Là một trong 3 trung tâm gốm sứ cổ xưa nhất của người Việt, bên cạnh gốm Phù Lãng (Quế Võ, Bắc Ninh) và Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội), làng Thổ Hà (nay thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) từng có nghề gốm phát triển rực rỡ từ thế kỷ 14. Gốm Thổ Hà không thấm nước, tiếng kêu như chuông. Thế nhưng bây giờ Bát Tràng, Phù Lãng vẫn tương đối phổ biến trên thị trường, còn Thổ Hà thì biến mất.
Giờ này, nếu đi dọc hai bên sông Cầu gần làng Thổ Hà và làng Vân sẽ thấy nhiều bức tường cổ xây bằng tiểu sành. Đây là sản phẩm thừa của một làng gốm lâu đời đã chết, tưởng chừng như rất lâu, nhưng thực ra mới sau thời bao cấp chừng vài năm. Cho đến nay trong làng mới có một gia đình, theo ý nguyện của một người đã khuất, phục hồi lại một lò gốm nhỏ, tất nhiên chất lượng và chủng loại sản phẩm rất khiêm tốn.
Một đoạn tường xây bằng tiểu sành cổ
Theo truyền thuyết và thần phả các làng gốm Kinh Bắc xưa, vào thời Lý Trần có ba vị đại quan là ông Hứa Vĩnh Kiều người Bát Tràng, Đào Tiến Trí người Thổ Hà, Lưu Phong Tú người Phù Lãng đi sứ ở Trung Quốc học được nghề gốm về truyền cho làng mình. Làng Bát Tràng thì làm gốm sắc trắng, làng Thổ Hà làm gốm sắc đỏ, làng Phù Lãng làm gốm sắc vàng. Sau khi học được nghề dân ba làng nhẩy nhót reo mừng ca ngợi các ngài (Xem Hà Bắc ngàn năm văn hiến, ty Văn hóa Hà Bắc những năm 1970/1980 và Mỹ thuật của người Việt, Nguyễn Quân – Phan Cẩm Thượng, NXBMT 1898). Gốm sắc trắng chính là gốm men trắng vẽ hoa lam cho đến nay làng Bát Tràng vẫn làm, gốm sắc đỏ là gốm sành dân dụng có màu đỏ gạch hay đỏ sẫm, nâu sẫm, gốm sắc vàng là gốm sành men vàng da lươn. Ba làng Bát Tràng, Thổ Hà, Phù Lãng vốn đều thuộc đất Kinh Bắc xưa một trung tâm văn hiến từ thời đầu độc lập cách đây hơn 10 thế kỷ. Trong ba làng này, thì chỉ có Bát Tràng và Phù Lãng là còn hành nghề nhưng gặp rất nhiều khó khăn trong việc kinh doanh, còn làng Thổ Hà coi như dừng hẳn, theo người dân vào khoảng những năm 1986 thì tình hình đã rất bi đát.
Ngày 1/8/ 2013 vừa qua tôi theo một đoàn làm phim tư liệu truyền hình về Thổ Hà quay cổng làng và gia đình làm gốm cuối cùng. Gặp vài nghệ nhân cũ mà theo tiếng địa phương gọi là sư lò (thợ cả, người biết tất các kỹ thuật làm gốm sành, nhất là khâu đốt lò) họ cho biết, sau hòa bình năm 1954, sau cuộc cải cách tư bản tư doanh năm 1958 (ở đây nhiều nhà làm gốm thông thường cũng bị coi là tư sản) toàn bộ nghề gốm của làng được đưa về một hợp tác xã và một xí nghiệp quốc doanh. Lãnh đạo thường lại không am hiểu nghề gốm, sản xuất và mua bán theo kế hoạch, không nhanh nhạy với thị trường, nên mẫu mã, kỹ nghệ kém dần, rồi sau khi đồ nhựa, đồ kim loại công nghiệp bán nhiều trên thị trường, nghề gốm sành Thổ Hà hoàn toàn sập tiệm, sau ít nhất 700 năm truyền thống.
Gốm Thổ Hà truyền thống là loại sành đất nung không men, đất được lấy ở các gò đống và bãi sông lâu đời, khi thiếu đất người ta có thể đi mua ở vùng lân cận. Loại đất vùng này khi nung tự chảy ra một loại men bóng màu son, nâu đen, nâu đỏ có thể chống ngấm nước, mặt khác người ta có thể tạo ra men như sành Phù Lãng từ tro bếp. Nhiệt độ nung của sành Phù Lãng và Thổ Hà khi kỹ thuật chưa cao là 300 độ C, và khi kỹ thuật đã được nâng cấp có thể lên đến 600 – 900 độ C. Người thợ lò Thổ Hà có thể đốt lò tới khi lửa xanh và không có màu, gần như lửa hoàn nguyên. Các kiệu (loại chum lớn phải bắc thang khi trèo vào) và chum thông thường của Thổ Hà nổi tiếng trong cả nước, vì xưa kia mọi gia đình nông dân cần đến chum làm đồ đựng, bên cạnh đó thì tiểu sành và quách sành Thổ Hà cũng được ưa chuộng.
Phơi bánh đa ở sân chùa Thổ Hà, một nghề mới
Những sư lò ở đây cho biết những năm 1951 – 1952 do tình hình chiến tranh chống Pháp, người chết nhiều, nên hàng tiểu và quách lúc đó bán rất chạy và đó là thời kỳ làm ăn phát đạt của Thổ Hà. Cũng trong kháng chiến, do chum, lọ sành Thổ Hà không ngấm nước và có thể đựng nhiều loại vật chất khác nhau, chỉ cần rửa đi là không ảnh hưởng gì, nên thời kháng chiến chống Pháp được Cách mạng đặt hàng nhiều chum hũ đựng a xít cho quân giới. Hiện trong làng và đình làng còn lưu giữ nhiều chum lớn như là kỷ vật và đồ tế lễ, có cái đựng được 500 lít. Những chậu hoa lá lật Thổ Hà và Phù Lãng cũng được những đình chùa, người chơi cây cảnh ưa chuộng.
Thực ra ngay trong thời kỳ hợp tác xã sau hòa bình, mỗi đơn vị cũng có 300 thợ lành nghề, chừng 40 lò đốt lớn, mỗi lò cao đến 4 thước, dài 15 thước. Sau khi nghề phá sản, các địa điểm làm gốm sành bị san dần và những nhà cửa mới mọc lên.
Vẻ vang là vậy nhưng giờ đây đồ gốm sành Thổ Hà gần như không còn vị trí trong xã hội tiêu dùng hiện đại. Làng Thổ Hà hiện có nghề làm bánh đa, và cảnh tượng bánh đa phơi đầy sân chùa cho thấy một chuyển hướng khác của đời sống người nông dân ven sông.
Chữ “Thổ Hà” có nghĩa là đất ven sông. Làng Thổ Hà nằm kề sát sông Cầu, một con sông nên thơ nhất miền Bắc.
Truyền thuyết xác định làng gốm Thổ Hà lâu đời ít nhất 700 năm, nhưng trên thực tế, người ta chỉ tìm thấy ở đây những di tích cổ xưa nhất vào thế kỷ 17, ở cụm kiến trúc đình đền chùa. Tất nhiên làng phải hình thành trước đó và chúng ta không hình dung được vào thế kỷ 11 - 14 đây chỉ là một vùng làm gốm sành chuyên nghiệp hay là một làng làm gốm.
Những sản phẩm gốm sành của gia đình anh Trịnh Văn Định, gia đình duy nhất mới phục hồi nghề gốm Thổ Hà
Làng Thổ Hà thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, Bắc Giang, vốn xưa là một trong 49 làng quan họ xứ Kinh Bắc. Chợ “Thổ Hà” có nghĩa là đất ven sông, làng này nằm kề sát sông Cầu, một con sông nên thơ nhất miền Bắc, sông Cầu chảy qua đây gặp sông Ngũ Huyện Khê. Sông Ngũ Huyện Khê chảy về miền Đông Cao, qua huyện Yên Phong, còn sông Cầu đi tiếp về phía Đông qua thị xã Bắc Ninh, xuôi xuống Phả Lại. Mấy chục năm trước, sông Cầu và sông Ngũ Huyện Khê đều rất trong sạch, nước sông thậm chí có thể uống được, nhưng đến nay sông Ngũ Huyện Khê đang chết dần và biến thành một cái rãnh lớn đầy bùn rác, còn sông Cầu thì rất ô nhiễm.
Người ta thường đi đường bộ theo thị xã Bắc Ninh về Yên Phong, qua dốc Đặng, men theo triền đê không xa, đến bến đò sang ngay đình làng Thổ Hà, xe máy ô tô có thể gửi bên này sông. Còn đi đường bộ phải vòng rất xa từ cầu Đáp Cầu vòng qua những dãy núi Việt Yên, rồi qua làng Vân mới vào được làng Thổ Hà, con đường này cũng mới chạy được ô tô không lâu. Gần đó là núi Quả Cảm, và các miền Đặng, Vạn, Chọi… đều là những làng quan họ và gốm cổ Thổ Hà xưa.
Đình đền chùa Thổ Hà là nơi ghi lại những mốc xây dựng của làng này. Theo các dòng chữ ghi trên rèm cửa võng, câu đầu bên trái, hình dung quá trình xây dựng đình như sau: Tháng 10 âm lịch năm Ất Sửu (1685) dân làng Thổ Hà tổ chức làm đình. Đầu mùa Thu tháng 7 âm lịch năm Bính Dần (1686, Chính Hòa thứ 7) thì hoàn thành. 6 năm sau, đầu Thu tháng 7 âm lịch năm Nhâm Thân (1692, Chính Hòa 13) làm lại cửa võng. Nội dung này cũng phù hợp với bia “Thủy tạo đình miếu bi“ năm Chính Hòa thứ 13 (1692). Cổng làng nằm giữa khoảng chùa Thổ Hà và đình Thổ Hà, cũng được xây dựng trong thời gian này. Đình Thổ Hà nằm trên khu đất rộng 3.000m2, hướng Tây Nam trông ra sông Cầu, thờ Thần Thành hoàng làng là Thái Thượng Lão quân. Hàng năm nước dâng vào đình tới 1,5m, nên hiện đình đã được tôn cao.
Xuyên dọc sân ngoài là con đường lát gạch rộng 5m, dài 44m, dẫn tới cụm kiến trúc có tường ngăn. Trong đình có hương án chạm rồng làm năm 1714, sửa năm 1879. Các kiến trúc cổng, tả vu, hữu vu đều làm sau thế kỷ 17. Sau khu đình có đền, tiếp giáp với tam quan chùa Thổ Hà (Đoan Minh tự) thẳng trục kiến trúc toàn thể. Theo văn bia chùa dựng năm 1633 (Đức Long 5), bức liễu tường dựng năm 1648 (Mậu Tý). Sửa gác chuông năm Kỷ sửu, 1649. Dựng cầu 12 gian 1650 (Canh Dần). Con đường nhỏ dọc theo cụm kiến trúc đình - đền - chùa này dẫn đến cổng làng, một kiến trúc phối hợp cảnh quan tự nhiên hài hòa nhất, giới hạn quy hoạch kiến trúc chung của quần thể làng và đình - đền - chùa.
Chợ và bến đò Thổ Hà.
Xét trên phong thổ làng Thổ Hà có thể coi là làng đẹp nhất đồng bằng Bắc Bộ có quy hoạch kiến trúc tôn giáo và dân sinh rất rõ ràng. Tuy nhiên trong quá trình sống 400 năm qua, có sự chuyển đổi nghề thủ công, làng Thổ Hà cũng trở nên ô nhiễm một cách điển hình. Quá trình làm gốm, than củi, lò bễ, đất đai… ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống và dòng sông, tiếp đến khi nghề gốm phá sản, các nghề thủ công khác thay thế, hiện như là nghề làm bánh đa, cũng cần đun nấu, phơi phóng. Người dân Thổ Hà cũng có thói quen đưa rác ra bờ sông. Hàng năm nước lên sẽ cuốn tất cả rác rưởi đó trôi đi. Nhưng những năm gần đây, mực nước sông Cầu thường xuyên xuống rất thấp, do nguồn nước thượng nguồn cạn kiệt, nên không thể tống rác như trước, khiến nhiều bãi rác kẹt lại thường xuyên ở bờ sông. Trong làng đã kề sông lại có nhiều ao hồ nên khá ẩm thấp.
Xưa kia nếu đi vào những ngôi nhà trong xóm ngõ, nhà nào cũng có cổng rất đẹp với hai con chó đá được tạc tinh khéo làm thần canh cửa. Những xây dựng mới đủ kiểu dần thay thế các ngôi nhà truyền thống, trừ cụm đình - đền - chùa căn bản được giữ tương đối nguyên vẹn, còn làng Thổ Hà đã đổi mới hoàn toàn, nhưng môi trường và thẩm mỹ kiến trúc thì rất không ổn. Quá trình chuyển đổi làng nghề và sự ảnh hưởng của nó đến môi trường diễn ra trên diện rộng ở các làng cổ Bắc Ninh, kết quả người dân có thể giàu hơn, nhưng môi trường sống và di sản văn hóa truyền thống bị hủy hoại nghiêm trọng. Đó là một sự chuyển đổi đắt giá không biết đến bao giờ mới có thể cân bằng lại giữa đời sống kinh tế và sự an sinh xã hội, điều mà cha ông đã làm được./.
Phan Cẩm Thượng (Thể thao & Văn hóa Cuối tuần)
- Đầu tư hợp tác công - tư nên làm từ dự án nhỏ
- Xây dựng chính quyền đô thị: người dân cũng phải có vai trò
- Quản lý xây dựng: “Sai phạm thì về hưu cũng phải mời ra tòa”
- Càphê Sài Gòn: Quán xá thiên hình vạn trạng
- Thuật ngữ về chính quyền đô thị: Điều chỉnh nhỏ, lợi ích có thể không nhỏ
- TPHCM - Những công trình “giải toả kẹt xe”
- Nét tài hoa trong nhà gỗ của cha ông
- Nhắn nhủ Nha Trang
- Sống Eco - Xu hướng phát triển của thế giới
- Du lịch đường sông - tài nguyên theo con nước