Thái độ cần thiết của mỗi ai đó trước tài nguyên đất đai cha ông để lại: làm sao để không những sinh sôi của cải vật chất mà còn dung dưỡng nhiều giá trị khác nữa. Ở nơi bạt ngàn rừng núi như Tây Nguyên, mênh mông biển trời như Vân Phong (Khánh Hoà) hay bé bé, xinh xinh như Hồ Gươm cũng vẫn cần một nguyên tắc như vậy.
“Đã thấy Xuân về với gió Đông"
- Ảnh bên : Bên hồ Hoàn Kiếm, 2 cây lộc vừng cùng nhau khoe sắc (nguồn: thanglong-hanoi.blogspot.com)
Giờ này năm trước, Hà Nội xôn xao về chuyện người ta định "rào" Hồ Gươm bằng một toà nhà bê tông bọc kính. Cũng may vận khí Thăng Long vẫn còn mạnh nên chuyện này đã kịp lắng đi.
Một năm trôi qua có bao là chuyện - kể ra thì lành ít dữ nhiều. Cả nhân gian nhiều chuyện, Hà Nội ta cũng nhiều chuyện sóng gió. Thuyền càng to thì gặp sóng càng lớn.
Trong cái rủi lại thấy cái may, giá sử mà cái dự án kia lỡ mà cứ xây - nằm chình ình bên Hồ Gươm thì Tết này khối nhà mất vui. Người buồn đầu tiên không ai khác chính là ông chủ toà nhà - vì xây nhà là đi vay ngân hàng, mà cái ông ngân hàng to nhỏ gì cũng như đang ngồi trên lửa khi tài chính toàn cầu chao đảo như lúc này.
Rõ là ngân hàng cũng chẳng hào hứng gì với bất động sản đâu, giờ mà dang dở, tiến thoái lưõng nan thì chẳng hoá người đi vay lẫn người cho vay đứng ngồi không yên ư?
Nhưng sẽ buồn hơn cả là bao người thấy cái lợi lộc đang lấn át nhiều thứ quý giá hơn. Thật may, vẫn còn nhiều người có trách nhiệm đã sáng suốt kịp dừng cái việc tai hại ấy lại. Hồ Gươm thoát nạn, bà con thoát khỏi âu lo: tiền bạc không bị rơi vãi khi lỡ góp đầu tư vào cái dự án miệng tiếng ấy mà trọn niềm vui với hy vọng, rằng trên đời cái đẹp cái thiện còn nhiều. Thế có phải hồn sông núi vẫn còn đầy ắp nơi đây, tỏa hào quang mà nhấn chìm những toan tính tầm thường.
“Mưa tạnh trời quang nắng mới hoe“
Sớm nay rảo bước ven Hồ Gươm để tới nơi trưng bầy các phương án dự thi "Ý tưởng qui hoạch và thiết kế đô thị khu vực Hồ Gươm và phụ cận"… Hãy khoan bàn về cái hay dở từng phương án, mà dành cái tâm trạng phơi phới điểm lại những chuyện vui năm qua.
Đồ án dự thi của Công ty cổ phần tư vấn và đầu tư xây dựng CDCC - Ảnh: Ashui.com
Chuyện vui thứ nhất là đã có cuộc thi này. Hẳn là nguồn cơn từ cái kế hoạch lèm nhèm đâm ra thành chuyện khó xử, nay giữa thanh thiên bạch nhật mở cuộc tranh tài để thiên hạ tới đây đem hết tài năng mà thi thố. Ai có cao kiến gì thì cứ dốc sức mà bày ra, bà con tha hồ chiêm ngưỡng rồi góp lời tâm huyết.
Chín phương án, mỗi người mỗi ý - cái nào cũng công phu chau chuốt. Chi ra 0,2 triệu USD mà có ngần này tác phẩm thì quả là lợi ích quá. Ngay cả phương án cá nhân tôi không ưng nhất tại cuộc thi này được dùng thì công bằng mà nói: nó vẫn vượt xa cái bản vẽ EVN trình ra năm trước.
Thế mới biết việc gì mà cũng đưa ra công khai thi thố hay bàn thảo rộng rãi thì HN ta tiết kiệm được nhiều. Bản quy hoạch HN giá thành 6,4 triệu USD, gấp 32 lần chi phí cuộc thi này. Hy vọng sẽ hứa hẹn vài chục lần bà con ta được xem nhiều thứ hay ho hơn thế.
Chuyện vui thứ hai là kể từ hồi Giải phóng Thủ đô (1954), đến nay đã hơn nửa thế kỷ, chưa năm nào HN ta xây nhiều vườn hoa đến thế. Công viên, vườn hoa HN, cái nào cũng phải làm chật vật vài năm mới xong, có cái thì đến mấy chục năm vẫn chưa xong (như công viên Tuổi Trẻ hay Đống Đa).
Ấy thế mà xẻo công viên ra "chén" thì cực nhanh, như năm kia ấy mấy cái công viên tí nữa thì thành nhà hàng khách sạn, hay cả cái vườn đào Nhật Tân ngút mắt xuân hồng là thế – hô biến đánh xoẹt là thành nhà chia lô.
- Ảnh bên : Vườn hoa Hàng Trống, phố Nhà Chung (nguồn: VnMedia.vn)
Năm qua Hà Nội có liền một lúc 3 cái vuờn hoa (có 2/3 cái ở gần Hồ Guơm) - bé tý nhưng sang trọng, vì toạ lạc tại các mảnh đất ngàn vàng cả. Giá mà duy trì cái tốc độ làm vườn hoa – công viên như thế này mươi năm liền, thì HN ta chả mấy mà xanh sạch hơn cả Singapore.
Chuyện vui thứ ba bắt nguồn từ chuyện buồn: HN ngập nuớc. Hồ Gươm cũng ngập. Cuộc thử thách nghiệt ngã làm cho sự quan tâm đến các vấn đề đô thị sâu sắc hơn – nhưng chắc chắn sau này các phương án phát triển đô thị HN sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng hơn, vì vậy những nhà soạn thảo kế hoạch hay những vị có trách nhiệm quản lý sẽ trở nên sắc sảo tài giỏi hơn nhiều.
Kế hoạch phát triển đô thị HN không chỉ là những bản vẽ loè loẹt, hời hợt nặng về hình thức “cờ đèn kèn trống” - còn đó vấn nạn: rác bẩn, khói xăng, bụi bẩn, nước ngập, đường tắc, dịch bệnh, thực phẩm không an toàn… mà HN phải đối mặt.
Giải quyết ổn thoả trong hoàn cảnh tiền bạc eo hẹp thì ắt phải là người tài năng lắm mới làm được. Thời khắc này có là cơ hội mở ra cho những cá nhân, tổ chức có đủ tài trí và tấm lòng ra tay.
Chuyện vui thứ tư là cơn sốt sân golf đã được hạ nhiệt. Mặc dù sân golf không gần Hồ Gươm và ở tận nơi rất xa (tỉnh Long An) đã thu hồi 12 dự án golf. Nhưng nhờ hạ nhiệt mà HN ta ít nhất đã dừng kịp thời vài dự án. "Câu chuyện này chưa có kết luận cụ thể bằng bất cứ quyết định pháp lý nào, nhưng đã xới lên trong dư luận một cách nhìn nhận toàn diện hơn về quản lý đất đai, phát triển cân bằng, sử dụng vốn đầu tư nước ngoài…”(VNN).
Không chỉ là nên hay không khuyến khích môn thể thao mới mẻ mà suy rộng ra thái độ cần thiết của mỗi ai đó trước tài nguyên đất đai cha ông để lại: làm sao để không những sinh sôi của cải vật chất mà còn dung dưỡng nhiều giá trị khác nữa.
Ở nơi bạt ngàn rừng núi như Tây Nguyên, mênh mông biển trời như Vân Phong (Khánh Hoà) hay bé bé, xinh xinh như Hồ Gươm cũng vẫn cần một nguyên tắc như vậy.
Chuyện vui thứ năm là sau một tháng với bao nỗ lực, Hà Nội đã quyết tâm giành lại con đường 19-12 từ một dự án chèn vào đây một cái chợ. Nơi ghi dấu lịch sử bi hùng Hà Nội đã đựơc tôn vinh xứng đáng. Cho dù bạn có là người bi quan đến mấy, cho dù Tết năm nay còn nhiều nỗi lo đến mấy thì bạn ơi, hãy tin đi: bạn đang sống trong một TP - nơi đang có nhiều người lao động ngày ngày vì ngày mai đẹp đẽ và mến yêu.
“Cái vui, cái buồn là vô biên còn cái giàu cái nghèo là trường cửu“ ( R.Tagore)… Một năm bao chuyện buồn vui, kể sao hết được. Chuyện tôi kể mới là những chuyện quanh Hồ Gươm – Hà Nội, tôi đã trông thấy và là niềm vui của tôi - cũng có thể đấy là nỗi buồn của những người khác. Nhưng khi ai đó còn lắng nghe nhau thì dẫu gì ngày mai còn nhiều hy vọng.
Mở cánh cửa trông ra lối ngõ, sẽ thấy : “Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm /Ngước mắt nhìn trời, đôi mắt trong.”
- Ghi chú : tiêu đề và các trích dẫn trong ngoặc kép in đậm , chữ nghiêng là trích dẫn bài thơ “ Xuân về “ của Nhà thơ Nguyễn Bính
Ngày rằm tháng chạp Mậu Tý
Trần Huy Ánh
- Ngày Tết dành cho những ai?
- Nói thật ở làng Việt cổ Đường Lâm…
- Yêu Hà Nội theo những cách rất riêng
- Quà nhỏ tặng Hà Nội
- Gặp người phụ nữ từng đoạt giải thưởng quốc tế với đồ án thiết kế hồ Gươm
- Không gian cổ ở Cự Đà
- Trúc Bạch, Hồ Tây - năm tháng những chuyện buồn vui
- Mái đình - chút hồn quê và chứng nhân lịch sử
- Hồng Hà - Hà Nội, giấc mơ dang dở về phố và sông
- "Thành phố Văn Lang": Ý tưởng táo bạo về thành phố văn hoá