Từ những năm 60, để quản lý và thúc đẩy tiến bộ kỹ thuật, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, công trình, đảm bảo khả năng sử dụng, tính tương thích, tính đổi lẫn, sức khoẻ, an toàn, bảo vệ môi trường, tiết kiệm nguyên vật liệu, giảm chi phí lao động… trong lĩnh vực xây dựng, Việt Nam đã ban hành tiêu chuẩn đầu tiên. Dần theo thời gian, hệ thống tiêu chuẩn trong lĩnh vực xây dựng đã được hình thành, hoàn thiện và phát triển.
Hệ thống tiêu chuẩn trong lĩnh vực xây dựng có vai trò tạo ra các công trình và sản phẩm xây dựng an toàn cho người sử dụng, đáp ứng yêu cầu tiện nghi, sức khoẻ, vệ sinh môi trường nhằm phục vụ lợi ích của cộng đồng và xã hội. Tiêu chuẩn còn là chuẩn mực để giải quyết các tranh chấp thương mại và là một biện pháp kỹ thuật quan trọng cho doanh nghiệp cải tiến công nghệ, đảm bảo chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh và là công cụ phục vụ cho công tác quản lý nhà nước. Đối với các doanh nghiệp, việc áp dụng tiêu chuẩn đã khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao chất lượng hoạt động, tạo ra nhiều sản phẩm, hàng hóa có khả năng cạnh tranh trên thị trường; ngăn chặn các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe, tính mạng con người.
Công trình cao tầng, thấp tầng, tổ hợp thương mại văn phòng đa dạng tại trung tâm Hà Nội
Theo Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật thì Bộ Xây dựng có trách nhiệm xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia lĩnh vực công trình xây dựng dân dụng, nhà ở và công sở, kiến trúc, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn.
Những quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (Quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam) là những yêu cầu về mục tiêu phải đạt được, không được làm trái trong các hoạt động xây dựng. Một yêu cầu được quy định trong Quy chuẩn, có thể được thực hiện bởi nhiều tiêu chuẩn khác nhau nhằm thoả mãn các yêu cầu của Quy chuẩn ở những mức độ khác nhau. Các quy định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật, bắt buộc phải thực hiện có thể là những quy định nhỏ nhất (tối thiểu) hoặc lớn nhất (tối đa), hoặc trong khoảng giới hạn (từ…đến…). Với những yêu cầu bắt buộc nên quy chuẩn được sử dụng để làm cơ sở để soát xét, biên soạn, công nhận, ban hành tiêu chuẩn hoặc cho phép áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài trong hoạt động xây dựng ở Việt Nam. Hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia có thể là:
Quy chuẩn kỹ thuật chung: quy định về kỹ thuật và quản lý áp dụng cho một lĩnh vực quản lý về quy hoạch, kiến trúc, thiết kế, thi công, sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình.
Quy chuẩn kỹ thuật an toàn: quy định về mức, chỉ tiêu, yêu cầu liên quan đến an toàn cháy nổ, an toàn xây dựng, an toàn nhiệt, an toàn điện, an toàn sinh mạng và sức khoẻ con người.
Quy chuẩn kỹ thuật môi trường: quy định về mức, chỉ tiêu, yêu cầu về chất lượng môi trường xung quanh, về chất thải.
Quy chuẩn kỹ thuật quá trình: quy định yêu cầu về vệ sinh, an toàn trong quá trình sản xuất, khai thác, chế biến, bảo quản, vận hành, vận chuyển, sử dụng, bảo trì sản phẩm, hàng hóa.
Quy chuẩn kỹ thuật dịch vụ: quy định yêu cầu về an toàn, vệ sinh trong dịch vụ kinh doanh, thương mại, bưu chính, viễn thông, xây dựng, giáo dục, du lịch, giải trí, văn hoá, thể thao, giao thông, môi trường và dịch vụ trong các lĩnh vực khác….
Hiện nay hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam về xây dựng đang được triển khai theo đúng các mục tiêu và nguyên tắc hoạt động của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Nội dung các quy chuẩn kỹ thuật được soạn thảo, ban hành và áp dụng không tạo ra những trở ngại không cần thiết đối với thương mại quốc tế. Các văn bản quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn và các hướng dẫn có liên quan của các tổ chức tiêu chuẩn hoá quốc tế được sử dụng như là căn cứ để xây dựng hoặc chấp nhận thành tiêu chuẩn của các quốc gia thành viên tùy thuộc vào yêu cầu bảo vệ sức khoẻ an toàn cho con người, môi trường; điều kiện tự nhiên, trình độ khoa học công nghệ hoặc về cơ sở hạ tầng. Nâng dần mức độ hài hoà của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia với hệ thống tiêu chuẩn quốc tế trên cơ sở đảm bảo các lợi ích chung của nền kinh tế- xã hội và nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp khi Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của WTO.
Đánh giá hệ thống quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn Việt Nam trong lĩnh vực kiến trúc nhà ở và công trình công cộng
Kể từ năm 60 chúng ta có văn bản tiêu chuẩn đầu tiên và đến năm 1996 văn bản quy chuẩn xây dựng đầu tiên được ban hành đưa vào áp dụng, đến nay hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn trong lĩnh vực xây dựng nói chung và lĩnh vực kiến trúc nói riêng đã có những bước tiến đáng kể. Cơ cấu và số lượng của hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn đã đáp ứng cho các hoạt động xây dựng ở Việt Nam từ lập quy hoạch xây dựng, lập dự án đầu tư, khảo sát, thiết kế, thi công và nghiệm thu xây dựng công trình. Các tiêu chuẩn về kiến trúc hiện vẫn đang được sử dụng để lập kế họach và dự án đầu tư xây dựng công trình; lập báo cáo khả thi, thiết kế xây dựng và quản lý công trình.
Cũng như các quốc gia trên thế giới, nhà ở luôn là mối quan tâm hàng đầu của người dân và Chính phủ. Tiêu chuẩn về nhà ở trong giai đoạn này cũng căn cứ vào tiêu chuẩn phân phối nhà ở cho cán bộ, công nhân, viên chức trong thời kỳ kế hoạch hóa tập trung bao cấp (theo chức vụ và theo mức lương) để biên soạn. Diện tích các căn hộ thường có quy mô nhỏ: 24m2, 28m2, 36m2, 48m2, 54m2 với tiêu chuẩn định mức 6m2/người.
Nhưng từ khi có Pháp lệnh về nhà ở (1991) và chủ trương xóa bỏ chế độ phân phối nhà ở, đưa tiền nhà ở vào lương các tiêu chuẩn đưa ra quy định diện tích chỉ đảm bảo về chỗ ở, đến nay tiêu chuẩn nhà ở đã tính đến yêu cầu về chất lượng, tiện nghi, an toàn và kiến trúc hợp lý. Bên cạnh đó nhiều chính sách có hiệu quả đã được ban hành để phát triển nhà ở cho người dân thuê hoặc thuê mua mua hoạc bán trả góp với mức giá ưu đãi. Vì vậy đến nay các quy chuẩn (đang được soạn thảo) và tiêu chuẩn về nhà ở hay công trình cộng cộng đều đã có những thay đổi đáng kể về nội dung hướng tới mức độ tiện nghi, an toàn và hợp lý hơn về công năng và giải pháp kiến trúc.
Tuy nhiên qua các số liệu điều tra, đánh giá từ các đề tài, dự án liên quan có thể đưa ra một số nhận xét về hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn Việt Nam trong lĩnh vực kiến trúc nhà ở và công trình công cộng như sau:
Các quy chuẩn, tiêu chuẩn chậm được nghiên cứu, đổi mới nên chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Phần lớn các tiêu chuẩn này được biên soạn từ lâu, có niên hạn sử dụng quá dài. Chỉ có một phần nhỏ các tiêu chuẩn được thực hiện theo lộ trình soát xét theo chu kỳ 5 năm. Điều này là do nguồn lực hạn chế, có sự thay đổi trong phân cấp quản lý nên kéo dài thời gian biên soạn và công bố tiêu chuẩn.
Nội dung quy chuẩn, tiêu chuẩn chậm đổi mới, chưa theo kịp với yêu cầu thực tế; một số nội dung chưa thể áp dụng trong điều kiện kinh tế- kỹ thuật hiện tại. Nội dung giữa các văn bản còn có sự chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu sự đồng bộ, thống nhất; chưa đạt được sự đồng thuận giữa các bên có liên quan. Do chủ yếu dựa vào các quy chuẩn, tiêu chuẩn nước ngoài nên nhiều nội dung của quy chuẩn, tiêu chuẩn chưa tính đến điều kiện tự nhiên (địa hình, địa chất, thủy văn), điều kiện kinh tế- xã hội giữa các vùng miền, trình độ tư vấn, thi công ở Việt Nam. Các quy định mới chỉ đáp ứng và phù hợp cho các dự án đầu tư xây mới. Một số đối tượng tiêu chuẩn hóa như công trình cao tầng, công trình có không gian lớn, công trình ngầm công trình sinh thái, công trình xanh, công trình ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng chưa được đề cập và nghiên cứu cụ thể. Nội dung quy chuẩn, tiêu chuẩn lúc thì chung chung, lúc lại quá chi tiết nên khó áp dụng. Nhiều nội dung trong quy chuẩn, tiêu chuẩn mang tính quản lý hành chính nên không phù hợp với một văn bản kỹ thuật. Mức độ hài hòa của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia với hệ thống tiêu chuẩn quốc tế còn thấp. Trong khi Việt Nam đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) từ năm 2006. Điều này làm cản trở những khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường và giảm khả năng tiếp cận với các dự án đầu tư của nước ngoài.
Các giải pháp thiết kế chưa tính đến các xu hướng kiến trúc thân thiện và bền vững với môi trường hiện nay như công trình xanh, công trình sử dụng năng lượng có hiệu quả, công trình ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó một số bất cập khác cũng làm giảm đi tính hiệu lực của hệ thống này trong hoạt động xây dựng và quản lý nhà nước đó là:
Người sử dụng không biết về sự tồn tại của hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn đó: do thiếu thông tin, các ấn phẩm phát hành không kịp thời, không được phổ biến, tập huấn… Nội dung quy chuẩn, tiêu chuẩn chưa đáp ứng yêu cầu và chưa đạt được sự đồng thuận của các bên tham gia: cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người tiêu dùng, các nhà khoa học. Nhiều chủ đầu tư chưa thấy lợi ích do việc áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn. Các tổ chức, cá nhân khi tham gia vào các hoạt động xây dựng ngại thay đổi những thói quen, việc thiết kế, xây dựng chủ yếu dựa theo kinh nghiệm. Một số dự án áp dụng công nghệ mới, kỹ thuật phức tạp, lần đầu tiên áp dụng vào Việt Nam không có tài liệu để kiểm soát, kiểm tra. Kinh phí và năng lực đầu tư cho công tác tiêu chuẩn hóa xây dựng còn nhiều hạn chế; Thiếu việc giám sát thực hiện và biện pháp chế tài. Mặc dù đã có nhiều quy định có tính pháp lý tuy nhiên thực trạng xây dựng ở nước ta vẫn có nhiều vi phạm. Trong lĩnh vực quản lý đô thị, kiến trúc đó là những vi phạm về mật độ xây dựng, chiều cao công trình, chiều dài tối đa của tổ hợp kiến trúc, khoảng lùi, màu sắc, thiếu các công trình hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện công trình văn hóa thể thao, không gian công cộng như sân chơi, vườn hoa, bãi đỗ xe…
Kiến nghị và đề xuất
Để đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động thiết kế, xây dựng nhà ở và công trình công cộng thì công tác biên soạn quy chuẩn, tiêu chuẩn cho lĩnh vực này cần phải có sự đổi mới, trong đó tiêu chí ”An toàn” và “Bền vững” là hai tiêu chí, hai yêu cầu quan trọng hàng đầu trong thiết kế, xây dựng công trình. Những yêu cầu mang tính bắt buộc liên quan đến an toàn, sức khỏe và môi trường phải được điều chỉnh trong hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Về vấn đề này hiện nay Bộ Xây dựng đã có triển khai tổ chức biên soạn quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư, công trình giáo dục, y tế, thương mại, công trình đa năng…
Trong lộ trình thực hiện Chương trình Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) và thực thi Luật Quy chuẩn, Tiêu chuẩn quốc gia, Bộ Xây dựng đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị trong Bộ rà soát và chuyển đổi các TCN, TCXD, TCXDVN thành tiêu chuẩn quốc gia phù hợp với pháp luật Việt Nam và các nguyên tắc của Hiệp định TBT: tiêu chuẩn nào còn phù hợp thì biên tập lại nội dung và cách trình; tiêu chuẩn nào không còn phù hợp thì hủy bỏ và thay thế; một số tiêu chuẩn được soát xét cho bổ sung cho phù hợp với yêu cầu mới. Trong quá trình rà soát, sửa đổi một số tiêu chuẩn về thuật ngữ, định nghĩa, bản vẽ và những vấn đề chung trong xây dựng được chấp nhận tiêu chuẩn quốc tế và kế thừa các kết quả nghiên cứu, tham khảo hệ thống tiêu chuẩn các nước phát triển.
Một số quốc gia trên thế giới cũng luôn có những thay đổi về chính sách nhà ở một cách hiệu quả để phát triển nhà ở. Các chính sách đều hướng tới sự hoàn thiện về chất lượng, mức độ tiện nghi, an toàn và công năng sử dụng, đồng thời kèm theo những chính sách ưu đãi về giá cả. Xu hướng tư nhân hóa về đầu tư xây dựng nhà ở ngày càng phát triển. Điều này cũng tác động tới việc Chính phủ khi ban hành các quy định về tiêu chuẩn nhà ở. Ở Thụy Điển, nhà nước chỉ có những quy định cụ thể về kích thước nhà, hình khối khu nhà xây liền kề, khoảng không gian giữa các khối nhà, quy định về không gian công cộng, tạo lập không gian xanh, cảnh quan môi trường nơi sống của cư dân. Song hành với các quy định về kỹ thuật họ còn các chính sách trợ giúp về kinh tế để điều tiết giá mua và thuê nhà ở trong lĩnh vực phát triển nhà ở.
Đối với nhà ở trong mỗi một giai đoạn các chính sách và tiêu chuẩn về nhà ở có một vai trò nhất định trong thời điểm đó. Ví dụ với quy định hiện nay nhà ở xã hội có diện tích căn hộ tối thiểu là 30m2 và tối đa là 70 m2. Quy định này chỉ nên phù hợp với giai đoạn hiện nay.
Vì vậy hướng hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia lĩnh vực kiến trúc, nhà ở và công trình công cộng đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, cần dựa trên những quan điểm chủ đạo sau đây:
Tính đồng bộ: Đồng bộ về mức độ bao phủ trong từng nhóm, số lượng và loại hình văn bản (quy chuẩn, tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật) nhất là các quy chuẩn, tiêu chuẩn công trình có ảnh hưởng tới an toàn, môi trường và xã hội. Cần phải áp dụng thống nhất các chuẩn mực (tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật), đảm bảo tính hài hòa giữa các tiêu chuẩn quốc gia với tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.
Tính kế thừa: Cần dựa vào hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kiến trúc hiện hành để rà soát, bổ sung, sửa đổi và biên soạn mới. Bổ sung các đối tượng tiêu chuẩn hóa chưa có hoặc có nhưng chưa được sắp xếp vào khung phân loại của quy chuẩn, tiêu chuẩn kiến trúc nhà ở và công trình công cộng.
Khi soát xét hoặc biên soạn mới nội dung tiêu chuẩn cần quy định đa dạng các loại nhà ở có diện tích, mức độ tiện nghi khác nhau để bán và cho thuê nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường và điều kiện thu nhập của các tầng lớp dân cư; khuyến khích phát triển nhà chung cư, nhà ở xã hội phù hợp với điều kiện cụ thể của từng loại đô thị. Các quy định về diện tích căn hộ, diện tích sử dụng, diện tích sàn và diện tích khác trong tiêu chuẩn cũng cần phải quy định phù hợp như đã nêu trong Luật Nhà ở 2014.
Đối với những vấn đề bắt buộc liên quan đến an toàn, môi trường, sức khỏe cần được xây dựng thành bộ quy chuẩn chuyên ngành như cách mà hiện nay Bộ Xây dựng đang giao cho các đơn vị thực hiện (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà ở và công trình công cộng; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về công trình giáo dục; Nhà chung cư; Công trình y tế; Trung tâm thương mại; Nhà đa năng…). Các công trình công cộng khi thiết kế xây dựng phải tính đến yêu cầu sử dụng năng lượng hiệu quả, ứng phó với BĐKH, công trình xanh…
Phương pháp biên soạn: Trước đây tiêu chuẩn về nhà ở là để phục vụ cho cơ chế bao cấp về nhà ở. Nay với chính sách đầu tư xây dựng quỹ nhà ở để bán, bán trả dần, cho thuê – mua và cho thuê đối với các đối tượng khác nhau nên quy chuẩn, tiêu chuẩn về nhà ở cần đi theo hướng nghiên cứu cơ bản về căn hộ chung cư từ với tiêu chí “tiêu chuẩn ở tối thiểu” như cách mà ở Nhật Bản đã làm để phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội, suất đầu tư. Từ đó sẽ mở rộng ra các loại hình căn hộ với các hệ số cho các tiêu chuẩn ở khác nhau ở dựa trên hệ thống phân loại các dạng nhà ở. Những vấn đề bắt buộc được quy định trong quy chuẩn, khi đó tiêu chuẩn nhà ở chỉ đưa những yêu cầu tính năng về nội dung công trình, giải pháp kiến trúc và thiết kế hệ thống kỹ thuật. Quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế nhà ở và công trình công cộng cần đảm bảo tính linh hoạt, tính mở để người áp dụng phát huy sáng tạo, nâng cao chất lượng, cải tiến quy trình công nghệ và vận dụng một cách thuận tiện để đạt hiệu quả cao nhất.
Tính hiện đại: Quy chuẩn, tiêu chuẩn phải tiếp cận được với trình độ công nghệ tiên tiến, hiện đại. Hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia phải tiệm cận với hệ thống tiêu chuẩn quốc tế. Các quy chuẩn và tiêu chuẩn thiết kế nhà ở và công trình công cộng phải đáp ứng được yêu cầu thị trường tư vấn, xây dựng trong nước, đảm bảo yêu cầu hội nhập trên cơ sở xác định tầm quan trọng và tính cấp thiết ở từng giai đoạn và khả năng phục vụ định hướng phát triển nhà ở.
Tính linh hoạt, tính mở: Quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế nhà ở và công trình công cộng cần đảm bảo tính linh hoạt, tính mở để người áp dụng phát huy sáng tạo, nâng cao chất lượng và cải tiến quy trình công nghệ. Cần xác định tiêu chí “tiêu chuẩn tối thiểu” để phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội, suất đầu tư nhưng khuyến khích đạt được ở mức cao hơn.
Đổi mới và hội nhập: Biên soạn quy chuẩn, tiêu chuẩn theo phương pháp tính năng nhằm tạo điều kiện hợp tác, liên kết và trao đổi dữ liệu để được chấp nhận một cách rộng rãi trên cơ sở: Minh bạch – Thích ứng – Bình đẳng và đồng thuận – Dễ dàng tiếp cận. Trong nội dung tiêu chuẩn có những quy định bắt buộc áp dụng và có những quy định khuyến khích áp dụng để các nhà quản lý, đầu tư, các kiến trúc sư vận dụng cho thuận tiện và đạt hiệu quả cao nhất.
Tính tiện ích: Cần xây dựng bộ quy chuẩn chung thống nhất dành riêng cho nhà ở và công trình công cộng như bộ quy chuẩn quốc tế của Mỹ (International Building Code) để tiện tra cứu trong quá trình áp dụng, tránh sự mâu thuẫn giữa các nội dung trong các văn bản riêng rẽ và thuận lợi cho quá trình soát xét, bổ sung, điều chỉnh.
Xã hội hóa công tác xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn:
Cần tăng cường việc tham gia xây dựng tiêu chuẩn từ khối các doanh nghiệp. Bản thân doanh nghiệp phải chủ trì thực hiện quá trình xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn hơn là chỉ đóng vai trò hỗ trợ cho việc xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn. Đồng thời nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc xây dựng và áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững, thu hút sự tham gia của các bên liên quan và người sử dụng.
Đảm bảo thông tin trong lĩnh vực tiêu chuẩn hoá. Nâng cao hiệu quả của hoạt động xuất bản, phổ biến và thông tin tiêu chuẩn, tạo điều kiện thuận lợi để các bên liên quan đều tiếp cận được với hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn thông qua các phương pháp trợ giúp hữu hiệu./.
Ths.KTS Trần Thanh Ý - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch & Phát triển đô thị, Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam
(Theo Tạp chí Kiến trúc Việt Nam)
- Quảng Ninh định "hạ cấp" cơ quan quản lý di sản Vịnh Hạ Long
- Cần sớm có Quy chuẩn - Tiêu chuẩn thiết kế công trình cao tầng hỗn hợp
- Rất cần giữ gìn bản sắc khi xây dựng nông thôn mới
- Gian nan cải tạo chung cư cũ, bảo tồn nhà cổ ở TP HCM
- Phát triển công trình xanh ở Việt Nam - Thực trạng và đề xuất
- Tham vọng chính quyền cảng: Cần phải xem xét thận trọng!
- Nỗi lo chung cư cũ nếu động đất xảy ra
- GS.KTS Hoàng Đạo Kính: Cần ứng xử phù hợp với biệt thự Pháp ở Hà Nội
- Kẹt xe tại TP.HCM sẽ ngày càng trầm trọng
- Quy chế quản lý kiến trúc, quy hoạch khu phố cũ Hà Nội: Bảo tồn gắn với cải tạo và tái thiết