất mát cây xanh. Và, 1300 cây trên đường Phạm Văn Đồng lúc này như là cái cớ để người Hà Nội cố bám víu, vãn hồi.
Tất nhiên, cuộc tranh luận là đa chiều. Cụ thể, nhiều phân tích chỉ rõ xà cừ là loại cây không thích hợp trong đô thị lớn. Rồi, cây không muốn chặt, đường Phạm Văn Đồng vẫn tắc vì chưa được mở rộng, chúng ta sẽ chọn giải pháp nào?
Hà Nội đang trồng một triệu cây xanh. Nhưng, trước khi Thành phố trồng đủ một triệu cây và những cây này đủ lớn, người Hà Nội khát thèm bóng râm của cây.
Người Hà Nội mong mỏi giữ cây. Dù gì, đó là mong đáng được trân trọng của người dân Thủ đô. Bởi, giữa quá trình đô thị hóa, chúng ta đã biết coi chuyện về cây xanh là vấn đề của mình, biết nhìn nó như một biểu tượng của việc gìn giữ môi trường.
***
Ngoài cây xanh, một điều nữa ảnh hưởng trực tiếp tới nền nhiệt Thủ đô mà ít người chú ý: diện tích mặt nước. Cụ thể, khá nhiều diện tích mặt nước của Thủ đô đã bị thu hẹp hoặc biến mất. Đơn cử, riêng Hồ Tây, trước đây rộng 500ha nhưng giờ chỉ còn 460ha.
Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, 17 hồ địa phương bị san lấp hoàn toàn từ năm 2010 tới nay.
KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội từng trao đổi với người viết: Năm 1996 rồi năm 2008 khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính cũng đều đã có quy hoạch cây xanh mặt nước. Quy hoạch sau điều chỉnh quy hoạch trước nhưng các giải pháp để giải quyết căn cơ là vấn đề vẫn chưa thực sự rõ rệt.
Rõ ràng, nhiệt độ chỉ là những thứ hữu hình chúng ta dễ thấy nhất khi cây xanh, mặt nước bị xâm phạm. Nhưng, điều đáng sợ hơn mà nhiều chuyên gia cảnh báo: Hà Nội, thành phố sông hồ và cây cối với hệ sinh thái hài hòa sẽ biến dạng. Đồng nghĩa, Hà Nội không còn mang "căn cước" riêng của mình về một thành phố của cây xanh và sông hồ.
Đến lúc ấy, có lẽ câu hát thị trường khá thịnh hành thời gian qua trở nên thích hợp: có không giữ, mất đừng tìm!
Mỹ Mỹ
(Thể thao & Văn hóa)
- Phố đi bộ Bùi Viện đang thay "áo mới"
- Thành phố 1.000 ha nhiều năm hoang vắng ở Bình Dương
- Bích họa - Thông điệp muôn màu từ cuộc sống
- Hà Nội “gặp khó” trong xử lý chợ cóc
- Phim "Bikes vs Cars": Cuộc chiến giữa xe đạp và ô tô
- Chuyện “quy trình” ở Sơn Trà
- Biến đổi không gian làng: Người già và nỗi cô đơn
- Đằng sau cơn “sốt đất” là gì?
- Dưới kia là… "khu ổ chuột"
- Đất nước nhìn từ bảo tàng