Trải qua hàng nghìn năm phát triển, Việt Nam hình thành và tồn tại đến nay nhiều đô thị lịch sử như cố đô Huế, cố đô Hoa Lư, đô thị cổ Hội An… và nhiều đô thị dày đặc di tích, di sản văn hóa như Hà Nội, Nam Định, Phố Hiến, Đà Lạt… với những giá trị di sản đô thị độc đáo và qúy báu. Việc phát triển đô thị song hành cùng quá trình tiến hóa lịch sử, qua đó các di sản đô thị sẽ hình thành và tích lũy để tạo nên đô thị di sản thông qua mối quan hệ chuyển hóa thể hiện bằng rất nhiều khía cạnh, cơ sở nền tảng từ quá trình tạo thị, lịch sử chính trị, văn hóa cho đến chuyển hóa hình thái đô thị, không gian kiến trúc, môi trường, phát triển kinh tế, xã hội đô thị…
Không gian Hồ Gươm và phụ cận thuộc trung tâm nội đô lịch sử TP Hà Nội (nguồn ảnh: Internet)
Quỹ di sản lớn và đa dạng
Trong những năm qua, các đô thị di sản đã trở thành động lực rất quan trọng thu hút du khách trong và ngoài nước, tạo điều kiện để các địa phương thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân.
Hiện nay, về tổng quan, có số liệu thống kê cho thấy quỹ di sản tại các đô thị Việt Nam là rất lớn và đa dạng. Tiêu biểu như TP Huế, số liệu thống kê cho thấy đến năm 2024 có 8 di sản văn hóa thế giới. Riêng quần thể di tích Cố đô Huế – được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới – có 29 điểm di tích nằm rải rác trên địa bàn TP Huế, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy và huyện Phú Vang với gần 500 hạng mục công trình chủ yếu làm từ gỗ.
Ninh Bình – đô thị di sản thiên niên kỷ trong tương lai cũng có hệ thống di tích lịch sử văn hóa qua hàng nghìn năm lịch sử với hơn 1.821 di tích, trong đó 395 di tích đã được xếp hạng. Ngoài quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh ở hạng mục Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, còn có Cố đô Hoa Lư, khu danh thắng Tràng An – Tam Cốc – Bích Động và di tích núi Non Nước được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Đô thị cổ Hội An sở hữu hơn 1.400 di tích được kiểm kê phân loại, trong đó có 27 di tích cấp quốc gia, 49 di tích cấp tỉnh và hơn 1.330 di tích nằm trong danh mục bảo vệ của thành phố. Riêng khu phố cổ có 1.130 di tích, trong đó có 9 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 8 di tích cấp tỉnh.
Thách thức về bảo tồn và phát huy giá trị di sản đô thị
Tuy nhiên, cũng như tình trạng chung của nhiều đô thị trên thế giới, các đô thị Việt Nam cũng đang đứng trước những thách thức về bảo tồn và phát huy giá trị di sản đô thị. Không phải ở đâu và cũng không phải lúc nào người ta cũng giải quyết được một cách hài hòa giữa bảo tồn di tích lịch sử – văn hóa với phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là trong không gian đô thị. Không phải chỉ ở nước nghèo mà ngay cả ở nước phát triển cũng xảy ra, và trong khá nhiều trường hợp lợi thế nghiêng về phía phát triển kinh tế – xã hội.
Bảo vệ, phát huy giá trị di sản, văn hóa đô thị di sản bằng việc được luật hóa trong thể chế là rất cần thiết và cấp bách để hình thành các quy định nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và song hành với phát triển kinh tế – xã hội đô thị trên quan điểm không phải là hai mặt đối lập mà là một thể thống nhất, đều hướng tới mục tiêu chung là vì sự phát triển bền vững. Di tích lịch sử – văn hoá là một loại tài nguyên không thể tái sinh, không thể thay thế, nên về mặt nguyên tắc, không được huỷ hoại, không được làm ảnh hưởng đến giá trị, tính xác thực, yếu tố gốc cấu thành di tích, tính toàn vẹn của di sản. Trong xây dựng phát triển đô thị để giải quyết hài hòa giữa bảo tồn di tích hoặc là thuộc loại hình khảo cổ học và xây dựng các công trình phát triển kinh tế – xã hội, tại đô thị Việt Nam cũng thường chỉ áp dụng một trong 3 giải pháp khá đơn giản:
(1) Di tích được xác định có giá trị đặc biệt, có điều kiện kinh tế – kỹ thuật – công nghệ bảo tồn, bảo vệ và phát huy giá trị di tích thì xây dựng dự án bảo tồn tại chỗ như là một “bảo tàng ngoài trời” phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan du lịch.
(2) Di tích được xác định có giá trị quan trọng, nhưng trước mắt chưa có điều kiện bảo tồn tại chỗ thì đưa hiện vật khai quật được về bảo quản và trưng bày trong bảo tàng; tiến hành phủ lớp vải địa kỹ thuật lên toàn bộ bề mặt hố khai quật, rồi lấp cát và bàn giao mặt bằng cho chủ dự án, khi có điều kiện thì khai quật trở lại. Phía trên bề mặt hố khai quật được cắm mốc giới và biển giới thiệu về di tích.
(3) Di tích có giá trị, nhưng không có điều kiện bảo tồn tại chỗ, trong khi yêu cầu xây dựng công trình phát triển kinh tế – xã hội thấy cần được ưu tiên (như làm đường giao thông…), sau khi hoàn thành công tác khai quật khảo cổ học thì chuyển toàn bộ tài liệu, hiện vật về lưu trữ, bảo quản tại bảo tàng phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày, phát huy giá trị di tích; đồng thời, lấp hố khai quật, bàn giao mặt bằng cho chủ dự án tiếp tục thi công công trình xây dựng.
Rõ ràng đô thị di sản với các thành phần di sản từ một bộ phận, hay cấu trúc cả đô thị đã hình thành ở một hoặc nhiều thời kỳ của lịch sử, có giá trị về lịch sử, văn hóa – nhân văn, kiến trúc, thẩm mỹ, cảnh quan, giá trị vật chất và các giá trị khác, tạo nên vẻ riêng biệt, nét đặc trưng của mỗi đô thị, mang đến cho con người cảm nhận khác biệt so với những nơi khác. Tuy nhiên cho đến nay chưa có một định nghĩa, quy định cụ thể nào về đô thị di sản để vừa có thể bảo tồn giá trị vật chất, giá trị tinh thần, giá trị tự nhiên và tài sản mà nhiều thế hệ trước đã tích lũy, gìn giữ vừa tạo điều kiện cho thế hệ sau tiếp tục sinh sống và phát triển đô thị.
Đề xuất và kiến nghị
Về thể chế, Luật Di sản văn hoá, Luật Kiến trúc và Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Nghị quyết về phân cấp đô thị hiện hành cũng chưa đề cập tới đô thị di sản để có thể bổ sung trong Quy hoạch hệ thống đô thị ở Việt Nam, trong phân loại đô thị… Đây là những khoảng trống trong hệ thống văn bản pháp luật về di sản đô thị làm cơ sở hình thành bộ tiêu chí để phân loại, đánh giá và xác định mức độ bảo vệ đô thị di sản. Điều này cũng có thể được xem là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều cản trở và khó khăn đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị trong thời gian qua. Việc bổ sung trong Luật Phát triển đô thị và một số văn bản pháp luật có liên quan như Luật Di sản văn hóa, Luật Kiến trúc là hết sức cần thiết.
Về thực tiễn đầu tư phát triển, ở cấp độ công trình và nhóm công trình, các di sản đô thị thường chủ yếu chiếm phần lớn là các không gian vật thể kiến trúc do con người tạo ra. Ngoài phần công trình xây dựng, giá trị đặc trưng của di sản đô thị còn được tạo dựng bởi cả phần không gian bao quanh. Do vậy, nên bổ sung việc nguồn lực, kinh phí để bảo vệ không gian di sản đô thị, cảnh quan kiến trúc đối với Đô thị di sản. Kiến nghị Chính phủ, ngành Văn hóa đưa vào các mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Về nghiên cứu và cơ sở lý luận, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xây dựng đồng bộ hệ thống các tiêu chí đánh giá để xác định, quản lý, phát huy giá trị đô thị di sản trong hệ thống pháp luật. Các tiêu chí này cũng cần được triển khai ở cả 3 cấp độ: Tổng thể toàn đô thị; từng khu vực di sản trong đô thị; cấp độ từng di sản cụ thể. Cần có sự hợp tác quốc tế, học tập kinh nghiệm các nước về đô thị di sản như Aten, Roma, Matxcova, Bắc Kinh, Kyoto… để hoàn chỉnh, bổ sung hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch, kiến trúc và phân loại đô thị với các đặc thù cho các đô thị di sản.
TS.KTS Hồ Chí Quang – ThS.KTS Đỗ Thị Thu Vân – Viện Kiến trúc Quốc gia
(Tạp chí Xây dựng)