Ashui.com

Tuesday
Jan 21st
Home Chuyên mục Kiến trúc Công trình Đại học Đông Dương: Bất ngờ trước những trang trí hình bóng điện

Công trình Đại học Đông Dương: Bất ngờ trước những trang trí hình bóng điện

Viết email In

Đại học Đông Dương thành lập năm 1906 tiêu biểu cho nền tân học tiên tiến sau khi văn minh Phương Tây vào Việt Nam. Sau những cuộc bể dâu, những thăng trầm lịch sử, mỗi lần đứng trước đại sảnh đại học Đông Dương ở 19 - Lê Thánh Tông (Hà Nội), trong lòng tôi lại trào dâng những xúc cảm khó tả.

Khi thoáng nhìn lên cánh cửa gian chính sảnh Đại học Đông Dương, nếu là người am hiểu đồ án cổ truyền sẽ nghĩ ngay đến đồ án đồng tiền lồng vào nhau. Nhưng bình tâm nhìn kỹ lại, sẽ thấy đây là những chiếc bóng đèn dây tóc. Có cả thẩy 52 chiếc bóng đèn, có 32 cái nhìn thấy đủ toàn bộ đui đèn, bóng điện. 52 chiếc bóng này nội tiếp trong một chiếc cổng vòm, để rồi bao bọc lấy một cái cửa hình chữ nhật.

  • Ảnh bên : Hoa sắt trang trí hình bóng điện

Cái vòm cong này gợi nên hình tượng của bầu trời, sự hoàn mỹ của tỷ lệ cho chúng ta cảm giác hài hòa thanh thoát. Cánh cửa hình chữ nhật nội tiếp như muốn nói cánh cửa của đại học Đông Dương là cánh cửa để đi vào thế giới của tri thức.

Khi nói đến trí tuệ, tri thức là người ta nghĩ ngay đến ánh sáng, đến mặt trời, các vì tinh tú. Ở Khổng Miếu, Khúc Phủ (Trung Quốc), Khuê Văn Các chính là tòa nhà hai tầng to lớn lưu trữ thư tịch. Ở Việt Nam, năm 1805, trong lần trung tu Văn miếu, người xưa đã cho xây Khuê Văn Các phía trước "tấm gương nước" Thiên Quang Tỉnh (giếng Ánh sáng mặt trời). Sao Khuê là ngôi sao tượng trưng cho văn chương. Ánh sáng đồng hành với tri thức. Nhưng ánh sáng trí tuệ phương Đông mang màu sắc huyền bí mông lung. Đến thế kỷ 20, người Việt Nam biết đến một thứ ánh sáng khác, thứ ánh sáng vẫn rạng ngời khi mặt trời đi ngủ, thứ ánh sáng không sợ mưa gió. Đó là ánh sáng của đèn điện.
 
Bóng đèn điện là một phát minh tân kỳ của phương Tây xứng đáng trở thành một biểu tượng của thời đại mới. Edison, Thomas Alva (1847 - 1931) nhà phát minh Mỹ, phát minh ra hơn một ngàn phát minh, trong đó có bóng đèn điện. Từ thượng cổ, để xua đi đêm tối mịt mùng, nhân loại không ngừng tạo nên các nguồn sáng nhân tạo, từ củi, đuốc, nến, đèn dầu lạc, đèn dầu hoả, đèn khí ga, nhưng Edison muốn tạo ra một loại đèn thắp sáng thoả mãn được những tiêu chí sau:

- Phải giản tiện (chí ít như đèn khí ga)

- Có thể đặt ở mọi nơi

- Thắp sáng được trong mọi điều kiện

- Không có tiếng kêu

- Không có mùi hôi

- Không có khói

- Không ảnh hưởng tới sức khoẻ

Như vậy đèn điện không chỉ là biểu tượng của tiến bộ kỹ thuật mà đó còn là một biểu tượng nhân văn. Chặng đường đi từ biểu tượng Sao Khuê tới bóng đèn điện là chặng đường của nền giáo dục Việt Nam. 

  • Ảnh bên : Phân tích hình trang trí bóng điện

 


Bản thiết kế mặt tiền công trình Đại học Đông Dương

Thời gian qua đi, chúng ta càng thêm kính phục tài năng và tầm văn hoá của kiến trúc sư lỗi lạc Ernest Hebrard. Ernest Hebrard - tác giả của công trình kiến trúc trường Đại học Đông Dương (1923 - 1925) đã khởi xướng nên một phong cách kiến trúc Đông Dương với một loạt công trình kinh điển. Nhất quán với quan điểm kiến trúc tích hợp các giá trị văn hoá Á - Âu, ta thấy ở đây trên mặt tiền tòa giảng đường dày đặc hình hoa văn chữ Vạn (cách thức này vốn rất quen thuộc trong kiến trúc đình chùa Việt), hình bát giác, hình cuốn thư truyền thống trang trọng trên lối vào. Trong cuốn thư đề hai chữ Chính Hạt bằng tiếng Hán ý rằng đây là trụ sở trung ương.

Gần đây, khi tân trang lại giảng đường Đại học Đông Dương, rất tiếc do kinh phí hoặc hạn chế về chuyên môn, người ta đã thay kính phủ mầu bằng kính hoa dâu, các viền sắt từ mầu xanh rêu chuyển sang màu ghi đã làm hỏng đi rất nhiều hiệu quả lung linh khi đứng từ trong nhìn ra ; và sự mạch lạc của họa tiết bóng đèn khi nhìn từ bên ngoài. Vầng, sẽ còn đẹp hơn rất nhiều nếu như thanh treo cờ chuyển lên cao, bỏ tấm biển gỗ ra khỏi vòm cổng.

Trần Hậu Yên Thế

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...