Chính thức khai mạc vào tối 23/6 tại The Factory Contemporary Arts Centre (15 Nguyễn Ư Dĩ, Q.2, TPHCM), triển lãm điêu khắc Lạc Chốn của họa sĩ Bùi Công Khánh gây kinh ngạc về độ “đầu tư”. Tác phẩm điêu khắc bằng chất liệu gỗ mít của Bùi Công Khánh được trưng bày từ 23/6 đến 23/8/2016.
Đây được xem là triển lãm lớn nhất từ trước đến nay của Bùi Công Khánh, đồng thời là triển lãm thứ hai trong chuỗi dự án nghệ thuật của The Factory nhằm mang nghệ thuật đương đại đến gần hơn với công chúng.
Một phần tác phẩm Lạc Chốn của Bùi Công Khánh (Ảnh: Nghĩa Ngô)
Sử dụng 1,5 tấn gỗ mít và trải qua hơn hai năm làm việc cùng một nhóm các thợ mộc lành nghề và nghệ nhân chạm khắc gỗ tại Hội An, Bùi Công Khánh “kể” vô số câu chuyện về lịch sử, xã hội và văn hóa Việt Nam thông qua công trình chạm khắc tỉ mẩn đến kinh ngạc trên từng xà nhà, những cột gỗ độc đáo, cửa sổ và các chi tiết tĩnh vật theo phong cách kiến trúc phong kiến của Huế.
Sinh ra và lớn lên tại Đà Nẵng, cảm hứng xuyên suốt trong các sáng tác đa chất liệu (điêu khắc, tranh, sắp đặt, phim và phác thảo) của Bùi Công Khánh đều có một mối quan tâm chung là di sản văn hóa dân tộc.
Nghệ sĩ Bùi Công Khánh (phải) tại triển lãm điêu khắc Lạc Chốn (Ảnh: Nghĩa Ngô)
Anh là nghệ sĩ có nhiều sáng tạo mang tính thách thức mà rất thơ, các tác phẩm của anh ngày một phát triển về chiều sâu nhờ nghiên cứu lịch sử, sự kết hợp giữa mỹ thuật tạo hình và phương pháp nhận thức sắc bén.
Như với Lạc chốn lần này, Bùi Công Khánh hi vọng mang đến cho người xem một không gian để lắng đọng, để suy tưởng về định kiến xã hội mà ta có thể vô tình mang theo, dịch chuyển chúng ta ra khỏi định kiến đó với mong mỏi mỗi người có thể tự “chạm” lại những câu chuyện của chính mình.
Người xem các tác phẩm đồ sộ trong Lạc chốn (Ảnh: Nghĩa Ngô)
Bùi Công Khánh lí giải, anh chọn gỗ mít để thực hiện dự án này bởi đây là thứ vật liệu truyền thống rất linh hoạt, được ứng dụng nhiều trong đời sống cộng đồng. Cha của Bùi Công Khánh vốn là một thợ mộc tài hoa đã truyền cảm hứng cho anh từ bé.
Trong khi đó, những hoài niệm về sự cần kiệm của mẹ trong từng bữa cơm gia đình vào giai đoạn những năm 1970 đầy khó khăn, “sáng tạo” ra nhiều cách chế biến món ăn khác nhau chỉ với một quả mít đã góp phần thổi thêm cảm hứng cho anh bắt đầu hiện thực hóa ý tưởng của mình.
Dự án Lạc chốn được khởi xướng và thực hiện bởi Sàn Art. Sau khi ra mắt tại TP. Hồ Chí Minh, triển lãm sẽ lên đường tham gia vào Singapore Biennale 2016, bắt đầu từ 27/10/2016 đến 26/2/2017.
Lạc chốn của Bùi Công Khánh (Ảnh Sàn Art cung cấp)
Minh Trang
(Tuổi Trẻ)
- Độc đáo Con đường nghệ thuật Tam Thanh
- Tượng gỗ Tây Nguyên: Những pho sử thi bước ra từ đại ngàn
- Câu chuyện rác thải của Lê Phi Long qua “Những can thiệp nối dài”
- Triển lãm "3 phố" của nhóm G39
- Triển lãm Hội An Nostalgia: Đô thị sống trong con người
- "Chúng tôi vẽ lãng" - Triển lãm của nhóm họa sỹ G39 về làng Cự Đà
- Nhóm NONI lừng danh biểu diễn nghệ thuật đương đại tại Ga Long Biên
- Triển lãm “Tiếp nối” - Sự dịch chuyển của dòng chảy mỹ thuật Việt
- “Giấc mơ hồi sinh” nhà Lang Mường: Câu chuyện nhiều tầng ý nghĩa
- Triển lãm nghệ thuật “Phong cảnh Singapore” tại Hà Nội