40 năm sau ngày khánh thành những ngôi nhà cho trẻ em Việt Nam mất cha mẹ trong chiến tranh, ông bà Trần Thanh Vân – Lê Kim Ngọc hôm nay (12/8) lại cắt băng khánh thành một công trình to lớn hơn: ngôi nhà dành cho các nhà khoa học Việt Nam, được biết đến với tên gọi Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành – ICISE.
Trung tâm ICISE toạ lạc trên một khu đất rộng 18ha đẹp nhất phường Ghềnh Ráng của TP Quy Nhơn. Nơi này được kỳ vọng trở thành điểm thu hút các nhà khoa học Việt Nam và thế giới đến giao lưu, trao đổi các mối quan tâm về khoa học trong nhiều lĩnh vực.
Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành ICISE (Ảnh: Isabelle Cossin)
Công trình triệu đô cho khoa học
Những hàng dừa và những vạt cỏ mới được đem đến trồng quanh trung tâm ICISE vài ngày trước lễ khánh thành. Cỏ chưa kịp lên xanh, nhưng toà nhà hội nghị 300 chỗ ngồi đã sẵn sàng mọi phương tiện nghe nhìn và tiện ích để tổ chức các buổi nói chuyện và các phiên thảo luận của 200 nhà khoa học Việt Nam và quốc tế trong khuôn khổ chuỗi hội nghị Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 9.
Đứng bên hiên phía đông nhà hội nghị xem xét lần cuối các hạng mục của công trình, GS Boaz Klima của phòng nghiên cứu gia tốc Fermilab (Mỹ), người đã đi cùng hội nghị Gặp gỡ Việt Nam từ kỳ đầu tiên, bày tỏ: “Giấc mơ đã trở thành sự thật. Chúng tôi đã mong đợi điều này từ 20 năm nay”. Bên khán đài đang bận rộn tập dượt cho lễ khánh thành, GS Trần Thanh Vân chia sẻ: “Mục tiêu của chúng tôi là làm sao trung tâm này sẽ là điểm hẹn của các nhà khoa học thế giới, nhất là các nhà khoa học châu Á. Chúng tôi có những yếu tố tốt, bề ngoài cảnh quan ở đây đẹp, không có viện nào trên thế giới có cảnh quan đẹp như vậy. Cái thứ hai là chúng tôi có kiến trúc đẹp. Là điểm thu hút. Thứ ba là có mạng lưới các nhà khoa học thế giới, họ đến đây để giúp cho Việt Nam”.
ICISE chỉ mất hơn một năm xây dựng kể từ khi được động thổ vào tháng 7/2012. Tiến độ của công trình có diện tích sàn 200.000m2 này gây ngạc nhiên cho chính những người tham gia triển khai dự án. Kiến trúc Pháp hiện đại và chỉn chu trong từng chi tiết của ICISE mang đến một khái niệm mới về trung tâm hội nghị, hoàn toàn khác với kiến trúc nhà hội nghị từng thấy ở Việt Nam.
Tổng thể quy hoạch của ICISE gồm có nhà hội nghị, nhà thiên văn, nhà suy ngẫm, khu khách sạn dành cho các nhà khoa học... Trong tổng dự án có vốn xây dựng ước tính lên đến khoảng 6 triệu USD, nhà hội nghị có vốn xây dựng hơn 2 triệu USD là công trình đầu tiên được hoàn tất và khánh thành trong ngày 12/8 này. Đúng 20 năm sau kỳ hội nghị đầu tiên ở Hà Nội vào tháng 12/1993, từ nguồn vốn xây dựng là do tổ chức Gặp gỡ Việt Nam xoay xở, và hơn 18ha đất là do tỉnh Bình Định cấp, Gặp gỡ Việt Nam nay đã có một chốn ổn định để thoả sức tổ chức các cuộc gặp cho các nhà khoa học trên toàn thế giới.
GS Trần Thanh Vân đang đón bà Catherine Beaumont, giám đốc viện Nghiên cứu nông nghiệp quốc gia Pháp INRA trung tâm Val de Loire (thứ ba từ phải) và các nhà khoa học đến dự Gặp gỡ Việt Nam 9. (Ảnh: Trần Thanh Sơn)
Những ý chí mạnh mẽ
Ông Nguyễn Ngọc Tịnh, thành viên ban quản lý dự án xây dựng trung tâm ICISE, kể rằng ông đã dốc hết sức vào công trình này vì câu nói của GS Trần Thanh Vân, chủ tịch hội Gặp Gỡ Việt Nam, rằng “Đây là tâm huyết cả đời của tôi!” Cũng theo ông Tịnh, công trình xây dựng trung tâm ICISE đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều người, từ kiến trúc sư, đến thợ cơ khí. “Tất cả mọi người đều tham gia theo kiểu mỗi người góp một tay với tinh thần rất vô tư”, ông Tịnh nói.
Mong mỏi của vợ chồng vị giáo sư ngoài 70 tuổi đã nhận được sự ủng hộ lớn. Trong khi suốt một năm qua tỉnh Bình Định tổ chức đều đặn gần như mỗi tuần một cuộc họp để giải quyết nhanh chóng các vướng mắc thủ tục cho dự án, những đơn vị độc lập khác về xây dựng và kiến trúc đã tìm đến đóng góp một cách tình nguyện về chuyên môn, kỹ thuật, sức người, sức của cho công trình. ICISE đã được hình thành từ sự đóng góp vô tư và nhiệt huyết như cách giải thích của ông Nguyễn Ngọc Tịnh về việc tham gia một công trình phi lợi nhuận: “Nó mang lại cảm giác rất hứng thú!”
Mai Hương - Việt Anh (SGTT)
Ông Boaz Klima, nhà khoa học công tác tại Fermilab (Mỹ): Biết đâu Việt Nam sẽ có Microsoft thế hệ mới Tôi trông đợi trung tâm này sẽ đưa Việt Nam thành một nước có nền khoa học và giáo dục tương đương các nước phát triển. Sự cộng tác của các nhà khoa học vĩ đại trên khắp thế giới với các nhà khoa học sở tại sẽ tạo nên bộ mặt khoa học xuất sắc, và đó là điều Việt Nam cần có. Mỹ luôn tìm kiếm những người giỏi nhất trên thế giới và có tìm kiếm những người trẻ ở Việt Nam. Khi tìm thấy thì tôi là người kết nối, phỏng vấn và đưa sang Mỹ. Về triển vọng, sau 20 – 30 năm nữa họ có thể mở ra các công ty. Và ở Việt Nam biết đâu sẽ có Microsoft hay Google thế hệ mới trong tương lai. Ông Gerald Fontaine, Ecole Polytechnique (Pháp): Điện không phát triển từ nghiên cứu nến Trung tâm này sẽ là nơi lý tưởng để tụ họp các nhà khoa học trên khắp thế giới đến thảo luận và trao đổi, cùng các nhà khoa học trẻ của Việt Nam. Nhìn về tương lai, tôi cho rằng Việt Nam cần xác định cái gì là cần thiết cho đất nước mình. Việt Nam cũng như tất cả các nước khác, đều cần khoa học cơ bản và ứng dụng. Hiện những người có chức trách về giáo dục của Việt Nam cho rằng nghiên cứu ứng dụng tốt hơn cơ bản. Tuy nhiên, từ thế kỷ 19, điện được phát triển không dựa trên nghiên cứu về nến, mà dựa trên cơ sở lúc đó không ai hiểu là gì. Vì thế cần phải nỗ lực ở hiện tại để ứng dụng cho tương lai. Việt Anh (ghi) |
- Du lịch đường sông - tài nguyên theo con nước
- Xây dựng thành phố thông minh
- Thay đổi triệt để, đồng bộ mới có hiệu quả
- Xây dựng chính quyền hợp lòng dân
- Phụng sự nhân dân mình và thuộc thời đại mình
- TP.HCM sẽ thành siêu đô thị
- Khơi thông ách tắc
- “Hà Nội không vội được đâu”
- Khi Bộ trưởng xắn tay soạn luật
- Về nơi 5 năm trước "ngủ dậy thành người Hà Nội"