Bài viết tựa đề "Sốt đất có thể để lại hậu quả to lớn" đã nêu nguy cơ phân cực giàu nghèo giữa nhóm ít người có khả năng sở hữu đất đai với phần lớn còn lại không có đất, cũng như khi chi phí đất tăng cao sẽ kéo theo hàng loạt hậu quả như nền kinh tế giảm sức cạnh tranh, ngân hàng tăng nợ xấu, người dân giảm tiêu dùng...
Ở góc nhìn riêng, tôi xin góp thêm một số hệ lụy lâu dài khác nữa của căn bệnh trầm kha - đầu cơ đất đai, gây sốt giá đất.
(Ảnh minh họa: Quang Đức)
Thứ nhất, khả năng vi phạm quy hoạch hoặc phá vỡ quy hoạch đất đai trở thành nguy cơ rất lớn, mang tính hệ thống, dây chuyền. Do sốt giá, chạy theo lợi nhuận cao, người người nhà nhà bằng mọi giá, tìm mọi cơ hội khai thác, trục lợi. Không loại trừ việc nhóm lợi ích (cơ quan công quyền/đại gia/nhà môi giới) lũng đoạn, câu kết hình thành nhiều tham mưu, đề xuất, quyết định triển khai nhiều dự án kinh doanh bất động sản với tầm nhìn và lợi ích cục bộ, bất chấp tiêu chuẩn quy hoạch dài hạn. Do hiện tượng sốt giá phần lớn tập trung vào các dự án phân lô bán nền nên dễ kéo theo xu hướng quy hoạch manh mún, xé lẻ, để lại hậu quả lớn cho quá trình chỉnh trang phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, có bản sắc.
Thứ hai, phần lớn nguồn lực đất đai, tài chính sẽ dồn vào tay một bộ phận nhỏ những người, những ngành có thế lực, kim tiền, bất động sản... Nhà nước trên thực tế không thu lợi được bao nhiêu ngoài số thuế, phí giao dịch ban đầu. Trong khi đại đa số người lao động nghèo, thu nhập thấp không còn cơ hội sở hữu một chốn an cư. Cần lưu ý rằng môi trường sinh sống và nhà ở sẽ là nhu cầu bức xúc nhất của người dân trong vòng 5-10 năm tới. Nếu không giải quyết được nút thắt này thì nguy cơ bất bình đẳng xã hội sẽ vô cùng nghiêm trọng.
Thứ ba, một kết cấu kinh tế - xã hội hợp lý phải dựa trên cơ sở phát triển đa dạng các hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ có lợi thế. Riêng kinh doanh bất động sản (ở nước ta đó là nguồn lực mang tính khan hiếm) là một lĩnh vực đặc thù, chỉ đạt đến hiệu quả cao nhất một khi nó có khả năng tạo lập nền tảng cho các lĩnh vực có liên quan cùng phát triển. Nếu kinh doanh bất động sản bị định hướng sai lệch, quá nặng về đầu cơ, sẽ dẫn đến sự đảo lộn mang tính cơ cấu; tâm lý cơ hội, ăn xổi ở thì nảy nở, kìm hãm phát triển các ngành nghề khác, không góp phần tạo công ăn việc làm, là một tác nhân chủ yếu gây mất ổn định vĩ mô.
Chính sách quản lý bất động sản phải đi trước một bước, khả năng bình ổn thị trường sẽ theo sau. Theo tôi, những việc cần làm ngay bao gồm: (i) Kỷ luật quy hoạch: quy hoạch đất đai phải công khai minh bạch, chặt chẽ, đồng bộ; (ii) Áp thuế cao lên những bất động sản ngoài nhu cầu cần thiết, ngoài hạn mức, chậm đưa vào sử dụng; (iii) Khuyến khích các nhà phát triển dự án bất động sản (khu dân cư, khu công nghiệp, khu du lịch dịch vụ...) chuyên nghiệp, có năng lực và uy tín cao; (iv) Kiểm soát thu nhập và tài sản, mọi giao dịch thanh toán bất động sản phải khai báo, thông qua ngân hàng; (v) Mở rộng tín dụng hỗ trợ an cư (cả hai chiều người đầu tư dự án và người mua nhà ở) với lãi suất hợp lý, ổn định, thời gian trả nợ ít nhất từ 15-20 năm trở lên.
Tâm Dân
(TBKTSG)
- Ứng phó với sốt đất: Nhà nước chưa có giải pháp dài hạn
- Cơ hội mua nhà giá thấp xa dần
- Ngăn chặn bong bóng bất động sản: nhiều biện pháp đồng hành
- Nhà ở giá rẻ, vấn đề bức bối trên toàn cầu
- Bất động sản công nghiệp: Phân khúc có sức hút bậc nhất năm 2019
- 5 tác động tiêu cực khi TP HCM bị tê liệt cả trăm dự án
- Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam 2019
- Bất động sản Lagi sôi động trước giờ lên thành phố
- Sốt đất có thể để lại hậu quả to lớn
- Đã đến lúc “rà phanh” giá nhà, đất