Đà Nẵng là đô thị ven biển có vị trí vô cùng đặc biệt, đầy đủ các địa hình : đồng bằng, núi, sông, biển. Đô thị Đà Nẵng còn là trung tâm kết nối hai đầu đất nước. Chính vì thế, chính quyền Đà Nẵng đã có nhiều nỗ lực trong xây dựng thành phố phát triển, trở thành địa chỉ du lịch lớn tại Việt Nam.
Thế nhưng sự phát triển này ngày càng có nhiều khiếm khuyết và bất cập đối với cảnh quan thiên nhiên và hệ sinh thái của thành phố. Những ảnh hưởng đó ngày càng bộc lộ qua thời gian không thể giải quyết được. Tương lai nào cho sự bền vững về những cảnh quan thiên nhiên mà Đà Nẵng đang sở hữu? Đó là một câu hỏi cần phải nhìn nhận đúng và khách quan.
Lời cảnh báo về quy hoạch ven biển
Bờ biển xinh đẹp của Đà Nẵng đang có hiện tượng xâm thực ở một số đoạn.
Sau sự manh nha phát triển du lịch tại các tỉnh ven biển miền Trung, nhất là sự nổi lên của Đà Nẵng trong việc khai thác biển để phát triển du lịch, việc quy hoạch xây dựng tại các thành phố ven biển đã bắt đầu lộ ra nhiều bất cập. Tất cả đều “xí phần” khu vực ven biển để làm du lịch. Năm 2006, tại một hội thảo chuyên ngành về quy hoạch và kiến trúc ven biển do Hội KTS Việt Nam tổ chức, các nhà quản lý, các nhà khoa học, kiến trúc sư đã cảnh báo về sự phá vỡ cảnh quan công cộng ven biển của các tỉnh, làm mất đi giá trị về vẻ đẹp của biển, trong đó có cả Đà Nẵng.
Tiếp đến, tháng 7/2011, lại thêm một hội thảo chuyên ngành của Bộ Xây dựng tổ chức tại Đà Nẵng về không gian công cộng tại các bờ biển miền Trung. Một lần nữa, việc cảnh báo tiếp tục được nhắc đến rất nhiều trong hội thảo. Những lời cảnh báo tích cực này đã bị bỏ qua. Những cảnh báo đó hôm nay mới bắt đầu phát huy giá trị.
Đà Nẵng đang dần làm mất đi vẻ đẹp của bờ biển. Việc mất đi không chỉ là không gian công cộng ven biển bị lấn chiếm làm của riêng cho mỗi khu resort, mà là thực trạng bờ biển của Đà Nẵng đang bị xâm thực. Hiện tượng này đã manh nha xuất hiện. Nếu không có giải pháp thì không lâu nữa tình trạng này sẽ lan rộng, rồi bãi biển Đà Nẵng sẽ trở thành như thế nào?
Cùng với đó là sự phát triển khách sạn và các khu resort ven biển rất mạnh mẽ, có thể đã lên đến vài ngàn phòng lưu trú. Hầu như dọc biển Đà Nẵng hiện nay đã kín chỗ. Điều này đã được cảnh báo, thách thức đối với môi trường sẽ phát sinh trong tương lai.
Ngay tại hội thảo về không gian công cộng ven biển vào năm 2011, KTS. Hồ Duy Diệm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Đà Nẵng cũng đã bày tỏ lo ngại về vấn đề ô nhiễm môi trường tại khu vực ven biển. Ông cho rằng: Nước thải từ các khu vệ sinh dùng bể tự hoại tại đây sẽ bắt đầu ngấm dần vào cát, có nơi tận dụng để tưới cây cỏ. Nhưng rồi vòng tuần hoàn đó sẽ gây ô nhiễm, tích lũy dần dần vào bãi biển, nguồn nước, bãi cát,….
Cơ hội để phục hồi lại như tình trạng vốn có ban đầu sẽ vô cùng khó khăn. Việc tưới cây, dung dịch hóa học, thuốc trừ sâu ở các sân golf, bể bơi cũng ảnh hưởng không nhỏ đến ô nhiễm. Bên cạnh đó, những bờ phi lao, bờ dương vừa tạo cảnh quan vừa làm phòng hộ bị xóa bỏ, không còn là khu vực dự phòng khi nước biển dâng, khi lũ lụt và cả sóng thần khi xảy ra.
Bê tông hóa “lá phổi” Sơn Trà làm du lịch
40 biệt thự xây dựng khi chưa được phép này góp phần bê tông hóa bán đảo Sơn Trà.
Sau khai thác hết bờ biển xinh đẹp làm du lịch thì người ta lại tiếp tục tiến đến bán đảo Sơn Trà. Bán đảo Sơn Trà tráng lệ là mỹ từ mà người dân Đà Nẵng để nói về Sơn Trà. Đây không chỉ là cảnh quan thiên nhiên mà còn là một lá phổi quan trọng của một thành phố đang bị đô thị hóa nhanh như hiện nay. Đồng thời, bán đảo Sơn Trà còn là một vị trí chiến lược về an ninh - quốc phòng của Đà Nẵng và của cả nước.
Không khai thác vẻ đẹp này là phí. Nhưng phải khai thác như thế nào để vừa bảo tồn vừa phát huy được vẻ đẹp của bán đảo Sơn Trà? Hiện nay trên bán đảo Sơn Trà bị bê tông hóa ngày càng nhiều. Không phải chỉ khi Công ty CP Biển Tiên Sa bị phát hiện việc xây dựng 40 biệt thự chưa được cấp phép người ta mới phát hiện ra điều này mà thực tế bán đảo Sơn Trà đã bị khai thác triệt để từ lâu. Mỗi khu vực trên bán đảo Sơn Trà hiện nay hầu như đều đã có “chủ”: Dự án đã hình thành, đang hình thành, dự án đang làm rồi bỏ hoang; từ khu nghỉ dưỡng đẳng cấp 5 sao đến các cấp bậc thấp hơn,... cái nào cũng có ở bán đảo Sơn Trà.
Phản ứng về bán đảo Sơn Trà khi xây dựng nhiều khu nghỉ dưỡng du lịch cũng đã có, nhưng rồi không có một cơ quan quản lý nhà nước nào quan tâm đến bởi mọi thứ đã được hợp thức hóa, các dự án đầy đủ thủ tục pháp lý, tất cả đều đúng quy định của pháp luật. Chỉ đến khi đỉnh điểm từ vụ biệt thự không phép của Công ty CP Biển Tiên Sa thì việc bảo vệ bán đảo Sơn Trà mới được xới lên, mới được để ý tới.
Lấy việc phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, đó là một bước đi của Đà Nẵng để khai thác thế mạnh của mình nhưng cũng đừng lạm dụng mà vô tình phá đi thế mạnh đó. “Quy hoạch phát triển nhưng cần bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, thắng cảnh chung quanh thì quy hoạch đó mới phát triển bền vững”, đó là ý kiến của một KTS người Nhật Masafunmi Tanaka đã từng nói khi góp ý về quy hoạch phát triển tại Đà Nẵng. Khi tận dụng thế mạnh để phát triển du lịch thì các nhà quản lý cũng như các nhà đầu tư lại bỏ qua tất cả. Họ tận dụng triệt để cảnh quan thiên nhiên để phục vụ cho việc thu lợi về mặt kinh tế cho hiện tại mà quên mất sự ảnh hưởng này về lâu dài cũng như sự bền vững cho chính họ, cho chính Đà Nẵng.
Một KTS tâm huyết của Đà Nẵng từng nói rằng: Người ta nói nhìn thấy được những tồn tại, thiếu sót, khiếm khuyết… là thấy được những biện pháp khắc phục. Thật ra, việc sửa chữa, khắc phục không hề đơn giản. Làm sao có thể di dời đập phá, dịch chuyển những khách sạn 4, 5 sao, những khu resort sang trọng đã mọc lên để nhường không gian công cộng cho người dân và tất cả du khách có thể tận hưởng chung cảnh quan biển, để xây dựng những công trình văn hóa phục vụ sinh hoạt du lịch biển thích hợp?
Thực tế, trên thế giới mới chỉ có một nơi làm được điều này, đó là thành phố biển Sendai, khi khu du lịch biển Fukushima của Nhật bị một trận động đất và sóng thần tháng 3/2011. Đừng để những tồn tại này xảy ra thêm nữa, ở nơi này hoặc nơi kia bởi khả năng phá hỏng thêm thì dễ nhưng khả năng sửa chữa, khắc phục thì rất khó.
Nguyễn Nam
(Báo Xây dựng)
- Sao vẫn nói mãi chuyện lấp vịnh?
- Hồn phố trong tôi!
- Đô thị bền vững: còn xa!
- Lấp hồ Thành Công: Thuốc thử từ ý chí cộng đồng!
- Lấy lại vỉa hè: Trách nhiệm của toàn xã hội
- Những di sản ngoài vùng xếp hạng
- Vỉa hè, bậc thềm và di sản đô thị
- Bờ Tây sông Sài Gòn đang lột xác!
- Kinh tế của hàng rong
- Phá dỡ nhà thờ Trà Cổ: Khi nghệ thuật kiến trúc đến ngày "hết date"