Liên tiếp từ tháng 8 trở lại đây, hàng loạt nhà phát triển bất động sản tại Anh, Mỹ đã đến Việt Nam “chào hàng” các dự án căn hộ hấp dẫn tại các khu trung tâm của nước sở tại. Phải chăng họ đã nhìn thấy tiềm năng và bắt đầu gieo kỳ vọng vào thị trường Việt Nam?
Tuy nhiên, để sở hữu một căn hộ triệu đô ở nước ngoài là không hề dễ: phải xin phép Bộ và các Sở KH-ĐT như đầu tư ra nước ngoài, phải mở tài khoản giao dịch bằng USD tại các ngân hàng... chưa kể, điều đáng cảnh báo là một lượng ngoại tệ khá lớn trong nước sẽ chảy ra nước ngoài.
Là nhà đầu tư bất động sản, bạn có quan tâm đến dự án này? Bạn có sẵn sàng vượt qua các "cửa ải" rắc rối và tốn kém để được sở hữu căn hộ triệu đô tại Anh và Mỹ?
“Chúng tôi cho đây là thời điểm hợp lý và rất thuận lợi để có thể sở hữu một căn hộ ở Anh. Bằng chứng là tại thị trường Anh 12 tháng qua, với sản phẩm bất động sản có giá 5 triệu bảng Anh trở lên có tới hơn 50% người mua đến từ các nước châu Á, đặc biệt là từ Trung Quốc và các nước Đông Nam Á” - ông James Tabot - Giám đốc Kinh doanh Bất động sản Quốc tế làm việc tại trụ sở chính của Savills đặt tại Berkeley Square, London cho hay.
- Ảnh bên : Phối cảnh dự án 375 Kensington High Street tại trung tâm London
Với thị trường Việt Nam, ông James Tabot cho có 3 đối tượng khách hàng cá nhân lớn mà họ đang rất quan tâm, đó là những người cần một địa chỉ tại Anh để làm văn phòng giao dịch, nghỉ ngơi; các gia đình khá giả con em đang học tập ở Anh và các nhà đầu tư bất động sản có cái nhìn trung và dài hạn về thị trường.
Quan sát thấy sức cầu của thị trường đang và còn tiếp tục gia tăng thời gian tới, tập đoàn cung cấp dịch vụ bất động sản thế giới này đã lần đầu tiên đưa Việt Nam vào một trong 4 “điểm đến” bên cạnh Malaysia, Singapore, HongKong để tiếp thị, chào bán dự án căn hộ cao cấp 375 Kensington - nằm ở trung tâm thủ đô London.
Dự án 375 Kensington nằm trên hai quận Kensington và Chelsea được xây dựng bởi Công ty St Edward –-thuộc sở hữu của Tập đoàn Berkeley và Prudential. Chào bán tới thị trường châu Á đợt này là 539 căn hộ thuộc 2 toà tháp Charles House và Wolpe House, diện tích từ 34-145m2/căn đơn lập và khoảng 185m2/căn thông tầng.
Giá bán căn thấp thấp theo diện tích là 700.000 bảng, cao nhất là 5-6 triệu bảng/căn - tương đương với mức dao động từ 1-9 triệu USD/căn.Giao nhà vào năm 2012, khách hàng sẽ được sở hữu theo hình thức thuê dài hạn 999 năm.
Để đăng ký mua, khách hàng phải đặt cọc 5.000 bảng (tương đương 7.500 USD). Trong 18 tháng đầu khoản tiền phải đóng chiếm 25% giá trị căn hộ. 75% còn lại sau khi nhận sản phẩm mới phải hoàn tất thanh toán.
Có thể nói việc chào bán căn hộ tại các thị trường phát triển như Anh, Mỹ tới khách hàng cá nhân tại Việt Nam đang dần trở thành một xu hướng mới từ phía các đơn vị tiếp thị.
Trước đó, ngày 19/8 tại TP.HCM, Công ty Cổ phần Liên Minh Nguyễn (NAC Real Estate) đã giới thiệu đến khách hàng dự án khu căn hộ Saigon Villas ở thành phố Westminster, bang California, Mỹ do tập đoàn Bridge Creek làm chủ đầu tư.
Nhóm khách hàng tiềm năng được hướng đến không ai khác vẫn chính là những gia đình giàu có đang và dự kiến có con em du học hoặc di trú sang Mỹ, các nhà đầu tư cá nhân của Việt Nam.
Điểm chung được cho là hấp dẫn và thuận lợi của hai thị trường Anh, Mỹ hiện tại là tính thời điểm. Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, thị trường bất động sản tại hai quốc gia này được coi đã giảm “chạm đáy” về giá cả. Trước khi kinh tế được dự báo hồi phục vào năm 2011-2012, việc đón “sóng” mới, tận dụng nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư về thuế, lãi suất, tỷ giá đến vấn đề cấp visa dài hạn từ các nước này được cho là cơ hội khó có thể bỏ qua.
Có tiền chưa chắc đã mua được
Người có nhu cầu, có tiền để mua căn hộ tại các thị trường Anh, Mỹ tại Việt Nam là có, nhưng người mua được thành công hiện chỉ đếm được trên đầu ngón tay là thực tế được nhiều chuyên gia chỉ ra.
Ông Edward Minh Chi - một nhà phát triển bất động sản tại Hà Nội, cho biết, rất nhiều người bày tỏ, chia sẻ với ông nhu cầu tìm hiểu thông tin để đầu tư, sở hữu căn hộ tại các nước phát triển. Nếu kiểm tra trong hệ thống thông tin bất động sản thế giới thì không khó tìm được các dự án phù hợp. Tuy nhiên, những trường hợp thành công không nhiều vì thủ tục pháp lý rất phức tạp và mất nhiều thời gian.
- Ảnh bên : Phối cảnh một góc dự án 375 kensington, London (Anh).
Theo ông Minh Chi, muốn sở hữu tài sản căn hộ ở nước ngoài phải được xin được đầy đủ các thủ tục cấp phép từ phía Ngân hàng Nhà nước. Ngoài ra nếu số tiền đầu tư trị giá trên 4 triệu USD thì phải thông qua phê duyệt của Bộ KH-ĐT, dưới con số này là các cấp sở ngành địa phương.
Cùng với hợp đồng mua bán, việc xác nhận tài sản, công chứng từ nước ngoài, rồi phải chạy đi chạy lại đến các lãnh sự quán làm nhiều thủ tục khác thì trong vòng 6 tháng cũng không thể nào hoàn thiện được ngay cả với số tiền đầu tư ra ngoài từ 100.000-200.000 USD. Một khi mất đến 1 năm để làm các thủ tục pháp lý, giấy tờ người mua mới chuyển được tiền, tài sản bị “treo” như vậy thì phía chủ đầu tư cũng khó lòng chờ đợi được.
Còn theo ông Nguyễn Văn Minh - Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cái vướng mắc nhất là ở vấn đề thanh toán ngoại hối. Hiện nay Việt Nam chỉ cho phép các pháp nhân, chứ chưa có quy định về việc cá nhân mua bán, thanh toán tài sản ở nước ngoài.
“Đơn cử chỉ việc đi mở một tài khoản cá nhân bằng ngoại tệ hiện cũng không được phép nếu như anh không có đăng ký kinh doanh hoặc có hợp tác đầu tư với nước ngoài. Hơn nữa việc chuyển tiền đi cũng gặp rất nhiều rào cản theo quy định từ Ngân hàng Nhà nước” - ông Minh nói.
Nghị định 160 hướng dẫn thi hành pháp lệnh ngoại hối quy định, cá nhân chỉ được chuyển ngoại tệ ra nước ngoài phục vụ các nhu cầu học tập, khám chữa bệnh, công tác, du lịch, trợ cấp thân nhân ở nước ngoài... thông qua ngân hàng, sau khi đã xuất trình các chứng từ theo quy định. Ngay cả việc xuất cảnh, cũng không được mang quá 7.000 USD. Việc thanh toán qua tài khoản trực tuyến ở nước ngoài cũng chỉ giới hạn không quá 6.000 USD/ngày.
Rõ ràng, nếu theo đúng quy định như vậy thì việc mua bán bất động sản nước ngoài của các cá nhân là khó khả thi.
Vì vậy các đơn vị tư vấn bất động sản cho biết cũng đang tính toán một số phương cách khác ví dụ như thành lập một pháp nhân đầu tư ra nước ngoài.
Song theo các chuyên gia, các cách “lách luật” thông qua một tổ chức nào đó có hợp tác như vậy không khác gì phát sinh thêm trung gian. Điều này sẽ làm đội chi phí lên rất cao.
Chính vì thế trong thời gian trước mắt, việc mua nhà triệu đô ở Anh, Mỹ nói riêng của các cá nhân, đặc biệt là giới đầu tư bất động sản ở Việt Nam nhiều khả năng chỉ là câu chuyện để tham khảo... cho vui.
Nguyễn Nga
- Thị trường căn hộ: Chật vật với cầu giảm cung tăng
- Bất động sản phập phồng chờ vốn
- Các khu đô thị mới và các vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp tại Hà Nội
- Bất động sản khát vốn
- Bất động sản sẽ "lặng sóng" sau tác động kép?
- Bất động sản sinh thái: Phát triển nhưng chưa có chuẩn
- Chất lượng sống trong khu đô thị mới
- Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng: Những cơn sóng ngầm
- Nghị định 71: Mở và đóng!
- Thị trường chung cư cũ Hà Nội: Không dễ có sóng mới