Không biết tôi nên bắt đầu từ đâu nữa trong một mớ hỗn độn của các vấn đề mà ngày ngày, nó khiến biết bao người trong chúng ta sống từ bực bội này sang bực bội khác. Mỗi một vấn đề đều có những con người có trách nhiệm và... vô trách nhiệm đứng ra để tìm cách: 1 là giải quyết nó, 2 là bao biện nó.
Không "ông" nào nói chuyện với "ông" nào?
Trong bạt ngàn các chủ để được đưa ra bàn cãi thì vấn nạn giao thông dường như là 1 trong những chủ thể nặng ký nhất mà nó khiến cho cả xã hội phải đau đầu. Bởi đơn giản là từ khi người ta bước chân ra đường cho đến khi người ta về đến nhà mình, biết bao nhiêu nỗi thống khổ đã đeo bám theo bước chân nặng nề ấy của từng con người và không chừa ai cả.
Kẹt xe ở miền Nam, tắc đường ở miền Bắc trở thành chuyện thường ngày hơn cả cơm bữa. 2 thành phố lớn như TP HCM và Hà nội đang phải oằn mình gánh chịu sức nặng dân số gấp đền vài lần khả năng chống đỡ của nó. Ở đây, mỗi người dân không có cách nào khác là phải tự lo cho mình thôi.
Hậu quả là mạnh ai nấy lo, cần xe cứ mua, đường đông cứ đi. Và như thường lệ, nguyên nhân của vấn đề được nhanh chóng kết luận: Lỗi do người dân với quá nhiều phương tiện cá nhân. Và do vậy, để giải quyết nhanh chóng 1 vấn đề phức tạp trong khi tránh không phải suy nghĩ nhiều, giải pháp xưa như trái đất được đưa ra: Cấm!
Còn lần này, người ta không phải cấm mà là chỉ "cho phép" xe cá nhân đi theo các ngày chẵn lẻ tùy theo biển số của xe mình.
Hình như "ông" giao thông và "ông" quy hoạch không bao giờ nói chuyện với nhau thì phải. Từ bao năm nay, ông quy hoạch khi cấp phép cho hàng chục, hàng trăm dự án cao tầng trong trung tâm thành phố đã đều đưa ra các chỉ tiêu về mật độ, tầng cao, chức năng công trình, quy mô dân số...dường như rất khắt khe (với số lượng văn bản, quy định đồ sộ và thời gian chạy dự án đến cả vài năm).
Chắc chắn ông này phải dựa vào các điều kiện cụ thể để đưa ra các tiêu chí này. Không thể nào tự nhiên mà ông ấy đưa thêm mấy trăm ngàn, thậm chí cả triệu người vào trung tâm thành phố khi mà các con đường vẫn y nguyên chiều rộng xưa nay. Ông môi trường thì đánh giá chi tiết tác động thuộc mảng của mình. Ông xây dựng cũng soi thật kỹ trước khi cấp giấy phép khi mà 1 ông quan trọng nữa là ông phòng cháy đã duyệt phương án hành động trong trường hợp khẩn cấp (chữa cháy và cấp cứu giữa lúc kẹt xe chắc cũng được tính tới rồi).
Sơ sơ đã có 4, 5 ông biết câu chuyện này để tính toán cho ra trò. Vậy mà... chỉ tại người dân không có ý thức cứ dồn dập đi vào mấy quận trung tâm để làm việc gây bao nhiêu khó khăn cho thành phố.
Giải pháp hay sự đối phó?
Trở lại với quy định mới 1 khi nó được đưa vào thực tế: Trong trường hợp chủ trương xe chẵn lẻ biến thành hiện thực, rất có thể xảy ra nhiều tình huống. Những người giàu sẽ mua thêm xe, họ có thừa khả năng làm việc này. Thêm nữa, cả cái xe còn lo được nữa là lo 1 biển số chắn hay lẻ.
Ta không thấy một sự ngẫu nhiên đáng kinh ngạc kia sao: Biết bao nhiêu người mua siêu xe thì cũng đa phần trong số đó "ngẫu nhiên" có được biển số đẹp. Vậy là chắc chắn sự ngẫu nhiên được biển chẵn, biển lẻ sẽ tạo điều kiện cải thiện kinh tế cho biết bao người có chức năng và thẩm quyền vấn đề này.
Và các công ty nữa, giờ cũng dành thêm ngân sách kiếm thêm xe để đi giao dịch nhé. Vì xe đều là biển trắng tư nhân mà. Rồi thêm chút chi phí kia để "sinh con" chẵn lẻ theo ý muốn chứ. Còn nữa, mấy xe ngoại tỉnh lên thành phố liên hệ công tác.
Thôi thì chọn ngày mà hẹn, chọn ngày mà đi. Hy vọng các cơ quan công quyền cũng sắp lịch làm việc dựa theo biển số lẻ chẵn của người dân nhé. Ui, thế mấy người sống trong khu vực phong tỏa theo lệnh lẻ chẵn mà muốn lấy xe của mình để đi ra khỏi trung tâm thành phố thì sao đây? Rồi giới hạn của khu vực đặc biệt (những con phố làm thí điểm) thế nào nhỉ, nếu bất ngờ một chiếc xe có biển số lẻ lại đi vào con đường mà ngày hôm đó là ngày chẵn?
Ở 1 đất nước mà thu nhập bình quân đầu người chỉ nhỉnh hơn 2 triệu đồng một tháng mà người ta mua được ô tô đã được cho là giàu rồi. Những người này chắc chắn sẽ khó mua thêm 1 xe nữa nhưng họ sẽ tự cứu lấy mình thôi. Qua tham khảo một số ý kiến của bạn bè thuộc tần lớp này, họ có mấy giải pháp sau:
- Lắp biển số giả thay vào xe tùy theo chẵn lẻ (!)
- Đi xe đến "giáp ranh vùng cấm, gửi xe ô tô, đi nhờ xe máy đồng nghiệp, đi xe buýt, đi xe ôm và cả đi bộ nếu có thể.
- Mua thêm xe máy để đi ngày lệch.
- Dùng phương tiện công cộng.
Và đến nhóm đang sử dụng xe máy: Nhóm sẽ thêm đông đúc do lượng người chuyển từ đi ô tô sang. Vậy là việc sử dụng xe máy lại được cổ súy. Bởi xe máy vốn dễ lái, giá hợp lý, đậu đâu cũng được, không nhất thiết phải biết luật, chạy trên đường, chạy ngược chiều, trên vỉa hè, quay đầu bất cứ đâu... Ông Bộ trưởng Giao thông có lý khi nói phải sống chung với xe máy đến năm 2030.
Đã thế, xe máy lại không bao giờ phải qua kiểm định cả. Nghĩa là xe sẽ cũ đi, gây ô nhiễm hơn, ồn ào hơn, tốn nhiên liệu hơn. Và một thực tế nữa là do công nghệ, máy móc cũ kỹ, 1 xe máy còn gây ô nhiễm hơn cả 1 xe hơi nữa.
Và cuối cùng, không biết mấy nước áp dụng chẵn lẻ người ta áp dụng quy định tương tự trong hoàn cảnh thế nào? Cách thức làm sao? Tình hình giao thông ra sao?
Thay vì cấm chẵn lẻ, tại sao ta không làm một việc mà khắp thế giới người ta đang làm: Tăng phí đậu xe, bến bãi. Thu phí giao thông cho xe lưu hành trong khu trung tâm. Bảo vệ, khuyến khích người đi bộ, xe đạp bằng cách giải phóng vỉa hè, làm thêm làn xe đạp, thậm chí hỗ trợ về mặt kinh tế cho đối tượng này. Tăng phát triển giao thông công cộng, thêm bến, tuyến, thêm làn xe buýt, thêm xe sạch đẹp. Giáo dục hành vi giao thông, ý thức môi trường cho mọi người dân, đặc biệt là trẻ em, học sinh phổ thông...
Và quan trọng hơn cả là mấy ông quy hoạch, giao thông, môi trường, xây dựng... họ ngồi lại "nói chuyện" với nhau trước khi làm, thì biết đâu dân chúng sẽ bớt khổ biết bao nhiêu.
Hải Hà
- Yêu cầu hoàn thiện nhà trước khi bàn giao: Hợp lý, nhưng khó khả thi?
- Hồ Gươm thành khu bảo tồn đất ngập nước?
- Quy hoạch, phát triển giao thông: Sai lầm nối tiếp sai lầm?
- Ngưỡng đô thị và “căn bệnh teo chân” ở các thành phố lớn
- Điểm nhấn Kiến trúc và điểm nhấn Đô thị
- Nhận thức lại về quản lí đô thị
- Có lối thoát cho ùn tắc giao thông đô thị?
- Muốn cấm, phải đảm bảo nhu cầu di chuyển của dân cư
- Nhìn lại sông nước Sài Gòn: khi người ta quay lưng với dòng sông…
- Quảng trường trung tâm và Công viên bờ sông Khu đô thị mới Thủ Thiêm