Các dự án bất động sản liên tiếp ra mắt gần đây đều lấy tiêu chí “xanh” như một giải pháp để tăng tính cạnh tranh trong bối cảnh nguồn cung tăng mạnh. Tuy nhiên, nếu không có tiêu chí cụ thể và chính sách hỗ trợ, việc phát triển các đô thị xanh sẽ gặp khó.
Yếu tố “xanh” ngày càng được chú trọng
Với việc người mua ngày càng khó tính và quan tâm hơn đến các dự án xanh, nhiều tiện ích và tiết kiệm năng lượng, nhiều chủ đầu tư đã nhanh chóng áp dụng mô hình này vào dự án của mình.
Mảng xanh ngày càng được chủ đầu tư chú trọng khi phát triển các dự án khu đô thị
Ông Vũ Cương Quyết, Giám đốc CTCP Dịch vụ và Địa ốc Đất Xanh miền Bắc cho biết, nhu cầu của khách mua căn hộ hiện nay đang hết sức chú ý đến các dịch vụ tiện ích của dự án, đặc biệt là những người trẻ. Chính vì thế, chủ đầu tư đã chú ý hơn đến những công dụng thiết thực, tác động trực tiếp đến cuộc sống của người ở. Đó là chất lượng dịch vụ, hạ tầng xã hội cho cư dân, chứ không đơn thuần là một căn hộ thật đẹp.
Đồng quan điểm, đại diện CBRE cho biết, các dự án cơ bản hoàn thiện về hạ tầng, có ưu tiên về diện tích cây xanh và các tiện ích được ưa thích hơn so với các dự án khác, dù giá cao hơn. Phần đông người mua trong thời gian gần đây là những người mua để ở, nên họ quan tâm, chú trọng nhiều hơn vào cảnh quan nơi họ sinh sống, cũng như các dịch vụ tiện ích mà họ sẽ được hưởng trong suốt quá trình sống tại đây.
Dù thị trường khởi sắc, nhưng hiện nguồn cung đang tăng cao, trong khi người mua ngày càng khó tính hơn, nên không còn cách nào khác, chủ đầu tư phải liên tục sáng tạo để thu hút khách hàng.
Thực tế thời gian qua cho thấy, trong khi nhiều dự án gặp khó khăn trong việc tiêu thụ, thì một số dự án được thêm chữ “xanh” đã nhanh chóng bán hết mỗi khi ra hàng, dù mức giá sản phẩm tại các dự án này cao hơn. Chính vì thế, để tăng thanh khoản cho dự án, nhiều chủ đầu tư, nhất là các đại gia đã không ngại rót thêm tiền để đầu tư các tiện ích và mảng xanh cho dự án.Có thể kể đến các dự án gắn với tiêu chí xanh như Park Hill, Vincom Village, Ecopark, Seasons Avenue, EcoLife Capitol, Imperia Garden, Goldmark City…
Thiếu chính sách hỗ trợ
Theo các chuyên gia, việc đầu tư dự án theo tiêu chí “xanh” không phải bây giờ mới xuất hiện. Tuy nhiên, tiêu chí về chuẩn xanh hiện nay theo các doanh nghiệp còn khá chung chung, khiến doanh nghiệp lúng túng khi xây dựng dự án của mình. Nếu không có các tiêu chí cụ thể, một số doanh nghiệp có thể lợi dụng gắn mác “xanh” cho dự án của mình, dù dự án không hề “xanh”.
Đại diện chủ đầu tư một dự án bất động sản cho biết, hiện tại, rất khó để đưa ra một tiêu chuẩn về một công trình chuẩn xanh. Khái niệm phổ biến vẫn là công trình xây dựng mà trong cả vòng đời của nó, từ giai đoạn lựa chọn địa điểm xây dựng, thiết kế, thi công, sử dụng, vận hành, cho đến sửa chữa, nâng cấp, tái sử dụng đều đạt được hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng, tài nguyên nước, vật liệu, sản sinh ra chất thải ô nhiễm môi trường ít nhất và tạo điều kiện sống tốt nhất cho người sử dụng.
“Tiêu chí này quá chung chung và rất mơ hồ. Bản thân người mua nhà cũng chỉ nghe giới thiệu rằng dự án này theo tiêu chuẩn Edge, Lotus, Green Mark, Leed…, chứ không thể tính ra được hiệu quả cụ thể từ cáctiêu chuẩn này khi mua nhà”, vị này đánh giá.
Ngoài ra, dù biết dự án xanh sẽ giúp tăng tính thanh khoản cho dự án, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng đủ tiềm lực đầu tư. Trong khi đó, việc phát triển dự án “xanh” hiện chưa nhận được nhiều sự hỗ trợ, ưu đãi.
Theo ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), thực tế thời gian qua, đã có một số ngân hàng quan tâm đưa vấn đề tiêu chuẩn xanh vào thực hiện trong quá trình xem xét, đánh giá, thẩm định cấp tín dụng đối với khách hàng. Tuy nhiên, một trong những điểm hạn chế hiện nay là việc đánh giá các tiêu chí tăng trưởng xanh của ngân hàng còn lúng túng, nên việc xác định hỗ trợ cho các dự án còn chậm.
Thực tế, Chính phủ cũng đã có nhiều cơ chế cho phát triển công nghệ tiết kiệm năng lượng như Nghị định 102/2003/NĐ/CP về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Quyết định 1393/QĐ-TTg về chiến lược quốc gia tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, các quy định này còn thiếu văn bản hướng dẫn, nên việc triển khai tại các địa phương vẫn còn khá lúng túng.
Ngoài việc cơ quan quản lý đưa ra các tiêu chí cụ thể, để đa số người dân có thể có môi trường sống trong lành, chứ không chỉ những người nhiều tiền như hiện nay, thiết nghĩ Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ cho chủ đầu tư về tín dụng, thuế...
Việt Dương
(Báo Đầu tư Bất động sản)
- TP.HCM: Trung tâm thương mại ngầm - đô thị dưới lòng đất
- Sự biến đổi của cảnh quan công nghiệp: Cơ hội mới cho các thành phố quy mô trung bình?
- Hà Nội vẫn "loay hoay" tìm giải bài toán về bãi đỗ xe ngầm
- Tại sao phải bàn chuyện dời ga Sài Gòn?
- Chuyên gia lo metro số 1 của TPHCM không có người đi
- Bảo tồn không gian văn hóa - kiến trúc: Chạm vào phần lõi di sản
- Cần sử dụng hiệu quả đất đô thị
- Giải pháp bảo tồn bền vững kiến trúc thuộc địa Pháp ở Hà Nội
- Cải tạo chung cư cũ: Hài hòa lợi ích ba bên
- Địa chủ hiện đại, tại sao không?