Ashui.com

Monday
Jan 20th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới New York - Thành phố đi đầu chống biến đổi khí hậu

New York - Thành phố đi đầu chống biến đổi khí hậu

Viết email In

Là một thành phố có tới hơn 800km đường bờ biển, New York nằm trong diện bị tác động mạnh của biến đổi khí hậu, nhất là hiện tượng nước biển dâng. Thế nên từ lâu New York đã xác định phải hành động chống lại sự nóng lên toàn cầu, và thực tế thành phố được ví như “thủ đô của thế giới” này đã đi tiên phong trong công tác chuẩn bị ứng phó trước tình huống xấu nhất có thể xảy ra.


Mối lo có cơ sở

Các thành phố ven biển của Mỹ hiện giờ có 2 trường phái trái ngược nhau: Một là rất coi trọng các dự báo về biến đổi khí hậu và ngược lại, có những nơi cho rằng biến đổi khí hậu là vấn đề xa vời, thiếu bằng chứng thực tế. Với New York, bãi biển Rockaway có lẽ là minh chứng rõ ràng nhất cho mối lo về biến đổi khí hậu. Nhìn ra Đại Tây Dương, vùng nước ở đây trong xanh, yên bình nhưng quan sát kỹ bãi biển, ảnh hưởng của thiên tai quá rõ nét.

Tháng 10/2012, khi siêu bão Sandy tấn công bờ biển phía Đông của Hoa Kỳ, bãi biển Rockaway bị bão nuốt chửng, cuốn trôi. “Hôm đó, cầu tàu bay lên không trung và khi bão qua, những mảnh cầu tàu vương vãi khắp nơi”, Veronica White, ủy viên của Sở Công viên và Giải trí thành phố New York nhớ lại. Khu vực dân cư quanh vùng chìm trong nước và cát, cây cối bật gốc, cột điện đổ với dây cáp bùng nhùng khắp nơi. Người dân phải mất vài tháng mới dọn sạch được mọi thứ.

Những gì còn lại của bãi biển Rockaway hiện tại là vài mét đường ven biển, bao quanh là những bao cát. Người ta đang lèn cọc vào cát để dựng lên một hàng rào bảo vệ, đề phòng bãi biển có thể bị rửa trôi trong bão mạnh. Quân đội Mỹ còn tham gia hỗ trợ gia cố bờ biển bằng tường bảo vệ, vải kỹ thuật và cỏ biển.
New York nằm trong diện bị tác động mạnh của biến đổi khí hậu. Kể từ năm 1900, mực nước biển ở New York đã tăng khoảng 30 cm. Theo tính toán của một nhóm các nhà khí hậu học làm việc cho chính quyền thành phố, mực nước biển ở đây có thể tăng hơn 75cm vào năm 2050, và 30 năm sau sẽ tăng lên 1,5m. “Bão Sandy đã khiến mọi người hiểu ý nghĩa thực sự của biến đổi khí hậu, cũng giống như sự kiện 11/9 cho người dân New York thấy rõ mối họa của khủng bố”, bà Veronica White phân tích.


Đồ họa phác thảo thành phố New York bị nước biển xâm lấn năm 2050

Sẵn sàng với kịch bản xấu nhất

Một cơn bão không phải là thước đo biến đổi khí hậu nhưng với Ban ứng phó với biến đổi khí hậu của thành phố New York (NPCC), họ hiểu rằng, đến cuối thế kỷ này, rất có thể bão mạnh như Sandy sẽ xảy ra hai năm một lần. Riêng ở thành phố New York, trận bão đã cướp đi sinh mạng của 44 người, phá hủy hàng nghìn tòa nhà, hàng trăm nghìn xe ô tô, tổng thiệt hại khoảng 19 tỷ USD. Và do mực nước biển dâng, nếu như 400.000 người dân New York hiện đang sống ở vùng bị ngập lụt thì theo ước tính của NPCC, con số đó sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050.

Là một ủy viên của Sở Công viên và Giải trí thành phố, một phần công việc của bà Veronica White, 54 tuổi và các đồng nghiệp là bảo vệ New York trước nguy cơ biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Cơ quan của bà có tới 6.000 nhân viên, chịu trách nhiệm về những khu vực bãi biển và ven biển của thành phố như tượng Nữ thần Tự do, Công viên Trung tâm và khoảng 1.700 công viên khác. “Chúng tôi phải chuẩn bị toàn bộ trước tình huống thiên tai, như bão lũ và nước biển dâng”, Veronica White cho biết.

Năm 2007, New York trong nhiệm kỳ của Thị trưởng Michael Bloomberg đã đưa ra kế hoạch phát triển tổng thể với mục tiêu ổn định kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống và chống biến đổi khí hậu. Kế hoạch này đã kéo theo 25 sở, ban, ngành của thành phố nhập cuộc để hướng tới một New York đẹp và xanh hơn. New York đã trở thành hình mẫu của thế giới trong việc cấm hút thuốc lá nơi công cộng, khuyến khích người dân không ăn các chất béo độc hại hay đồ uống có đường, mở rộng chương trình đi chung xe đạp… 76% dân cư New York giờ có thể đến một công viên gần nhà chỉ trong vòng 10 phút đi bộ. Không khí của New York tốt hơn so với 50 năm qua và họ đang quyết tâm giảm tới 30% lượng khí thải tới năm 2030./.

Yến Chi


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...