Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Tương tác Phản biện Nỗi lo chung cư cũ nếu động đất xảy ra

Nỗi lo chung cư cũ nếu động đất xảy ra

Viết email In

Theo các chuyên gia xây dựng thì khả năng chống chọi của các công trình xây mới trước động đất là khá cao. Nhưng đối với hệ thống chung cư cũ thì hầu hết các chuyên gia đều bày tỏ lo ngại nếu không may xảy ra động đất. 

Theo một chuyên gia về nền móng công trình thì Việt Nam vốn không nằm trong “vành đai lửa” của trái đất, vùng có hoạt động động đất mạnh và thường xuyên. Phần lớn lãnh thổ nước ta đều nằm trong vùng bị ảnh hưởng yếu và rất yếu. Hà Nội đang nằm trong vùng động đất trung bình cấp 6, một số nơi cấp 7. Thành phố Hà Nội cũng đã có bản đồ phân vùng động đất đến từng phường để các chủ đầu tư thiết kế theo hoàn cảnh thực tế.  

Mặc dù vậy, trước ảnh hưởng dư chấn động đất tới các công trình xây dựng, từ năm 2006, Việt Nam đã có một Bộ Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam về Thiết kế công trình chịu động đất, trong đó quy định khá chi tiết các tiêu chí cần tuân theo về khung chịu lực, hệ giằng, dầm, kết cấu thép và bê tông để nhà cao tầng ở các khu vực có nguy cơ phải chịu được tối đa động đất 5 độ richter. Tuy nhiên, hầu hết người dân chưa biết về bản Tiêu chuẩn này vì nhiều lý do, trong đó có sự chủ quan, vì từ trước tới nay chưa bao giờ nghĩ về nguy cơ động đất. 

Các công trình chung cư mới có nhiều khả năng chống chọi nếu xảy ra động đất. Tuy nhiên đối với các chung cư cũ thì khá nguy hiểm, vật liệu các chung cư này đã cũ, cột yếu, gần như chỉ liên kết với nhau bằng các vách tường. Vì vậy khi xảy ra động đất, chung cư sẽ lắc lư, gãy cột, dễ bị sập. Chẳng hạn, các cơn dư chấn địa chất ngày 5-6/8/2005 đã khiến một số căn hộ ở lầu 4-5 lô D và C chung cư Cô Giang, quận 1, TP HCM, bị nứt tường.

Các chuyên gia cho rằng, các tòa nhà xây trước năm 1975 chủ yếu làm bằng kết cấu kim loại, có nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu động đất xảy ra. Đây là những công trình chịu được động đất rất kém, gây nguy hiểm cho người sử dụng.

Được biết, hiện nay tại Hà Nội có gần 1.000 tòa nhà chung cư cũ khoảng 4 đến 5 tầng, nằm trong 23 khu tập thể và một số nhà nằm đơn lẻ rải rác do thành phố quản lý. Ngoài ra, còn 173 chung cư, nhà tập thể khác do Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư phát triển nhà và đô thị Bộ Quốc phòng quản lý. Hầu hết những tòa nhà này được xây dựng từ những năm 1970 - 1980, đến nay, đã xuống cấp, cần cải tạo xây dựng lại. Tuy nhiên thực tế là việc cải tạo hay xây dựng lại những tòa nhà này lại đang gặp phải nhiều vướng mắc. 

Hiện nay Hà Nội mới chỉ tiến hành cải tạo hơn 10 chung cư được xếp vào loại nguy hiểm cấp D, buộc phải tổ chức di dời, cải tạo xây dựng lại theo quy định của Luật Nhà ở, như nhà B4, B14 Kim Liên; 187 Tây Sơn; I1, 2, 3 Thái Hà; C7, B6 Giảng Võ; C1 Thành Công, 148 - 150 Sơn Tây.

Đầu năm nay, vào ngày 20/2/2015 đã xảy ra hai trận động đất có cường độ lần lượt là 3,2 và 2,4 độ richter, cùng xảy ra tại khu vực huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Ngày 17/02/2015 trận động đất lớn nhất được ghi nhận có cường độ 4,1 độ richter tại khu vực huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Mới đây, ngày 22/09/2015 tại Hà Nội cũng đã xảy ra vụ sập nhà 2 tầng cũ xây từ thời Pháp, hiện đang bố trí làm trụ sở làm việc và các căn hộ. Trong khi đó trên thế giới, ngày 16/09/2015 đã xảy ra trận động đất mạnh 8,3 độ richte gần thủ đô Chile và trận động đất mạnh 7 độ richte đã làm rung chuyển tỉnh Papua của Indonesia xảy ra vào ngày 28/07/2015. 

Sau khi ở Nhật Bản xảy ra trận động đất kinh hoàng, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch cảnh báo, triển khai phòng tránh và khắc phục hậu quả động đất trên địa bàn. Theo đó, lãnh đạo TP yêu cầu, khi xây dựng các công trình công cộng, cao tầng và công trình quan trọng, chủ đầu tư phải tính đến yếu tố động đất; các đơn vị phải rà soát, thống kê khu nhà yếu, không đảm bảo để có phương án xử lý kịp thời…

Thành Nam 
(Báo Xây dựng)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo