Ashui.com

Wednesday
Nov 06th
Home Chuyên mục Kiến trúc Kiến trúc nhà thờ Thiên chúa giáo thời Pháp thuộc trong không gian đô thị Hà Nội

Kiến trúc nhà thờ Thiên chúa giáo thời Pháp thuộc trong không gian đô thị Hà Nội

Khi vào Việt Nam truyền giáo, các đoàn giáo sĩ rất chú trọng tới việc xây dựng nhà thờ. Họ ý thức rằng nhà thờ không chỉ là nơi diễn ra các nghi lễ tôn giáo mà còn là nơi sinh hoạt của cộng đồng Thiên chúa giáo địa phương. Thăng Long – Hà Nội là một trong những địa chỉ hàng đầu trong việc truyền đạo Thiên Chúa ở Việt Nam nên ngay từ thời sơ kỳ truyền giáo, nhà thờ đã được xây dựng.

Tuy nhiên với chính sách cấm đạo dưới thời Lê – Trịnh, các nhà thờ đều bị phá, đất đai bị tịch thu. Chỉ đến khi người Pháp bình định được Bắc Kỳ, khoảng những năm 1886-1887, giám mục Puginier đưa Tòa giám mục Tây Đàng ngoài về Hà Nội, quá trình xây dựng nhà thờ thiên chúa giáo mới phát triển mạnh.

Tới năm 1938, giáo phận Hà Nội có tới 145 nhà thờ lớn nhỏ, trong đó có một số nhà thờ có kiến trúc đẹp, được xây dựng ở những vị trí có thể coi là đắc địa của Thủ đô.

Một số nhà thờ tiêu biểu

Nhà thờ Lớn có tên chính thức là nhà thờ Saint Joseph do giám mục Puginier thiết kế, xây dựng trong những năm 1884-1886 trên khu đất thuộc các thôn Báo Thiên và Chân Cầm, phía Tây hồ Hoàn Kiếm. Khi mới xây dựng đây còn là khu vực hoang vắng, ít nhà cửa. Phải đến thập niên 1890, Rue de la Cathédrale ( phố Nhà Thờ ) mới được xây dựng hướng từ nhà thờ ra hồ Hoàn Kiếm, khi đó vị trí nhà thờ Lớn mới trở nên đắc địa và đóng vai trò quan trọng trong không gian đô thị trung tâm Hà Nội.

Nhà thờ Lớn Hà Nội có mặt bằng theo kiểu Basilica truyền thống – mặt bằng hình chữ nhật có phần cuối hình bán nguyệt. Mặt bằng công trình chia làm ba phần : Sảnh đón tiếp phía trên có Gác đàn ( nơi dành cho ca đoàn và nhạc công ), không gian dành cho giáo dân hành lễ và Cung thánh là nơi cử hành các thánh lễ.

Hình thức mặt đứng cho thấy đặc trưng phong cách kiến trúc Gothique của công trình. Mặt chính chia thành ba phần với hai tháp chuông vút cao ở hai bên, phần giữa thấp hơn được kết thúc bởi một đỉnh tường tam giác với cây Thánh giá như một điểm nhấn. Các mặt đứng nhà thờ sử dụng nhiều đường nét kiến trúc Gothique, cửa số hoa hồng trên mặt chính, các cửa đi và cửa sổ đều có dạng cuốn nhọn và được cấu trúc với số lượng lớn. Tuy nhiên nếu so với những nhà thờ Gothique ở Pháp thì các họa tiết trang trí mặt đứng ở nhà thờ lớn Hà Nội là tương đối đơn giản.

Mặc dù mặt chính chia thành ba phần nhưng nột thất nhà thờ lại được chia thành năm nhịp, nhịp giữa có kích thước lớn hơn hai lần các nhịp biên. Nội thất được trang trí dựa trên cơ sở các cuốn nhọn kiểu Gothique. Khu vực cung thánh được trang trí theo nghệ thuật dân gian truyền thống Việt Nam với những chi tiết được chạm trổ hoa văn bằng gỗ sơn son thiếp vàng rất tinh xảo. Hệ thống cửa sổ cuốn nhọn được lấp đầy bởi các bức tranh Thánh bằng kính màu làm cho không gian nột thất thêm huyền ảo. Như vậy nột thất nhà thờ được tạo nên bởi sự kết hợp hài hòa nghệ thuật trang trí Phương Đông và Phương Tây tạo ra mối giao hòa thú vị giữa hai nền văn hóa chính quốc và bản địa. 

Phía trước nhà thờ còn có một quảng trường với tượng Đức Mẹ ở trung tâm. Quảng trường tuy không lớn nhưng cũng đủ để làm tăng giá trị cảnh quan của công trình.

Với những giá trị vê mặt lịch sử và kiến trúc, lại được xây dưng ở một vị trí đắc địa gần bờ hồ Hoàn Kiếm, nhà thờ Lớn xứng đáng được coi là một di sản văn hóa của Hà Nội, góp phần làm cho bộ mặt kiến trúc khu vực trung tâm Thủ đô thêm sinh động.

Nhà thờ Cửa Bắc có tên chính thức là Giáo đường Nữ vương các thánh tử đạo do kiến trúc sư Enest Hébrard thiết kế. Được xây dựng khoảng những năm 1925 – 1930 trên một khoảng đất chạy dài theo Boulevard Carnot (phố Phan Đình Phùng) nơi giao nhau với Rue Frères Shneider (phố Nguyễn Biểu) (*). 

Mặt bằng không gian nhà thờ được cấu trúc theo nguyên tắc nhà thờ thời kỳ Phục Hưng kiểu chữ thập La Tinh. Mở đầu là một không gian đón tiếp nhỏ, tiếp theo là không gian dành cho các con chiên nghe giảng và kết thúc bởi không gian long trọng  dành cho cha xứ hành lễ. Giữa hai khu vực này là không gian chuyển tiếp lớn dưới một mái vòm hình bán cầu, cánh bên phải là nơi thờ các thánh, cánh trái là nơi tiếp khách của cha xứ. Gác chuông theo hình thức nhấn lệch được bố trí ở phía bên phải lối vào chính. Không gian nội thất được cấu trúc và trang trí hoàn toàn theo kiểu nhà thờ Châu Âu thời Phục Hưng tiền kỳ.

Hình khối công trình rất đặc trưng bởi việc kiến trúc sư – tác giả đã tạo ra ở đây một không gian kiến trúc phi đối xứng với một tháp chuông vút cao phía bên sảnh chính, điều này làm cho nhà thờ Cửa Bắc có được nét độc đáo so với đa phần các công trình Thiên Chúa giáo có hình thức đăng đối nghiêm cẩn được xây dựng ở Việt Nam thời Pháp thuộc.

Hệ thống mái ngói kiểu Phương Đông được tác giả tổ chức kéo suốt từ gác chuông qua mái vòm tới các không gian chính và phụ cũng là nét đặc sắc của công trình. Các mái chính đều được tổ chức thành hai lớp theo kiểu chồng diêm, giữa chúng là hệ thống cửa sổ lấy sáng lắp kính hoặc cửa thông gió được trang trí bằng các hoạ tiết không quá cầu ký. Ngoài ra còn rất nhiều lớp mái phụ che nắng và chống mưa hắt cho các lối vào, các cửa thông gió lấy sáng, thậm chí còn có những lớp mái nhỏ chỉ mang tính chất trang trí đơn thuần.

Hệ thống cửa lấy sáng và trang trí được tác giả đặc biệt lưu tâm. Đầu tiên phải kể đến hệ ba cửa hoa hồng - một yếu tố trang trí, lấy sáng của kiến trúc Gothique, được đặt vào các mặt đứng phía Tây, Nam và Bắc. Các cửa này đều có diện tích rất lớn và được lắp kính cản quang kết hợp kính màu, tuy nhiên do được trang trí bằng các vòm cuốn và các cột đỡ, lại nằm dưới một hệ trang trí hình tam giác kết thúc các hồi mái nên cảm giác về kiến trúc Gothique ở đây là không còn. Tiếp đến là hệ các cửa lấy sáng cho tháp chuông, mái vòm và các không gian hành lễ. Đây đều là các cửa dạng cuốn vòm hoặc hình tròn có diện tích không lớn nhưng được mở liên tục, xung quanh cửa được trang trí bằng các cột đỡ mái đua khá đẹp và cầu kỳ. Nhờ hệ thống cửa lấy sáng này mà không gian nội thất nhà thờ luôn ngập tràn ánh sáng tự nhiên.

Sự kết hợp các yếu tố kiến trúc Phương Đông với những nguyên tắc tổ chức không gian nhà thờ công giáo truyền thống, sự hài hoà của công trình với cảnh quan thiên nhiên bản địa đã tạo ra được ấn tượng về một công trình Thiên Chúa giáo Việt Nam. Mặc dù ở một vị trí ít được chú ý, nhà thờ Cửa Bắc vẫn có thể được coi là một trong những công trình kiến trúc đẹp nhất thời kỳ Pháp thuộc ở Hà Nội.

Nhà thờ Hàm Long do một kiến trúc sư người Việt từng du học ở Pháp thường gọi là Docteur Thân thiết kế theo yêu cầu của linh mục Dopolit. Công việc xây dựng hoàn thành năm 1934 trên một khu vực tương đối rộng, nơi giao nhau giữa Boulevard Doudart de Lagré ( phố Hàm Long ) và Rue Jacquin ( phố Ngô Thì Nhậm ). Trên khu đất ngoài nhà thờ có mặt chính quay ra phố Doudart de Lagré, còn có nhà nguyện, nhà ở cha xứ, nhà sách.

Nhà thờ có cấu trúc mặt bằng kiểu basilica được chia thành ba phần chính: tiền sảnh, khu vực dành cho giáo dân và Cung thánh. Gian thờ bao gồm khu vực chính giữa thờ thánh Antoine, bên trái thờ chúa Jesus, bên phải thờ Đức Mẹ.

Kiến trúc nhà thờ nổi bật bởi tháp chuông nằm ở trung tâm mặt đứng. Tháp chuông được trang trí bởi những đường bao hình cuốn nhọn kiểu Gothique, bên trong là các của đi và cửa số có cùng hình thức tạo ra một ngọn tháp khá giản dị mà hài hòa. Các cửa sổ trên mặt chính và các mặt bên đều theo hình thức cuốn nhọn và được tổ hợp theo kiểu ghép từng cụm ba cửa trên nền tường được làm nhám bằng vữa. Nét đặt biệt ở đây là hệ thống cửa lấy sáng có hình quả trám đặt bên cạnh các motif trang trí hình tròn mang nhiều tính bản địa. Sau này xung quanh nhà thờ còn được trang trí bởi nhiều tượng Thánh có nét điêu khắc rất sinh động.

Mặt dù có quy mô không lớn, trang trí giản đị, nhưng nhà thờ Hàm Long lại có nét độc đáo rất riêng so với đa phần các nhà thờ Thiên chúa giáo khác ở Hà Nội thời Pháp thuộc.

Nhà thờ Làng Tám hay nhà thờ Thịnh Liệt do kiến trúc sư Thân thiết kế. Công trình được xây dựng vào năm 1911 trên một khu đất rộng rãi, thoáng đãng thuộc địa phận làng Thịnh Liệt, phía trước nhà thờ có một hồ nước lớn.

Mặt bằng nhà thờ được cấu trúc theo kiểu Basilica được chia thành 3 phần: tiền sảnh rộng rãi, tiếp đó là khu vực dành cho giáo dân và kết thúc bởi Cung thánh.

Mặt chính nhà thờ có bố cục đối xứng, phần giữa nổi bật với một lối vào hình cuốn vòm đột khởi lên tương đương hai tầng, lộ rõ phần bên trong được trang trí khá cầu kì với những cột mô phỏng thức Corinth đỡ một Fronton theo kiến trúc Phục Hưng, phía trên là những cửa sổ hoa hồng mô phỏng Gothique. Hai tháp chuông nhô cao với phần dưới có tiết diện hình vuông, phía trên là hình bát giác được trang trí cầu kì bởi các cửa cuốn vòm được đỡ bởi các cột Corinth cùng các cửa sổ hoa hồng nhỏ. Mặt đứng còn được trang trí bởi dãy tượng chúa Jesus và các thánh tông đồ đặt trong các cuốn vòm.

Các mặt bên và mặt sau được đặc trưng bởi hệ mái ngói hai lớp, giữa hai lớp mái là các cửa sổ cuốn vòm ghép đôi lồng trong một cuốn vòm trang trí được đỡ bởi các cột nhằm lấy ánh sáng cho lòng nhà thờ. Các cửa sổ lớp dưới cũng theo hình thức cuốn vòm, diềm hai lớp mái đều được trang trí rất cầu kỳ. Kết thúc mặt bên là một Fronton lớn, nhưng trang trí phía trong và phía trên của Fronton này lại là các hoa văn mang tính bản địa.

Kiến trúc nhà thờ Làng Tám mang tính triết chung, đặc trưng bởi sự hòa trộn các phong cách kiến trúc nhà thờ Phương Tây, kết hợp với một số hoạt tiết mang tính dân tộc. Tuy nhiên nhờ sự khéo léo của kiến trúc sư – tác giả, các sắc thấy kiến trúc ở đây vẫn được dung hòa và tọa ra được một tổng thể nhẹ nhàng, thanh lịch. Đây cũng là nhà thờ giàu tính trang trí bậc nhất ở Hà Nội.

Tiểu giáo đường Sainte Marie được xây dựng từ cuối thế kỉ 19 trong quần thể trường Dòng của các nữ tu sĩ dòng Saint Paul, không rõ tác giả thiết kế. Giáo đường chính là nơi các nữ tu tới cầu nguyện hàng ngày và chỉ phục vụ một nhóm đối tượng giáo dân. 

Mặt chính của giáo đường quay ra phố Hai Bà Trưng ngày nay cho thấy kiến trúc công trình theo phong cách Tiền thực dân với một hành lang rất rộng với các cửa sổ cuốn gạch hình cung có khoá vòm. Điểm nhấn của công trình là một tháp chuông nhỏ hình trụ, phía trong có tám cột nhỏ, phía ngoài là bốn cột lớn được trang trí rất tinh tế đỡ mái gác chuông dạng vòm bán cầu, phía trên có thánh giá được trang trí bởi các họa tiết bằng sắt uốn.

Nội thất giáo đường bao gồm ba nhịp, nhịp giữa lớn hơn hai lần nhịp biên. Các nhịp được phân cách bởi hàng cột ghép bởi bốn nửa trụ, đầu cột trang trí bằng các họa tiết hình hoa lá. Các không gian chính trong nội thất gồm khu vực dành cho các nữ tu cầu nguyện và Thánh đường là nơi diễn ra các hoạt động chính của Thánh lễ, khu vực tôn nghiêm nhất trong giáo đường.

Che phủ phần nội thất công trình là các vòm cuốn nhọn kiểu Gothique tạo ra một không gian rộng rãi, khoáng đạt và một khung cảnh nhẹ nhàng, tràn ngập ánh sáng. Bên trong giáo đường vẫn còn giữ được bục giảng là nơi cha xứ giảng lễ, cho đến nay ở Hà Nội chỉ còn nhà thờ Cửa Bắc là nơi thứ hai duy trì được bộ phận này.

Tiểu giáo đường Sainte Marie tuy chỉ là một nhà thờ nhỏ nhưng có những nét kiến trúc đặc sắc và là một chứng tích hiếm thấy của kiến trúc Thiên chúa giáo có niên đại từ thời Tiền thực dân.

Thống kê – Phân loại


Các giá trị kiến trúc – cảnh quan của nhà thờ Thiên chúa giáo

Nhà thờ Thiên chúa giáo thời Pháp thuộc ở Hà Nội được dựng nên bởi tài năng, trí tuệ và công sức của nhân dân, được chăm chút bởi bàn tay những người thợ tài hoa và sử dụng những vật liệu địa phương quý hiếm. Đa phần các nhà thờ đều đạt được tỉ lệ hài hòa cũng như tương quan thích hợp giữa các thành phần kiến trúc, có giá trị thẩm mỹ cao. Một số nhà thờ còn khai thác những đường nét kiến trúc dân tộc, kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố và thành phần kiến trúc Á-Âu tạo ra ấn tượng đẹp về nhà thờ thiên chúa giáo mang tính độc đáo Việt Nam.

Một số nhà thờ được xây dựng ở những vị trí đẹp trong thành phố hoặc khu dân cư, tạo điểm nhấn cho không gian đô thị. Nhiều nhà thờ còn có diện tích khuôn viên rộng rãi, ngoài công trình chính còn có sân vườn và các hạng mục nhỏ khác, tạo ra những không gian xanh, phá vỡ sự đơn điệu của phố xá.

Như vậy có thể nói nhà thờ Thiên chúa giáo thời Pháp thuộc đã góp phần tích cực tạo ra sự đa dạng, phong phú cho bộ mặt kiến trúc đô thị Hà Nội, cùng với những thể loại kiến trúc khác tạo ra ấn tượng về sự gắn bó giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.

  • (*) Có tư liệu cho rằng nhà thờ Cửa Bắc do linh mục, kiến trúc sư Dopolit thiết kế và được xây dựng năm 1931 – 1932, nhưng một số tư liệu khác lại cho rằng linh mục Dopolit chỉ là người khởi xướng việc xây dựng nhà thờ này.
ThS. KTS Trần Quốc Bảo
Giảng viên chính khoa Kiến trúc và Quy hoạch - Đại học Xây dựng
Nhóm nghiên cứu kiến trúc Hà Nội (GRAH)



>> Những phong cách chủ đạo trong kiến trúc Hà Nội thời kỳ Pháp thuộc
 

Lời bình  

 
0 # nguyễn đức anh 14/11/2012 14:32
ở đây không thấy thầy viết về những nhà thờ kiến trúc Romance mà chỉ thấy những nhà thờ mang đặc trưng của kiến trúc Gothic
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm