Ashui.com

Wednesday
Nov 27th
Home Cộng đồng Kiến trúc sư Ngày Tết dành cho những ai?

Ngày Tết dành cho những ai?

Viết email In

Tivi ngày mùng 1 Tết phát đi câu chuyện Tết bốn phương : Đối với người Trung Quốc, bữa cơm cuối năm rất quan trọng, vì trong bữa cơm ấy họ nói với nhau rằng trong năm vừa qua họ đã được gì và mất gì; Trong năm tới họ sẽ làm gì và không làm gì. Còn tôi xin kể lại câu chuyện ghi lại vào ngày Tết.

Bạn trẻ quanh phố Cầu Đông có nhớ

Những năm sau tiếp quản Thủ đô (1954), người Hà Nội chưa đông lắm, các trường Tiểu học cũng ít, mấy phố quanh Cửa Đông trẻ con hầu như đều học trường tiểu học Thăng Long. Trường lúc ấy to hơn bây giờ, cổng trường vẫn ở phố Ngõ Trạm nhưng các lớp học giáp sang tận phố Phùng Hưng (nơi nay ngăn ra làm phòng y tế quận Hoàn Kiếm). Thầy giáo cũng vắng nên gần như ai cũng học thầy, học trò đã vậy, còn các bậc cha mẹ thì ai cũng biết thầy.

  • Ảnh bên : Ông đồ và câu đối Tết (nguồn: internet)

Ngày xưa đi học ở lớp, về nhà cũng có bài nhưng thời gian chơi thì rất nhiều. Tất cả các vỉa hè phố phường là sân chơi của tụi trẻ, lúc ấy vỉa hè chưa lát xi măng nên khoét lên cái lỗ nhỏ là có thể chơi khăng, ồn ào đáo để. Rủ rỉ hơn là khoanh một vòng tròn nhỏ để bắn bi. Còn chơi xèng thì khỏi phải nói, mỗi lần con cái được ném ra, trúng mấy cái nắm bia đập dẹt là vang lên loẻng xoẻng. Chơi vui mấy nhưng cứ hễ trông thấy bóng thầy từ xa, không ai bảo ai đều đứng dậy, giấu hai bàn tay lấm lem sau lưng, lí nhí chào thầy kính cẩn. Có anh nhát quá còn trốn nấp sau gốc cây bàng.

Từ trường về nhà, thầy đi bộ dọc qua mấy con phố. Thầy đội cái mũ cát mầu xám nhạt, cái áo sơ mi mầu trắng phẳng phiu cài kín cổ và cho trong quần khiến tầy rất oai vệ, mặc dù thầy là người  nhỏ nhắn. Tay trái  xách chiếc cặp da có cái khuy đồng, chiếc cặp đã cũ nhưng lúc nào cũng sạch bóng tươm tất. Mỗi khi đi qua cửa nhà ai, các bậc cha mẹ đều cúi người "Chào thầy giáo". Tiếng chào vừa phải, đủ nghe. Phố thì cửa hàng san sát, thầy để tay lên vành mũ  nhấc cao khỏi đầu rồi lại đặt xuống, đôi chân vẫn rảo bước, thầy cũng vội về.

Cứ chập ông Công ông Táo chầu giời, chúng tôi lại thấy mẹ tôi thắng bộ cánh chỉnh tề: cái áo dài mầu sẫm, khoác cái áo len dầy, không quyên quàng cái khăn nhung the mầu đen bóng. Tay xách cái làn cói, bà gọi chiếc xe xích lô đi đâu đó … bí mật. Nhưng thực ra chúng tôi biết tỏng bà đi đâu, bà đến nhà thầy giáo, đi Tết thầy đấy, thế là sắp đến Tết rồi.

Trên đường về nhà, thể nào mẹ tôi cũng vào nhà ông bà Khánh Ký – cái cửa hàng mà mỗi đứa học trò như bị níu chân lại vì những cuốn vở có bìa in hình máy bay cánh quạt quay tít, súng đang khạc lửa, hay cái hộp bút vẽ cái tầu thủy đang dương buồm rẽ sóng, tiến về phương trời xa… Đúng sáng mùng một Tết, đỗ xịch trước cửa nhà tôi là chiếc xích lô chở đầy sách vở, chúng tôi ùa ra khênh vào. Nhà có mấy anh em còn lít nhít đi học cả, chỗ ấy dùng vừa xoẳn một năm là hết. Thế là mẹ tôi đã mở hàng cho ông bà Khánh Ký, còn ông bà thì mở hàng chữ nghĩa cho lũ trẻ chúng tôi.

Nửa thế kỷ đã trôi qua, ôi những ngày Tết của tôi..


Phố Khâm thiên sáng mùng 1 Tết những năm còn đốt pháo (nguồn: internet)


Tết lại đã về, quê nhà tôi ơi

Hơn chục năm rồi, tôi mới gặp thủ trưởng cũ của tôi. Hồi mới nghỉ ông hăng lắm, về quê tậu thêm đất làm nhà. Thấy quê còn thiếu thốn, lại có lời nhờ cậy, ông cao hứng  ứng tiền sửa đình, làm trường Tiểu học và đổ bê tông mấy cây số đường làng nữa, mỗi thứ vài trăm triệu, tính ra cúng ngót tỷ đồng. Kể thì cũng phải, thoát ly biền biệt mấy chục năm, nay đã thành đạt , lại có điều kiện thì về với chốn cũ làm việc nghĩa thì còn gì bằng. Nghe nói, lúc đầu ông được bà con làng xóm, các cụ hoan nghênh, cán bộ làng xã ủng hộ lắm, kể như vậy thì tiếc gì công sức, tiền bạc.

Công việc đang dang dở thì ở đâu ra lắm dự án về làng, lấy đất ruộng trả nhiều tiền đền bù. Thế là cái việc nghĩa cử của ông bỗng chốc thành chuyện tội nợ. Bắt đầu từ con đường. Đoạn đi qua xóm dưới đang đổ bê tông, công nhân của ông bị mấy trai làng chặn lại không cho làm. Gặp ông, mấy trai làng mồm còn sặc mùi rượu lè nhè “ông ở đâu mà đến làm đường làng tôi…”. Uất lắm nhưng đành lựa lời, gọi ông chú bà bác ra khuyên giải, cánh trai làng mới để thợ của ông yên. Hóa ra là không còn ruộng, các trai làng hết việc ở nhà lại không đủ tài ra ngoài kiếm ăn, thế là sinh sự thôi.

Cái  trường Tiểu học thì xây xong rồi, trẻ nhỏ đã có lớp. Nhưng trường ông mới làm thì xã không thể đập ngay mà xây trường mới, mà xã không dùng tiền đền bù để xây trường thì mấy ông quan xã xà xẻo vào đâu. Thế thì đích thị ông là kẻ vô duyên rồi. Tiền ứng ra cả đống nhưng xã trả lại nhỏ giọt như bố thí – thế có buồn không. 

  • Ảnh bên : Đình làng Bát Tràng - xã Bát Tràng (nguồn: thanglong-hanoi.com)

Nhưng buồn hơn cả là cái Đình làng. Các vị bô lão ngồi bàn sửa chữa Đình dưới mái sắp sập vì mấy hàng cột lâu ngày rỗng ruột cả,  thì sáng kiến đổ bê tông vào lõi cột, vỏ gỗ vẫn giữ nguyên của ông được tán thưởng, như một phát minh vĩ đại trong lịch sử mấy trăm năm Đình làng, các cụ hỷ hả tán thành. Nay thì khác rồi, các cụ chê làm như thế thật không phải, làng bên nó mua bộ cột gỗ nguyên cây, nghe đâu nhập từ Phi châu kia … Thế mới xứng là cái đình, các cụ vẫn tiếp tục bàn và mỗi lần bàn thì tổ chức ăn uống khá rôm rả. Vật giá leo thang, nghe đâu tiền đề bù xã trích một phần kinh phí dành ra làm đình cũng sắp hết, cột mới thì chưa mua được cái nào , còn kinh phí chống sập của ông ứng ra, các cụ lờ đi chưa thấy ai bàn là phải trả lại cho ông.

Tết năm nay tôi đến chơi, ông già sọm đi,  chừng chẳng muốn về quê nữa. Nhưng ở quê vẫn còn cụ thân sinh ra ông tuổi đã hơn trăm. Đón cụ ra phố cụ không chịu, cụ mắng “ra phố mỗi dịp việc làng , ai sẽ làm chủ tế đây…” Nhưng mỗi đận về làng ông như đi trên con đường trải mảnh thủy tinh, nhìn ngôi trường và cái Đình làng chễm chệ với hàng cột gỗ lõi bê tông kia, ruột gan ông rối bời. Có lẽ từ dạo ấy ông không còn thích Tết.

Có bao bài thơ, lời hát về làng quê yêu dấu, chỉ riêng ông ngán ngẩm “quê nhà tôi ơi”. 

  • Ảnh bên : Chọi gà - Thú vui ngày Tết (nguồn: internet)


Tết này, thầy đến chơi nhà

Có ông dạy Đại học Kiến trúc về hưu, học trò mời ra ngồi ghế Giám đốc. Thời buổi thị trường nên họ năng động lắm, họ là nhà quản lý nhưng là chủ Công ty thực sự, lấy ông làm vì danh thôi. Sau ba năm theo đuổi, dự án ông đứng tên chủ trì thiết kế được duyệt, đền bù  đất ruộng có vài chục nghìn một mét vuông, các ông chủ thực sự của Công ty bán ngay cho mấy ông đầu cơ bất động sản được hơn chục triệu một mét vuông đất trên bản vẽ… Ông thấy kinh quá cáo ốm rồi nghỉ luôn. Mỗi khi nhắc lại chuyện lập dự án bán đất, ông lại ái ngại, lắc đầu “làm giầu như vậy thật tàn nhẫn, bất công quá …”.

Hôm gặp mặt cuối năm ở trường, có ông giáo già hơn len qua mấy hàng ghế đến bắt tay, ông nói “Ba năm nay, tôi theo dõi anh. Ngày xưa, khi anh là học trò tôi, đâu có đến nỗi nào. Tôi ngạc nhiên vì anh ngồi ở Công ty ấy với những người ấy. Nghe tin anh rời họ ra rồi, giờ tôi mới đến bắt tay anh. Thật quả là anh đâu có đến nỗi nào…

Hôm giáp Tết, ông có vẻ bấn. Thì ra chuyện tiền bạc cơm áo chẳng phải chuyện đùa. Lương hưu chả đáng là bao khi ngày Tết xình xịch đến. Ông lo cho cái Tết năm nay. Đang buồn ngủ thì gặp chiếu manh, người của Công ty đến chơi, gọi là có túi quà Tết, mở ra có cái phong bì kha khá. Kể ra thì họ cũng là người có trước có sau, thời nay như vậy cũng là hiếm. Ông tần ngần tiếc những ngày tiền bạc dễ kiếm. Rồi ông tặc lưỡi “Thôi, thế là không còn dịp nhận những phong bì nặng tay, nhưng nếu cứ nhận thì chắc không bao giờ có những cái bắt tay ân tình nữa. Dù gì thì chỗ này cũng đủ cái Tết đây“. Ông nhớ tới người thầy già và nhấc điện thoại lên “Tết này, thầy đến chơi nhà…”.

Ba câu chuyện tôi kể, ghi lại vào những ngày Tết, có chuyện vui, có chuyện buồn. Có chuyện cả buồn lẫn vui. Có nhiều người thích Tết và có cả những người sợ Tết. Nhưng ngày Tết thì vẫn là Tết. Còn tôi vẫn miên man câu hỏi “Ngày Tết dành cho những ai?



23 giờ ngày mùng Một Tết Kỷ Sửu, 

Trần Huy Ánh 

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...