Ashui.com

Wednesday
Dec 11th
Home Cộng đồng Thiết kế / Sáng tạo Design trong thế giới phẳng và xã hội công nghệ

Design trong thế giới phẳng và xã hội công nghệ

Viết email In

Năm 1959, Hội đồng quốc tế các tổ chức mỹ thuật công nghiệp (ICSID) thông qua việc dùng thuật ngữ tiếng Anh Industrial làm thuật ngữ quốc tế. Từ design trở thành từ quốc tế và không dịch ra bất cứ thứ tiếng nào nữa.

Design với tư cách là sự mở đường cho sản xuất dưới các phong cách thẩm mỹ đã bao trùm lên toàn bộ đời sống vật chất và tinh thần của thể giới thương mại, đến mức người ta có thể nói rằng: Tất cả là design. Nước ta trong hoàn cảnh đó còn đang là thời kỳ chiến tranh và mới manh nha bắt đầu nền công nghiệp mới. Khái niệm design còn rất xa lạ và được hiểu là thiết kế, hay lĩnh vực mỹ thuật công nghiệp cho đến tận bây giờ, mặc dù thiết kế chỉ nói lên một khía cạnh rất nhỏ của design. Tuy nhiên những năm 1960 thuật ngữ design cũng đã được đưa vào Việt Nam thông qua các giáo sư Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Halle (CHDC Đức cũ) sang Trường Trung cấp Mỹ nghệ Hà Nội trao đổi học thuật (theo Nguyễn Hồng Ngọc - tài liệu Từ tinh thần nghệ thuật truyền thống đến design đương đại).


Hai thiếu nữ và em bé, tranh sơn dầu của Tô Ngọc Vân, năm 1944. Những phụ nữ thành thị mặc áo dài tân thời.

Dưới góc độ của design, thông qua sự gợi ý của kiến trúc sư Nguyễn Luận, chúng tôi nhìn về đời sống design ở Việt Nam trong 100 năm thế kỷ 20, và thấy rằng trong 10 năm cuối thế kỷ, design đã thực sự được nhận thức, nhất là khi các họa sĩ được trang bị công nghệ và phần mềm thiết kế, buộc họ phải nhìn nhận design theo nhịp của đời sống sản xuất, thương mại và sáng tạo design thế giới.

Hầu hết các hàng hóa công nghiệp và hàng tiêu dùng công nghiệp nhẹ được nhập khẩu và công ty nước ngoài lắp ráp tại Việt Nam, ở đó vai trò của các nhà design Việt Nam không có gì, hoặc rất hạn chế, thay vì chỉ là người rắp ráp vận hành những dây chuyền sản xuất được đưa vào từ bên ngoài. Trong năm lĩnh vực design - kiến trúc, nội thất, tạo dáng, thời trang và đồ họa, có lẽ chỉ có ngành đồ họa phát đạt nhất, bởi xã hội luôn cần đến áp phích, bao bì, quảng cáo và truyền thông. Tuy nhiên trong lĩnh vực này phong cách dân tộc luôn luôn bị hạn chế, bởi sự ham chuộng hàng ngoại, dẫn đến việc bắt chước thiết kế đồ họa ngoại dễ bán hàng hơn. Communication design - thiết kế giao tiếp  - đạt mức độ phát triển không thua kém gì các nước tiên tiến, khi Internet được sử dụng rộng rãi hơn bao giờ hết, so ngay với cả những nước châu Á, nhất là trong quá trình đòi hỏi nhiều hơn đời sống dân chủ. Lĩnh vực tạo dáng thủ công và tiểu thủ công nghiệp do các làng nghề và các công ty nhỏ đảm bảo cũng đạt một mức độ nhất định, tuy nhiên nó làm lẫn lộn hàng hóa thủ công truyền thống thuần túy với hàng hóa mẫu mã truyền thống nhưng được sản xuất bằng cơ giới hóa. Lĩnh vực kiến trúc do nhu cầu xây dựng hiện đại ngày càng phát triển, khoa quy hoạch còn rất non yếu, do vai trò người quy hoạch và kiến trúc sư vẫn hoàn toàn nằm dưới nhà quản lý hành chính, nên các đô thị mới được vạch ra theo một mẫu chung và thiếu tầm nhìn hàng trăm năm, nếu không muốn nói một hai chục năm. Các tòa cao ốc mọc lên như nấm, nhưng hình ảnh thẩm mỹ còn hết sức hạn chế và do đó design đường phố thiếu phong cách, cũng như không được chú trọng. Trang trí và thiết kế nội thất phụ thuộc rất nhiều vào chủ các công sở, tòa nhà, mà những ông chủ này vô cùng trọc phú, nên lĩnh vực này rất tốn kém, mà nội thất Việt Nam vẫn thiếu công năng và lai tạp thẩm mỹ. Lĩnh vực thời trang thành công ở một vài nhà may, nhà thiết kế, nhưng còn rất lâu để Việt Nam trở thành một trung tâm thời trang quốc tế. Khoa nghiên cứu thời trang mới bắt đầu với vài cuốn sách còn mang tính nghiệp dư.


Bắc kỳ, người nông dân thồ hàng trước cửa. Ảnh tư liệu Pháp cuối thế kỷ 19 đầu 20. Tư liệu Nhà xuất bản Thế giới

Rõ ràng design không thể phát triển với các cơ sở giáo dục và hành nghề nghiệp dư như ở ta hiện nay, cũng như các công ty sản xuất trong nước đứng ngoài tiến trình design thế giới. Khi design không phát triển hay phát triển thiếu phong cách và nghiệp dư, thì chính nó phản ánh nền sản xuất đang không phát triển hoặc phát triển ngắn hạn, cũng như được đầu tư ngắn hạn.


Tờ rơi tuyên truyền về Chiến thắng Đông Xuân 1953 - 1954. Bảo tàng Cách mạng. Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn

Sự phát triển của khoa học và công nghệ, bắt đầu từ một viện nghiên cứu, một công ty, một đất nước nào đó rồi phổ biến ra toàn thế giới, chủ yếu theo con đường thương mại. Những nơi ít sáng tạo hơn cũng nghiễm nhiên được hưởng thành tựu khoa học đó: ô-tô, tàu hỏa, máy bay, xe máy, xe đạp, ti-vi, tủ lạnh, quạt, bàn là, máy điều hòa và bây giờ là máy vi tính, điện thoại di động... Hầu hết các sáng tạo đến từ Âu Mỹ. Ở những nước ít sáng tạo hơn, sự tràn ngập của design nhập ngoại một mặt phổ cập sự sáng tạo design, mặt khác cũng giết chết nhiều sản xuất nội tại. Đứng dưới góc độ văn hóa, thì giữ được bản sắc văn hóa trong design đương đại là hết sức khó khăn. Một trăm năm design Việt Nam, tính từ 1900 - 2000, dường như chỉ có cái áo dài, chiếc xe đạp Thống Nhất được coi là những design thành công, nếu có thể thì tính thêm món phở (dù phở có lẽ không thuộc vào design). Trong những món này, thì chỉ có áo dài và phở là tạo lập được hình ảnh quốc tế. Còn tất cả các design khác là thiết kế và cải tiến trên các nền tảng có sẵn. Sự đóng góp vào thịnh vượng cho văn hóa và sáng tạo nhân loại của Việt Nam là hết sức khiêm tốn.


Tầu điện ở chợ Đồng Xuân thời Bao cấp. Ảnh: khai thác trên mạng.

Trong thế giới design, có truyền thống thì cũng tốt, không có truyền thống thì cũng tốt và càng ít bị chi phối hơn bởi những tư tưởng cố hữu. Design là một hoạt động cởi mở, cho phép bắt đầu bất cứ từ đâu, từ nơi nào, chí ít là một hand made độc bản, hơn nữa là những sản phẩm sản xuất hàng loạt. Nghệ thuật và công nghệ hiện tại khẳng định mỗi design phải chứa đựng trong nó tính lịch sử và sự sáng tạo trong tương lai./.

Phan Cẩm Thượng (Thể thao & Văn hóa Cuối tuần)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Hiện có 3600 khách Trực tuyến

Quảng cáo