Bài báo này tôi viết xuất phát từ lời đề nghị của bố tôi, khi ông qua thăm chúng tôi ở Thuỵ Sĩ, hôm đó tôi có mang về nhà một quyển sách nói về kiến trúc container. Với con mắt của một người đã từng gắn bó cả cuộc đời mình cho ngành công nghiệp nước nhà, ông đã nhận ra ngay ngoài vẻ đẹp của các không gian do những thùng container cũ kỹ tạo ra, chúng còn nhiều lợi ích có tính xã hội. Là một nhà thiết kế về máy nông nghiệp, nhưng sự nhạy cảm của ông về kiến trúc luôn làm cho chúng tôi bất ngờ.
Ảnh 1, 2 - Thiết kế của KTS Pieter Peelings và Silvia Merten – Ảnh: Sculp (IT)
Ưu điểm của kiến trúc container
Chúng ta đã quá quen thuộc hình ảnh của những chiếc container được sử dụng để vận chuyển hàng hoá mà vào thập niên 50 Malcolm McLean (người Mỹ, ông vốn là một người lái xe chở hàng) đã vẽ kiểu của những container hiện đại ngày nay và sau đó đã đưa chúng vào tiêu chuẩn ISO. Ngoài ra, ta còn thấy chúng được sử dụng làm nơi làm việc tạm thời trên các công trình xây dựng. Sau này, nhận thấy lợi ích của container, các kiến trúc sư đã không ngừng mệt mỏi khai thác. Những chiếc container đã có một cuộc sống mới và được thử nghiệm rất nhiều cho các loại công trình khác nhau, từ nhà ở cá thể, nhà tập thể cho đến các công trình công cộng như quán ăn, cửa hàng, nơi làm việc, thậm chí cả bảo tàng.
Hiện nay châu Âu và Mỹ đi tiên phong thử nghiệm và khai thác các công trình kiến trúc trên nền “chất liệu” container. Lý do gì khiến container hấp dẫn họ đến thế?
1. Bảo vệ môi trường
Vật liệu chế tạo container bằng thép, đó là loại vật liệu có thể được tái sinh, thêm nữa vì kết cấu của chúng rất chắc chắn nên có thể được tái sử dụng nhiều lần. Điều này giúp giảm thiểu việc sử dụng các vật liệu khác dẫn đến sự tác động tối thiểu của công trình trong khu vực được xây dựng và tạo ra ít rác thải ô nhiễm. Container chịu được va chạm khi vận chuyển và lắp ráp, chúng lại có thể tồn tại được ở những môi trường, khí hậu khắc nghiệt nhất như nóng, lạnh, nước mặn, mưa bão…
Ảnh 3, 4 - Thiết kế của văn phòng kiến trúc MMW – Ảnh: Mike Magler.
2. Kiểu kiến trúc riêng biệt
Những chiếc container được coi như những chiếc Lego khổng lồ – chúng có tính module cao, dẫn đến sự tổ hợp không gian không bị hạn chế và dễ dàng thích ứng ở mọi địa hình. Yếu tố đó đã tạo nên tính linh hoạt cao của container, người sử dụng có thể thêm bớt module tuỳ thuộc nhu cầu. Hơn nữa, sau khi đã được tiêu chuẩn hoá về module và nội thất riêng của chúng, người sử dụng hoàn toàn có thể tự thiết kế nhà cho mình bằng cách xếp đặt các module ở nơi mình muốn.
3. Thời gian thi công nhanh
Container khi được đưa vào sử dụng trong các công trình kiến trúc đều được chuẩn bị trước tại các xưởng chế tạo. Tại đây, chúng được ốp thêm một lớp cách nhiệt và các ô cửa được mở theo yêu cầu sử dụng. Ngay cả phần nội thất cũng được thiết kế chính xác đến từng centimet. Điều đó giúp rút ngắn thời gian thi công. Từ đó ngoài việc giảm chi phí, tiếng ồn cũng như sự ô nhiễm trong khu vực xây dựng giảm đi rất nhiều.
4. Giá thành thấp
Với tất cả các ưu điểm trên thì giá thành của một công trình container thấp hơn rất nhiều so với các công trình sử dụng vật liệu khác. Phương thức vận chuyển dễ dàng, bằng đường bộ hoặc đường thuỷ. Những nơi có địa hình phức tạp chúng có thể được chuyển đến bằng máy bay trực thăng. Vì thế, người sử dụng ở bất cứ nơi đâu cũng có thể đặt hàng tại bất kỳ nơi nào trên thế giới.
Hình thái kiến trúc container
Kiến trúc container có thể phân chia làm ba loại khác nhau:
1. Sử dụng trực tiếp và tổ hợp với nhau
Đối với người Việt Nam, công trình “Shipping container living” tại Bỉ gợi lại cho chúng ta những ngôi nhà hình ống quen thuộc. Bốn chiếc container dài 12m được đặt chồng lên nhau lọt giữa hai nhà bên. Mỗi tầng có chức năng riêng biệt. Tầng một là văn phòng làm việc, tầng hai là phòng ăn và bếp, tầng ba được sử dụng làm phòng khách, sinh hoạt chung và tầng bốn để ngủ. Điểm đặc biệt của ngôi nhà này là ánh sáng tự nhiên được lấy từ hai mặt tiền của những cửa kính lớn từ sàn tới trần nhà. Ánh sáng màu nhân tạo trên những cửa kính này được sử dụng để thể hiện những chức năng riêng biệt của từng tầng và tạo cho mặt tiền vẻ quyến rũ.
- Ảnh 7 : Thiết kế của KTS Spillmann Echsle – Ảnh: Antje Quiram
Phòng trưng bày nghệ thuật GAD được dựng lên ở bến cảng Tjuvholmen tại tỉnh Oslo, Na Uy (ảnh 1,2) được tạo nên bởi 10 container với cầu thang ở bên ngoài, những ô cửa sổ hình tròn ở trên mái. Phòng trưng bày trông như một con tàu. Đó cũng là ý tưởng của kiến trúc sư để tưởng nhớ đến những con tàu rất đẹp được đóng tại đây. Tầng một rộng nhất được tạo bởi năm container 20 feet đặt kế nhau. Tầng hai được tổ hợp theo hình chữ U bởi ba container 40 feet và cuối cùng là tầng ba được sắp xếp bởi hai container 40 feet nằm kề nhau. Điểm đặc biệt của công trình là để tăng chiều rộng, các mặt đứng của các container nằm kế nhau (vốn tạo thành những vách ngăn) bị loại bỏ hoàn toàn. Vì vỏ bọc của container được làm bằng thép mỏng nên dễ dàng tạo ra những ô cửa với các loại hình học khác nhau.
Ảnh 5,6 - Thiết kế của KTS Spillmann Echsle – Ảnh: Antje Quiram.
Freitag là tên của hai anh em nhà thiết kế người Thuỵ Sĩ rất nổi tiếng với những chiếc túi xách họ tạo ra. Những chiếc túi này được sáng tạo từ việc tái sử dụng các chất liệu như tấm vải bạt của xe tải, săm của xe đạp và dây đai an toàn xe hơi. Nên không có gì là khó hiểu khi họ dùng container cũ để làm cửa hàng của mình. Cửa hàng Geroldstasse được đặt ngay lề quốc lộ tại tỉnh Zurich, Thuỵ Sĩ (hình 5,6,7). Nó được tổ hợp bằng 17 container 20 feet. Công trình như một toà tháp không đối xứng với chiều cao của 9 container lên tới 25m. Bên trong cửa hàng được chia theo từng chức năng riêng biệt: khu bán hàng, kho và có cả một không gian dành cho triển lãm. Toà tháp này trở thành một điểm nhấn của khu vực, khách hàng có thể trèo lên mái để quan sát thành phố và dãy núi Alpes. Điểm đặc biệt của công trình là các container đều được gắn liền với nhau với các liên kết tiêu chuẩn dùng trong ngành công nghiệp container. Nên khi cửa hàng có chuyển đi nơi khác, việc dỡ bỏ sẽ dễ dàng và khu đất sẽ phục hồi như trước.
Ảnh 8,9 - Thiết kế của văn phòng kiến trúc LOT-EK – Ảnh: Danny Bright
Hãng UNIQLO (UNIQue cLOthing) tại New York (hình 8,9) đã nghĩ ra cách bán sản phẩm quần áo của mình không chỉ ở trong những cửa hàng quen thuộc, mà còn trong các container 20 feet. Tính lưu động của những chiếc container là một ưu điểm lớn, chúng có thể được đặt tại khắp nơi của thành phố cũng như chỉ tạm thời ở một vị trí nào đó. Chính nhờ kiểu dáng thiết kế đặc biệt này mà cửa hàng đã khơi gợi tính tò mò của rất nhiều khách hàng. Ý tưởng thiết kế của hãng rất đơn giản, bên ngoài container được sơn một màu duy nhất và nổi bật với logo của hãng. Điểm đặc biệt của cửa hàng là nội thất. Đồ đạc được tiêu chuẩn hoá, hai tấm gương lớn được đặt ở đầu và cuối của cửa hàng để tạo hiệu ứng kéo dài không gian, giá trưng bày quần áo được làm bằng gỗ dán có kích thước bằng cả bức tường bên, buồng thử quần áo được thiết kế như một chiếc đèn lồng lớn. Nó được hạ xuống khi khách hàng thử quần áo và được nâng lên khi không dùng đến để tăng khoảng không của cửa hàng.
2. Hình khối được thay đổi nhưng không bị mất đi bản chất của mình
Ở vùng Magdeburg nước Đức, nơi con sông Elbe gặp kênh đào Mitteland, rất nhiều hồ nhân tạo được tạo ra từ những năm 30 thế kỷ trước. Sau này chúng trở thành nơi giải trí và nhiều người thường đến đây để cắm trại. Gần đây nơi này đã tiếp nhận trung tâm thanh thiếu niên Jugend và họ tổ chức cho học sinh nội trú sinh sống ở trong những ngôi lều cắm trại. Văn phòng kiến trúc AF được chọn để thiết kế một nhà vệ sinh mới cho khu vực này (ảnh 10,11). Một ví dụ điển hình cho những người thiết kế kiến trúc, khu nhà vệ sinh này không hề theo một tiêu chuẩn thường gặp. Công trình được tổ hợp bởi năm container đặt kế nhau. Mỗi container này được thêm vào những mái hình côn để lấy ánh sáng trời và ba lối vào được đặt xen cách nhau. Với màu hồng của tuổi trẻ được chọn cho bên ngoài, và với hình khối đặc biệt, công trình đã tạo nên một ấn tượng độc đáo trong khu vực.
Ảnh 10,11 - Thiết kế văn phòng kiến trúc AFF Architekten – Ảnh: AFF Architekten.
Ở Hà Lan, ký túc xá dành cho sinh viên được thiết kế dưới dạng container tạo nên hiệu quả đáng ngưỡng mộ. Không chỉ riêng về kiến trúc mà quy hoạch cũng được xử lý rất hiệu quả. Chính nhờ sự lưu động của các container mà các khu đất đã được sử dụng thích ứng theo thời gian và yêu cầu của xã hội. Mỗi container như một đơn vị và được thiết kế trọn vẹn cho một sinh viên, khi cần nhà ở cho sinh viên mới thì chỉ việc đặt thêm các đơn vị này. Ngay cả các khu nhà cũng có thể được dựng lên nếu còn đất trống. Đây là một kiểu kiến trúc rất phù hợp với sinh viên vì giá thành thấp và kiểu kiến trúc này tạo ra một môi trường phù hợp với lối sống của họ. Ký túc xá Qubic (ảnh 12, 13), được đặt tại khu vực mà trước đó thuộc bến cảng Houthavens ở Amsterdam, bao gồm 715 đơn vị ở cho sinh viên, ngoài ra còn có rất nhiều quán ăn và nhà hàng. Mặt tiền của từng đơn vị được thiết kế khác nhau để tạo vẻ linh hoạt cho khu nhà và tránh sự lặp đi lặp lại đơn điệu của các container. Về quy hoạch thì các khu nhà được sắp đặt một cách khoa học để tạo nên các khoảng sân chung để sinh viên có thể gặp gỡ, chơi thể thao, thư giãn.
Ảnh 12,13 - Thiết kế của Văn phòng kiến trúc HVDN Architekten – Ảnh: Luuk Kramer.
3. Kết hợp với các vật liệu khác, các container trở thành một phần tử kiến trúc riêng biệt:
Kiến trúc container được khai thác nhiều vào mục đích làm nơi ở tạm thời cho người dân vùng bị thiên tai. Việc phải cấp bách có chỗ ở cho những người này rất phù hợp với ngôi nhà container tiện nghi và được vận chuyển đến tận nơi yêu cầu.
Futur Shack (ảnh 14,15,16) là một ngôi nhà thử nghiệm cho sự cần thiết này. Nó được tổ hợp bởi bốn phần tử: một container 20 feet được tái sử dụng, bốn chân đỡ bằng thép, một mái che và một bục kê để lên xuống. Phần tử nổi bật trong công trình này là mái che kết cấu thép, nó là biểu tượng quen thuộc của những ngôi nhà, điều này mang tính tâm lý rất quan trọng cho những người chịu thiên tai, mất đi ngôi nhà của mình. Ngoài ra, nó còn có tác dụng để che chắn ánh nắng mặt trời và hứng nước mưa. Khi di chuyển, chiếc mái này được gập lại và đặt trong container. Vì kết cấu thép tách biệt, nên mái có thể được lợp bằng các vật liệu khác nhau dễ tìm thấy ở địa phương. Bốn chân bằng thép có thể điều chỉnh được độ cao cho phù hợp địa hình.
Ảnh 14,15,16 - Thiết kế của KTS Sean Godsel – Ảnh: Earl Carte.
Nội thất của ngôi nhà, tủ bếp chia container thành hai khu, khoảng không lớn là phòng sinh hoạt chung và phòng ăn. Không gian này cũng chính là buồng ngủ khi giường gắn vào tường được hạ xuống. Khu vệ sinh được đặt phía sau bếp và được nối với phòng sinh hoạt chung bằng một cánh cửa sơn màu trắng giống màu của tủ bếp.
Với những cột chịu lực bằng giấy, mọi người có thể dễ nhận ra đó là sản phẩm của kiến trúc sư người Nhật Shigeru Ban. Ông đã kết hợp những chiếc cột này với những thùng container để thiết kế bảo tàng Nomadic (ảnh 19,20). Bảo tàng này được thiết kế để dành riêng cho Gregory Colbert – tác giả của dự án “Ashes and Snow” về xây dựng. Điều đặc biệt là bảo tàng này sẽ theo Gregory Colbert đi khắp nơi trên thế giới để triển lãm tác phẩm của ông. Đó cũng chính là lý do tại sao ông chọn container để dễ di chuyển.
Ảnh 19, 20 - Thiết kế của KTS Shigeru Ban – Ảnh: Michael Moran
Có tất cả 148 container, nhưng khi di chuyển chỉ có 37 chiếc được sử dụng để đựng các dụng cụ cần thiết, số còn lại thì được kiếm ở nơi triển lãm.
Một điểm khác rất thành công của công trình này đó là không gian bên trong được tạo nên như một nhà thờ. Không gian này rất phù hợp cho triển lãm. Công trình hiện đang ở bến tàu của con sông Hudson, New York; nó đã từng đi qua Santa Monica, Califonia và Tokyo.
Qua những hình thái kiến trúc container kể trên, nội thất của chúng cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Có thể xem mỗi container như một cỗ máy mà nội thất của chúng được tiêu chuẩn hoá. Sự liên hệ giữa trong và ngoài được xử lý một cách chặt chẽ và hợp lý.
Ở New Zealand, từ “bach” là cái tên được gọi cho những ngôi nhà nghỉ nhỏ ở biển. Nó mang tính biểu tượng của lịch sử và văn hoá đất nước này. Vào những năm 50, giới bình dân có thể tự tặng cho mình một kỳ nghỉ ở biển, vì họ luôn chỉ lui tới một bãi biển cố định, nên họ tự xây dựng cho mình một ngôi nhà nghỉ nhỏ đơn sơ ở đó.
Ảnh 17, 18 - Thiết kế của văn phòng kiến trúc Atelier Workshop – Ảnh: Paul McCredie.
“Port-a-Bach” (hình 17, 18) là những chiếc container 20 feet được mô phỏng theo tính truyền thống đó, nhưng có nhiều ưu điểm hơn. Chúng được chế tạo sẵn nên tất cả các đồ đạc được thiết kế rất tỉ mỉ và phù hợp với lối sống của từng gia đình. Chúng được di chuyển dễ dàng và được đặt ở nơi họ muốn. Vì kết cấu chắc chắn nên ngôi nhà có được độ an toàn cao. Một “Port-a-Bach” có thể được thiết kế cho một gia đình lên tới bốn người.
Chúng ta quá quen thuộc hình ảnh của những chiếc container ở bến cảng tạo cảm giác rất vắng vẻ và lạnh lẽo. Hoàn toàn ngược với những hình ảnh đó, công trình Volvo C30 tại Gothenburg, Thuỵ Điển (hình 21) đã được văn phòng kiến trúc KNOCK.SE thiết kế nhân dịp hãng ô tô Volvo mời các đại lý để thuyết trình về tương lai phát triển của công ty, đồng thời trình bày một sản phẩm mới: xe ôtô Volvo C30. Vỏ bọc của công trình được tổ hợp bởi 54 chiếc container cũ gỉ, đối lập với phần nội thất là những chiếc ghế sofa hiện đại bọc da trắng và sự sang trọng của khách mời, công trình đã tạo nên một âm hưởng đặc biệt.
Qua những công trình trên, ta thấy mỗi công trình container xây dựng ở mỗi quốc gia khác nhau và chúng hoàn toàn có những chức năng khác nhau. Nhờ tính lưu động và linh hoạt, chúng đã đem đến ưu thế cho thể loại kiến trúc này.
- Ảnh 21- Thiết kế của Văn phòng kiến trúc KNOCK.SE – Ảnh: Mikael Olsson.
Kết thúc bài viết này, tôi ao ước sẽ có một ngày mong muốn của bố tôi trở thành hiện thực. Trong tương lai, những công trình container có chất lượng sẽ xuất hiện ở Việt Nam. Những thùng container cũ kỹ sẽ được tái sử dụng và đem đến cho mọi người những niềm vui mới.
Kích thước container
Những chiếc container thường có hai kích thước chính, ISO 20 feet (6,05m) hay ISO 40 feet (12,10m). Một số loại có kích thước khác được sử dụng, nhưng chúng đều có chiều rộng là 2,43m. Ở Mỹ người ta có xu hướng tăng chiều dài và chiều rộng của chúng hơn nữa vì đường sá của họ rất rộng và thẳng. Ta có thể tìm thấy những chiếc container có 2,6m chiều rộng, 2,9m chiều cao và có thể tới 13,72m hay 16,15m chiều dài.
Container 20 feet | Container 40 feet | Container 45 feet – high-cube | |
Kích thước ngoài Chiều dài Chiều rộng Chiều cao | 6,058 m 2,438 m 2,591 m | 12,192 m 2,438 m 2,591 m | 13,716 m 2,438 m 2,896 m |
Kích thước trong Chiều dài Chiều rộng | 5,758 m 2,352 m | 12,032 m 2,352 m | 13,556 m 2,352 m |
Bài và tư liệu: Vũ Hoàng Sơn - Giảng viên khoa Kiến trúc Nội thất, GENEVA UNIVERSITY OF ART AND DESIGN (Thụy Sĩ)
- Di sản biệt thự Pháp ở Hà Nội
- VitraHaus: ngôi nhà đa góc nhìn
- Trung tâm nghe nhìn ở TP Hilversum (Hà Lan)
- Những công trình kiến trúc GDR ở Đông Đức
- Trụ sở toà án - Một di sản kiến trúc quí giá của Hà Nội
- Kiến trúc thế giới 1 năm nhìn lại
- Đi tìm bản sắc kiến trúc vùng miền
- Tháp đôi KIO - "cửa ngõ châu Âu"
- Nhà thờ Đức Bà (Frauenkirche) ở Dresden
- Tạp chí Guardian: Top 10 công trình kiến trúc hấp dẫn nhất thập kỷ