Ashui.com

Wednesday
Nov 27th
Home Cộng đồng Kiến trúc sư Yêu Hà Nội theo những cách rất riêng

Yêu Hà Nội theo những cách rất riêng

Viết email In

Bài viết này đã đăng trên TuanVietNam.net cách đây đúng 1 năm. Tác giả - Trần Huy Ánh gửi và mong muốn đăng lại trên Ashui.com để mở đầu một câu chuyện mà anh sẽ tiếp tục viết trong những ngày giáp Tết năm nay... 

Gánh nặng áo cơm còn đè nặng hai vai...

  • Ảnh bên : Hồ Hoàn Kiếm chụp từ trên cao, năm 1936 (nguồn: Hanoidata)

Mùa thu năm 1999, Hội KTS Hà Nội phát động cuộc thi đua “Kiến trúc sư Hà Nội và các công trình hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long". Rất đông anh em trong hội tham gia nhiệt tình. Cuối năm Hội chọn hơn một chục đề tài tiêu biểu để nghiên cứu sâu hơn.

Có một đề tài mang tên: "Tổ chức thông tin di sản kiến trúc Hà Nội", với nội dung là cóp nhặt các bản vẽ ghi, ảnh chụp các công trình kiến trúc Hà Nội xây dựng từ thế kỷ 18, 19 đến nửa đầu thế kỷ 20. Tư liệu này được quét vào máy tính rồi đưa lên mạng để mọi người cùng thưởng lãm…

Bắt tay vào mới thấy kho tư liệu đồ sộ, vì vậy mọi người bảo nhau rút gọn, cuối cùng cũng có vài trăm bức ảnh, vẽ ghi vài chục cái cổng làng xóm, chùa cổ trên mấy làng cổ ven Hồ Tây, phía Đông bắc Kinh thành Hà Nội xưa: Trích Sài, Võng Thị, Yên Thái, Đông Xá, Hồ Khẩu…

Nhưng rồi chuyện cơm áo đè nặng hai vai, lại là việc không thù lao, anh em dần tan tác, nhiệt tình cũng giảm. Báo cáo kết quả đôi ba năm rồi đành…để đấy, xin hẹn lại với mai sau.

Tấm lòng với Hà Nội thì ai cũng sẵn, chỉ khác cách thể hiện

Ít lâu sau, lại có dự án “Đường đi bộ qua khu phố cổ". Sớm biết khu 36 phố phường còn nhiều chuyện cam go, những người làm chỉ đưa ra mục tiêu thật thiết thực: Làm cống thoát nước thải, làm hào kỹ thuật để đưa hết dây dợ lằng nhằng xuống đất rồi lát lại cái vỉa hè cho phẳng phiu, trải bù một lớp nhựa cho lòng đường nhẵn nhụi để đi bộ hay đi xe cũng tiện.

Phần quan trọng nhất của dự án là chống cháy cho phố cổ. Bởi ký ức về trận cháy rụi chợ Đồng Xuân năm 1993 vẫn còn in đậm trong tâm trí nhiều người. Phố cổ thì ngõ nhỏ, ngóc ngách, bể chứa thì không có, ô tô PCCC thiếu lắm mà nguy cơ cháy thì chẳng riêng chợ Đồng Xuân mà cả tuyến phố đều đầy rẫy nguy cơ cháy. 

  • Ảnh bên : Phố Hàng Đào đầu thế kỷ 20 (nguồn: Hanoidata)

Một chuyên gia PCCC, ông là trung tá, từng học ở Liên Xô cũ được mời làm cố vấn. Phương án được xây dựng là làm một đường ống gang đường kính 200 mm chạy dọc phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường, Đồng Xuân, Cầu Giấy, nối thông Hồ Hoàn Kiếm với Tháp nước Hàng Đậu (vốn không sử dụng lâu nay), phục hồi một đường cấp nước từ nhà máy nước Yên Phụ về (nước thô chưa cần khử trùng).

Hai đầu hai trạm bơm tăng áp, đường ống có áp lực mở ra là phụt nước chữa cháy ngay, khỏi cần ô tô len lỏi, xịt vài cái là hết nước, đi lấy nước quay về thì… cháy xong rồi.

Lạy giời, nhà đừng cháy thì đường ống xịt nước dùng để rửa đường cũng tốt, phòng khi hồ Hoàn Kiếm cạn hay nước đục thì thau nước cũng tiện. Phương án được trình bầy rất công phu khi mang ra phê duyệt thì được nhận xét là: "Phiêu lưu quá..." Thế là dự án lại đắp chiếu.

Mấy năm nay đi qua phố cổ, thấy vỉa hè đã được lát đá phiến, nhưng dây dợ thì vẫn lằng nhằng. Lại có thêm sáng kiến lập chợ làng họp trên lòng đường tuyến phố vào buổi tối hai ngày cuối tuần.

Buồn nhất là chứng kiến cái lúc chống hạn cho Hồ Hoàn Kiếm, mấy cái ô tô sình sịch chạy chở nước đổ vào hồ, chẳng bù nổi cái lượng nước bốc hơi. Thế mới biết tấm lòng với Hà Nội thì không thiếu nhưng cách thể hiện thì mỗi người mỗi cách.

Thế mới ngộ ra rằng, cái dự án của mình toàn chôn cái xấu xí, khó khăn dưới đất. Sản phẩm lại không định lượng ra tấn tạ hay nổi lên mặt đất với kích thước ít hoành tráng nên ít được ủng hộ chăng?

Không biết tự bao giờ người Hà Nội lại mê mẩn những thứ hào nhoáng to lớn kềnh càng như bây giờ. Tuy vậy, những việc quá sức cũng chẳng dễ làm, chỉ e nó dang dở, chìa ra cái hấp tấp nóng vội trong lúc tài lực, thời gian có hạn thì chi bằng “tạ lỗi với tiền nhân và cáo lỗi mai sau” (lời của GS Lê Văn Lan).

Xin đóng góp chút sức nhỏ cho Hà Nội

  • Ảnh bên : Bạn chọn cách nào để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long? (nguồn: VNN)

Ba năm tới, dù không dự định thì Hà Nội vẫn cứ phình to ra bốn phía. Hàng ngàn hecta đất nông nghiệp sẽ thành đô thị, hàng triệu bà con nông dân sẽ thành cư dân đô thị. Bà con sẽ ra thành phố tìm việc làm: trẻ thì học hành giỏi giang làm doanh nghiệp hay quản lý, thường thì tham gia đội quân đông đảo làm lao đông đơn giản hay phức tạp tuỳ theo khả năng. Còn lại dở dang thì tham gia vào đội quân dịch vụ, chắc có nhiều sáng kiến mưu sinh...

Giữa chốn phồn hoa cát bụi này, dân phố cũ tìm đường còn toát mồ hôi, thì bà con mình chắc sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tìm được cái nơi mình muốn đến lắm.

Xin có kế hoạch thế này: Lập một cái bản đồ số có rõ tên phố số nhà, có địa chỉ các cửa hàng hay nơi sản xuất, tất nhiên là đưa lên website để tiện cho nhiều người xem (thậm chí ai cần có thể in ra giấy).

Công việc "cỏn con" ấy mà cũng làm cật lực 2 năm rồi mới gần xong. Trước mắt là địa bàn một quận vốn là huyện ngoại thành, nơi tập trung nhiều trường học cơ quan. Bản đồ sẽ là bản đồ số, nên  cứ 100 ngày những người làm cập nhật một lần và bản đầu tiên là sau 100 ngày tới (kể từ ngày 17/1/2008).

Sức người có hạn, chỉ có tấm lòng đóng góp thế thôi, nếu có cơ duyên thì sẽ mở rộng ra và cứ 300 ngày xin thông báo một lần và coi đây là việc “đóng góp với hôm nay".

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...