Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Cộng đồng Thiết kế / Sáng tạo Tái hiện Sài Gòn xưa bằng Artlines

Tái hiện Sài Gòn xưa bằng Artlines

Viết email In

Từ ngày 11/2 tại 151 Đồng Khởi, TP.HCM, công chúng yêu mỹ thuật sẽ được chiêm ngưỡng những tác phẩm Artline đẹp lung linh về Sài Gòn xưa của kiến trúc sư Lê Hưng Trọng, sinh năm 1983, quê ở Ninh Thuận.

Triển lãm mở cửa "xuyên Tết" để khách du xuân có dịp được khám phá thêm về những giá trị lâu bền của Sài Gòn xưa.

Ba năm tìm giá trị xưa

Ý tưởng thực hiện dự án "Sài Gòn xưa" bằng nghệ thuật Artline được Lê Hưng Trọng (nghệ danh Trong Lee) nhen nhóm từ ngày đang còn là một sinh viên ngành Kiến trúc, Đại học Văn Lang, TP.HCM.

Mỗi khi rảnh rang, Trọng thường cùng bạn bè tụ tập cà phê bệt ở Nhà thờ Đức Bà và lang thang ngắm nhìn những công trình kiến trúc cổ còn lại của thành phố. Từ những chuyến đi tưởng như chỉ để "giết thời gian" ấy, không ngờ những giá trị lâu bền của những công trình kiến trúc ngày một ăn sâu vào trí nhớ của chàng kiến trúc sư. Và vì nhớ quá những giá trị ấy, Lê Hưng Trọng đã quyết định tái hiện lại những gì mình đã quan sát được dưới ngòi bút.

"Đầu tiên tôi chỉ định vẽ cho vui, cho đỡ nhớ, cho vui. Nhưng khi hoàn thành bức vẽ nào, tôi đưa lên facebook cũng đều nhận được sự phản hồi tích cực từ cộng đồng. Và đó chính là động lực để tôi bắt tay vào thực hiện dự án "Sài Gòn xưa", Trọng nói.

Để tìm lại những giá trị nguyên bản, lâu đời của Sài Gòn, ngoài những quan sát bằng mắt thường, Lê Hưng Trọng còn tham khảo rất nhiều nguồn tài liệu, đặc biệt là tư liệu lịch sử bằng hình ảnh về những công trình kiến trúc cổ của Sài Gòn. Sở dĩ phải tham khảo tài liệu là vì: "Những công trình kiến trúc của Sài Gòn được thấy hàng ngày đều là những công trình mới, trải qua thời gian nó đã được điều chỉnh hoặc sửa chữa. Chính vì để tái hiện được một Sài Gòn xưa, đúng với tên gọi của nó là Hòn ngọc Viễn Đông một cách chân thực và rõ nét nhất. Cái gì ban đầu, nguyên bản thì theo quan niệm của tôi mới là đẹp. Vì thế tôi đã tìm hiểu rất nhiều tư liệu một cách kỹ càng, về mốc thời gian, những chi tiết, họa tiết, hoa văn hoặc kết cấu từ thời kỳ đầu của nó", Trong tâm sự.

Và tính đến thời điểm dự án được mang ra triển lãm cùng với đó là xuất bản thành sách, Lê Hưng Trọng đã mất hơn 3 năm, hoàn thành mỗi bức vẽ trung bình phải vùi mình bên bàn từ  từ 12-14 giờ đồng hồ.

Ngoài những bức vẽ, Lê Hưng trọng còn có những ấn phẩm, sản phẩm về Sài Gòn xưa như áo thun, sổ da, combo sổ tay mini, huy hiệu, postcard, tranh in...

Hãy dung hòa giữa truyền thống và hiện đại

Trong mỗi bức vẽ, Lê Hưng Trọng chỉ sử dụng những gam màu đồng nhất. Nhưng chủ yếu là đen và trắng. Đây là một phong cách vẽ minh họa Artlines phổ biến trên thế giới. Vì dùng màu đơn giản nhưng phải đồng nhất nên đòi hỏi người nghệ sĩ phải làm việc nghiêm túc và rất cầu kỳ.

Công chúng khi mới xem qua những bức tranh được vẽ bằng phong cách này, có thể sẽ không hiểu ngay và hiểu hết được nội dung của nó, bởi những hình tượng sẵn có ở một thế tĩnh của các công trình kiến trúc có thật đã được những nét vẽ biến tấu thành những câu chuyện sống động, đầy quyến rũ và mới mẻ.

Hỏi Trọng sao không vẽ cho ngay ngắn mà hầu như bức nào thoạt nhìn rất rối và méo mó? Trọng cho biết, những cái "thoạt nhìn" ấy là sự biến tấu của nghệ thuật, còn cái thay đổi của những công trình đang hiện hữu giữa lòng Sài Gòn mới đáng... ngại.

"Tôi không hiểu chúng ta như thế nào nhưng có nhiều nước trên thế giới làm được cái việc vừa phát triển hiện đại, văn minh nhưng bên cạnh đó họ vẫn giữ gìn được những nét đẹp truyền thống, những kiến trúc lịch sử và luôn dung hòa được hai yếu tố đó. Tôi nghĩ không lý do gì Sài Gòn của chúng ta không làm được việc đó. Bởi Sài Gòn của chúng ta là một thành phố về du lịch. Chính vì vậy để thu hút được khách du lịch thì chúng ta cần phải giữ lại những nét đẹp truyền thống, những kiến trúc cổ đó. Tôi hy vọng rằng sau khi cuốn sách này ra đời, những người yêu Sài Gòn 1 sẽ lại yêu thêm Sài gòn gấp 10, gấp 100 lần để người ta có một hành động nào đó thiết thực, cụ thể để giữ gìn Sài Gòn đẹp hơn, cổ kính hơn nhưng vẫn hiện đại".

Sau dự án "Sài Gòn xưa" Lê Hưng Trọng sẽ tiếp tục làm những dự án mới cũng về Sài Gòn với những khía cạnh khác, chủ đề khác để cho thấy một Sài Gòn trọn vẹn, đầy đủ và phong phú về nhiều nền văn hóa khác nhau. Cụ thể là Dự án Artline về đường phố và ẩm thực Sài Gòn...

Huy Thông (TT&VH)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Lời bình  

 
+1 # Lê Đông Triều 31/07/2015 19:43
Vẽ thì hay nhưng cần xem kỹ chính tả, google và wiki có đấy mà sao ghi sai LATOUCHE TRÉVILLE thành La Toche Tréville nhỉ? Và ADMIRAL chứ không phải Amiral.
Thân,
Lê Đông Triều
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Hiện có 2396 khách Trực tuyến

Quảng cáo