Tôi tin rằng, Ljubljana là một trong những thủ đô đẹp nhất châu Âu mà tôi đã từng đặt chân đến. Thành phố chỉ còn hơn 200 nghìn dân, giống như một nàng công chúa ngủ trong rừng, vì không có nhiều người biết đến nơi này. Nó xinh xắn, nên thơ, và dường như là một chân dung thu nhỏ của Slovenia, đất nước rộng hơn 20 nghìn km2, nhưng gần một nửa diện tích ấy được phủ bởi những cánh rừng.
Một trong những điều tôi thích nhất ở cái thành phố gây ngạc nhiên bởi chất văn hóa ấy (mỗi năm, có tới 14 nghìn sự kiện văn hóa lớn nhỏ được tổ chức ở đây) là những con phố đi bộ. Trung tâm thành phố, với những ngôi nhà cổ, những quảng trường nhỏ và một con sông rất đẹp chảy qua, không hề có ô-tô. Những con đường cho phép xe chạy vào chỉ giới hạn ở phía bên ngoài khu phố cổ, và bất cứ du khách nào cũng có thể rảo bước một cách thích thú mà không phải ngửi khói xe hơi. Trên hai con phố dọc bờ sông Ljubljanica là một thiên đường của những quán cà phê vỉa hè được quy hoạch ngăn nắp nhưng cũng thật lãng mạn, với ghế đá bên bờ sông và cả một cây cầu gắn đầy khóa tình yêu.
Năm 2007, Thị trưởng Zoran Jankovic đã áp dụng những ý tưởng mà ông học được từ nhiều thành phố lớn của châu Âu khi loại bỏ xe có động cơ khỏi đời sống phố cổ, biến bờ sông Ljubljanica thành một khu vực sống động, lãng mạn bậc nhất của thành phố. Ý tuởng ấy đã thành hiện thực, ngày càng thu hút đông đảo người du lịch từ khắp nơi đến Ljubljana, và từ đó, phát hiện ra cái chất tri thức và văn hóa của một nơi đậm chất Đức trong tính hiệu quả và sự đúng giờ, nhưng lại có chất hưởng thụ “la dolce vita” (cuộc sống ngọt ngào) kiểu của người Italy. Thế nhưng ông Jankovic vẫn hứa là mỗi năm, Ljubljana sẽ được tăng thêm diện tích dành cho người đi bộ cũng như các làn đường dành riêng cho xe đạp. Ông cũng đã khai trương chương trình “chia sẻ xe đạp” (bike-sharing), một dịch vụ đang phát triển ở nhiều thành phố châu Âu khác và được hoan nghênh, vì nó giúp bảo vệ môi trường và giá cả rất mềm.
Đi dọc con sông Ljubljanica vào một chiều nắng đẹp đầu năm, bỗng nhiên tôi nhớ đến Hà Nội, đến TP.HCM và nhiều nơi khác ở nước mình, và rồi mơ đến một khu phố đi bộ ở quê mình. Chắc chắn không phải đấy là những phố đi bộ theo kiểu cuối tuần căng dây, dựng biển và chặn lại các con đường, đưa lên mặt đường những quầy hàng lưu động bán đủ những thứ rất linh tinh. Chắc chắn ở đấy cũng không có những barriere và những điểm như chốt gác để thu tiền khách dẫn vào những con phố đi bộ rất đẹp như đã từng xảy ra ở Hội An bên sông Hoài, bằng chứng của một tư duy khai thác du lịch theo kiểu manh mún và tiểu nông. Không, đấy phải là những con phố đi bộ thực sự và không có mùi xăng xe. Liệu có khó quá không?
Chúng ta đang phụ thuộc quá nhiều vào các phương tiện đi lại cá nhân, theo mô hình phát triển cơ giới hóa mà phương Tây đã trải qua nhiều thập niên trước. Bây giờ, các xã hội phương Tây ấy đã quay ngược xu hướng, xanh hóa, xe đạp hóa, như kiểu Ljubljana, Copenhagen hay Amsterdam. Đến bao giờ chúng ta mới nhận ra rằng, những khu phố đi bộ, trong một không gian sống được quy hoạch và sạch sẽ, nhiều cây xanh, không có tiếng ầm ĩ của động cơ đốt trong... là cần thiết, cho môi trường sống và môi trường văn hóa của mình?
Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy /Thể thao & Văn hóa Cuối tuần) / ảnh: internet
- 7 kỳ quan kiến trúc bị thế giới lãng quên
- Khu phố cổ Dadaocheng - bài học bảo tồn và quản lý di sản của Đài Loan
- Làm sạch không khí đô thị: Hãy nhìn người Đan Mạch
- Giá trị kinh tế của cây xanh
- Nhật Bản đối phó việc lái xe đãng trí đi nhầm đường cao tốc
- Phát triển công trình mới trong không gian lịch sử - Kinh nghiệm Scotland
- Trung Quốc phô diễn sức mạnh bằng các công trình tỷ USD
- 8 sân bay hoành tráng trong tương lai
- Quản trị phương tiện cơ giới và những chuyển biến trong quan niệm xuất hành của người dân London
- Kinh tế học của di sản