Ashui.com

Friday
Nov 08th
Home Cộng đồng Kiến trúc sư KTS Tadao Ando: Hãy để ánh sáng và gió lên tiếng

KTS Tadao Ando: Hãy để ánh sáng và gió lên tiếng

Viết email In

Tadao Ando sinh năm 1941 tại Osaka, Nhật Bản. Khi còn trẻ, ông học làm đồ gỗ với một người thợ mộc địa phương và học nghề với các nhà thiết kế và nhà quy hoạch thành phố. Khoảng 18 tuổi, ông bắt đầu đi thăm các ngôi đền, miếu, nhà trà và các tòa nhà khác ở Nhật Bản. Ando cũng nghiên cứu kiến trúc bằng cách đọc sách, phân tích trên các bản vẽ. Năm 20 tuổi, ông đã đến châu Âu và Hoa Kỳ để thấy tận mắt những tòa nhà vĩ đại của các kiến trúc sư như: Le Corbusier, Mies van der Rohe, Alvar Aalto, Frank Lloyd Wright và Louis Kahn.

Giải thưởng Kiến trúc Pritzker năm 1995 là sự công nhận tài năng của một kiến trúc sư khác thường và một người đàn ông Nhật Bản khác thường, Ando chưa bao giờ theo học đại học cũng như được đào tạo chính quy về kiến trúc. Ông tự học bằng sự nhạy cảm bẩm sinh với không gian và ánh sáng. Phát biểu tại lễ trao giải Pritzker năm 1995, ông nói: “Tôi tin rằng kiến trúc không nên nói quá nhiều, nên giữ im lặng và để cho thiên nhiên trong vỏ bọc của ánh sáng Mặt trời và gió lên tiếng”.

Tadao Ando không sử dụng tre, nứa trong các công trình của mình. Ông không tạo vườn hoặc dựng các bức vách giấy. Vật liệu đặc trưng mà ông sử dụng là kim loại, kính, và đôi khi là gỗ. Điều này không có nghĩa ông bác bỏ hoàn toàn những gì thuộc truyền thống. Những công trình của ông là sự kết hợp tuyệt vời giữa tinh thần Thiền của Nhật Bản với cấu trúc, vật liệu phương Tây hiện đại.

Những tòa nhà của ông thường tận dụng tối đa ánh sáng Mặt trời. Cũng như trong kiến trúc truyền thống Nhật Bản, ngôi nhà luôn gắn liền với thiên nhiên, như một phần của thiên nhiên. Hai công trình Ngôi đền Nước (Water Temple) và Nhà thờ Ánh sáng (Church of the Light) là đại diện tiêu biểu nhất cho quan điểm kiến trúc của ông.

Ngôi đền Nước (1991)


Toàn cảnh Ngôi đền Nước 

Từ bao đời nay, thiết kế, kết cấu, cũng như vật liệu để xây dựng một ngôi chùa hay đền ở Nhật Bản hầu như không thay đổi. Do đó, Ngôi đền Nước của Tadao Ando là một sự đổi mới triệt để, thậm chí gây sốc. Công trình này nằm ở phía Bắc của đảo Awaji, nơi cảnh quan chủ yếu là đồi núi. Ngôi đền Nước được xây dựng trong khu rừng tre, nứa, giữa những ngọn đồi và biển.

- Vật liệu: Ando chọn bê tông cốt thép cho thiết kế của Ngôi đền Nước. Nó phá vỡ các quy tắc sử dụng toàn gỗ để xây dựng các ngôi đền truyền thống. Tường ngoài của ngôi đền là những tấm bê tông trắng, không trang trí, tạo cảm giác thanh khiết. Ando sử dụng gỗ sơn đỏ cho nội thất. Cách bố trí tượng thờ vẫn theo các quy ước truyền thống.

- Ao Sen: Sen là một biểu tượng quan trọng trong Phật giáo. Theo quan niệm Phật giáo, hoa sen rất thanh cao, có khả năng tẩy rửa những tạp chất của cuộc sống trần gian. Ngoài ra, hoa sen là biểu tượng của trời, của sự tái sinh. Giữa Ngôi đền Nước là một ao sen lớn. Bề mặt nước mang lại cảm giác tĩnh tại. Vào mùa hè, khi hoa sen nở, những bông sen được sắp xếp thành những hình biểu tượng cho quan niệm về vũ trụ trong đạo Thiền.


Hồ sen và cầu thang dẫn xuống lòng hồ

- Những lối đi hình cánh cung: Lối đi vào đền thờ là những con đường uốn cong hình cánh cung. Trong niềm tin Phật giáo, cuộc sống cũng giống như một vòng tròn, có sự luân hồi, có báo ứng. Như vậy, việc thiết kế lối đi hình cánh cung có thể tượng trưng cho những trải nghiệm hỷ, nộ, ái, ố trong cuộc sống. Qua con đường này khi bước vào ngôi đền là lúc những ưu phiền, những vương vấn bụi trần được bỏ lại phía sau.

- Cầu thang xuống hồ sen: cầu thang hẹp, dẫn chúng ta đi xuống giữa hồ sen. Cầu thang tối dần, phía cuối là một căn phòng nhỏ. Căn phòng hoàn toàn trống rỗng. Nhưng cái chúng ta cảm nhận được ở đây, là con đường đi vào chính tâm thức, trái tim của mỗi con người. Tư tưởng Thiền được thể hiện rõ tại đây, mọi thứ đều thuộc về hư không, có như không có.

- Màu đỏ: Nội thất gian phòng lớn sử dụng gỗ sơn màu đỏ như một vật liệu trang trí cần thiết. Màu đỏ là một màu phổ biến trong các đền thờ Nhật Bản. Tuy nhiên, trong truyền thống, màu đỏ được sử dụng kết hợp với màu sắc khác. Trong đền thờ Nước, màu đỏ được sử dụng với mục đích duy nhất và ở khắp mọi nơi. Các ngọn nến tỏa sáng trong nền màu đỏ, làm cho toàn bộ gian chính ngôi đền tràn ngập một bầu không khí tươi sáng và thậm chí là cảm giác đốt nóng. Nó tạo ra một cảm giác bí ẩn, đan xen.


Lối đi hình cánh cung phía bên trong ngôi đền 

Thực sự chúng ta đều rất bất ngờ khi Ando sử dụng hoàn toàn một màu đỏ. Trong suy nghĩ trước đây của mỗi chúng ta, ngôi đền là một nơi để thiền định và các hoạt động tôn giáo khác vì mục đích hòa bình và màu đỏ là màu biểu trưng cho sự chủ động và tính táo bạo. Không ai nghĩ rằng màu đỏ phù hợp với một ngôi đền yên bình. Khi mọi người từ bên ngoài với cảm giác thanh thản, tĩnh lặng thì khi vào bên trong, có vẻ như họ bước vào một cảnh giới siêu thực. Sự chuyển đổi đột ngột của màu mang đến cho chúng ta trải nghiệm cảm giác hoàn toàn khác nhau.

Ando giải thích về thiết kế của ông: “ Những mái cong lớn, được chạm khắc cầu kỳ là biểu tượng của những ngôi đền Phật giáo qua bao thế kỷ, nhưng tôi đã chọn hồ sen làm biểu tượng cho Ngôi đền Nước. Lối vào ngôi đền là những con đường hẹp, hình cánh cung. Đến đây tôi muốn tạo ra cho mọi người cách tiếp cận mới với tôn giáo. Trong gian chính, Mặt trời chiếu sáng từ phía Tây qua hai bức tường son tạo nên một luồng sáng màu đỏ, và bóng đổ từ những trụ cột nghiêng thành đường chéo trên sàn nhà. Những tương phản của ánh sáng và bóng tối cho thấy một cảnh giới vượt ra ngoài quan sát hằng ngày để phản ánh tiềm thức trong mỗi cá nhân”.

Nhà thờ Ánh sáng (1989)


Nhà thờ Ánh Sáng, Osaka

Đối với Ando, Nhà thờ Ánh sáng là một kiến trúc nhị nguyên đồng thời tồn tại những sự đối lập: rắn, đặc/trống rỗng, sáng/tối, mơ hồ/rõ rệt. Chính những cái đối lập đó tạo nên những khoảng trống yên tĩnh trong nhà thờ. Giao điểm của ánh sáng và bức tường vững chắc làm tăng nhận thức về tinh thần và thể xác con người. 

Bên trong nhà thờ những đồ dùng và trang trí được giản lược tối đa. Là một cấu trúc hiện đại và tối giản, Nhà thờ Ánh sáng phát ra một độ tinh khiết trong các chi tiết. Các đường và khớp nối của bê tông được xây dựng với độ chính xác cao dưới sự quản lý của các thợ mộc Nhật Bản dày dặn kinh nghiệm. Áp dụng phương pháp xử lý bề mặt gỗ vào chất liệu bê tông, Ando đã mang lại cho bê tông một diện mạo mới, mịn màng, không một chút nặng nề. 

Loại bỏ các chi tiết rườm rà, Ando tập trung vào những khối bê tông, lợi dụng tính năng bắt sáng của chất liệu này, ông quyết định đục thủng mặt tiền phía Đông tạo thành hình cây thập giá cho phép ánh sáng xuyên qua cây thập giá, chiếu vào không gian bên trong nhà thờ. Cách tiếp cận với ánh sáng của ông làm cho chúng ta có cảm giác đang bước vào một không gian siêu thực, cung đường dẫn tới thiên đàng, về gần với Chúa.

Trong tất cả các tác phẩm của tôi, ánh sáng tự nhiên là một yếu tố quan trọng, nó chi phối toàn bộ cấu trúc của công trình. Tôi tạo một không gian khép kín bằng những bức tường bê tông dày. Ánh sáng bên ngoài chiếu rọi vào không gian bên trong không cần quá nhiều mà đủ tạo ra một nơi riêng tư cho mỗi con người. Bước vào trong không gian này, họ chỉ đối diện với Chúa và chính cái tự tại trong tâm thức. Tất cả những gì thuộc về xã hội ồn ã sẽ ở lại bên ngoài những bức tường này,” Tadao Ando nói.

Phan Tường Linh (lược dịch)

 

Lời bình  

 
+1 # namphong 29/07/2011 13:10
Bó tay ông này, cao thủ: Làm Đền thờ nước mặt bằng chữ TADAO! Mãi mãi là ANDO!
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 
 
+1 # Tran Ba Thao 31/07/2011 21:36
Gui tac gia,
bai viet rat hay nhung cai hinh tong the toan canh ngoi den nuoc sai roi, cai nay chac la rendering cua ai do ve choi cho vui thoi,ong Ando chua co lam cai nao hinh chu Tadao nhu the, xin tac gia chinh lai, Tks
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 
 
0 # Ashui Admin 02/08/2011 20:06
Cảm ơn bạn đọc góp ý. Ashui đã kiểm tra và chỉnh sửa.
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 
 
0 # Pham 02/08/2011 04:10
Botay tac gia bai viet nay! Cai hinh ctrinh TADAO nay la do 1 KTS vietnam vi thich tadao ando ve choi thoi.... Vay ma dua ra day bao la DEN NUOC.... Botay.com! Can than kienthuc cua minh nhe ban!?
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo