Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Vật liệu / Thiết bị Thị trường Ngành kính nổi kiện bán phá giá: Tự vệ chính đáng

Ngành kính nổi kiện bán phá giá: Tự vệ chính đáng

Viết email In
Mới đây, Bộ Công Thương đã quyết định cho phép tiến hành điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với các sản phẩm kính nổi nhập khẩu từ các nước/vùng lãnh thổ bên ngoài Việt Nam. Quyết định này xuất phát từ việc Cty Kính nổi VIGLACERA (ViFG) và Liên doanh Kính nổi Việt Nam (VFG) đệ đơn yêu cầu điều tra chống phá giá - một biện pháp tự vệ để bảo hộ sản xuất trong nước mà WTO cho phép.

Sự kiện này có một ý nghĩa đặc biệt, bởi đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, kể từ khi nước ta chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại quốc tế WTO, một “vũ khí đấu tranh” đã được vận dụng linh hoạt và sắc sảo, nó cho thấy DN kính nổi rất hiểu luật và “chơi” đúng luật với mục đích tự vệ chính đáng. Nếu mục tiêu thành công thì rất nhiều ngành sản xuất nội địa khác đang bị chèn ép bởi làn sóng hàng nhập khẩu có thể vận dụng kinh nghiệm để tìm đường thoát hiểm trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái.

Hàng nội bị đẩy đến “đường cùng”

Quả thật, liên tục trong thời gian qua, nhiều nhà máy sản xuất kính xây dựng đã phải dừng lò. Các dây chuyền sản xuất kính nổi  hầu hết đều hoạt động cầm chừng. Theo thống kê của Hiệp hội Kính và Thủy tinh Việt Nam (Vieglass), lượng hàng tồn kho của các nhà máy kính tương đương với 42% sản lượng sản xuất của năm 2008. Không chỉ thiệt hại rất nặng nề cho DN toàn ngành mà còn đối diện với nguy cơ bị triệt tiêu.

Các biện pháp bình ổn ngành kính đã được thực hiện tương đối triệt để. Tuy nhiên khó khăn vẫn không chấm dứt, điều đó cho thấy dứt khoát phía sau tình trạng bất ổn của ngành kính có rất nhiều điều bất bình thường, để khống chế được nó nhất định phải có sự can thiệp, điều tiết bằng các biện pháp mạnh hơn. Số liệu khảo sát liên tục trong thời gian qua cho thấy, lượng kính nhập khẩu có dấu hiệu tăng đột biến, cụ thể: Nếu như cả năm 2007 cả nước nhập khẩu 4 triệu m2 thì năm 2008 lên đến 12 triệu m2 kính các loại. Những tháng đầu năm 2009, lượng kính xây dựng nhập khẩu cũng tăng rất mạnh, có thời điểm cách nhau hai tháng mà lượng nhập khẩu gần như tăng gấp đôi! Không chỉ nhập khẩu ồ ạt mà còn có nhiều biện pháp gian lận thương mại đã được thực thi, trong đó tiêu biểu là việc khai không đúng chủng loại để gian lận thuế. Tỷ lệ hàng nhập khẩu tăng đột biến khiến thị phần kính nhập khẩu vốn chỉ chiếm giữ từ hơn 2% (năm 2007) tăng thành 19,26%, giá bán chênh lệch giữa kính nhập khẩu và kính nội địa từ 12 - 14%. Tình trạng này khiến hai “đại gia ngành kính nội” không chịu nổi “nhiệt” vì phải liên tục hạ giá bán tới mức tối đa. Cần nhớ rằng đây là hai DN kính lớn nhất của Việt Nam, từng góp sức trong việc tham gia bình ổn thị trường nội địa nên không thể nói họ dễ dàng bị hạ đo ván trên sân nhà như vậy nếu cuộc cạnh tranh trên thị trường kính thực sự bình đẳng. Việc họ buộc phải kiện để tự vệ là chính đáng và có cơ sở. 

Khả năng thắng là có cơ sở

Theo kiến nghị của 2 DN ở phía nguyên đơn, Bộ Công Thương nên áp dụng mức thuế tuyệt đối 0,6 USD/m2 đối với kính nhập khẩu (không phân biệt xuất xứ) trong thời gian 4 năm ở mức “áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu”. Phía nguyên đơn cũng đề nghị áp dụng ngay biện pháp tạm thời: Đưa ra mức thuế nhập khẩu chung đối với kính nổi là 40% (không phân biệt nước xuất khẩu) trong thời gian 200 ngày. Điều này có nghĩa, ngoài mức thuế suất thông thường đang áp dụng trong khu vực Đông Nam Á là 5%, ngoài khu vực là 40%, kính nổi nhập khẩu phải cộng thêm 40% thuế suất cho mỗi lô hàng khai báo nhập vào Việt Nam.

Ông Luyện Công Minh - Chủ tịch HĐQT TCty VIGLACERA cho hay: Dù thành công, đây vẫn là một công cụ mà “muốn dùng phải trả tiền”. Diễn giải một cách đơn giản, theo quy định của WTO, nếu một nước được phép áp dụng mức thuế suất chống bán phá giá đối với một mặt hàng thì buộc phải giảm thuế suất nhập khẩu đối với một mặt hàng khác. Tuy nhiên, việc lựa chọn đó là mặt hàng nào hoàn toàn thuộc về thẩm quyền của Nhà nước sau khi rà soát, cân nhắc và tính toán kỹ các yếu tố lợi ích. 
Như vậy, nếu thắng kiện, DN kính nổi sẽ có 4 năm “dễ thở”. Kể cả trường hợp xấu nhất là không thành công, ngành kính cũng chắc chắn có 200 ngày (hơn 6 tháng) để chấn chỉnh toàn diện hoạt động. Các đối thủ cạnh tranh đến từ ngoài mảnh đất hình chữ S buộc phải đứng ngoài cuộc chơi trong thời hạn kể trên. Đây là một biện pháp tự vệ được WTO tán thành và được các nước tiên tiến từng áp dụng rất thành công để bảo hộ ngành sản xuất của họ trước làn sóng hàng hóa đến từ các nước thứ ba. Điều này, các DN của ta như dệt may, chế biến hải sản chắc hiểu rõ hơn ai hết! Vậy tại sao ta không vận dụng để tự vệ chính đáng khi thời điểm “rút gươm khỏi vỏ” đã chín muồi? Ông Lê Minh Tuấn - Tổng Thư ký Vieglass cho rằng, tất cả các cơ sở cần thiết để khởi kiện bán phá giá theo quy định của WTO đều đã đủ, như: được sự ủng hộ của các nhà sản xuất chiếm tối thiểu 50% tổng sản lượng của sản phẩm tương tự làm ra; biên độ phá giá từ 2% trở lên và số lượng, trị giá hàng hóa bán phá giá từ một nước vượt quá 3% tổng lượng hàng nhập khẩu. Ngoài ra, còn chứng minh được ngành sản xuất trong nước bị tổn hại chứ không riêng doanh nghiệp nào.

Rõ ràng với DN Việt Nam, kiện bán phá giá là một vấn đề mới nhưng rất cần được khởi xướng, thậm chí cần học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau và kinh nghiệm quốc tế trong vấn đề này. Bởi trong bối cảnh một loạt các ngành sản xuất nội địa khác như sản xuất thép, chăn nuôi kinh doanh gia cầm..v.v., đang chịu nhiều sức ép trước các luồng hàng nhập khẩu, đây sẽ là vụ kiện thu hút được sự quan tâm sâu sắc.

Dương Minh Ngọc
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo