Câu chuyện "lấp vịnh Nha Trang" đang đốt nóng dư luận, với những phản ứng khá gay gắt từ cộng đồng và các chuyên gia.
Trước đó, vào cuối tuần qua, ý tưởng này đã được nhắc tới trong một cuộc họp của tỉnh Khánh Hòa quanh vấn đề quy hoạch khu đô thị ven các đường Phạm Văn Đồng và Trần Phú. Có tổng chiều dài khoảng 10km, đây là trục đường chạy dọc vịnh Nha Trang và đóng vai trò "mặt tiền" của thành phố biển này.
Ý tưởng lấp biển được một đơn vị tư vấn đề xuất tại cuộc họp. Theo đó, 3 khu vực dọc tuyến đường ven biển sẽ được tổ chức lấn biển để hình thành những khu du lịch, dịch vụ mới, đồng thời "nới rộng" thêm không gian của các bãi tắm.
Phối cảnh ý tưởng lấn biển ở khu vực Phù Đổng - Ana Mandara. (Ảnh: Nguyễn Chung / báo Thanh Niên)
Tất nhiên, ý tưởng ấy, cũng như một số cá nhân lên tiếng ủng hộ, đang bị "ném đá" một cách không thương tiếc. Bởi, chỉ 2 năm trước, một dự án tương tự cũng đã phải dừng thực hiện ở không gian này, khi nhà đầu tư có tham vọng lấn vịnh để xây dựng một tổ hợp cao ốc và khách sạn cao tới 65 tầng.
Phá vỡ cảnh quan tự nhiên của một trong 29 vịnh đẹp thế giới (Lonely Planet bình chọn năm 2003), làm thay đổi hệ sinh thái ven bờ, biến không gian công cộng ven biển thành không gian của một số ít những đơn vị kinh doanh... là những lý do để dư luận phản ứng khi ấy. Để rồi, bây giờ, chúng lại được liệt kê trở lại.
***
Lấn biển xây đô thị là cách làm không mới, và phổ biến tại nhiều thành phố biển trên thế giới. Và tại Rạch Giá, Nha Trang, Đà Nẵng, Quảng Ninh, không ít khu đô thị trên biển cũng đã được hình thành theo cách này.
Ưu điểm của nó được chứng minh trên thực tế: kinh phí nhỏ nếu so với việc phải giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất để xây dựng đồng bộ ngay tại không gian sát biển, tận dụng được thương hiệu của những thành phố du lịch đã được khẳng định theo thời gian.
Nhưng, trong một cuộc hội thảo về quy hoạch đô thị biển năm 2013, nhiều chuyên gia cũng đã cảnh báo: cách làm như vậy nên được nghiên cứu, thậm chí hạn chế áp dụng ở những bãi biển có điều kiện tự nhiên lý tưởng.
Bởi thực tế, tại các nước phát triển, việc lấn biến xây đô thị và các bãi tắm nhân tạo chỉ là cách làm áp dụng ở những vùng biển có cảnh quan xấu, nước đục và cần "kích cầu" từ bàn tay con người. Ngược lại, khi yếu tố sinh thái tự nhiên đang là chìa khóa của du lịch hiện đại, việc tự tay phá bỏ cảnh quan tự nhiên để biến thành cảnh quan nhân tạo là cách làm ăn xổi và lãng phí.
***
Trở lại câu chuyện của vịnh Nha Trang. Cho đến thời điểm này, bản đồ án quy hoạch chi tiết cho ý tưởng lấn vịnh vẫn chưa được đưa ra đầy đủ. Kèm theo đó, dư luận cũng chưa được biết cụ thể về diện tích và hệ số sử dụng đất ở phần biển bị lấn, hoặc về tỷ lệ giữa phần diện tích được sử dụng để phục vụ kinh doanh so với tỷ lệ được quy hoạch thành không gian công cộng cho cộng đồng trong phần đất "lấn thêm" này.
Nhưng, có một điều rõ ràng: Khánh Hòa không phải là nơi thiếu những bãi biển đẹp. Điển hình, chỉ cách Nha Trang một quãng đường hơn 10km, cả một dài bờ biển 12km của khu đô thị Bắc Cam Ranh cũng đang từng bước hình thành để trở thành trung tâm du lịch thứ hai tại Khánh Hòa.
Như quan điểm quy hoạch hiện đại,việc tập trung phát triển thêm những không gian biển mới, có chức năng vừa hỗ trợ, vừa giảm tải cho phần đô thị cũ, mới là cách làm bền vững và hợp lý để hình thành những chùm đô thị biển, thay vì cố "dồn ép" mật độ xây dựng lên một không gian cũ.
Phải chăng, vì thiếu một quy hoạch và chiến lược phát triển tổng thể, nên chúng ta cứ liên tục tranh luận về vấn đề "lấp vịnh"?
Sơn Tùng
(Thể thao & Văn hóa)
- Chuyện “quy trình” ở Sơn Trà
- Biến đổi không gian làng: Người già và nỗi cô đơn
- Đằng sau cơn “sốt đất” là gì?
- Dưới kia là… "khu ổ chuột"
- Đất nước nhìn từ bảo tàng
- Hồn phố trong tôi!
- Đô thị bền vững: còn xa!
- Lấp hồ Thành Công: Thuốc thử từ ý chí cộng đồng!
- Lấy lại vỉa hè: Trách nhiệm của toàn xã hội
- Đà Nẵng: Còn gì cho mai sau?!