Ước mơ có một cuốn sổ tay giới thiệu cho du khách nước ngoài về kiến trúc Hà Nội của kiến trúc sư Mai Thế Nguyên trở thành hiện thực, khi ông mang về Hà Nội những cuốn sách được ông biên soạn ở Na Uy vừa xuất bản.
- Ảnh bên : KTS Mai Thế Nguyên với cuốn sách vừa xuất bản, chụp tại căn hộ riêng của ông ở phố Núi Trúc, Hà Nội (Ảnh: Lan Anh)
Hà Nội của người con xa xứ
Cuốn sách của kiến trúc sư Mai Thế Nguyên được Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam hết sức ủng hộ. Còn với kiến trúc sư Mai Thế Nguyên, đây như một món quà mà ông dành tặng Thủ đô Thăng Long - Hà Nội 1.000 năm tuổi và mẹ yêu quí sinh ra ông.
Trang bìa cuốn sách có viền màu mạ non chạy dọc. Chiếc áo len ông mặc cũng pha màu mạ non.
Đến chiếc danh thiếp của ông cũng có màu nền là màu mạ non.
Ông bảo: Tôi yêu màu mạ non, màu mà chỉ về Việt Nam tôi mới có được. Chính vì cái màu quê hương bịn rịn đó mà, dù bận đến mấy, năm nào không về thăm quê là ông thấy bồn chồn không yên.
Sau nhiều lần dẫn du khách Na Uy tham quan Hà Nội, kiến trúc sư Mai Thế Nguyên nhận thấy Hà Nội có nhiều sách về du lịch.
Sau ba tháng nghiên cứu, chọn ảnh, thiết kế, ông hoàn thành cuốn sổ tay Kiến trúc Hà Nội bằng tiếng Anh với tên gọi Hanoi Architecture - an informal notebook of a jumble city (tạm dịch là Kiến trúc Hà Nội - Sổ tay về một thành phố lộn xộn).
Từ jumble trong tiếng Anh có nghĩa là lộn xộn, nhưng ông bảo có thể hiểu nó theo nghĩa tích cực, bởi lẽ chính cái lộn xộn đó tạo nên một nét rất riêng của Hà Nội.
Hà Nội có cái mới, cái cũ đan xen. Sách của ông được giới thiệu theo từng quận như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy và khu phố cổ.
Theo lẽ thường, khi giới thiệu về một công trình nào đó, người ta thường lấy tiêu chí đẹp nhất, hay nhất. Nhưng khi chọn những bức ảnh để đưa vào sổ tay, Mai Thế Nguyên không làm vậy.
Những công trình kiến trúc mà ông chọn không hẳn là đẹp nhất, nhưng phải có giá trị lịch sử nhất và qua đó có thể giới thiệu cho bạn bè quốc tế về văn hoá và lịch sử của Hà Nội.
Chẳng hạn như khu tập thể Giảng Võ, nơi ông từng ở, không phải là công trình xuất sắc, nhưng nó là công trình xây dựng tiêu biểu của thời bao cấp. Và những địa danh của Hà Nội không thể bỏ qua là Lăng Bác, Chùa Một Cột, Nhà Thủy Tạ, Nhà hát Lớn…
Là sổ tay dành cho du khách ngoại, bên cạnh các bức ảnh về kiến trúc Hà Nội, trang kế bên luôn để trắng cho độc giả ghi lại cảm nhận của mình. Sách dày 120 trang với những bức ảnh được chọn lựa kỹ lưỡng, có chú thích ngắn gọn về quá trình hình thành và phát triển của địa danh đó.
- Ảnh bên : Bìa sách Kiến trúc Hà Nội - cuốn sổ tay về một thành phố lộn xộn (Nguồn: Ashui.com)
Tâm huyết
Tốt nghiệp ngành khoa học tự nhiên tại Pháp, theo lời khuyên của chủ một công ty kiến trúc, Mai Thế Nguyên bỏ tất cả để theo học ngành kiến trúc tại Na Uy. Đồ án tốt nghiệp ngành kiến trúc của ông chính là kiến trúc truyền thống Việt Nam.
Ít ai biết được, kiến trúc sư Việt Nam này từng tham gia thiết kế nội thất hoàng cung Na Uy. Ông Nguyên luôn nặng tình với Hà Nội, thành phố nơi ông sinh ra và lớn lên. Ông hy vọng có thể truyền tải cái hồn của Hà Nội cho du khách nước ngoài khi họ lưu lại Hà Nội.
Yêu Hà Nội nhưng ông cũng không khỏi phiền lòng trước những công trình xây dựng bắt chước mọc như nấm. Ông cho biết, công trình mới phải được Việt Nam hoá, nếu không, Hà Nội sẽ mất đi vẻ đẹp vốn có của nó.
Mỗi lần ông về nước lại có nhiều kiến trúc sư trẻ tới nhà ông xin thỉnh giáo. Dự định ăn Tết Kỷ Sửu ở Việt Nam của ông bất thành. Ông phải vội vã trở về Na Uy vì vợ ông ốm nặng. Ông luyến tiếc: “Thế là số mình không được ăn Tết ở Hà Nội rồi”.
>>
Liên hệ mua sách "Hanoi Architecture - an informal notebook of a jumble city": - Ashui.com : 09.8888.7890 / info@ashui.com - Xunhasaba, 32 Hai Bà Trưng - Hà Nội - Infostone Bookshop, 45 Tràng Tiền - Hà Nội |
- Phiếm luận với các Kiến trúc sư nhân ngày đầu năm
- Đời Ngõ
- Ngày Tết dành cho những ai?
- Nói thật ở làng Việt cổ Đường Lâm…
- Yêu Hà Nội theo những cách rất riêng
- Gặp người phụ nữ từng đoạt giải thưởng quốc tế với đồ án thiết kế hồ Gươm
- Năm qua, Hà Nội có bao chuyện quanh Hồ Gươm?
- Không gian cổ ở Cự Đà
- Trúc Bạch, Hồ Tây - năm tháng những chuyện buồn vui
- Mái đình - chút hồn quê và chứng nhân lịch sử