Sự gia tăng nhanh chóng các phương tiện giao thông gây sức ép lên hạ tầng giao thông đô thị của thành phố Hà Nội, đặc biệt là giao thông tĩnh, kéo theo nhiều hệ lụy.
Các trung tâm thương mại, khu đô thị đua nhau mọc lên trong khi số điểm trông giữ xe của thành phố thiếu cả về số lượng lẫn diện tích.
Thiếu chỗ đỗ xe, các phương tiện giao thông tràn ra lòng đường, vỉa hè, gây mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.
Bãi đỗ xe cao tầng tại số 32 phố Nguyễn Công Trứ, Hà Nội. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)
Quy hoạch trên giấy
Xây dựng điểm đỗ xe ngầm là một chủ trương lớn của thành phố Hà Nội, trong những năm qua, thành phố đưa ra nhiều giải pháp phát triển giao thông tĩnh, kể cả ngầm và nổi nhưng thực tế triển khai còn gặp nhiều khó khăn.
Ngay từ năm 2003, thành phố đã quy hoạch các điểm đỗ xe trong nội đô; trong đó, xác định 34 vị trí xây dựng bãi đỗ xe ngầm và cao tầng. Đến năm 2012, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội có văn bản chấp thuận cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Việt Bắc xây dựng bãi đỗ xe ngầm tại khu vực Cung Văn hóa Hữu nghị (phố Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), giao Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội hướng dẫn công ty triển khai thực hiện dự án bãi đỗ xe ngầm nói trên, thời gian duyệt dự án trong năm 2012 và triển khai thực hiện từ năm 2013.
Trước đó, Ban Quản lý và chỉnh trang đô thị Hà Nội cũng đã được thành phố chấp nhận cho triển khai hai bãi đỗ xe ngầm tại Vườn hoa Bác Cổ và dọc hè phố Trần Nhân Tông, dự kiến được trình và thẩm định trong quý 2/2012. Nhưng cho đến thời điểm này, người dân Thủ đô vẫn chưa thấy một bãi đỗ xe nào trở thành hiện thực.
Trên thực tế, ở Hà Nội chỉ các khu đô thị, khu chung cư đã bắt đầu thực hiện xây dựng các điểm đỗ xe ngầm. Các điểm khác hoặc biến thành trung tâm thương mại, chung cư, văn phòng như bãi đỗ xe Gia Thụy ở phường Gia Thụy (quận Long Biên); khu đất "vàng" góc phố Hai Bà Trưng-Hàng Bài, điểm đỗ Thái Phiên... hoặc vẫn nằm trên giấy, khiến Thủ đô thiếu điểm đỗ xe nghiêm trọng.
Nguyên nhân chậm tiến độ của các dự án xây dựng bãi đỗ xe ngầm, ngoài lý do vướng quá nhiều thủ tục, các chủ đầu tư không mặn mà tham gia, thậm chí bỏ cuộc còn do mức phí trông giữ được quy định như hiện nay nếu áp dụng cho các điểm đỗ xe ngầm thì thời gian thu hồi vốn quá lâu, kể cả khi Nhà nước cho phép mở thêm khu thương mại dịch vụ đi kèm thì cũng mất hàng chục năm.
Một cán bộ công ty Khai thác điểm đỗ xe cho biết xã hội hóa xây dựng điểm đỗ xe ở Hà Nội khó thành công nếu áp dụng phương thức như hiện nay, vì hiếm có nhà đầu tư nào chịu bỏ tiền đầu tư mà chỉ trông vào thu phí hàng tháng với mức phí như hiện nay. Điều này chỉ thực hiện được khi Nhà nước đầu tư xây dựng điểm đỗ xe ngầm sau đó bàn giao lại cho đơn vị làm nhiệm vụ khai thác điểm đỗ xe quản lý, khai thác.
Sức ép quá tải
Theo số liệu của ngành chức năng, trung bình mỗi năm thành phố có thêm hơn 200.000 phương tiện giao thông cá nhân trong khi đó, diện tích điểm đỗ xe mới chỉ đáp ứng khoảng 8-10% nhu cầu. Số phương tiện còn lại phải tìm nơi để xe tại các chung cư, khu đô thị, sân cơ quan, lòng đường, vỉa hè không chỉ vi phạm trật tự giao thông mà còn ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.
Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Xuân Tân cho biết trong những năm qua, quy hoạch về giao thông tĩnh chưa được chú trọng, quan tâm đúng mức.
Việc sử dụng lòng đường, vỉa hè làm điểm trông giữ xe như hiện nay chỉ là giải pháp mang tính tình thế, vì lòng đường, vỉa hè là để phục vụ giao thông. Để đáp ứng nhu cầu đỗ xe cần có những bãi xe riêng, khu đô thị, tòa nhà cũng cần dành những diện tích trông giữ xe. Nhưng vấn đề này chưa được quan tâm thích đáng trong quy hoạch, nhiều tòa nhà xây dựng không đủ chỗ chứa xe nhưng lại tận dụng mặt bằng để kinh doanh, dịch vụ, đẩy phương tiện ra vỉa hè gây lộn xộn, mất trật tự.
Thực tế nhiều tuyến phố trung tâm thiếu điểm đỗ xe trầm trọng, ngoài số ít điểm được đầu tư hiện đại còn phần lớn là sử dụng vỉa hè, lòng đường, chất lượng dịch vụ kém, không bảo đảm an toàn, gây khó khăn trong quản lý... Nhiều tuyến phố như Trần Hưng Đạo, phố Huế, Hàng Bài, Quang Trung, Bà Triệu, Nguyễn Du khó tìm một điểm đỗ xe.
Và sự cần thiết
Anh Phạm Văn Lượng, Tổng Giám đốc Công ty Xây dựng Việt Phát, chia sẻ hiện Hà Nội chưa có nhiều tòa nhà xây dựng tầng hầm để xe, chỉ một số khách sạn khu vực trung tâm quan tâm đúng mức đến vấn đề này còn lại hầu hết chỉ “bóc ngắn, cắn dài.” Hiện giá thành xây dựng một tầng hầm bằng hai tầng nổi trong khi thu hồi vốn bằng phí trông giữ thì không biết đến bao giờ mới hoàn vốn nên nhà đầu tư không mặn mà. Để giải được bài toán thiếu điểm đỗ xe, Hà Nội cần phải có quy hoạch không gian nổi cũng như có chính sách khuyến khích nhà đầu tư xây dựng bãi đỗ xe ngầm, nổi.
Không thể chỉ căn cứ theo cái khó muôn thuở của các chủ đầu tư mà để Hà Nội bế tắc trước vấn đề giải quyết nhu cầu giao thông tĩnh. Mới đây, khi xem xét chủ trương đầu tư Khu đô thị mới Đại Kim, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu nhà đầu tư khi xây dựng tòa nhà, mỗi nhà cao tầng phải có tối thiểu ba tầng hầm để giải quyết nhu cầu đỗ xe của dự án và khu vực, khớp nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với khu vực xung quanh.
Điều này đã nhận được sự đồng tình của các nhà kiến trúc, quy hoạch. Nếu chủ trương này được thực hiện bằng biện pháp quyết liệt phần nào giải quyết được tình trạng thiếu điểm đỗ xe trầm trọng trên địa bàn Hà Nội tồn tại lâu nay./.
Tuyết Mai
(TTXVN / Vietnam+)
- Hà Nội – những “lỗ hổng” trong công tác quản lý quy hoạch đô thị
- Lỗ hổng môi trường khi quyết định các dự án kinh tế
- Chuyên gia lo ngại dự án thủy điện trên sông Hồng
- TP.HCM: Trung tâm thương mại ngầm - đô thị dưới lòng đất
- Sự biến đổi của cảnh quan công nghiệp: Cơ hội mới cho các thành phố quy mô trung bình?
- Tại sao phải bàn chuyện dời ga Sài Gòn?
- Chuyên gia lo metro số 1 của TPHCM không có người đi
- Phát triển đô thị xanh, cần thêm chính sách hỗ trợ
- Bảo tồn không gian văn hóa - kiến trúc: Chạm vào phần lõi di sản
- Cần sử dụng hiệu quả đất đô thị