Ashui.com

Thursday
Apr 18th
Home Chuyên mục Bất động sản Luồng sinh khí mới trên thị trường bất động sản Đà Nẵng

Luồng sinh khí mới trên thị trường bất động sản Đà Nẵng

Viết email In

Một năm trở lại đây, thị trường bất động sản Đà Nẵng đã thay đổi đáng kinh ngạc. Những ngôi biệt thự, căn hộ hạng sang và những sân golf đẳng cấp quốc tế đã nhanh chóng mọc lên trên những triền cát hoang vu. Sau những bước khởi đầu chậm chạp, các dự án bất động sản ở Đà Nẵng đang được tiếp thêm sinh khí để bước tiếp. Nhưng, con đường phía trước vẫn đầy rẫy ổ gà.

Diện mạo của thị trường bất động sản Đà Nẵng đã có những thay đổi đáng kể trong mắt Michael Piro, Giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị khu vực miền Bắc và miền Trung của Công ty Bất động sản Indochina Land.

Bốn năm trước, khi lần đầu đặt chân đến thành phố biển miền Trung để tiếp thị dự án Indochina Riverside Towers, Michael Piro đã nghe các nhà đầu tư ví von Đà Nẵng như một Phuket (Thái Lan) hay Bali (Indonesia) tương lai. Lúc đó, các nhà đầu tư đã đổ xô đến Đà Nẵng với những dự án khách sạn, khu nghỉ dưỡng và các tổ hợp bất động sản đồ sộ dọc theo bãi biển cũng như ở trung tâm thành phố. Chỉ có điều, những gì mà Piro chứng kiến 3 năm sau đó khác xa với các bản vẽ hoành tráng của nhà đầu tư: Hầu hết các dự án vẫn chỉ là những bãi đất trống, hoặc xây dựng dở dang. Cơn bão tài chính toàn cầu quét qua càng làm cho nhà đầu tư lao đao, khiến không ít người phải bỏ dở những dự án đầy tham vọng.


Hyatt Regency Danang Residences (ảnh : Ashui.com)

Nhưng, chỉ trong vòng 1 năm trở lại đây, nhà kinh doanh bất động sản người Canada này đã chứng kiến những thay đổi đáng kinh ngạc của thị trường bất động sản Đà Nẵng. Những ngôi biệt thự, khu căn hộ hạng sang, những khu nghỉ có giá phòng hàng trăm USD/đêm và những sân golf đẳng cấp quốc tế đã nhanh chóng mọc lên trên những triền cát hoang vu. Tốc độ xây dựng nhanh chóng của những dự án dọc theo bãi biển Đà Nẵng lại nhen nhóm trong Piro niềm tin rằng, một Phuket, Bali mới sẽ hiện hữu ở miền Trung trong tương lai không xa.

Quan sát từ nóc tòa nhà 11 tầng thuộc dự án khu nghỉ dưỡng Hyatt Regency Danang Resort & Spa do Piro tiếp thị, có thể thấy bãi biển Đà Nẵng như một đại công trường đang hối hả thi công. Ba khối nhà căn hộ cao tầng của dự án Hyatt Regency đã xây dựng xong phần khung. Các công nhân đang khẩn trương thi công khu biệt thự căn hộ có giá triệu đô và phần móng của khu khách sạn. Xa hơn, về phía Nam bãi biển Non Nước, công trường của dự án Raffles Resort & Residences cũng tấp nập không kém khi những căn biệt thự ven biển đầu tiên đang dần hiện hữu. Với tốc độ này, cả hai dự án dường như sẽ khai trương theo đúng kế hoạch vào giữa năm tới.

Thế hệ nhà đầu tư mới

Tuy nhiên, để đi đến được giai đoạn này, những dự án như Raffles đã trải qua con đường đầy chông gai do chủ đầu tư ban đầu không đủ năng lực tài chính để triển khai. Bảy năm trước, khu đất rộng 12 ha cạnh núi Ngũ Hành Sơn được cấp phép cho Tập đoàn Magnum Investment (Mỹ) nhằm xây dựng một khu nghỉ dưỡng 450 phòng có tên gọi Vegas Beach Club Resort. Mặc dù chủ đầu tư dự kiến sẽ khai trương khu nghỉ 3 năm sau khi cấp phép, nhưng những gì họ xây dựng được chỉ là 2 khung nhà biệt thự. Thiếu vốn, chủ đầu tư buộc phải bán lại dự án cho Tập đoàn Kingdom Hotels Investment của một ông hoàng Ả Rập Saudi. Những tưởng, số phận dự án sẽ hết lận đận khi tập đoàn này tuyên bố đầu tư thêm 110 triệu USD và tiến hành lễ khởi công rầm rộ vào đầu năm 2008. Nhưng những gì mà Kingdom Hotels Investment làm được chỉ là xây bức tường rào bao quanh dự án rồi... án binh bất động. Dự án chỉ chính thức được tiếp sức khi Vingroup mua lại và tiến hành khởi công vào cuối năm 2009.

  • Ảnh bên : Mô hình khu biệt thự và khách sạn Raffles (Ảnh: Vingroup)

Vingroup là một trường hợp tiêu biểu cho thế hệ các nhà đầu tư bất động sản mới ở Đà Nẵng, đủ tiềm lực tài chính để thực hiện những dự án lớn. Giống như Vingroup, một tập đoàn được thành lập bởi các doanh nhân Việt Nam đã kinh doanh thành công ở Nga và Uckaine, Tập đoàn Thái Dương (Sun Group - Hà Nội) cũng đang thổi một luồng sinh khí mới vào thị trường bất động sản Đà Nẵng. Dù bước chân vào thị trường chưa lâu nhưng các công ty con của Sun Group đang khẩn trương xây dựng một loạt các dự án bất động sản du lịch lớn như khu nghỉ mát Bà Nà Hills Resort trên đỉnh núi Bà Nà, khu biệt thự nghỉ dưỡng Sunrise ở bãi biển Bắc Mỹ An và khu nghỉ dưỡng InterContinental ở bán đảo Sơn Trà. Ông Đỗ Quang Hải, Giám đốc điều hành Bà Nà Hills Resort, cho biết, khu nghỉ dưỡng đang khẩn trương thi công khu vui chơi giải trí trong nhà rộng 25.000 m2; việc trùng tu 240 biệt thự Pháp cổ và khu phố Pháp trên đỉnh núi Bà Nà cũng đã bắt đầu. Khu nghỉ dưỡng InterContinental dự kiến cũng có thể mở cửa vào giữa năm tới.

Nhưng, dòng tiền của thế hệ nhà đầu tư mới chưa thể thổi bùng thị trường bất động sản Đà Nẵng. Life Resort hay Silver Shores Resort chỉ là số ít trong số các dự án vừa mới xây dựng xong với nguồn vốn do chủ đầu tư bỏ ra. Còn sức sống của đa số dự án bất động sản ở Đà Nẵng là nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bất động sản du lịch, một phân khúc mà ít ai để ý đến trước khi dự án Hyatt Regency bắt đầu chào bán căn hộ và biệt thự vào cuối tháng 4.2009.

Thế mạnh bất động sản du lịch

Thực tế, Hyatt Regency không phải là dự án bất động sản du lịch chào bán đầu tiên ở Đà Nẵng. Thị trường bất động sản du lịch ở Đà Nẵng được nhem nhóm cách đây 6 năm, khi dự án Vegas Beach Club Resort chào bán biệt thự với giá thấp nhất 175.000 USD/căn. Nhưng Vegas Beach Club Resort đã thất bại vì lúc đó sản phẩm này quá mới ở Việt Nam và không được người mua hưởng ứng. Hai năm trước đây, Raffles Residences cũng chào bán 138 căn hộ nghỉ dưỡng nhưng không có người mua.

Thị trường bất động sản du lịch ở Đà Nẵng chỉ được tái lập trở lại khi Indochina Land và VinaCapital chào bán các dự án mới từ giữa năm 2009. Cho đến nay, Hyatt Regency đã bán được 115 căn hộ trong tổng số 150 căn hộ và 18 biệt thự trong tổng số 27 biệt thự với giá hiện tại thấp nhất là 200.000 USD/căn hộ và 1,4 triệu USD/căn hộ.

Dự án Danang Beach Resort của VinaCapital cũng đã bán được 90% trong tổng số 115 căn biệt thự thuộc hạng mục Ocean Villas, với giá từ 400.000 - 2 triệu USD/căn. Một hạng mục khác là khu căn hộ The Cham cũng đang chào mời khách hàng đăng ký giữ chỗ, với giá bán 150.000 - 200.000 USD/căn. Những hạng mục khác như khu nghỉ dưỡng JW Marriott sẽ được triển khai muộn hơn.

Nhờ nguồn tiền thu được từ việc bán căn hộ và biệt thự nên Hyatt Regency và Ocean Villas là 2 dự án đang có tốc độ xây dựng rất nhanh ở Đà Nẵng. Ông Lê Minh Phúc, Tổng Giám đốc VinaCapital tại miền Trung, cho biết, khi phát triển dự án, nhà đầu tư phải tính toán rất kỹ nguồn lực tài chính và triển vọng kinh doanh để quyết định tiến độ xây dựng. Trước đây, các dự án bất động sản du lịch ở Đà Nẵng thường không triển khai được hoặc triển khai rất chậm do nhà đầu tư thiếu vốn hoặc không bán được sản phẩm. Còn hiện nay, các chủ đầu tư bán được đến đâu thì triển khai đến đó. Nếu bán nhanh thì tốc độ xây dựng cũng nhanh.


Blooming Tower Danang

Bên cạnh yếu tố kinh doanh, ông Piro, Công ty Indochina Land, cho rằng, tốc độ xây dựng nhanh hơn của các dự án bất động sản du lịch ở Đà Nẵng còn nhờ lòng tin của nhà đầu tư. Trước đây, nhiều nhà đầu tư không triển khai dự án vì không tin sẽ bán được. Nhưng thành công của Hyatt Regency trong việc thu hút khách hàng đã tạo niềm tin để các nhà đầu tư khác tiếp tục triển khai dự án của mình. Chẳng hạn, sau nhiều năm trì hoãn, dự án Furama Villas cũng đang xây dựng 60 trong tổng số 134 căn biệt thự của giai đoạn 1. Dự án Le Meridien Danang của Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (SGI) thì đang chuẩn bị các thủ tục khởi công xây dựng, trong đó có 45 biệt thự, 1 cao ốc căn hộ và 1 cao ốc khách sạn.

Thị trường căn hộ chuyển hướng

Lòng tin cũng đang lan tỏa sang thị trường căn hộ để bán ở trung tâm thành phố khi các nhà đầu tư quyết định tiếp tục xây dựng và chào bán căn hộ ra thị trường. Cuối năm 2009, tòa tháp đôi 37 tầng Blooming Tower Danang chào bán 671 căn hộ với giá 1.400 - 1.750 USD/m2. Mới đây, VinaCapital cũng khai trương nhà mẫu và bắt đầu chào bán 225 căn hộ Azura với giá thấp nhất 1.500 USD/m2. Dự án Golden Square của Công ty Cổ phần Địa ốc Đông Á cũng đã bắt đầu chào bán căn hộ thông qua đơn vị tiếp thị là CB Richard Ellis.

Nguồn cầu căn hộ ở Đà Nẵng đã có những chuyển động đầu tiên. Một trong những giao dịch lớn nhất ở phân khúc này là Tập đoàn The Ascott (Singapore) giữ chỗ mua 121 căn hộ của dự án Blooming Tower để cho người nước ngoài thuê dưới thương hiệu Somerset. Sau thời gian dài đứng ngoài cuộc chơi, người Đà Nẵng cũng bắt đầu quen với việc sống trong chung cư cao cấp. Bằng chứng là có hơn 40 khách hàng đặt mua căn hộ tại Blooming Tower là người địa phương.

Còn theo ông Phúc, Công ty VinaCapital, việc tung ra thị trường dự án Azura vào lúc này có tính chất thăm dò, nếu thị trường phản ứng tích cực thì sẽ xem xét đầu tư tiếp các cao ốc khác. Ông cũng cho rằng, nhiều dự án căn hộ cao cấp được chào bán sẽ tạo tiếng vang trên thị trường để thu hút người mua, nhất là giới trẻ Đà Nẵng.

Mặc dù vẫn tiếp thị đến khách hàng địa phương nhưng thành công của các dự án bất động sản nghỉ dưỡng ven biển đang khuyến khích các nhà phát triển bất động sản ở trung tâm thành phố chuyển hướng tiếp thị vào đối tượng người mua nhà để nghỉ dưỡng, đa phần là người Hà Nội. Ông Thi cho biết, khách hàng mua nhà nghỉ dưỡng từ TP. HCM có nhiều sự lựa chọn ở Nha Trang, Phan Thiết và Vũng Tàu, trong khi người Hà Nội có ít sự lựa chọn vì các dự án kiểu này ở phía Bắc chưa nhiều. Theo ông, đa số người mua căn hộ Blooming đến từ Hà Nội. Điều này cũng được ông Phúc của VinaCapital và ông Piro, Công ty Indochina Land, xác nhận đối với các dự án của họ là Hyatt Regency và Ocean Villas.

Theo ông Thi, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ở Đà Nẵng mới bắt đầu phát triển nên tiềm năng còn rất lớn, đặc biệt là khi nhiều dự án ở trung tâm bắt đầu chào bán theo hình thức căn hộ nghỉ dưỡng. “Theo tôi, cơn sóng của bất động sản nghỉ dưỡng sẽ quay lại Đà Nẵng trong quý II và nhiều dự án hiện nay đã khởi động để đón con sóng đó”, ông nhận định.

  • Ảnh bên : Cao ốc Azura nằm trong tổng thể dự án Trung tâm Thương mại thế giới (WTC) do VinaCapital làm chủ đầu tư (nguồn: báo Đà Nẵng) 

Con đường gập ghềnh

Lạc quan là thế nhưng không phải nhà đầu tư nào cũng đủ nhanh nhạy với thị trường hoặc đủ tiềm lực tài chính, kinh nghiệm để tiếp tục phát triển dự án. Bên cạnh những dự án đang khẩn trương triển khai thì vẫn có những dự án ở trung tâm thành phố giậm chân tại chỗ như Danang Center (Công ty Cổ phần Địa ốc Vũ Châu Long làm chủ đầu tư), Viễn Đông Meridian (Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam), Cantavil (Công ty Xây dựng Daewon Cantavil), Jade Apartments (Kreves Development - Hàn Quốc)… Một số dự án ven biển như Khu du lịch Bãi Bụt, Anvie Resort… cũng án binh bất động.

“Không tiền” là kết luận ngắn gọn của ông Đàm Quang Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư Đà Nẵng, về lý do chậm triển khai của các dự án kiểu này. Ngoài ra, nhu cầu về bất động sản ở Đà Nẵng vẫn mong manh, trong khi cạnh tranh ngày càng lớn vì có thêm nhiều dự án mới ra đời. Ông Tuấn cho rằng, các dự án, kể cả dự án ở trung tâm thành phố, nên phát triển theo hướng bất động sản phục vụ du lịch như căn hộ nghỉ dưỡng, khách sạn, trung tâm mua sắm dành cho khách du lịch.

Ông Phúc, Công ty VinaCapital, cho rằng, để thị trường bất động sản du lịch ở Đà Nẵng thực sự phát triển và nguồn cầu có thể hấp thụ hết các dự án đang triển khai thì còn rất nhiều việc phải làm. Điều đầu tiên các nhà đầu tư mong đợi là nhà ga mới của sân bay Đà Nẵng sớm được hoàn thành. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương, chủ đầu tư các dự án bất động sản du lịch, các hãng hàng không cũng cần nhanh chóng mở các đường bay mới đến Đà Nẵng. “Ngoài ra, Đà Nẵng cũng cần phát triển đồng bộ các dịch vụ phục vụ du lịch như trường học, bệnh viện… theo tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch”, ông Phúc kiến nghị.

Linh Giang

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo