1 - Với tôi, khi mà làng Việt cổ Đường Lâm là cái làng tối cổ kết tinh 4.000 năm lịch sử của châu thổ Bắc Việt Nam, của nền văn minh sông Hồng, là cái làng cổ đầu tiên của đất nước Việt Nam đã được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia; là làng duy nhất của Việt Nam sinh ra hai ông vua, anh hùng dân tộc Phùng Hưng, Ngô Quyền cùng nhiều bậc quốc sĩ rạng danh khác; là phim trường, là thế giới diệu kỳ cho giới họa sĩ, giới quay phim, nhiếp ảnh cả nước. Nó là một cái làng đặc biệt, cách hành xử của người dân và cơ quan chức năng với cái làng Việt cổ này biểu hiện rất nhiều điều. Làng cần được nhìn đủ chân thực, đủ không bàn giấy kinh viện, cái nhìn để Đường Lâm không bị giết chết với tốc độ như hiện nay.
Cho nên, tôi xin nói về Đường Lâm bằng cái nhìn của một người sinh ra và lớn lên ở Đường Lâm, căn nhà tôi đang sinh sống mỗi tuần, vẫn còn treo hai cái đầu võng vua ban cho cụ nhà tôi vinh quy bái tổ về làng.
- Ảnh bên : Cổng làng Đường Lâm
2 - Năm vừa qua, di tích quốc gia làng cổ Đường Lâm xảy ra hai sự kiện làm đau đầu báo giới, các nhà khoa học và những người yêu văn hóa truyền thống, mà tôi là người trong cuộc (xin phép nói thật thẳng và thật là… thật thà!).
Chuyện thứ nhất, tôi về quê, thấy ông bố già kêu giời kêu đất, mộ của cụ tôi, quan Đốc học tỉnh Sơn Tây, người đã từ quan về dạy học đúng năm thành Sơn Tây thất thủ (1883), ngôi mộ và thân thế của ông từng được các nhà nghiên cứu, giới làm truyền hình, làm phim đề cập rất nhiều. Bố tôi hãi, là vì cái thế gối vào núi Ba Vì (gối sơn), đạp ra dòng sông Hồng, sông Tích (đạp thủy) của ngôi mộ tổ bị phá vỡ.
Tôi không nói mê tín, mà tôi nói tín ngưỡng, tâm linh, phong tục cổ cần được tôn trọng. Nguyên do là vì có mấy gã trọc phú từ dưới phố phường Hà Nội kéo về làng cổ Đường Lâm để mua đất xây… sinh phần, xây lăng mộ hoành tráng đến… rợn người. Mấy trăm mét vuông một cái làng xây bằng đá ong (cho nó ra mẽ làng cổ đá ong), họ chiếm hết, chặn hết đất từ xung quanh và phá mất long mạch của các ngôi mộ cổ.
Mộ quan tuần phủ (làng kính trọng gọi là Lăng cụ Tuần), mộ cụ quan Án sát, lăng dòng dõi nhà cố Phó Thủ tướng Việt Nam Phan Kế Toại đều đứng trước nguy cơ bị bao vây bởi những cái lăng đã được xí phấn, xí hết cả quả gò mà người Đường Lâm chuyên dùng để đặt ô Long mạch vỡ, con cháu hoang mang khóc lóc, đất gò Áng Độ hết, rồi đây người Đường Lâm về chầu tổ tiên sẽ được táng ở đâu?
Vài gã trọc phú tiếp tục với tôi, họ bảo: do đọc báo, thấy viết long mạch ở làng cổ Đường Lâm rất tuyệt, nào tả thanh long, hữu bạch hổ, nào… đất phát nghiệp đế vương. Thế là họ ào lên mua. Ruộng trồng màu khốn khó, nay có người trả 70 triệu đồng/m2, thì bà con nhảy cẫng lên, bán tuốt, bán xong, chính họ lại thành thợ đánh đá ong, xây lăng mộ cho người tứ xứ. Đám con buôn tính toán: mua mộ ở nghĩa trang Vĩnh Hằng những mấy chục triệu một ngôi, mà chi chít toàn mộ địa, mà thế đất như cái đồi trọc vô duyên đến tội – trong khi, mua ở làng cổ tuyệt đẹp, lại có long mạch yểm trợ… rộng như mộ nhà đại quan.
Bố tôi thở dài, 4.000 năm qua, làng tôi vẫn truyền miệng cái câu: “Sống giữa làng, chết Gò Cang, Áng Độ”. Sống thì đừng có ở mặt phố, ở đầu đường xó chợ, mà phải ở giữa làng. Cũng như đi ăn cỗ ngoài đình, người quân tử, đầu bếp nó chặt miếng thịt không vuông rìa sắc cạnh thì không thèm ăn. Khi chết, người làng tôi ai cũng phải ra Gò Cang, cái nơi đắp đất sâu chôn chặt một kiếp người; sau 3 năm cải cát mới thanh sạch lên gò Áng Độ nằm vĩnh viễn. Bố lo mất long mạch, lo làng mình sẽ biến cái nghĩa địa của người tứ tán, lo bố nằm xuống thì Áng Độ đã không còn đất để đặt mộ nữa. Nỗi lo rất thật, người làng cổ là vậy, từ nhỏ, các cụ đã dạy “tử đắc tang vi vinh”. Không cứ phải ầm ĩ, linh đình, trưởng giả; nhưng rõ ràng, người cổ từng nói thế, lo cho cái chết có khi còn quan trọng hơn lo cho cái sống.
Sau cái vụ long mạch bị đứt, nghe đâu, con cháu làng cổ Đường Lâm nổi tiếng địa linh nhân kiệt, năm liền đó, không một cháu nào đỗ đại học. Các cụ họp nhau lại, rủ rỉ: may mà ngăn chặn được bọn “nhân bất học bất tri lý” nó chiếm hết gò Áng Độ, chứ nếu không thì tai ương còn khiếp nữa.
3 - Đường Lâm thành tài sản quốc gia và quốc tế. Cây đa, bến nước, sân đình của làng được giới truyền thông và những người ưa xê dịch, về nguồn biết đến quá nhiều. Đến nỗi, mỗi khi dáng đa, dáng cổng làng cổ Đường Lâm vừa xuất hiện, hầu hết chúng ta đều nhanh chóng đọc thành tên: “ Đất Hai vua Đường Lâm”. Cho nên, báo chí gọi cây đa và cổng làng Đường Lâm là cặp bài trùng được chụp ảnh quay phim nhiều nhất Việt Nam cũng rất có lý. Thế mà năm 2008, câu đa đã ầm ĩ công luận bởi sự thật: bị rụng lá và chết héo từng ngày do sự nhẫn tâm của con người!
- Ảnh bên : Một trong 3 ngôi nhà cổ nhất làng Đường Lâm
Cây đa đã hơn 500 tuổi, người làng trân trọng đến mức gọi là “cụ đa”, danh tính của người trồng đa và cung cách trồng bóng cả cho cổng làng, qua nhiều đời truyền khẩu vẫn được ghi tạc bằng “bia miệng”. Bà con đi làm đồng về, người xa trời về, người chết trước khi được khênh ra khỏi làng về với đất, nhất nhất đều được “trình báo” dưới tán hợp sum xuê của đa. Không một đám tang nào của Đường Lâm, nếu đi qua cổng làng, mà không dừng lại dưới tán đa để các cụ chèo đò “đưa linh”. Đa kì vĩ, bí ẩn, bao dung; nhưng đa cũng như tấm biển “Hạ mã” nghiêm cẩn (xuống ngựa) với bất kỳ ai từng trầm long đi qua phom cổng làng cổ kính ở Đường Lâm. Từng có vị đại quan thời phong kiến, về làng mà gặp bóng đa không xuống ngựa, các cụ ra, vác ba toong mắng như té nước. Bắt phải hạ mã, xỏ chân vào guốc mộc thì mới được qua tán đa, qua vòm cổng cũ, vào làng.
Vậy mà đùng một cái, “có nguồn” mười mấy tỉ đồng thế là người ta đè nghiến đình làng (cũng là một di tích quốc gia nổi tiếng) ra, dỡ toàn bộ, biến ngôi đình mấy trăm năm tuổi thành bình địa theo đúng nghĩa đen. Tôi về làng mà rùng mình như thế giới như sụp đổ trong gang tấc, như có thể nhìn thông thống qua một khoảng không gian mênh mông, mà từ đời cụ tôi, ông tôi, bố tôi và tôi nữa, chưa bao giờ nó “thoáng” thế. Đình làng đã bị dỡ. Đình đã án ngữ như một bức bình phong bảo vệ văn hóa làng ở đó. Qua bao trận mạc, loạn ly, chưa bao giờ đình bị dỡ như vậy cả. Thế mà tiền là họ dỡ, tòa đình bề thế không có một dấu hiệu xuống cấp nào, họ cũng cứ… phá.
Nhiều bô lão nức nở, nó ăn thịt chó trong gian giữa đình làng, rồi leo lên mái đình đạp đổ hàng ngàn viên ngói âm dương rào rào xuống. Thay tất, không hỏng cũng thay. Thay thì mới có… tiền phần trăm chứ. Tôi đã viết một bài khóc buồn: “Thành hoàng cũng khóc!” (đăng báo Lao Động) về những trò ma tịt và những sai lầm phá trong việc phá ngôi đình nổi tiếng của quốc gia, sau đó, đơn vị thi công đã phải ngậm ngùi và… căm phẫn lát lại toàn bộ đình làng, sửa lại các hạng mục làm ẩu làm sai. Nhưng cái quan trọng hơn là hướng đình bị lệch (so với nguyên bản) thì vô cùng tai họa không sửa được. Nếu “toét mắt là tại hướng đình/ Cả làng toét mắt chứ nhìn gì tôi” như ca dao nói, cả làng tôi bị toét mắt tất thì sao (thí dụ vui như thế để thấy việc sửa một ngôi đình lừng danh mà đơn vị thi công ấu trĩ, manh động, hách dịch đến mức không thèm họp dân trưng cầu ý kiến và để các bô lão dám sát là cực kì phản văn hóa.
Họa sĩ Thành Chương, nghe tin người ta tống hết gỗ đá quý của đình làng ra, tống đồ dở hơi tân kỳ, bèn lớn tiếng phản đối để bảo vệ ngôi đình tuyệt kỹ của kiến trúc Việt Nam, phản đối không được, xót xa quá, anh Chương bèn lên Đường Lâm gặp bô lão và đơn vị thi công để thương lượng xin mua lại ít gỗ đá cổ kính về… thờ, việc quá thiển cận trong cách hành xử với giá trị vô giá muôn một của làng Việt cổ đá ong Đường Lâm.
4 - Thỉnh thoảng, ở phố thị, ngó tivi, báo chí, tôi hay thấy các “chuyên gia” nói về cách trùng tu, tôn tạo, bảo vệ Đường Lâm, và tôi lại tái mặt. Trời ạ, họ nói chung chung, họ cứ nói (mà sao nhà báo lại cứ đi hỏi “loạn” như thế?) – trong khi, những gì diễn ra ở Đường Lâm đang chết từng ngày, bởi tốc độ sống quá nhanh, tràn về quá nhanh.
- Ảnh bên : Những ngôi nhà xây bằng đá ong đã tạo nên nét đặc sắc của ngôi làng cổ này
Vừa qua, có vụ cướp bịt mặt, giữa ban ngày, đi qua đình làng, qua ủy ban xã, vào gặp 1 người giàu cướp vàng và tiền, đâm cho bà chủ một nhát rồi biến. Con nghiện từ phố thị coi làng cổ là bến đỗ “bình yên”. Xe đạp của bà con, từ thời có cái xe đạp đến giờ, vốn vẫn vứt chỏng chơ ở bờ ruộng để đi cấy này, nay hở ra là bị dắt mất, mất hàng chục chiếc. Di tích bị tàn phá bằng lỗi trùng tu ngớ ngẩn. Làng cổ mà nếp nhà xưa biến mất với tốc độ, nếu đi công tác lâu ngày về, người Đường Lâm, họ ngán ngẩm như vừa bị dính quả lừa kiểu “mả bố thằng nào nói với thằng nào trong truyện Trạng Quỳnh”. Tôi lại nhớ lời nhà sử học Dương Trung Quốc, cứ đà buông lỏng quản lý xây dựng này, rồi phố cổ Hà Nội sẽ là cái gì? - rồi ông tự thở hắt giả nhời: Nó sẽ giống bất cứ cái phố nào trên đất nước này, trên thế giới này. Và, tôi nghĩ, làng tôi rồi cũng sẽ như thế.
Suốt mấy thập niên qua (từ khi không gian làng cổ còn nguyên vẹn đến nay), số công trình nghiên cứu, số giấy tờ hội thảo về Đường Lâm, có lẽ đã đủ rải kín hai ba lớp trên đất làng tôi. Nhưng tuyệt nhiên không có ai khoanh vùng bảo vệ, không có ai ngăn chặn các hành vi trùng tu tôn tạo ngớ ngẩn, hay giám sát việc “phá di sản để làm mới” – những hành vi xây cất vô trách nhiệm với cha anh và mai hậu. Người ta cứ bàn luận và người ta cứ phá, một đằng ở trên tivi, trên hội thảo, hội nghị; một đằng cầm dao xây thước thợ, máy xúc máy ủi trên chính đất đai mà cha ông họ để lại. Lỗi này, xin đừng đổ một mình cho ý thức của những người nông dân ở Đường Lâm. Bà con có quyền ở trong những ngôi nhà sang trọng khi họ có tiền, họ có quyền thụ hưởng các giá trị vật chất đang làm quay cuồng cả thế giới xung quanh họ; còn công việc bảo tồn là phải khoanh vùng, tạo hành lang dung hòa giữa hai chiều cũ mới kia để tôn vinh di sản một cách đích thực nhất. Rõ ràng, các nhà bảo tồn đã thoải mái rao giảng mà bỏ trống trận địa.
5 - Tóm lại là gì, tóm lại là cảm giác của tôi: tôi thấy cái chiêu bài bảo vệ không gian văn hóa lịch sử cổ xưa ở Đường Lâm, dù dự án mấy trăm tỉ, dù nó rất tuyệt, nhưng nó đã được thực thi một cách thật là điêu trá. Sự điêu trá, vô trách nhiệm này không những đẩy Đường Lâm vào tình trạng không giữ được; hơn thế, nó sẽ giết chết ngay cả những giá trị bình thường khác của Đường Lâm, mà ở rất nhiều làng quê vẫn đã có. Ví dụ như sự thanh bình bờ xôi ruộng mật, những lũy tre xanh, bầu không khí trong lành, sự mộc mạc của người nông dân sương nắng ngoài đồng. Đường Lâm, trong cơn lốc làm du lịch, trong sự săn sóc vô duyên của những dự án thực hiện không phải bởi vì nâng niu những giá trị đích thực của làng Việt cổ đã bị biến dạng quá nhiều. Biến dạng đến tê tái.
Bây giờ, tôi nghĩ, vẫn còn chưa quá muộn để các nhà văn hóa, bảo tồn, quy hoạch ra tay nâng niu trân trọng giá trị muôn một của Đường Lâm một cách thiết thực, hiệu quả hơn.
>>
- Công viên Thống Nhất: "Bông hoa này là của chung"
- Hình ảnh những thay đổi một góc công viên Thống nhất qua thời gian 1991-2009
- Phiếm luận với các Kiến trúc sư nhân ngày đầu năm
- Đời Ngõ
- Ngày Tết dành cho những ai?
- Yêu Hà Nội theo những cách rất riêng
- Quà nhỏ tặng Hà Nội
- Gặp người phụ nữ từng đoạt giải thưởng quốc tế với đồ án thiết kế hồ Gươm
- Năm qua, Hà Nội có bao chuyện quanh Hồ Gươm?
- Không gian cổ ở Cự Đà