Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, tôi chưa bao giờ ngừng yêu thành phố này! Cho dù Hà Nội giờ ngày càng mở rộng, bụi bặm, thậm chí đôi khi còn có phần nhếch nhác và xô bồ, nhưng với tôi, điều đó chẳng hề hấn gì. Chẳng phải khi yêu là phải yêu cả những “méo mó”, “vuông tròn” đó sao? Cho đến giờ tôi vẫn không lý giải được vì sao mình yêu thành phố này và không nỡ rời xa đến thế?
Điều gì đã níu giữ tôi?
Đó chính là sự thân quen của một nơi mà mình luôn có cảm giác thuộc về. Như người mẹ hiền từ dang rộng cánh tay, Hà Nội luôn đủ chỗ cho những đứa con có cùng nhịp đập, hơi thở với thành phố. Khi đi du lịch đến những nơi khác nhau, bạn có bao giờ thắc mắc: vì sao mình lại thích thành phố này mà không phải là thành phố kia? Câu trả lời ở đây chính là sự đồng điệu! Cũng giống như khi yêu một ai đó, nếu bạn thích, chứng tỏ bạn đã bắt được “tần số” của thành phố. Còn nếu không phải, chỉ đơn giản là “dải tần” của bạn và nơi đó khác nhau!
Chất kết dính của tôi với Hà Nội chính là phong cảnh thiên nhiên, khí hậu bốn mùa và một nhịp sống nhẹ nhàng, tinh tế đến an yên. Nếu đến Hà Nội vào những thời khắc giao mùa như hiện tại, bạn sẽ được “thiết đãi” vô vàn món ngon của cảnh sắc. Đó có thể là cơn mưa rào đầu hạ xối xả nhưng mau qua, khiến từng hàng cây, góc phố được rửa trôi bụi bẩn, khoác lên mình tấm áo mới xinh tươi. Đó có thể là màu trời trong vắt, đan xen những chùm nắng nhỏ tinh nghịch, đủ khiến bạn “nghẹn tim” khi bất chợt ngước nhìn. Đó còn là màu trắng tinh khôi, thanh khiết của hoa sưa, hoa loa kèn trong những ngày cuối xuân chớm hạ. Hay đâu đó là vị chua, thèm đến “ứa nước miếng” của cánh chị em khi cầm trên tay những trái mơ xanh, mận hậu chín đầu mùa.
Về kiến trúc, Hà Nội chưa có quá nhiều nhà cao tầng với những ô kính màu sặc sỡ. Thay vào đó, thành phố này lại tràn ngập những di tích cổ kính, những góc phố dịu dàng. Những tòa nhà chọc trời đậm chất bê tông, cốt thép thường không đủ khiến du khách phải lưu lại cảm giác nhớ nhung đặc biệt. Thế nhưng, những Tháp Rùa, cầu Long Biên, Nhà hát lớn hay Văn Miếu ở Hà Nội sẽ cho bạn một cảm giác rất khác! Đó là những công trình không phô trương, ồn ào mà đẹp một cách nhuần nhị, kín đáo. Bạn có thể sẽ rất thích cái cảm giác ngồi hàng giờ bên hồ Gươm để ngắm tháp Rùa, lắng nghe tiếng gió lao xao qua rặng liễu. Còn nếu muốn ngắm ánh hoàng hôn rực rỡ lúc chiều tà, cầu Long Biên sẽ là một địa điểm lý tưởng bạn chớ nên bỏ qua. Thậm chí, nếu sẵn sàng dầm mình trong những cơn mưa nhỏ, bạn sẽ được chiêm ngưỡng một hồ Tây kỳ ảo, bảng lảng trong màn nước mỏng. Những vẻ đẹp đó chính là chất “gây nghiện”, gieo vào lòng du khách xiết bao nhớ thương!
Và cuối cùng, mỗi chúng ta gắn bó với thành phố của mình còn vì rất nhiều những kỷ niệm riêng đã đi cùng năm tháng. Đó có thể là nơi bạn cất tiếng khóc chào đời, nương tựa lời ru ầu ơ của mẹ và trưởng thành cùng những ký ức không thể nào quên. Đó có thể là nơi có ngôi nhà thân thương, lấp ló bóng dáng của mẹ cha mà mỗi khi mệt mỏi, bạn luôn tìm về để nương náu. Hoặc cũng có thể nơi đó có mái trường đại học, nơi bạn đã sống một thời tuổi trẻ ngô nghê, khờ dại nhưng tràn đầy rực rỡ và khát khao.
Vì thành phố luôn cho ta cái cảm giác “thuộc về” nên bản sắc của thành phố cũng chính là bản sắc của ta. Khi hai tâm hồn đã đồng điệu thì sẽ luôn có cảm xúc nhớ thương và vương vấn. Và đó cũng chính là hồn phố trong tôi!
Bình An
(TBKTSG)
- Biến đổi không gian làng: Người già và nỗi cô đơn
- Đằng sau cơn “sốt đất” là gì?
- Dưới kia là… "khu ổ chuột"
- Đất nước nhìn từ bảo tàng
- Sao vẫn nói mãi chuyện lấp vịnh?
- Đô thị bền vững: còn xa!
- Lấp hồ Thành Công: Thuốc thử từ ý chí cộng đồng!
- Lấy lại vỉa hè: Trách nhiệm của toàn xã hội
- Đà Nẵng: Còn gì cho mai sau?!
- Những di sản ngoài vùng xếp hạng