Ashui.com

Wednesday
Apr 24th
Home Tương tác Phản biện Nghiên cứu tác động của chế độ thủy văn và đô thị hóa đối với hạ lưu sông Hà Thanh

Nghiên cứu tác động của chế độ thủy văn và đô thị hóa đối với hạ lưu sông Hà Thanh

Viết email In

Một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng, định hướng phát triển đô thị về phía hạ lưu sông Hà Thanh (tỉnh Bình Định) là một trong những nguyên nhân làm trầm trọng thêm tác động của cơn lũ lịch sử tháng 11/2009, làm thiệt mạng 7 người và thiệt hại 22 triệu USD chỉ tính riêng ở thành phố Quy Nhơn. Nghiên cứu do TS. Michael DiGregorio và ThS. Huỳnh Cao Vân thực hiện theo yêu cầu của Văn phòng Điều phối về Biến đổi Khí hậu (CCCO) tỉnh Bình Định. Đây là một trong nhiều hợp phần của một dự án nghiên cứu tác động tương hỗ của chế độ thủy văn và đô thị hóa đối với một khu vực hạ lưu sông.


Sông Hà Thanh, đoạn qua Quy Nhơn
(nguồn: Wikipedia) 

Theo phát biểu của ông Đinh Văn Tiên, phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, kiêm Giám đốc CCCO tỉnh Bình Định, thì: “Mục tiêu của dự án là đánh giá những tác động tiềm ẩn của biến đổi khí hậu đối với phường Nhơn Bình, bước đầu đưa ra các khuyến nghị về việc có thể sử dụng quy hoạch đô thị như thế nào để thích ứng với rủi ro khí hậu trong tương lai.” Theo dự báo của Viện Khí tượng Thủy văn và Môi trường thì biến đổi khí hậu sẽ khiến bão xảy ra thường xuyên hơn, với cường độ mạnh hơn ở khu vực miền Trung Việt Nam, và vì thê, ông Tiên còn cho hay: “Chúng tôi đã quyết định rằng cách tốt nhất để đánh giá khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu là nghiên cứu rõ về những nguyên nhân và tác động của một cơn lũ lịch sử mới xảy ra gần đây, năm 2009 và dự báo sẽ thường xuyên hơn do tác động của biến đổi khí hậu.

Nghiên cứu này ở Quy Nhơn cũng sẽ được giới thiệu trong hội thảo chương trình Cộng đồng Hành động Thích ứng với biến đổi khí hậu ở thành phố Đà Nẵng ngày 25/07/2012 và đơn vị chủ trì hội thảo là Diễn đàn Đô thị Việt Nam (Bộ Xây dựng). Đây là một phần kết quả trong những nghiên cứu mới nhất do các chuyên gia về thích ứng với biến đổi khí hậu thực hiện, trong đó tập trung phân tích vào mối quan hệ giữa việc phát triển đô thị chưa hợp lý làm tăng nguy cơ lũ lụt. Cũng trong hội thảo này, TS. Paul Chammniern từ Viện Môi trường Thái Lan sẽ có bài trình bày chia sẻ kinh nghiệm về trận lụt ở Băng-cốc năm 2011.

"Chúng ta biết rằng biến đổi khí hậu là một hiểm họa nghiêm trọng đối với cuộc sống và hoạt động kiếm sống của người dân Việt Nam nhưng rất nhiều vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu mà chúng ta phải đối mặt hiện nay đang trở nên ngày càng trầm trọng hơn do việc xây dựng cơ sở hạ tầng, khu đô thị mới, và khu sản xuất công nghiệp ở những địa điểm không phù hợp,”  TS. DiGregorio (ảnh bên) phát biểu.

Kết hợp phỏng vấn người dân địa phương với các hình ảnh vệ tinh, các nhà nghiên cứu đã minh họa lại trên bản đồ diễn biến của cơn lũ tháng 11/2009 ở khu vực hạ lưu sông Hà Thanh, và dựa vào các phát hiện của dự án, tiến hành đánh giá hệ thống kiểm soát lũ và chống lụt của thành phố, đánh giá các tác động của những thay đổi về địa hình, địa vật gần đây trong khu vực, và đánh giá tính phù hợp của bản Quy hoạch xây dựng phường Nhơn Bình và Quy hoạch Tổng thể xây dựng hiện nay của thành phố Quy Nhơn.

Sông Hà Thanh bắt nguồn từ miền núi phía Tây Nam huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định ở độ cao 500 m so với mực nước biển, chảy theo hướng Tây Nam – Đông Bắc. Sau khi đi qua một số xã của huyện Vân Canh sông tiếp tục chảy qua huyện Tuy Phước, đến thị trấn Diêu Trì thì sông chia làm hai nhánh là Hà Thanh và Trường Úc rồi tiếp tục đi vào địa phận thành phố Quy Nhơn và đổ vào đầm Thị Nại qua hai cửa Hưng Thạnh và Trường Úc.

Sông có chiều dài 58 km trong đó 30 km chảy qua miền rừng núi, độ cao trung bình của lưu vực là 170 m, độ dốc trung bình của lưu vực khoảng 0,18 và diện tích toàn bộ lưu vực sông là 539 km².

(Wikipedia)

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, vào mùa lụt hàng năm thường xuyên có nước chảy tràn qua nơi cư trú và sản xuất của người dân sinh sống ở vùng hạ lưu nên họ đã biết trước và luôn chuẩn bị sẵn sàng cho các trận lụt theo mùa.  “Đó là quy luật của tự nhiên,” trích lời ông Trần Văn Trí, một nông dân ở Luật Lễ. TS. DiGregorio còn cho biết, khi chưa có nhiều công trình cản nước như đường xá và các khu đô thị mới trong vùng chảy tràn mùa lụt, nước lũ sẽ nhanh chóng thoát ra đầm Thị Nại. “Phát hiện quan trọng nhất trong nghiên cứu của chúng tôi, cũng là điều mà người nông dân ở khu vực hạ lưu sông Hà Thanh đã biết rất rõ từ nhiều thế kỷ nay là: Bất cứ cái gì chặn dòng chảy của nước vào đầm Thị Nại cũng sẽ làm tăng ngập lụt.” Tháng 11/2009, nước lũ đã không chảy tràn đều trên mặt đất và thoát vào đầm Thị Nại, mà tràn ngược trở lại do bị chặn bởi các con đê và đường xá. Ông còn nói thêm: “Chúng ta phải coi trọng kinh nghiệm của những người dân đã sinh sống ở đây cả đời, bởi những bằng chứng từ trận lụt năm 2009 cho ta thấy rằng họ đã đúng.” Ra đến gần 200 m bên ngoài đê Đông, trên một khu vực bằng phẳng và tương đối mở ở gần đầm Thị Nại, mức lũ đã rút đi một nửa. Đến khi chảy ra đến bờ đầm ở cổng Hưng Thạnh, nước lũ chỉ ngập sâu 40 cm.  

"Nghiên cứu này chỉ ra những vấn đề chung đối với rất nhiều thành phố khác ở Việt Nam,” đại diện ISET phát biểu. “Vấn đề là ngay cả khi cố gắng bảo vệ các khu vực này bằng cách xây đê kè, người ta chỉ có thể đẩy nước lũ đi và chuyển nguy cơ ra một khu vực khác.

Để biết thêm thông tin về dự án này, xin liên hệ:

- Tiến sĩ Michael Digregorio: Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó. / (04) 39447399 / 39740314

- Đinh Văn Tiên, Văn phòng Điều phối về Biến đổi Khí hậu tỉnh Bình Định: Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó. / 0913440746

- TS. Trần Giải Phóng, Viện Chuyển đổi Môi trường và Xã hội: Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó. / 0914051223


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo