Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Chuyên mục Kiến trúc Thế giới đằng sau những "bộ mặt"

Thế giới đằng sau những "bộ mặt"

Viết email In

Ở những đô thị của nước ta, nhà mỏng, nhà méo đang là một vấn đề cần phải giải quyết. Sự xây dựng cao thấp khác nhau của các ngôi nhà ống đã làm mất ổn định tổng thể của toàn khu vực.

Cộng thêm vào đó là sự “trang trí” mặt tiền hoàn toàn tự do càng làm cho thành phố hỗn loạn. Mặt tiền nhà ống của những năm 2000 là sự tổ hợp của những hoạ tiết của kiến trúc Pháp cổ cùng với những tấm biển quảng cáo quá cỡ. Điều nguy hiểm ở đây là mặt tiền là mặt duy nhất của ngôi nhà tiếp nhận gió và ánh sáng tự nhiên đã bị bịt chặt. Ngôi nhà sử dụng hoàn toàn ánh sáng nhân tạo và máy điều hoà, nó thực sự trở thành một “hầm lạnh” và phả hơi nóng ra ngoài thành phố.

Sự bùng nổ xây dựng nhà ở tư nhân bắt đầu từ thập niên 90. Ban đầu việc thiết kế “kiểu cách” mặt tiền của ngôi nhà được yêu cầu bởi chủ nhà, thường mong muốn theo kiến trúc Pháp cổ. Nó dường như trở thành một dịch bệnh tâm lý lan tràn. Nhiều người không hiểu thực sự thế nào là kiến trúc Pháp mà cứ “ang áng” rồi chạy theo trào lưu mà chúng ta hay gọi là “mốt”. Điều đó rồi cũng dẫn đến một kết quả “ang áng” mang nặng tính hình thức, chỉ riêng mặt tiền là được bôi vẽ “ang áng” chứ cái “hồn” của kiến trúc Pháp đâu có được tái tạo và đổi mới. Mặt tiền trở thành phần tử riêng biệt không dính dáng gì đến tổ chức của các không gian bên trong cũng như cấu trúc của toàn khu vực. Khái niệm đó sau dần trở thành thói quen của nhiều kiến trúc sư. Mặt tiền hoàn toàn tách biệt trong thiết kế tổng thể, nó được coi như một đồ án thứ hai, nhiều khi nó còn bị thay đổi ngay trong lúc xây dựng. Nhiều người còn copy từ những công trình in trong các tạp chí kiến trúc nước ngoài mà không hề nghiên cứu nó mang ý nghĩa gì.

  • Ảnh bên : Con đường nhỏ ở một làng miền Bắc. Các bức tường cao bao quanh những khu nhà, mỗi ngôi nhà là một thế giới riêng biệt.

Việc thiết kế mặt tiền cho một ngôi nhà luôn là nỗi trăn trở và cũng là niềm đam mê của người kiến trúc sư. Nó không chỉ mang đến sự thành công cho người thiết kế, tạo ra sự tiện nghi cho người sử dụng mà còn tạo nên sự cân bằng trong đô thị cũng như vẻ đẹp của một thành phố. Nó là bộ mặt của ngôi nhà và đặc trưng cho kiến trúc. Việc ứng dụng bêtông và thép trong kiến trúc đã dẫn đến mặt tiền không còn là phần tử chịu lực của công trình, từ đó mang đến sự tự do biểu hiện cho người thiết kế. Ngoài tính hình thức ra nó còn biểu lộ đầy đủ các ý nghĩa về văn hoá và xã hội.

- Mặt tiền cũng như bức tường, nó có hai mặt, mặt ngoài hướng ra đường để bộc lộ những gì muốn nói của chủ nhà, mặt trong che giấu những thầm kín của một gia đình. Nó có thể được bịt kín để tránh đi những tiếng ồn, để đảm bảo sự an toàn hay nó cũng có thể được mở rộng và trở thành phần tử liên kết giữa trong và ngoài, giữa con người và thiên nhiên, giữa cá nhân với cộng đồng.

- Mặt tiền biểu hiện sự hiểu biết văn hoá của một gia đình, niềm tự hào của một quốc gia, một dân tộc.

- Mặt tiền kể về lịch sử của một thời kỳ hay thể hiện sự mong muốn tìm lại một hoài niệm đã qua.

- Mặt tiền phân biệt các giai cấp khác nhau trong xã hội (thấy rõ ở những thế kỷ trước).

- Mặt tiền bị ảnh hưởng của một hệ tư tưởng từ một thể chế chính trị. Ở thành phố Berlin, những công trình xây dựng trong thời kỳ phátxít Đức luôn đồ sộ và lạnh lùng, nó muốn khẳng định sự tuân thủ tuyệt đối. Những khu nhà tập thể xây dựng sau thế chiến thứ hai ở vùng Đông Đức luôn đồng đều và đơn điệu. Còn ở Tây Đức đã xuất hiện những nét chấm phá riêng lẻ, sự tự do biểu hiện.

- Mặt tiền cũng song hành với những đổi thay của xã hội. Ngôi nhà không chỉ là nơi để ở mà cũng là chỗ để kinh doanh hay trụ sở làm việc.

- Mặt tiền phải tuân thủ theo các điều luật ban hành trong thành phố. Nó cũng có thể là hệ quả của cách xếp đặt các không gian bên trong cũng như cấu trúc định hình của khu vực.

- Mặt tiền luôn được đổi mới cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Mang đến sự tiện nghi cho con người và bảo vệ môi trường bền vững.

- Và hơn bao giờ hết, mặt tiền chỉ ra khả năng sáng tạo và mức độ nhạy cảm của người thiết kế.

  • Ảnh bên : Sân trong của một nhà ở phố cổ Hà Nội, nhiều hoạ tiết trang trí ảnh hưởng của kiến trúc Trung Hoa. Không gian tầng một nối liền với sân, sự hoà trộn không gian trong và ngoài. 

Còn rất nhiều lý do khác để miêu tả phần tử đặc biệt này của kiến trúc. Bài viết này nói tới một kiểu mặt tiền của một loạt nhà trong đô thị của một số nước trên thế giới. Chúng được thiết kế từ một chủ đề giống nhau là ngăn cách ngôi nhà với khu vực xung quanh, dẫn tới việc bố trí các không gian hướng vào bên trong của ngôi nhà. Với cùng một mục đích nhưng chúng được xử lý hoàn toàn khác nhau, với khả năng đầy sáng tạo của người thiết kế.

Nhà mở vào bên trong hay còn gọi là nhà hướng nội được định hình ngay từ thưở ban đầu của lịch sử về nhà ở đô thị. Ngôi nhà là nơi hội tụ của một gia đình, chứa đựng những điều riêng tư của gia đình đó. Để có được sự kín đáo thì những không gian sống được mở hướng vào những khoảng sân hay vườn bên trong ngôi nhà. Nhà ở truyền thống của hầu hết các nền văn hoá đều dựa theo mô hình này. Đặc biệt với tập tính kín đáo của người Á Đông thì kiểu sống này luôn tồn tại với nhiều cấu trúc không gian khác nhau.

Việc sống hướng nội xuất phát từ một nhóm người trên một vùng đất nhất định. Làng bản được cấu tạo nên bởi một không gian khép kín. Cổng làng là một phần tử mang đầy ý nghĩa và biểu tượng. Nó không chỉ đánh dấu ranh giới của một vùng đất mà còn thể hiện tập tục sinh hoạt và tâm linh của những con người sống đằng sau đó.

Gần đây thế giới mới được biết đến dân tộc Hakka, một dân tộc thiểu số của Trung Quốc. Để thoát khỏi chiến tranh và nạn đói, dân tộc Hakka đã di cư từ miền trung tới những vùng xa xôi đầy núi non ở miền nam Trung Quốc. Vùng đất tây nam của tỉnh Fujian là nơi họ đặt chân tới đầu tiên, tính cho đến nay đã hơn 1.000 năm. Dần dần họ cũng đi tới phía nam tỉnh Jiangxi, phía bắc và phía đông tỉnh Guangdong. Họ là những người phải rời bỏ mảnh đất của mình đến cư ngụ ở những vùng đất mới, nên điều mà họ mong mỏi duy nhất là có được một sự an bình. Điều đó được thể hiện rõ nét trong kiến trúc, những khu nhà được xây dựng khép kín hình trụ tròn hoặc chữ nhật tạo ra một khoảng sân chung ở giữa, chỉ có một cổng duy nhất để đi vào. Các cửa sổ mở ra ngoài rất nhỏ để tránh sự xâm nhập từ bên ngoài. Mỗi khu nhà như một gia đình lớn, sự đoàn kết và hưởng lợi đồng đều cũng được kiến trúc chỉ rõ như việc mỗi gia đình ở trong một đơn vị nhà theo chiều đứng. Thường khu nhà có 4 hoặc 5 tầng, tầng một dùng cho bếp và buồng tắm, tầng hai dùng làm kho, các tầng trên làm buồng ngủ. Khu nhà lớn nhất có chiều cao lên tới 20m và đường kính 77m. Vật liệu chủ yếu là đất, cát, đá và tre, gỗ tìm được ở địa phương. Hiện nay có khoảng 400 khu nhà như vậy nằm rải rác tại ba tỉnh. Khu nhà tồn tại lâu nhất tới ngày hôm nay đã quá 600 năm.

  • Ảnh bên : Những khu nhà của dân tộc Hakka, bức tường đất có chiều dầy lên tới 1,5m có thể đỡ được bốn hoặc năm tầng nhà 

Ở nước ta, việc tạo dựng đô thị mang nhiều ảnh hưởng của kiến trúc làng bản. Ở làng miền Bắc, nơi sinh sống của một gia đình được tổ chức đầy đủ trên lô đất dành cho từng hộ bao gồm các phòng sinh hoạt, chỗ sản xuất phụ của gia đình, chuồng chăn nuôi gia súc và giếng nước.

Ngoài ra, đất vườn còn trồng rau và cây ăn quả, nhà nào rộng có ao thả cá. Các ngôi nhà được bao quanh bởi những bức tường cao tạo ra từng khu với những chức năng thuần tuý phục vụ đời sống vật chất và tinh thần cho mỗi con người, nó như một thế giới riêng biệt của từng gia đình. Khi tạo dựng đô thị thì lối sống này cũng được mang theo, các ngôi nhà ống ở phố cổ Hà nội cũng mang đầy đủ các chức năng, vừa để ở vừa để sản xuất và còn có thêm chức năng kinh doanh nữa. Nó thể hiện một nền kinh tế thủ công buôn bán nhỏ. Các ngôi nhà ống thường rất dài, để có gió và ánh sáng tự nhiên thì các khoảng sân trong được tạo ra. Các khoảng sân này mang mục đích “kỹ thuật” nhiều hơn là “mỹ thuật”, nhiều nhà còn tận dụng chúng cho những công việc phụ của gia đình, chỉ có một số ít đặt hòn non bộ ở đây để tạo phong cảnh. Các không gian phía ngoài đường dành cho kinh doanh và chứa đồ, để lại những không gian sinh hoạt của gia đình phía sau hướng vào những khoảng sân bên trong.

Ở Nhật Bản, các không gian sống được dàn cảnh một cách khéo léo với khu vườn bên trong. Sự dàn cảnh này được thành lập từ các vị trí của con người sống ở trong đó. Chính sự liên tiếp của những thế giới thu nhỏ sinh ra các sự kiện khác nhau đã làm phong phú cho ngôi nhà chứ không phụ thuộc vào diện tích rộng hẹp của thửa đất. Ngôi nhà Nhật Bản dựa vào khái niệm về thời gian để định hình không gian, tạo ra sự liên hệ giữa con người và thiên nhiên cũng như tìm một sự cân bằng giữa trong và ngoài. Nó là sự kết hợp đồng thời của ba khái niệm: nhẹ nhàng, xuyên suốt và tính tạm thời. Tính tạm thời ở đây không chỉ được thấy rõ bởi sự đơn giản và nhẹ nhàng của kết cấu cũng như các phần tử của ngôi nhà mà còn bởi ý nghĩa của không gian được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Mặt tiền kín đáo mảnh mai được cấu tạo bởi những nan gỗ như những tấm mành tránh những cái nhìn từ bên ngoài nhưng vẫn để ánh sáng xuyên qua.


Những khu nhà của dân tộc Hakka, bức tường đất có chiều dầy lên tới 1,5m có thể đỡ được bốn hoặc năm tầng nhà


Mặt tiền ngôi nhà truyền thống Nhật Bản, sự tổ hợp của các nan gỗ đã tránh được những cái nhìn từ bên ngoài nhưng vẫn cho phép ánh sáng truyền qua.
    

Một điểm nhìn trong ngôi nhà truyền thống. Tính tạm thời của các phần tử kiến trúc cũng như các công năng trong không gian.

 

The Box house, Jakarta, 1997

KTS: Richard Dalrymple, Irianto Purnomo Hadi, Ảnh: Yori Antar 

Ngôi nhà The Box nằm ở trung tâm thủ đô Jakarta được thiết kế cho một công chức có địa vị cao trong chính phủ của Indonesia khi ông bắt đầu nghỉ hưu. Yêu cầu của ông muốn được sống trong ngôi nhà cách biệt với đô thị ồn ào, không phô trương và loại bỏ tất cả các gợi ý về kểu sống của chủ nhà từ bên ngoài. Ngôi nhà nằm trong thửa đất 400m2 với chiều rộng khoảng 12m. Nó được xây dựng với hai tầng để ở và một tầng nửa ngầm dành cho garage và khu kỹ thuật. Tầng một dành cho các không gian sinh hoạt chung, tầng hai là các buồng ngủ của hai vợ chồng và khách mời cũng như các buồng tắm. Phòng khách được đặt ở phía sau nhà, xây thụt vào các bên để lại một khu vườn bao quanh. Nó như một không gian treo giữa khu vườn. Trên mái của phòng khách có bể bơi mátxa ngoài trời nối liền với buồng ngủ của hai vợ chồng ở tầng hai. Các tường bao quanh xây cao 8m vừa để cách biệt với hàng xóm vừa là chỗ tựa cho các cây leo tạo thêm cảm giác thư giãn của thiên nhiên mang lại.


Mặt tiền đã “gột rửa” những phào chỉ và trang trí không cần thiết. Sự thách thức đối với những ngôi nhà hàng xóm được xây dựng theo kiểu hoài cổ.

Để đáp ứng yêu cầu của chủ nhà mặt tiền được bịt kín hoàn toàn, để lại lối vào là ngõ nhỏ phía bên phải của ngôi nhà. Có một điều trái ngược ở đây là mặt tiền càng bịt kín để tránh đi các ý tưởng tò mò về cách sinh hoạt của gia đình thì nó lại càng tỏ rõ kiểu sống cá nhân hoá của những người ở trong đó. Nhưng điều thực sự then chốt của đồ án là xuất phát từ ý tưởng của KTS Richard Dalrymple, anh là một trong những KTS trẻ của Indonesia đi đầu trong phong trào chống lại chủ nghĩa kiến trúc tân cổ điển (neo-classicism) đang lan tràn khắp các nước Đông Nam Á lúc bấy giờ. Mặt tiền của ngôi nhà đã “gột rửa” tất cả các phào chỉ và trang trí không cần thiết, nó như một sự “thách thức” hãy chấm dứt kiểu kiến trúc hoài niệm để hướng tới tương lai. Ngôi nhà theo trường phái hiện đại minimalism (tối giản), sự tối giản không phải loại bỏ đồ đạc để có cảm giác lạnh lẽo khô cứng. Các không gian của ngôi nhà vẫn mang đầy chất “thơ” của lối sống Á Đông.


Phòng khách đặt trên tầng nửa ngầm, nơi đất được đào sâu xuống để lấy hết chiều cao cho tầng này / Phòng khách như được treo lơ lửng trong không gian. Ngôi nhà hiện đại nhưng vẫn đậm nét truyền thống. 

 

Elektra House, London, 2000

KTS: David Adjaye, Ảnh: Douglas, Lyndon

Ngôi nhà Elektra nằm trong khu vực White Chapel phía đông của thủ đô London. Trước kia đây là một khu vực rất bình dân, nhưng khi nhiều nghệ sĩ đến đây sinh sống và làm việc thì nó đã như được mang lại một sức sống mới. Ngôi nhà được xây dựng lại trên nền của một kho hàng hoá cũ, dành cho một cặp vợ chồng hoạ sĩ và hai người con của họ.

Tầng một được để trống hết không có tường ngăn. Đây là không gian đa năng vừa dùng để cho sinh hoạt của gia đình, vừa làm xưởng vẽ và cũng là nơi để triển lãm các bức tranh hay tượng có khổ lớn. Tầng hai có ba buồng ngủ và một phòng tắm. Cũng như ngôi nhà The Box mặt tiền của ngôi nhà này cũng bị bịt kín để lại một lối vào ở bên phải. Nhưng lý do ở đây chỉ để đáp ứng yêu cầu sử dụng của chủ nhà muốn có những bức tường lớn để triển lãm các tác phẩm của mình. Cũng vì thế mà tầng hai được xây lùi lại để bức tường được hoàn toàn giải phóng. Tuy mặt tiền hướng bắc bịt kín nhưng ngôi nhà mở hoàn toàn ra phía sân sau hướng nam để lấy ánh sáng. Ngôi nhà để lại khoảng sân sau nên không sâu, vì vậy ánh sáng có thể đi vào được tận bên trong.


Mặt sau của ngôi nhà được làm lại mới với những đường nét đơn giản, hai tường bên của ngôi nhà cũ được giữ lại, sự kết hợp giữa cũ và mới.

Khác với tư tưởng của ngôi nhà The Box, mặt tiền của ngôi nhà Elektra như muốn ẩn vào trong khu vực. Nó được dựng thẳng hàng liền với các nhà xung quanh. KTS David Adjay sử dụng những tấm gỗ lớn có màu nâu sẫm giống màu của kiến trúc khu vực. Những tấm gỗ này được tổ hợp phỏng theo cách xây dựng của các viên gạch ở các nhà xung quanh.

Với một kinh phí hạn chế đã quyết định những ý tưởng cho xây dựng. Ngôi nhà được sử dụng các vật liệu đơn giản nhất. Móng và các tường bên của ngôi nhà cũ được giữ lại. Mái nhà bằng thép được chèn vào, mặt tiền cũng được định vị từ đây.


Mặt tiền có màu nâu sẫm cùng với màu của kiến trúc khu vực / Ngôi nhà để lại khoảng sân sau đã cho phép ánh sáng truyền sâu vào được trong nhà.

 

Ambi-Flux house, Tokyo, 2004

KTS: Akira Yoneda, Ảnh: Shinkenchiku-sha, Isabelle Berthet-Bondet

Người Nhật Bản cũng đã quá quen thuộc với lối sống nhà ống, ngôi nhà Ambi-Flux nằm ở khu vực Minato-Ku thuộc thủ đô Tokyo có chiều rộng và chiều dài 3,6 x 11m. Ngôi nhà có năm tầng với tầng một và hai dành cho cửa hàng, tầng ba là không gian sinh hoạt chung, tầng bốn của con gái và tầng năm dành cho đôi vợ chồng trẻ. Tầng năm có chiều cao cao nhất để tạo một gác lửng phía sau nhà. Ở nơi đây được trồng cây cối, nó như một khu vườn nhỏ nằm ở trong lòng nhà.

Ý tưởng chính của ngôi nhà là cuộc “hành trình” trong không gian, chủ đề thường gặp trong kiến trúc truyền thống Nhật Bản. Vì chiều rộng hạn chế nên cuộc hành trình được diễn ra theo chiều đứng và chiều sâu. Bắt đầu từ thang xoắn ở ngoài mặt tiền đi qua cửa hàng, tới không gian sinh hoạt chung, ở đó ta di chuyển vào trung tâm của ngôi nhà, nơi được để thông suốt giữa các tầng của gia đình. Tiếp tục với cầu thang hình chữ L ta đi qua các buồng ngủ, và để kết thúc một cầu thang xoắn dẫn ta tới khu vườn nhỏ ở trên cùng. Cuộc hành trình từ đô thị ồn ào tới nơi yên tĩnh nhất. Nó được diễn tả bởi phần tử cầu thang, cái được thay đổi hình học tuỳ theo không gian xung quanh nó và nó cũng làm cho không gian linh hoạt hơn.

Ngôi nhà không có tường ngăn đã làm mất đi cảm giác chật hẹp của chiều rộng, tạo các điểm nhìn xuyên suốt trong không gian và giúp mọi người trong nhà liên hệ với nhau dễ dàng hơn. (ảnh bên)

Cũng như hai ngôi nhà kể trên, mặt tiền của ngôi nhà Ambi-Flux cũng được bịt kín trừ tầng một dành cho lối vào và cửa hàng. Tuy bịt kín nhưng tầng bốn và năm được sử dụng kính mờ để lấy ánh sáng nhưng vẫn tránh được những cái nhìn từ bên ngoài. Tấm kính này tiếp tục phủ hết mái để ánh sáng vào được trung tâm của ngôi nhà. Từ bên ngoài ta có thể đoán được tổ chức của các không gian bên trong.


Cầu thang xoắn dẫn đến khu vườn nhỏ ở gác lửng tầng năm, điểm cuối cùng của cuộc hành trình. Việc thay đổi hình học của cầu thang đã làm cho không gian linh hoạt hơn. / Mặt tiền là hệ quả của sự tổ hợp các công năng trong nhà.

 

House in Shimogamo, Kyoto, 1994

KTS: Waro Kishi, Ảnh: Hiroyuki Hirai

Cũng ảnh hưởng của kiến trúc truyền thống, ngôi nhà ở khu Shimogamo được xây dựng với một kết cấu đơn giản và nhẹ nhàng. Để mang lại tính hiện đại KTS Waro Kishi luôn sử dụng vật liệu thép cho những công trình của mình. Sự tìm tòi để các phần tử kết cấu luôn có tiết diện nhỏ nhất cùng với cách cấu trúc không gian tạo sự liên hệ giữa trong và ngoài đã đưa đến cho kiến trúc của ông toát lên một sự thanh thoát in đậm bản sắc của kiến trúc Nhật Bản.

Ngôi nhà dựa trên một hệ kết cấu phân chia rõ ràng, chiều rộng và chiều dài được chia đều thành các nhịp 2 x 3,2m và 3 x 4m. Khoảng sân được lấy ở bên cạnh theo hướng bắc để tránh những tia nắng trực tiếp vào nhà. Nó lấy một nhịp chiều rộng và hai nhịp chiều dài để lại ngôi nhà có hình chữ L. Với cách bố trí như vậy nó đã trở thành trọng tâm liên hệ các không gian trong nhà với nhau theo đường chéo, cái sẽ làm tăng chiều rộng của không gian cũng như làm mất đi giới hạn giữa trong và ngoài.

  • Ảnh bên : Cách bố trí sân tạo điểm nhìn theo đường chéo đã làm tăng chiều rộng của không gian cũng như đánh mất đi sự ngăn cách giữa trong và ngoài.

Ngôi nhà được xây dựng từ những phần tử lắp ghép công nghiệp. Ngoài hệ kết cấu bằng thép và tường ngăn bằng kính ra, tường hai bên cũng như mặt tiền được lắp ráp bởi những tấm panô bằng ximăng. Hệ tủ và đồ đạc trong nhà cũng được thiết kế theo môđun, tất cả được tính toán theo một thể thống nhất. Đó cũng là một hệ tư tưởng trong kiến trúc hiện đại mà người thiết kế đã ứng dụng cho đồ án.

Một điều rất thành công của ngôi nhà và cũng luôn là sự tìm tòi của KTS Waro Kishi trong thiết kế nhà tư nhân là tạo được sự kín đáo của gia đình nhưng cũng không vì thế mà đánh mất đi sự liên hệ với đô thị. Điều này được thể hiện khi khoảng sân được tạo ra là nơi liên kết giữa trong nhà và ngoài đường cùng với việc tổ hợp các phần tử tạo nên mặt tiền rất nhạy cảm lúc kín lúc mở.


Ngôi nhà cũng như đồ đạc đều được thiết kế từ những vật liệu công nghiệp chế tạo sẵn từ nhà máy / Sân là phần tử liên hệ giữa trong nhà và đô thị. Cách bố trí mặt tiền lúc kín lúc mở bởi các vật liệu khác nhau đáp ứng cho việc liên hệ này.

 

MON Factory House, Kyoto, 2007

KTS: Anna Nakamura, Taiyo Jinno, Ảnh: Koichi Torimura

Nằm ở trong khu vực Gojo ở Kyoto rất dày đặc về nhà ở, ngôi nhà MON Factory được thiết kế bao gồm nhiều chức năng. Tầng một có một cửa hàng nhỏ phía trước để lại một diện tích lớn phía sau dành cho thuê chỗ đỗ xe. Bà chủ nhà sống cùng cô con gái có một xưởng sản xuất các biển hiệu để gắn lên quần áo truyền thống. Xưởng sản xuất nhỏ này được đặt trên tầng hai cùng với khu sinh hoạt của gia đình.

Ở trong một môi trường không có gì đẹp đẽ, cùng với công việc đòi hỏi sự tập trung cao độ nên ngôi nhà quay vào bên trong tìm hướng mở lên trời. Hai giếng trời được tạo ra ở tầng hai để lấy ánh sáng, chúng cũng là những phần tử để phân chia các không gian khác nhau: xưởng sản xuất phía ngoài tiếp theo là không gian sinh hoạt chung và trong cùng là buồng ngủ. Sự tiếp nối lúc trong lúc ngoài này đã tạo ra sự xuyên suốt trong không gian và đánh mất đi sự ngăn cách giữa con người và thiên nhiên, không gian được hoà trộn giữa trong và ngoài cũng như tầm nhìn luôn được nới rộng không còn cảm giác khép kín của mặt tiền.

  • Ảnh bên : Hai khoảng sân chia tầng hai làm ba phần, ngôi nhà tìm hướng mở lên trời.

Vật liệu chính của ngôi nhà được cấu tạo bởi bêtông, vật liệu du nhập từ châu Âu. Đối với kiến trúc Nhật Bản thanh mảnh và có tính tạm thời thì dường như vật liệu này mang tính đối lập. Tuy nhiên, nó cũng được sử dụng rất thành công bởi một số kiến trúc sư mà nổi lên là Tadao Ando, người đã biết ứng dụng nó mà không quên nối liền với kiến trúc truyền thống khi đưa thời gian vào không gian. Hơn nữa cũng phải kể đến người dân Nhật Bản có tinh thần rất rộng mở luôn muốn ứng dụng những kỹ thuật mới.

Mặt tiền cũng là tường chịu lực của ngôi nhà được dựng như một tấm phẳng bẻ gãy khép kín, trên đó hai mươi sáu lỗ tròn nhỏ được đặt xung quanh tạo sự liên hệ duy nhất giữa trong nhà và ngoài phố. Những cửa sổ này làm tăng tính nặng nề của bêtông thể hiện đúng bản chất tự nhiên của vật liệu này.


Mặt tiền như một tấm phẳng bẻ gẫy khép kín, hai mươi sáu cửa sổ tròn nhỏ tạo liên hệ duy nhất với bên ngoài.


Khoảng sân trong mang lại gió và ánh sáng, nơi con người tiếp cận với thiên nhiên.


Khu sinh hoạt chung nằm giữa hai khoảng sân, sự hoà trộn không gian giữa trong và ngoài, giữa con người và thiên nhiên.


Hành lang giao thông nối liền các không gian / Các cửa sổ tròn xung quanh nhà nhận những tia sáng thay đổi trong ngày.


Lối vào nhà. Bêtông vừa là vật liệu chịu lực cũng vừa là vật liệu hoàn thiện / Các biển hiệu thường có dạng hình tròn đã mang đến ý tưởng cho các kiến trúc sư khi thiết kế những cửa sổ của ngôi nhà.

 

Natural Strata House, Kawasaki, 2003

KTS: Masaki Endoh, Masahiro Ikeda, Ảnh: Y.Takase

Cũng là một công trình mà vật liệu là chủ thể của đồ án. Hoàn toàn trái ngược với MON Factory ngôi nhà Natural Strata có bề ngoài rất mỏng manh và gợi cảm. Một lần nữa ta lại thấy những kiến trúc sư Nhật Bản đã biết ứng dụng những kỹ thuật mới trên hệ tư tưởng truyền thống, ngôi nhà biểu lộ rõ nét tính tạm thời.

Nằm trong một thửa đất nhỏ (65m2) ở thành phố Kawasaki gần thủ đô Tokyo, ngôi nhà được xếp đặt bởi hai khối. Khối to bao phủ toàn bộ thửa đất được cấu tạo như một cái “lồng” tổ hợp bởi những nan thép và một lớp bọc bằng vải bạt trắng. Khối nhỏ bên trong có ba tầng, tầng hai là buồng ngủ được khép kín xung quanh và bị kẹp giữa tầng một là buồng tắm và tầng ba là không gian sinh hoạt chung. Mặt bằng tầng một chỉ chiếm một phần phía sau để lại phía trước làm chỗ để xe.


Không gian sinh hoạt chung ở tầng ba được mở ra xung quanh.


Lối vào nhà ở tầng một, nơi vẫn còn liên hệ với đô thị nên được thiết kế thông suốt.

Để nói tới tính tạm thời, ở đây tác giả đã sử dụng hình thức để miêu tả tính chất. Những tấm vải bạt mang vẻ mong manh và dễ thay thế. Thực ra, chúng có độ bền rất tốt và là hệ quả của một ý tưởng then chốt khác. Hai kiến trúc sư Masaki Endoh và Masahiro Ikeda bắt đầu đồ án với ý tưởng tìm cách liên hệ giữa trong nhà và ngoài phố, giữa cá nhân với cộng đồng mà vẫn giữ được những không gian thầm kín nhất. Cuối cùng câu hỏi được đặt một cách khác đâu là biên giới của những không gian này và sử dụng những vật liệu gì để minh hoạ cho cái biên giới đó. Ngôi nhà được phân chia thành hai không gian chủ đạo, không gian sinh hoạt của gia đình và không gian trung chuyển với đô thị. Sự liên hệ từ trong ra ngoài cũng như từ ngoài vào trong thông qua các vật liệu có tính chất khác nhau đem đến sự thành công của ý tưởng.

Việc sử dụng vải bạt bao phủ hết diện tích đất làm cho ngôi nhà thẳng hàng với các nhà xung quanh, hơn nữa đó cũng là “lối chơi” về ánh sáng. Ban ngày ánh sáng tự nhiên tràn vào nhà nhưng buổi tối đến ánh sáng nhân tạo toả ra khu vực, ngôi nhà trở thành một đèn lồng lớn.


Ngôi nhà được tổ hợp bởi hai khối. Buổi tối nó trở thành chiếc đèn lồng toả ánh sáng ra ngoài thành phố. / Không gian trung gian liên hệ trong nhà và đô thị.


Cửa vào nhà, tính “tạm thời” trong kiến trúc Nhật Bản. / Buồng ngủ là nơi thầm kín nhất trong nhà được đặt khép kín ở tầng hai.

 

Extension House, Bordeaux, 2000

KTS: Sophie Dugravier, Ảnh: Monthiers, Vincent

Thay thế nhà để xe cũ một tầng, đây là phần cơi nới của ngôi nhà cổ xây dựng từ thế kỷ 18. Nằm ở vùng ngoại ô thành phố Bordeaux của Pháp, nơi mà kiến trúc cổ điển chiếm đa phần, cho nên việc tìm một hơi hướng hiện đại đã được xuất phát từ ý tưởng ban đầu.

Câu hỏi cơ bản luôn được đặt ra cho các nhà thiết kế là làm sao sáp nhập một công trình hiện đại vào môi trường cổ điển mà không làm vỡ đi cảnh quan tổng thể, cái giới hạn nào cho phép sự hoà nhập của hai thế giới này.

  • Ảnh bên : Ngôi nhà mới cơi nới, sự hoà đồng giữa cũ và mới.

Ngôi nhà được xây dựng bằng kết cấu thép hiện đại, nhưng thẳng hàng và cùng chiều cao với nhà chính. Mặt tiền có màu xanh lam ảnh hưởng từ màu rêu của nhà cũ. Cửa sổ đặt lệch xứng mang tính hiện đại, đồng thời nó có chiều rộng rất hẹp mang tới cho mặt tiền có dáng vẻ nặng nề phù hợp với kiến trúc xung quanh. Để tăng thêm tính nặng nề đó thì mặt tiền được tổ hợp bởi những tấm đá, cái mô tả đúng bản chất cần thiết.

Ngôi nhà có ba tầng với tầng một là garage để xe, tầng hai làm phòng khách và tầng ba dành cho buồng ngủ và buồng tắm. Cả ba tầng quay ra phía sân sau của ngôi nhà cũ để lấy ánh sáng tự nhiên và được nối liền với nhau bởi không gian cầu thang. Đây là không gian trụ cột của ngôi nhà tạo sự liên hệ theo chiều đứng. Cầu thang được cấu tạo bởi những nan gỗ cho phép ánh sáng truyền qua.

Không chỉ riêng mặt tiền được tính toán để cho phù hợp với khu vực, ngay cả mái của căn nhà cũng được thiết kế cong dựa theo mái chóp của những ngôi nhà xung quanh. Vừa tạo hình thức bên ngoài đồng thời mang đến cho không gian buồng ngủ một cảm giác mới.

 

AAG house, Albuixech, 2004

KTS: Manuel Cerda Perez, Ảnh: Joan Roig

Khác với ngôi nhà ở Bordeaux nằm trong khu vực có những công trình kiến trúc cổ giá trị, ngôi nhà AAG đứng cạnh những ngôi nhà tẻ nhạt giống nhau thường được tự xây bởi những người thợ ở tỉnh Albuixech của Tây Ban Nha. Tư tưởng thiết kế ở đây hoàn toàn khác hẳn, đối với ngôi nhà ở Bordeaux thì việc tìm kiếm một sự hoà đồng giữa cũ và mới là mục đích chính, ngược lại ngôi nhà AAG như muốn mang lại một điểm nhấn trong khu vực.

  • Ảnh bên : Mặt cắt của ngôi nhà. Không gian cầu thang tạo sự liên hệ theo chiều đứng.

Cũng như một số trường hợp nhà ống thường gặp, thửa đất ở đây có phần đuôi nở rộng. KTS Manuel Cerda Perez đã biết tận dụng nó để biến thành điểm mạnh của đồ án khi tạo một khoảng sân ở đây. Cùng với khoảng sân phía trước, chúng trở thành hai lá phổi của ngôi nhà không chỉ mang tới ánh sáng mà còn giúp không khí trong nhà được lưu thông. Cấu trúc của các không gian trong nhà được tính toán hướng ra hai khoảng sân này. Hai bancông được đặt ở đây tạo mối liên hệ theo chiều đứng và mang tới cảm giác treo lơ lửng trong không gian.

Ngôi nhà có hai tầng với tầng một là không gian sinh hoạt chung, tầng hai dành cho buồng ngủ. Cầu thang một vế dẫn cả lên sân thượng, nơi mọi người cũng thường lui tới để vui chơi. Bếp được đặt ở giữa buồng ăn và buồng khách, được thiết kế nửa kín nửa hở nên vừa có thể giấu đi những cái gì không muốn trình bày mà vẵn giữ được sự liên tục trong không gian. Toàn bộ phòng khách nhìn ra sân sau, với tường ngăn bằng kính đã làm mất đi sự ngăn cách giữa trong và ngoài, không gian được nới rộng gấp đôi. 

Mặt tiền ngôi nhà được cấu tạo bởi những nan nhôm đan lại với nhau, cái ngăn chặn ánh nắng truyền trực tiếp vào nhà nhưng vẫn cho phép gió thổi ngang qua. Nó như một bức tường rào vừa có hình thái làm nổi bật ngôi nhà trong khu vực vừa đem lại một giá trị sử dụng cần thiết phục vụ những con người sống đằng sau đó.

 

Thế giới đằng sau những "bộ mặt"

Với cùng một chủ đề “hướng nội”, tám ngôi nhà chỉ ra cho chúng ta tám cách tiếp cận vấn đề của kiến trúc hoàn toàn khác nhau. Tám bộ mặt che giấu tám thế giới khác nhau nhưng vẫn cùng chung một mục đích, đem đến một cuộc sống tốt đẹp cho những con người ở đằng sau đó. Hơn bao giờ hết người kiến trúc sư đã khẳng định vai trò quan trọng của mình, ngôi nhà vừa đảm bảo sự tiện nghi cho người sử dụng nhưng vẫn không quên đi sự liên hệ với đô thị. Với sự phát triển của đô thị như hiện nay, xu hướng thiết kế đã có phần thay đổi. Từ “đẹp” trong kiến trúc đã bị thay thế bởi từ “đúng” hay “hợp lý” của tổng thể.


Mặt tiền ngôi nhà AAG tạo điểm nhấn trong khu vực, ngôi nhà mới vẫn thẳng hàng và có cùng chiều cao với các nhà xung quanh (trái) / Mặt tiền một ngôi nhà ở Hà Nội. Sự tổ hợp của kiến trúc Pháp cổ với những tấm biển quảng cáo. Hai cửa sổ bị thay thế hoàn toàn bởi hai tấm biển. Sự “kết thúc” của kiến trúc! (phải)


Mặt bằng tầng một


Mặt bằng tầng hai

Bài viết hay nhắc tới phạm trù “hiện đại” hay cái “mới” của kiến trúc. Chúng ta nên hiểu cặn kẽ khái niệm “mới” ở đây vì nhà hướng nội không có gì là mới cả. Sự tái tạo và đổi mới cái cũ để thích ứng với cuộc sống mới là điều rất cần thiết. Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã mang tới cho hình thái của kiến trúc muôn màu muôn vẻ, nhưng điều quan trọng là “hồn” của kiến trúc luôn được lưu giữ và bảo tồn, cái sẽ quyết định bản chất riêng biệt của từng tư tưởng.

Bài viết cũng muốn gây nhạy cảm cho những chủ nhà trong việc tái tạo những khoảng sân hay giếng trời, cái đang bị thay thế bởi mục đích “số lượng” hơn là “chất lượng”. Nhiều nhà đã không nghĩ tới những không gian này vì chỉ muốn có thêm một hai buồng nhiều khi không sử dụng đến.

Và cuối cùng bài viết cũng muốn nói tới một tệ nạn đang lan tràn khắp các thành phố, các tấm biển quảng cáo quá cỡ với đủ loại màu sắc che kín mặt tiền. Những tấm biển với những bộ mặt lạnh lùng của các cô người mẫu, lạnh lùng không những ngăn chặn những tia sáng duy nhất vào nhà mà còn lạnh lùng xoá bỏ đi những giá trị và niềm tự hào của một dân tộc. Hy vọng đằng sau những bộ mặt lạnh lùng đấy vẫn còn có những tâm hồn khát khao ánh sáng, một ánh sáng cần thiết để tiến bộ. Vâng, chúng ta vẫn phải dựa vào niềm tin và hy vọng để sống, vì chỉ có nó mới giúp chúng ta tồn tại được trên thế giới này.

KTS Vũ Hoàng Sơn

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo