Ashui.com

Monday
Jan 06th
Home Cộng đồng Kiến trúc sư Trúc Bạch, Hồ Tây - năm tháng những chuyện buồn vui

Trúc Bạch, Hồ Tây - năm tháng những chuyện buồn vui

Viết email In
Mừng vui biết bao khi biết có lệnh di chuyển các “du thuyền“ đi trước ngày 30/8. Nên chăng làm một cái biển nhỏ ghi lại vài dòng, ví như "Nơi đây vốn là nơi neo đậu du thuyền, vịt sắt. Để thiết thực chào mừng 1000 năm Thăng Long, nên đã có lệnh chuyển đi". Để sau này vị nào có sáng kiến vị lợi, trông thấy biển đề mà bỏ đi tà ý.
  • Ảnh bên : Hồ Trúc Bạch nhìn từ trên cao (Ảnh nguồn: muivi.com)

Hồ Tây – Trúc Bạch trong nhớ thương lưu luyến bao người

Lần cuối tôi được gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là ở đêm nhạc "Hà Nội với cả nước, cả nước với Hà Nội" tổ chức tại Cung Văn hoá Việt Xô nhân kỷ niệm 40 năm Giải phóng thủ đô.

Hôm ấy anh cầm cây ghi ta và ngân nga: "…Hồ Tây chiều thu, mặt nước hồ lay bờ xa mời gọi, màn sương thương nhớ bầy sầm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời...".

Anh thủ thỉ tâm sự trong sự trân trọng nghẹn ngào của bao ngưòi Hà Nội đêm hôm ấy: Bài hát Hà Nội mùa thu ra đời ngay trong những ngày đầu tiên anh ra Hà Nội chơi năm 1978,  khi đứng gần mép nước hồ trong làng Quảng An.

Mười mấy năm sau quay lại chốn cũ, khi ấy quanh Hồ Tây đã xuất hiện nhiều nhà hàng, nhà nghỉ, quán xá... Anh buồn lắm và định viết bài mới với câu mở đầu là “… Mặt hồ thì xanh, sông Hồng nước đỏ, hỡi em má đỏ môi hồng nơi đâu?

Nhưng rồi mãi không thấy bài hát ra đời, cũng phải thôi những lời trách than chẳng thể cất lên thành lời ca được. Giờ đây, nhạc sĩ họ Trịnh đã thành người thiên cổ, nhưng mỗi đận lên Hồ Tây, tôi lại cứ so đo, có bao người ở Hà Nội mà sao không yêu Hà Nội?

Suy cho cùng, tất cả mọi người, dù là ai, dù ở đâu đến, nhưng họ đã làm gì để Hà Nội tốt hơn, đẹp hơn thì người ấymới đáng là người Hà Nội. Còn ai đó tới đây mà chẳng làm gì, hay làm những việc để Hà Nội xấu xí, hư hỏng đi thì rõ là...

Bạn bè gần xa đến chơi, tôi thường đưa lên Hồ Tây, vòng quanh có đến mấy mươi đền chùa, chỉ cần thăm thú vài nơi cũng kỳ thú lắm rồi. Ngay cả lúc còn thiếu thốn, rảo bước tới đường Thanh Niên, tên cũ là Cổ Ngư, các bạn đều xuýt xoa: "Thành phố của bạn thật giàu có khi có mặt nước lớn thế này”.

Ấy là nói chuyện xưa, còn giờ thì...


Nhà hàng bên đường vào chùa Trấn Quốc (trái) / Vịt sắt xếp hàng bên hồ Trúc Bạch (phải)

Giờ thì, đi đâu tôi cũng cố tránh cái đường ấy ra. Nguyên do là lâu mới có dịp đưa bạn lên chơi buổi tối, bên này Trúc Bạch, bên kia Hồ Tây, vỉa hè đã lát mới cẩn thận, bờ hồ đã kè vuông vắn, góc hồ Trúc Bạch lại có nhà máy xử lý nước cho sạch sẽ…

Thế nhưng hai bên hè dày đặc quán hàng, kẻ mời người chào nhao nhao như ở bến tầu bến xe. Các quán nhậu san sát, nằm ôm lấy hồ, hở ra chỗ nào là chi chít những vịt sắt với xuồng cao su.

Rẽ xuống đường kè Hồ Trúc bạch mới khiếp: La liệt chiếu rải san sát, nồi lẩu lò nướng tưng bừng, mùi mực, mùi mắm tôm sực nức… Trông thấy đám đông nhồm nhoàm, nâng cốc “dô, dô” bạn tôi hỏi: “Họ là ai?" - tôi đâm cuống mà trả lời bừa: “Họ không phải ở đây đâu, chắc là ở xa mới đến nên họ đánh chén dữ đến vậy”. Thế là chừa Hồ Trúc Bạch từ dạo ấy...

Cuộc tranh đấu giữa cái Thiện - Mỹ và cái Lợi - Lộc 

Thực ra thì chỗ đẹp đẽ quý hoá của Hà Nội này, từ xưa đã khối kẻ giành giựt kiếm lời.

Hồi năm 1937, ông Tây chủ khách sạn Metropole đã vận động xin phép chính quyền thành phố dựng một quán giải khát, hoà nhạc kiểu nhà sàn có “sân nhảy đầm “ở cạnh đường Cổ Ngư sát cổng chùa Trấn Quốc để phục vụ cho lũ ăn chơi trần tục.

Ấy vậy mà ngay báo Tây lúc đó đã lên tiếng gay gắt “… kẻ nào có ý định thô bỉ chọn một ngôi chùa cổ đáng tôn kính ở giữa Hà Nội để làm chỗ ăn chơi rượu chè nhảy nhót, đèn mầu loè loẹt, tiếng nhạc ồn ào làm khuấy động chỗ không gian u tịch có tính chất tôn giáo, là một kẻ vô ý thức, chúng ta là ngưòi Pháp không sợ bị người Việt Nam coi kinh bọn da trắng thiếu văn hoá khi mà chúng ta vẫn khoe là đem văn minh đến khai hoá cho những ngưòi bản xứ đó sao?” (Báo L’Eveil économique de l’Indochine - 1937).

Thế là dự án ấy bị xoá sổ. Năm 1985, người ta đóng cọc bê tông để xây nên cái nhà nổi – quán ăn loè loẹt kính nhôm tại đúng cái vị trí mà năm xưa người Pháp không được làm. 

  • Ảnh bên : Bao giờ cho đến... ngày xưa (nguồn: muivi.com)

Báo chí rầm rĩ mãi ngưòi ta mới thay cái quán ăn cố định bằng cái quán ăn di động: Mời các quan bác lên thưởng ngoạn bia rượu, trả thêm tiền thì cái quán - thuyền chạy một vòng rồi lại đỗ lại ở đâu đó đó, mới đầu chỉ có một thì nay có thêm vài chiếc nữa rồi.

Đền Cẩu Nhi, năm 1982 cũng đã bị phá đi để làm chỗ sản xuất cho một hợp tác xã, sau rồi người ta ghép các thuyền câu lại thành cái cầu phao để làm nên một cái "Quán ăn Cổ Ngư”.

Cũng may là ít lâu sau, cái quán bị dỡ bỏ để người ta dựng một cái bia đá đề chữ "nơi đây vốn là đền Cẩu Nhi”

Sau hoà bình (1957), thanh niên Hà Nội lao động tình nguyện đông lắm, hồn nhiên hồ hởi, họ chở đất từ ngoài bãi sông Hồng vào đắp con đường Cổ Ngư cho rộng ra - thế mới có tên mới là đường Thanh Niên.

Chỗ đắp rộng nhất là nơi đặt quán bánh Tôm Hồ Tây, mới đầu chỉ có cái nhà bằng gỗ sơn mầu xanh, bánh dùng tôm đánh từ Hồ Tây, nhúng bột rán lên chấm mắm chanh, sau rồi tôm ít bột nhiều quán siêu mái vẹo.

Đùng một cái người xây cái nhà bê tông sừng sững hai tầng, rộn ràng xào nấu đủ thứ sơn hào hải vị, nghe đâu cái quán ấy đã “cổ phần hoá" với cái giá “bèo” lắm , không biết rồi sau này nó làm thành cái  gì nữa có trời biết. Thanh niên ít tiền thì chắc là đứng ngoài nhé .

Rồi cũng chẳng biết từ lúc nào, ở đâu ra mà lắm thuyền ăn với vịt sắt đến vậy. Đầu năm 2008 lại có cái nhà thuyền sắt khởi công sau rồi dừng lại ít bữa, nay thì đã chễm chệ bên Hồ Trúc Bạch.

Nhà máy xử lý nước thải có giá hàng triệu đô nằm ở góc hồ kia có ý nghĩa  gì khi  nước thải của chi chít quán nhậu, nhà thuyền xả thẳng xuống hồ.

Đã từng nghe có cái dự án nhiều tiền lắm để lọc nước Hồ Tây, thế từng ấy quán ăn ven hai hồ, từng ấy cái quán ăn di động trên hồ có đóng góp được mấy phần công sức, tiền của nào vào cái dự án “vĩ đại” ấy không. Cho dù cái dự án ấy có hay không làm nữa thì cũng không thể để bao thứ thừa cặn tự do đổ tuột xuống hồ được.

"Trước đây nơi này từng neo du thuyền, đậu vịt sắt..."

  • Hồ Tây - Hồ Trúc Bạch (Ảnh nguồn: quehuong.org)

Mừng vui biết bao khi biết có lệnh di chuyển các “du thuyền “ đi trước ngày 30/8. Người người nín thở chờ xem cái lệnh ấy có đủ nghiêm không hay lại dằng dai như nhà hàng xây trên đất công viên Thủ Lệ.

Nên chăng làm một cái biển nhỏ ghi lại vài dòng, ví như "Nơi đây vốn là nơi neo đậu du thuyền, vịt sắt. Để thiết thực chào mừng 1000 năm Thăng Long, nên đã có lệnh chuyển đi". Để sau này vị nào có sáng kiến vị lợi, trông thấy biển đề mà bỏ đi tà ý.

Cứ cho là thiếu sót thì không ai tránh khỏi nhưng ở đâu đó thì đã khó có thể tha thứ chứ riêng với Hồ Gươm thiêng liêng, Hồ Tây - Trúc Bạch thơ mộng và đầy ắp kỷ niệm, nơi lắng hồn sông núi ngàn năm, nơi đọng lại ngưng lại cơ man huyền tích Thăng Long - Đông đô - Hà Nội,  thì đồ rằng không chỉ riêng tôi mà rất nhiều người cầu mong quý vị: Xin hãy dừng tay.

  • Ghi chú: Bài viết có sử dụng tư liệu của cụ Nguyễn Văn Uẩn (1912-1991)

  • "Tặng Lê Hùng Phong - nguời chơi guitar hay nhất mà tôi biết, nghe bạn đàn, chúng tôi mới chợt nhớ ra là mình vẫn là ngưòi Hà Nội" - tác giả Trần Huy Ánh 


Từ trái sang phải: Lê Hùng Phong, Trần Huy Ánh, Mai Thế Nguyên (Ảnh : Việt Hà / Ashui.com)


>> Đường hầm xuyên lòng hồ Tây: Đã sáng suốt, hợp thời chưa? 

 

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...