Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Phản biện Cần đồng bộ mạng lưới kiến trúc dành cho người tàn tật

Cần đồng bộ mạng lưới kiến trúc dành cho người tàn tật

Viết email In

Quy chuẩn xây công trình công cộng để đảm bảo cho người tàn tật có thể sử dụng và hoà nhập cuộc sống đã có từ lâu. Thế nhưng đến nay tình hình vẫn chưa được cải thiện nhiều. Nhân dịp 27/7, ngày Thương binh liệt sĩ năm nay, Kiến trúc & Đời sống chia sẻ một vài ý kiến của các kiến trúc sư về vấn đề này.  


Bên này có đường cho người khiếm thị nhưng bên kia không có. 

KTS Nguyễn Trường Lưu, phó chủ tịch thường trực hội Kiến trúc sư TP.HCM: 

Hiện nay sự quan tâm đối với người già và người tàn tật trong công trình nhà ở đã được chú ý hơn trước. Trong các nhà riêng nếu có điều kiện người ta đã đầu tư thang máy cho việc lên xuống của người già tiện hơn. Khi làm phòng vệ sinh, đã chú ý gắn các tay vịn, có loại ghế ngồi tắm hoặc trải thảm nhựa phòng tránh té ngã. Tuy nhiên, các thiết bị này vẫn phải nhập từ nước ngoài, các nhà sản xuất trong nước nên sản xuất các loại sản phẩm này vì có nhu cầu trong thời gian sắp tới. 

Còn về phía các công trình công cộng, Nhà nước đã có ban hành Quy chuẩn xây dựng Việt Nam số 01:2002 về quy chuẩn xây dựng công trình để đảm bảo người tàn tật tiếp cận và sử dụng hoà nhập cuộc sống, đến nay đã được 13 năm nhưng dường như chưa có tiến triển nhiều. Trong đó quy định một số tiêu chuẩn bắt buộc cho các công trình công cộng. Tuy nhiên, một số công trình chưa thực hiện quy chuẩn này. Có công trình làm nhưng sai về quy chuẩn, làm có tính chất đối phó, khi sử dụng không tiện lợi. Các công trình xây trước khi ban hành quy chuẩn này cần có ý thức sửa chữa bổ sung thêm các hạng mục dành cho người tàn tật, như hai sân bay lớn vẫn còn thiếu kiến trúc phục vụ cho người tàn tật. Tuy đã có các quy chuẩn, nhưng kiến trúc cho người tàn tật phải đặt thành vấn đề xã hội quan tâm, phải trở thành phổ biến, đồng bộ, kết nối các công trình như một mạng lưới liền lạc. Lấy ví dụ khi một người tàn tật rời khỏi nhà, họ phải di chuyển đến nơi cần đến dễ dàng, chứ không phải như hiện nay một đoạn đường có lối đi cho người khiếm thị, đoạn khác lại không có. Ngoài đường phố, trung tâm thương mại, khu văn hoá cũng không đầy đủ các lối đi cho xe lăn, đường chỉ dẫn cho người mù, vậy liệu người tàn tật có thể đi ra ngoài sinh hoạt, hay chỉ biết ngồi trong nhà? Ví dụ như trên đường Nguyễn Huệ, vỉa hè bên trung tâm thương mại Vincom có dấu hiệu dẫn đường cho người khiếm thị, bên kia đường lại không có. Khi đi đến ngã tư không có các nút bấm ưu tiên, muốn qua đường họ phải tự thổi còi gây chú ý, hoặc phải có người đi kèm. Tất cả chi tiết đó nói lên việc thiếu đồng bộ và làm chỉ có hình thức, chưa đi vào đời sống thiết thực.

KTS Dương Hồng Hiến, hội Kiến trúc sư TP.HCM: 

Ở Việt Nam kiến trúc cho người tàn tật và người già còn chưa được chú ý. Các khu vực công cộng như sân bay cũng còn thiếu nhiều tiện ích cho người tàn tật, ví dụ như khu vực vệ sinh vẫn chưa có khu dành riêng. Một lần tham quan ở Campuchia, tôi vào toilet thấy đầy đủ khu dành cho người tàn tật, có bàn ghế nghỉ ngơi. Toilet dành cho người tàn tật phải có những tiêu chuẩn riêng về kích thước, độ cao. Ở thành phố chúng ta, một số trung tâm thương mại đã có chú ý về đường đi, nhưng còn ít và không đồng đều. Một số resort tiêu chuẩn cao nhưng cũng không làm đường đi dành cho người tàn tật. Một số con đường trong thành phố có làm vỉa hè, có chỉ dẫn cho người mù, nhưng nghịch lý là trên đường dẫn vài chỗ có cột điện chắn ngay giữa. Việc này cho thấy sự thiếu quy hoạch đồng bộ, làm cho có lệ, manh mún, chưa trở thành vấn đề của xã hội. Việc này khiến cho người tàn tật, người già ít có điều kiện ra bên ngoài để hoà nhập. Người làm kiến trúc như chúng tôi được đào tạo đầy đủ về kiến trúc cho người tàn tật, nhưng ít có dịp thực hiện. Riêng tôi đã nhiều lần thuyết phục chủ đầu tư, ví dụ như resort Tropicana ở Long Hải đã thiết kế đường đi để cho người đi xe lăn có thể đi từ ngoài cổng xuống đến bãi biển. Khi thiết kế khách sạn, tôi phải thuyết phục chủ đầu tư làm đường dốc để dễ dàng cho việc kéo hành lý, nhưng cũng là dành cho người tàn tật.

Tôi nghĩ nên có luật rõ ràng quy định về vấn đề này. Tuy nhiên, nhà đầu tư, chính quyền các đô thị còn cần xuất phát từ trái tim đối với những người tàn tật.

Theo tôi, các hội đoàn của người tàn tật, người cao tuổi phải có tiếng nói của mình để đòi quyền lợi chính đáng. Nó phải trở thành vấn đề xã hội quan tâm, cần được đưa ra bàn bạc và giải quyết. Các chủ đầu tư nên bớt chú ý đến lợi nhuận, chịu đầu tư các hạng mục dành cho người tàn tật, giúp họ có cuộc sống tốt hơn.

KTS Trần Lê Quốc Bình: 

Hiện nay một số công trình công cộng cũng có lối đi cho người tàn tật và các nhà vệ sinh có khu vực dành riêng. Các công trình đó nằm đơn lẻ, không có sự kết nối thành hệ thống đồng bộ. Người tàn tật muốn sử dụng những tiện ích đó, vẫn phải có người nhà đi kèm, đưa đến những nơi công cộng thì mới sử dụng được. Còn họ không tự mình đi ra ngoài và sinh hoạt cùng với các thành viên xã hội khác.Trong quy chuẩn xây dựng có quy định các công trình phải có những đường đi, phương tiện dành cho người tàn tật. Một số chủ đầu tư có chú ý làm nghiêm chỉnh, còn nhiều nơi vẫn chỉ làm cho có hình thức, mang tính đối phó. Theo tôi ở các khu vực công cộng, việc đầu tư không cần nhiều nhưng cần có sự đồng bộ, nếu không làm rộng ở khu vực lớn thì làm trước ở các khu trung tâm, nhưng phải có sự kết nối với nhau để người tàn tật có thể di chuyển trong vài khu nào đó. Trên một số con đường tại trung tâm thành phố, có lối đi cho người mù nhưng chỉ có vài đoạn, chả nhẽ người tàn tật chỉ đi trên con đường đó, thì liệu có hiệu quả không? Đầu tư ít nhưng tập trung làm từng khu vực nhỏ rồi từ từ lan rộng, có lẽ hiệu quả hơn. Trong các bản thiết kế đều có xét duyệt những quy chuẩn dành cho người tàn tật nhưng vẫn không chặt chẽ. Khi thi công vẫn bị làm khác đi, nên kết quả không như bản thiết kế ban đầu. Muốn vậy phải có sự nghiêm chỉnh trong việc thực hiện các quy chuẩn này. 

Thu Thủy (KT&ĐS) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo