
Thực trạng tài nguyên nước hiện nay
Tài nguyên nước có vai trò hết sức đặc biệt, vừa đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của cuộc sống và còn liên quan tới tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế – xã hội, kể cả tôn giáo, văn hóa… Tuy nhiên, quản lý và phát triển bền vững nguồn tài nguyên này đang đối mặt với hiện trạng bất cập do cả khách quan lẫn chủ quan gây ra.
Việt Nam có gần 3.500 con sông lớn nhỏ với tổng lượng nước mặt hàng năm ước tính khoảng 830 tỷ m³ (theo số liệu của Ngân hàng Thế giới – WB). Tuy nhiên, phần lớn nguồn nước đến từ các quốc gia láng giềng như Trung Quốc, Lào, Campuchia, chiếm khoảng 63% tổng lượng nước (tương đương 520 – 525 tỷ m3), làm tăng tính dễ tổn thương trong kiểm soát tài nguyên nước. Nguồn nước nội sinh của Việt Nam được WB đánh giá là thấp trong khu vực.
Lượng mưa và dòng chảy phân bố không đồng đều theo mùa, với khoảng 70 – 80% tổng lượng mưa tập trung vào mùa mưa (tháng 6 đến tháng 10). Điều này dẫn đến tình trạng lũ lụt trong mùa mưa và khô hạn trong mùa khô. Các lưu vực sông như sông Hồng và sông Cửu Long chiếm phần lớn lượng nước mặt của cả nước. Tuy nhiên, các khu vực như miền Trung và Tây Nguyên lại thiếu hụt nước nghiêm trọng do lượng mưa thấp và địa hình phức tạp. Cùng với nguồn nước mặt, nước ngầm đóng vai trò quan trọng trong cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất. Nhưng tại nhiều khu vực, đặc biệt là các đô thị lớn, đang khai thác nước ngầm quá mức, dẫn đến sụt lún đất và nhiễm mặn.
Để quản lý nguồn tài nguyên nước, Việt Nam có nhiều cơ quan bộ, ban ngành chung tay, trong đó phải kể đến Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT (nay là Bộ Nông nghiệp & Môi trường), Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ Y tế.
Nhiều thách thức
Tài nguyên nước của Việt Nam mặc dù có vẻ dồi dào về tổng lượng, nhưng khi xem xét kỹ lưỡng về phân bố theo thời gian, không gian, cùng với sự phát triển kinh tế và gia tăng dân số, đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn.
Thứ nhất là bất cập trong kiểm soát và quản lý nguồn nước. Tổng lượng nước của Việt Nam tuy lớn nhưng có đến 81% là dùng cho tưới tiêu, 11% cho thủy sản, 5% dùng cho công nghiệp, chỉ có 3% lượng nước dùng cho sinh hoạt. Số liệu trên cho thấy, nếu không tiến hành điều tra khảo sát tốt, không phân định mục đích sử dụng sẽ rất khó quản lý.
Nước ngầm đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nước cho sinh hoạt, nông nghiệp và công nghiệp tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn tài nguyên này đang phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng trước thực trạng khai thác quá mức. Trữ lượng nước ngầm ước đạt khoảng 60 tỷ m3 nhưng việc khai thác nước ngầm gia tăng do nguồn nước mặt không đủ cung cấp, dẫn đến suy giảm mực nước ngầm ở nhiều khu vực. Tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng tại các khu đô thị lớn, nơi nhu cầu nước cho sinh hoạt và sản xuất ngày càng tăng. Bên cạnh đó, việc khai thác nước ngầm quá mức ở các vùng ven biển đã dẫn đến hiện tượng xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến chất lượng nước và khả năng sử dụng cho sinh hoạt và nông nghiệp. Thực trạng cho thấy ở nhiều nơi, mực nước ngầm suy giảm liên tục và chưa có dấu hiệu hồi phục, gây lo ngại về khả năng cạn kiệt nguồn tài nguyên này trong tương lai gần.
Chúng ta may mắn hơn một số quốc gia khác là đang có sẵn nguồn tài nguyên, và không phải trải qua những cuộc chiến tranh để bảo vệ tài nguyên ấy. Nhưng đó là trong quá khứ, còn tương lai nếu biến đổi khí hậu (BĐKH), ô nhiễm tăng cao, những vấn đề như nước nằm ngoài lãnh thổ… không có phương án quản lý tốt từ sớm thì không thể quản lý một cách bền vững được.

Thứ hai là tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngày càng báo động, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với đa dạng sinh học và sức khỏe con người. Theo thống kê từ Bộ Y tế và Bộ TN&MT (cũ), có hơn 9.000 người tử vong mỗi năm do nguồn nước và vệ sinh kém. Có khoảng 20.000 người mắc bệnh ung thư mới phát hiện mà một trong những nguyên nhân chính là do ô nhiễm nguồn nước; 44% trẻ em bị nhiễm giun và 27% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng tại Việt Nam do thiếu nước sạch và vệ sinh kém. Khảo sát 37 xã mang tên “làng ung thư” đã có 1.136 người chết vì các bệnh ung thư; ngoài ra còn có 380 người các xã lân cận cũng chết bởi ung thư.
Nguyên nhân lớn nhất hiện nay là do tình trạng xả thải trái phép vẫn diễn ra tại nhiều địa phương. Các nhà máy, khu công nghiệp xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý không đạt chuẩn trực tiếp ra sông, hồ, kênh rạch. Đặc biệt, các ngành như dệt nhuộm, sản xuất giấy, hóa chất, xi măng có lượng nước thải chứa kim loại nặng, hóa chất độc hại, gây ô nhiễm nặng nề. Một số dòng sông lớn bị ô nhiễm nghiêm trọng như sông Tô Lịch (Hà Nội), sông Sài Gòn, sông Đồng Nai do nước thải công nghiệp. Vẫn còn tình trạng nhiều khu công nghiệp, làng nghề trên cả nước không có hệ thống xử lý nước thải tập trung, hoặc có hệ thống xử lý nhưng không đạt quy chuẩn cho phép.
Cùng với đó là tình trạng ô nhiễm từ rác thải, nước thải sinh hoạt làm suy thoái nghiêm trọng chất lượng nước mặt. Nước thải từ hộ gia đình chứa nhiều chất hữu cơ, vi sinh vật và hóa chất (bột giặt, dầu mỡ, thuốc tẩy rửa…), song hầu hết chưa được xử lý triệt để trước khi thải ra môi trường, đặc biệt ở khu vực nông thôn và các đô thị chưa có hệ thống xử lý nước thải đồng bộ. Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước như ô nhiễm do hoạt động nông nghiệp, xả rác thải bừa bãi ra môi trường.
Thứ ba là, BĐKH đang làm trầm trọng thêm các vấn đề về tài nguyên nước ở Việt Nam, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước mặt, nước ngầm và các hệ sinh thái liên quan. Những năm gần đây, BĐKH làm gia tăng hạn hán và thiếu nước nghiêm trọng, lượng mưa phân bố không đồng đều theo không gian và thời gian, một số vùng có thể xảy ra mưa cực đoan, trong khi các khu vực khác lại bị hạn hán kéo dài. Cùng với đó, các dòng chảy tự nhiên trên nhiều con sông lớn như sông Hồng, sông Mê Kông (Cửu Long) đang suy giảm vào mùa khô, làm gia tăng tình trạng thiếu nước cho nông nghiệp, sinh hoạt và công nghiệp. Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và ĐBSCL là những khu vực bị hạn hán nghiêm trọng nhất, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp. Nhiều dòng sông đang bị khai thác quá mức (water stress) có nguy cơ bị ô nhiễm và làm biến đổi sinh thái môi trường nước.

Đặc biệt, mực nước biển dâng do BĐKH làm gia tăng tình trạng xâm nhập mặn vào sâu trong đất liền, ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Việc khai thác nước ngầm quá mức ở vùng ven biển kết hợp với xâm nhập mặn đã làm giảm chất lượng nước, gây khó khăn cho cấp nước sinh hoạt. Tần suất và cường độ bão lũ những năm gần đây cũng tăng lên do BĐKH, gây sạt lở đất, rửa trôi lớp đất màu và ô nhiễm nguồn nước. Nhiều khu vực bị lũ quét, sạt lở nghiêm trọng làm suy giảm chất lượng và trữ lượng nước sạch…
Thứ tư là, quy hoạch nguồn nước giữa cấp quốc gia và cấp tỉnh chưa đồng bộ, hiệu quả. Chúng ta đang thực thi theo Luật Quy hoạch; khi đã theo Luật Quy hoạch thì quy hoạch cấp dưới sẽ phải tuân thủ quy hoạch cấp trên. Đây là điểm thuận lợi, song cũng có những điểm vướng, ví dụ như đối với các địa phương, quy hoạch ngành nước sẽ phải được tích hợp trong quy hoạch tỉnh, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nếu như quy hoạch của ngành nước chung của quốc gia, của Bộ TN&MT (cũ) và một số tỉnh được duyệt rồi, có thể sẽ vướng. Khi địa phương phải điều chỉnh theo quy hoạch của Bộ, có khi phải xin Thủ tướng phê duyệt lại quy hoạch. Đây là một trong những điều mà Nghị quyết 61/QH15 của Quốc hội cũng đã chỉ ra và Luật Quy hoạch cần phải tìm cách tháo gỡ.
Cần quyết liệt chung tay
Một trong những giải pháp cần quan tâm nhất hiện nay và cần có sự quyết liệt chung tay của cả cộng đồng chính là xử lý tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Đây là thách thức không hề nhỏ, và cần thực hiện hệ thống, căn cơ. Khung pháp lý đã dần được hoàn thiện bằng việc bổ sung sửa đổi Luật Tài nguyên nước trong đó nhấn mạnh việc kiểm soát chặt chẽ việc xả thải ra môi trường. Siết chặt quy định xử phạt hành vi gây ô nhiễm nước, đặc biệt là các doanh nghiệp xả thải trái phép, thành lập hệ thống giám sát nước thải tự động tại các khu công nghiệp, đô thị để phát hiện và xử lý vi phạm kịp thời. Cùng với đó là tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương trong kiểm soát nguồn nước, không để ô nhiễm lan rộng.
Các địa phương cần quyết liệt trong kiểm soát chặt chẽ nước thải từ các ngành công nghiệp và đô thị như yêu cầu tất cả khu công nghiệp, nhà máy phải có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn trước khi xả ra môi trường, xây dựng các nhà máy xử lý nước thải đô thị để hạn chế ô nhiễm từ sinh hoạt và sản xuất, nghiêm cấm việc xả trực tiếp nước thải chưa qua xử lý ra sông, hồ, kênh rạch, đặc biệt tại các khu vực có mật độ dân cư cao, ứng dụng công nghệ sinh học và lọc sinh học để xử lý nước thải thay thế các phương pháp hóa học gây hại.
Với lộ trình dài hơn, cần tính toán phương án thu gom nước thải, phục hồi và bảo vệ nguồn nước tự nhiên, trong đó có việc cải tạo các dòng sông bị ô nhiễm như sông Tô Lịch, sông Sài Gòn bằng công nghệ sinh học và vi sinh vật phân hủy ô nhiễm, trồng rừng đầu nguồn, bảo vệ hệ sinh thái ven sông, xây dựng hệ thống hồ sinh thái, đầm lầy nhân tạo để giúp lọc sạch nguồn nước trước khi chảy vào sông hồ. Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ xử lý nước mặn thành nước ngọt để đối phó với tình trạng xâm nhập mặn tại ĐBSCL. Và căn cơ nhất vẫn là nâng cao ý thức của doanh nghiệp, cộng đồng về bảo vệ nguồn nước, hạn chế tình trạng ô nhiễm. Các doanh nghiệp cần được khuyến khích và tạo cơ chế để thực hiện trách nhiệm xã hội, đầu tư vào công nghệ xử lý nước và giảm thiểu chất thải.
Bài toán thứ hai trong quản lý và phát triển nguồn tài nguyên nước bền vững là đảm bảo an ninh nguồn nước và cung cấp nước sạch cho người dân. Trong quá trình thảo luận sửa đổi bổ sung Luật Tài nguyên nước tại nghị trường Quốc hội cũng như tại nhiều diễn đàn khác, nhiều đại biểu đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, vấn đề thiếu nước sạch cho người dân luôn luôn cấp bách. Nếu chúng ta không hành động ngay thì 20 – 30 năm nữa, con cháu chúng ta sẽ không có đủ nước sạch để dùng, bất kể mùa mưa hay mùa khô vì nguồn nước bị ô nhiễm.
Để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, chúng ta không nên chạy theo chỉ tiêu báo cáo mà phải nâng cao chất lượng nước sạch phục vụ người dân. Cần phải áp dụng duy nhất một tiêu chuẩn nước sạch cho toàn quốc, không phân biệt đô thị hay nông thôn. Điều này cần sự đầu tư lớn cả về chính sách, nguồn lực và lộ trình thực hiện. Công nghệ cũng là yếu tố quan trọng. Nếu thế giới đã quen thuộc với công nghệ lọc nano và bước đầu chuyển sang công nghệ mới, thì Việt Nam vẫn còn áp dụng công nghệ xử lý truyền thống. So với lọc cát, công nghệ nano lọc sạch hơn nhưng vẫn giữ lại các chất hữu cơ và chất khoáng có lợi cho sức khỏe. Chính vì vậy, cần cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng nước và chất lượng dịch vụ; đồng thời thống nhất tiêu chuẩn chất lượng nước giữa đô thị và nông thôn. Việt Nam cần đầu tư mạnh mẽ hơn nữa thì người dân nông thôn mới có đủ nước sạch để dùng, chứ không chỉ đưa ra giải pháp “nước hợp vệ sinh”. Luật Cấp, Thoát nước tới đây cần quy định chặt chẽ vấn đề này.

Liên quan đến đảm bảo an ninh nguồn nước ngầm, trước hết cần quản lý và kiểm soát chặt chẽ việc khai thác nước ngầm như giới hạn khai thác nước ngầm, cấm khai thác nước ngầm ở các khu vực có nguy cơ sụt lún cao, siết chặt cấp phép khai thác nước ngầm, đặc biệt là với doanh nghiệp, khu công nghiệp. Song song là phát triển công nghệ lọc nước ngầm tiên tiến để loại bỏ asen, kim loại nặng và vi khuẩn, giúp tăng cường chất lượng nước, hạn chế bê tông hóa đô thị để tăng khả năng thấm nước mưa xuống lòng đất, bổ sung nguồn nước ngầm, xây dựng các công trình bổ sung nhân tạo như hồ chứa, giếng thẩm thấu để phục hồi mực nước ngầm. Lâu dài hơn, cần tăng cường trồng rừng, bảo vệ vùng đầu nguồn để duy trì sự cân bằng nước dưới đất.
Để thích ứng và bảo vệ tài nguyên nước trước BĐKH, trước hết cần quản lý tài nguyên nước bền vững, trong đó có việc xây dựng các chính sách sử dụng nước hiệu quả, giảm khai thác nước ngầm, bảo vệ nguồn nước mặt. Song song là xây dựng hệ thống thủy lợi chống hạn, chống xâm nhập mặn, nhất là tại ĐBSCL, quan tâm đến phát triển công nghệ lọc và tái sử dụng nước, đặc biệt trong nông nghiệp và công nghiệp. Đặc biệt, Việt Nam cần tăng cường hợp tác quốc tế về quản lý nguồn nước, nhất là với các nước sử dụng chung nguồn nước từ sông Mê Kông và sông Hồng.
Cuối cùng, cần hoàn thiện khung pháp lý, chính sách trong quản lý và phát triển bền vững tài nguyên nước. Bên cạnh hoàn thiện thể chế trong xử phạt nghiêm đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường, việc quy hoạch và quản lý tài nguyên nước cũng cần được tính toán trên cơ sở có quy hoạch tổng thể. Vai trò về lập quy hoạch quốc gia của Bộ TN&MT (nay là Bộ Nông nghiệp & Môi trường) rất quan trọng. Bởi vì đấy là cái nhìn tổng thể, và dưới góc nhìn của Bộ Nông nghiệp & Môi trường, căn cứ vào quy hoạch tổng thể quốc gia, rồi căn cứ vào các chiến lược phát triển kinh tế quốc gia, thì mới đưa ra được các mục tiêu phân bổ cho mục tiêu, mục đích sử dụng ngành nước trong từng lĩnh vực, đảm bảo sử dụng công bằng. Nếu việc quy hoạch thống nhất được các tỉnh, chắc chắn hiệu quả sử dụng sẽ tăng lên và tránh được chuyện xung đột nhiều bộ, ngành quản lý trên một dòng sông; nhiều tỉnh sử dụng nguồn nước, tỉnh ở thượng nguồn dùng và tỉnh ở hạ nguồn có thể gánh hậu quả.
Các vấn đề chính sách cũng cần quan tâm đến việc tính toán giá nước đảm bảo nước sạch cho người dân. Hiện nay, chưa có quy định cụ thể tính giá trị của tài nguyên nước nên các đơn vị, doanh nghiệp chưa tính toán đủ giá thành sản phẩm, chưa xác định chính xác hiệu quả sử dụng nước dẫn đến việc tính thiếu, tính không đủ. Về việc tính giá nước dùng cho sinh hoạt còn rất thấp nên ngành nước khó phát triển. Còn nếu đưa ra bảng giá cao quá nhưng không có chính sách trợ giá cho người nghèo thì họ sẽ khó khăn trong việc tiếp cận nguồn nước sạch sinh hoạt. Vì vậy, chúng ta cần phải tính toán chính sách hỗ trợ đối tượng này. Theo tôi, thay vì trợ giá nước một cách đồng đều, chúng ta nên tính giá nước theo cơ chế thị trường nhưng có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo để đảm bảo đủ nước sinh hoạt.
Nhìn chung, việc quản lý và phát triển bền vững nguồn nước tại Việt Nam đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Những thách thức như ô nhiễm, khai thác quá mức, tác động của BĐKH cần được giải quyết bằng các giải pháp tổng thể, từ hoàn thiện khung pháp lý, kiểm soát ô nhiễm, sử dụng nước hiệu quả. Nếu triển khai đồng bộ các giải pháp, Việt Nam có thể đảm bảo nguồn nước bền vững cho phát triển kinh tế – xã hội trong tương lai.
Nguyễn Quang Huân – Ủy viên Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam