Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Tương tác Đối thoại GS Phan Huy Lê: "Dừng cầu vượt Đàn Xã Tắc, tìm phương án khác"

GS Phan Huy Lê: "Dừng cầu vượt Đàn Xã Tắc, tìm phương án khác"

Viết email In

“Tôi xin nhấn mạnh là đảo giao thông Xã Tắc hiện nay không phải là chỉ giới vùng lõi khu di tích. Nếu đào móng gặp và phá di tích là vi phạm luật Di sản văn hóa hết sức nghiêm trọng, buộc phải đình chỉ thi công. Bản thân dự án cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn” – ý kiến của GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.  

Tránh đảo giao thông không phải là tránh Đàn Xã Tắc!

Thưa GS, khu vực các hố đã khai quật và đã được bảo vệ bởi đảo giao thông đàn Xã Tắc hiện nay đã đủ xác định phạm vi vùng lõi di tích chưa? Hay vùng lõi có thể còn rộng hơn, chưa xác định được chính xác nên cần phải giữ gìn trong phạm vi lớn hơn chỉ giới hiện tại?

GS Phan Huy Lê (ảnh bên): - Trước khi đi vào những vấn đề cụ thể, theo tôi, phải đánh giá cho đúng giá trị của khu di tích đàn Xã Tắc. Nhiều người thường nghĩ rằng, đây chỉ là khu đàn Xã Tắc thời Lý, như vậy không sai nhưng giá trị của di sản còn lớn hơn thế. 

Tầng sâu nhất của khu di tích này là di tích Phùng Nguyên, di tích cư trú cách nay khoảng 3.500 năm. Đây là di tích cư trú sớm nhất của con người nằm trong vùng trung tâm của Hà Nội, riêng điều đó đã mang một giá trị đặc biệt. Tầng cao hơn là các di tích cư trú thời đầu Công nguyên, những năm đầu Bắc thuộc. Từ thời Lý, khu vực này là đàn Xã Tắc. 

Về đàn Xã Tắc, chúng ta cũng cần phải nhận thức cho đúng. Di tích đàn Xã Tắc không chỉ thuần túy là một kiến trúc. Di tích đàn Xã Tắc có giá trị văn hóa và tâm linh rất cao.

Đàn Xã Tắc thờ thần Đất và thần Nông (Xã là đất và Tắc là Ngũ Cốc, Thần Ngũ Cốc cũng có nghĩa là Thần Nông). Trong các nghi lễ do triều đình chủ trì ngày xưa, cúng đàn Xã Tắc và cúng đàn Nam Giao có ý nghĩa thiêng liêng bậc nhất, trong đó đàn Xã Tắc là biểu tượng của đất nước, quốc gia, dân tộc. Di tích đàn Xã Tắc còn là một bộ phận cấu thành của di tích Hoàng thành Thăng Long. 

Quay trở lại câu hỏi về chỉ giới của di tích đàn Xã Tắc, đây là vấn đề rất hệ trọng liên quan đến cầu vượt qua khu di tích này. Theo trí nhớ của tôi, chắc là không sai, di tích đàn Xã Tắc có mấy đặc điểm sau:

Một là, di tích này đã được khai quật một phần rồi phải dừng lại. Những hố khai quật được dùng để xác định chỉ giới chưa phải là toàn bộ khu di tích. Đó chỉ là phần phát lộ, được các nhà khảo cổ khai quật, khảo sát, nghiên cứu. Chắc chắn vẫn còn những phần nằm ở xung quanh các hố khai quật. Và dĩ nhiên phải coi phần nằm ngoài di tích đã phát lộ cũng là bộ phận của di tích trong tín toàn vẹn của nó, nên không thể tùy tiện phá hủy.

Hai là, chỉ giới được bảo vệ (mà ta gọi là vùng lõi, vùng trung tâm của di sản) không hoàn toàn trùng với đảo giao thông Xã Tắc hiện nay. Qua báo chí, nhiều phát biểu đều dựa trên việc coi đảo giao thông này là chỉ giới của di tích khiến tôi rất lo lắng. Theo bản đồ của các nhà khảo cổ, đảo giao thông Xã Tắc chỉ chứa chưa tới một nửa số hố khai quật nằm trong chỉ giới bảo vệ. Tôi nhấn mạnh, hơn nữa phần chỉ giới dựa vào những di tích đã phát lộ chưa phải toàn bộ di tích. Vì vậy cứ nghĩ rằng tránh được đảo giao thông là ổn, là không vi phạm luật Di sản hoàn toàn không đúng.

Trên đây là những vấn đề hết sức quan trọng khi Hà Nội tính tới phương án xây bất cứ công trình nào ở khu vực này.

Nếu áp theo chỉ giới mà GS phân tích thì phương án cầu vượt đường Xã Tắc, Khâm Thiên, Nguyễn Lương Bằng, Tôn Đức Thắng có xâm phạm tới di tích đàn Xã Tắc không, thưa GS?

- Theo thông tin trên báo chí, Hà Nội đã chọn phương án làm cầu vượt dọc theo đàn Xã Tắc và nối với đường vành đai 1 mở rộng. Những người có liên quan tới dự án đảm bảo chỉ có hai mố cầu gần với đảo giao thông Xã Tắc nhưng không xâm phạm vùng lõi của di tích.

Tuy nhiên, cầu vượt làm bằng bê tông, theo nguyên tắc, móng cầu phải đào sâu, rộng, xây hết sức kiên cố. Như vậy dù hai móng cầu này trên bản vẽ không động chạm đến đảo giao thông, nhưng chắc chắn sẽ động chạm ngay một phần lõi của di sản đang bảo tồn trong lòng đất nằm ngoài đảo giao thông và có thể động chạm đến phần di tích chưa khai quật. Tôi xin nhấn mạnh là đảo giao thông hiện nay không phải là chỉ giới vùng lõi khu di tích. Nếu để xảy ra sự việc đó tức là vi phạm luật Di sản hết sức nghiêm trọng, buộc phải đình chỉ thi công. Bản thân dự án cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn.


Bản đồ khoanh vùng các hố di tích đàn Xã Tắc chồng lên bản đồ thiết kế dự án cầu vượt ngã 5 Ô Chợ Dừa của ban QLDATĐ trình Cục di sản do TS Sử học Nguyễn Hồng Kiên cung cấp. Các hình vẽ màu vàng là các hố khai quật (vùng lõi của di tích đã được phát lộ), hai điểm màu đỏ là mố cầu bê tông sắp xây dựng.  

Một điểm khác cũng khiến dư luận băn khoăn là việc xây cầu vượt lên trên di tích quan trọng như đàn Xã Tắc, theo GS, có phá vỡ cảnh quan tôn nghiêm cần phải có của di tích, đặc biệt là nếu xét về chiều cao và cả con đường bê tông chạy ầm ầm trên cao ấy với diện tích quá khiêm tốn và trên mặt bằng dưới thấp như thế?

- Làm cầu vượt trùm lên khu di tích Đàn Xã Tắc là điều hoàn toàn không nên. Nếu đây là một khu di tích kiến trúc thông thường thì còn có thể được, nhưng di tích đàn Xã Tắc thuộc loại hình văn hóa mang tính chất tâm linh.

Chúng ta phải tôn trọng tín ngưỡng của nhân dân. Không thể xây một cây cầu bê tông cốt thép vượt lên trên khoảng cách không xa, xe cộ suốt ngày ầm ầm đi lại phía trên một đàn thờ Thần Đất, Thần Nông, tượng trưng cho Xã Tắc. Đứng về mặt tâm linh, tôi tin chắc rằng, người dân sẽ phản ứng kịch liệt.

Mặt khác, khu di tích đàn Xã Tắc được bảo tồn bằng cách lấp cát, phía trên có đặt những tấm bê tông dày để tránh rung động làm xê dịch hiện vật, ảnh hưởng tới di tích. Đây là phương án bảo tồn có tính chất tạm thời, các thế hệ sau khi đất nước đã giàu có hơn và trình độ khoa học cao hơn, sẽ tiếp tục khai quật, bảo tồn nguyên trạng trên mặt đất theo đúng yêu cầu bảo tồn.

Muốn di tích bảo tồn trong lòng đất giữ được sự nguyên vẹn của nó, thứ nhất, phải tuyệt đối không đụng chạm đến, thứ hai, phải tạo điều kiện thuận lợi để sau này con cháu tiếp tục khai quật, nghiên cứu và bảo tồn. Nếu xây một cây cầu bê tông lên, kết cấu trường tồn sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu đó và sẽ tạo nên một không gian phản cảm như tôi đã phân tích. Tôi xin nhấn mạnh, rất phản cảm vì di tích đàn Xã Tắc có tính chất tâm linh, thiêng liêng, không thể bắc cầu, xe cộ và người đi lại bên trên như vậy được. 

Nói thế nào cũng chỉ là ngụy biện nếu cố xây cầu vượt Đàn Xã Tắc 

Chính nhà khảo cổ phụ trách khai quật di tích này đã lên tiếng nhiều lần ở nhiều nơi, cả trên báo chí, rằng chưa xác định được phạm vi vùng lõi, chỉ giới dựa trên các hố đã khai quật chỉ là phần đã phát lộ, nhưng không ai nghe ông. Theo ông, tại sao lại có sự hiểu nhầm giữa chỉ giới các hố đã khai quật với chỉ giới vùng lõi di tích (bao gồm cả phần chưa đào khảo cổ, phụ thuộc vào quy mô của tế đàn)? Nguyên nhân của hiểu nhầm trên là do nhập nhèm cố ý đánh lẫn khái niệm hay do... thiếu chuyên môn, thưa GS?

- Ở Hà Nội, nhiều công trình có phương thức làm việc là ngành nào biết ngành ấy, thiếu sự phối hợp, đặc biệt không lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học về những vấn đề liên quan tới khoa học. Điều này tôi cũng đã góp ý rất nhiều lần.

Thủ đô mà lại có cách làm việc như vậy là rất đáng buồn bởi đây là một trung tâm trí tuệ, một kho tàng văn hóa của cả đất nước lại không quan tâm tới văn hóa, không lắng nghe ý kiến của các chuyên gia văn hóa. Như vậy, các dự án sẽ khập khiễng, phải dừng vì bị phản đối hay vi phạm di tích, hoặc phải làm đi làm lại. Cái sai ở đây bắt nguồn từ phương thức làm việc riêng lẻ và tư duy cục bộ như vậy.

Ví dụ, về vấn đề đang được bàn tới, lẽ ra nên công khai dự án và các thiết kế, kêu gọi các nhà khoa học góp ý kiến. Làm như vậy vừa dân chủ, minh bạch, phương án sai ở đâu sẽ khắc phục ở đó, chắc chắn sẽ chọn phương án toàn vẹn được các nhà khoa học đồng thuận, dư luận ủng hộ. Như hiện nay, phương án được chọn chắc chắn sẽ vi phạm Luật Di sản, các bên liên quan nói thế nào cũng chỉ là ngụy biện mà thôi.

Vấn đề giao thông ở khu vực này không thể không giải quyết, trong khi, phương án đang được lựa chọn chắc chắn không khả thi. Nếu được Hà Nội mời tư vấn, GS có gợi ý gì cho thành phố để họ có thể xử lý tốt nhất vấn đề này không, thưa GS?

- Trong giải quyết bài toán này, dù phải hài hòa cả vấn đề giao thông nhưng vẫn phải lấy bảo tồn di sản là mục tiêu đầu tiên. Nguyên tắc bất di bất dịch là tuyệt đối tuân thủ luật Di sản văn hóa, có nghĩa là tuyệt đối không xâm hại tới di sản.

Dựa trên nguyên tắc đó, tôi có suy nghĩ tới hai phương án khác, tất nhiên cả hai đều cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng. 

Phương án một là, nếu xây cầu vượt dọc theo đường Xã Đàn gần giống với phương án hiện tại thì không nên họn hướng gần đảo giao thông. Thay vào đó, hãy vòng sang hẳn phía Đông Bắc, hoặc Tây Nam (so với đảo giao thông Xã Tắc), tránh hẳn khu di tích đã phát lộ và phần di tích dự đoán là phần chưa phát lộ của vùng lõi di tích đàn Xã Tắc. 

Tất nhiên, phương án này cũng chưa hoàn toàn đảm bảo an toàn cho di tích, vì phần đã phát lộ, tôi xin nhấn mạnh, chỉ là một bộ phận của vùng lõi di tích đàn Xã Tắc, biết đâu có bộ phận nào của di tích đang nằm ở hai vùng nói trên. Tuy nhiên, ít ra theo bản đồ khảo cổ hiện có, hai vùng này đều chưa thấy di tích và có khoảng cách với khu phát lộ di tích. 

Phương án thứ hai là xây cầu vượt dọc đường Tôn Đức Thắng – Nguyễn Lương Bằng. Thực ra, phương án này đã nằm trong số các phương án mà chủ đầu tư đề xuất với thành phố nhưng sau đó bị gạt đi vì lý do tốn kém cho giải phóng mặt bằng, đường hẹp… Đúng là xây cầu vượt theo hướng này thì bề mặt cầu sẽ hẹp hơn, chưa giải quyết được tối đa nhu cầu về giao thông (đường Nguyễn Lương Bằng, Tôn Đức Thắng nhỏ hơn đường Xã Tắc) và tốn kém hơn (giải phóng mặt bằng phía đường Nguyễn Lương Bằng). Tuy nhiên, nếu xây cầu vượt hướng này thì sẽ không xâm hại di tích và không thể xảy ra việc người đi lại trên đầu di tích.  

Quan điểm của tôi là dù tốn kém nhưng việc bảo tồn di tích vô cùng cần thiết, không nên lấy đồng tiền làm tiêu chí cao nhất, càng không phải duy nhất để xử lý các vấn đề bảo tồn di sản văn hóa. Nếu xét như vậy, phương án này khả thi và an toàn với di tích hơn phương án thứ nhất. Cũng nên nghĩ đến việc xây cầu vượt bằng thép gọn nhẹ và dễ tháo dỡ khi cần thiết. 

Trên đây chỉ là vài đề xuất mang tính tham khảo. Muốn xử lý thật hài hòa giữa yêu cầu giao thông với việc bảo tồn di sản ở nút giao thông với lưu lượng dày đặc này cần nghiên cứu lại hồ sơ xếp hạng di tích quốc gia của đàn Xã Tắc, xác định rõ khu lõi đang bảo tồn trong lòng đất so với bản đồ giao thông hiện nay và tính toán rất kỹ mọi phương án để tìm ra phương án tối ưu, vừa giải quyết yêu cầu giao thông rất bức xúc, vừa bảo tồn di sản văn hóá. 

Hoàng Hạnh (Báo Đất Việt / thực hiện) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2221 khách Trực tuyến

Quảng cáo