Ashui.com

Wednesday
Dec 11th
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Biến đổi khí hậu – nguồn gốc của siêu bão Yagi

Biến đổi khí hậu – nguồn gốc của siêu bão Yagi

Viết email In

Siêu bão Yagi (bão số 3) là cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua tại Biển Đông đã càn quét qua Philippines, Trung Quốc và Việt Nam mang theo sự tàn phá trên diện rộng. Sức công phá khủng khiếp của bão Yagi đã là minh chứng cho sự dữ dội của các cơn bão do biến đổi khí hậu gây ra.  


Đường đi của bão Yagi (Ảnh: VietNamNet)

Yagi được xác nhận là siêu bão với sức gió cấp 16, giật trên cấp 17. Các siêu bão trước đây chủ yếu hình thành ở vùng biển Tây Bắc Thái Bình Dương, sau đó đi vào Biển Đông và thường giảm cường độ, hiếm có siêu bão nào hình thành trên Biển Đông như Yagi.

Theo giới chuyên gia về thời tiết, Yagi là cơn bão có cường độ mạnh nhất hoạt động trên Biển Đông trong khoảng 30 năm gần đây. Với sức gió lên tới 240 km/giờ, Yagi là cơn bão nhiệt đới mạnh thứ hai thế giới trong năm 2024 cho đến nay, chỉ đứng sau cơn bão Beryl ở Đại Tây Dương.

Yagi mang theo gió mạnh và mưa lớn, tại Trung Quốc, sau khi đổ bộ vào các tỉnh Hải Nam và Quảng Đông ngày 6/9 đã làm 3 người thiệt mạng và 95 người bị thương, gây mất điện trên diện rộng và khiến hàng loạt cây cối bật gốc, nhà cửa hư hại nghiêm trọng… Chính quyền các địa phương trên đã sơ tán hơn 400.000 người để tránh bão.

Tại Việt Nam, siêu bão Yagi (bão số 3) ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình và Hà Nội.

Cơ quan khí hậu của Liên hợp quốc đã đánh giá, trên toàn cầu, tần suất các cơn bão nhiệt đới không tăng và trên thực tế, số lượng có thể đã giảm. Nhưng tỷ lệ các cơn bão nhiệt đới trên toàn cầu đạt đến cấp độ ba trở lên, nghĩa là đạt tốc độ gió cao nhất đang tăng lên.

Các nhà khoa học nhận định, đại dương nóng hơn do biến đổi khí hậu đang khiến các cơn bão mạnh lên và nhanh hơn. Sự gia tăng nhanh chóng của bão nhiệt đới trong khí hậu ấm hơn là điều đáng lo ngại. Đặc biệt, rất khó dự đoán đường đi của bão nhiệt đới, dẫn đến khó khăn trong việc truyền đạt mối nguy hiểm cho cư dân ven biển, nên thiệt hại sẽ gia tăng.

Trước khi vào Biển Đông, Yagi chỉ là một cơn bão nhiệt đới với sức gió tối đa là 90km/giờ, nhưng đã nhanh chóng mạnh lên với gió giật trên cấp 16 nhờ điều kiện vô cùng thuận lợi là mặt biển ấm…

Khí nhà kính do hoạt động của con người phát thải khiến nhiệt lượng bị giữ lại trong nước biển, dẫn tới nước bốc hơi nhiều hơn và nhiều hơi ẩm trong không khí hơn. Khi tràn qua, bão hấp thụ hơi ẩm đó, dẫn tới những cơn bão chậm nhưng mạnh hơn như bão Ian. (NetZero.VN)

Từ tháng 4/2023 đến tháng 6 năm nay, nhiệt độ bề mặt trung bình hằng tháng của các đại dương trên toàn cầu đạt mức cao kỷ lục (theo dữ liệu ghi nhận từ năm 1979). Các đại dương đã hấp thụ hơn 90% lượng nhiệt dư thừa bị giữ lại trong hệ thống trái đất do hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Sự khởi đầu của hiện tượng El Nino, mô hình khí hậu đối lập với La Nina vào năm 2023 cũng góp phần làm cho nước biển ấm hơn. Đại dương ấm lên không chỉ góp phần tạo ra bão mà còn làm tan băng khiến nước biển dâng cao, làm suy yếu hoàn lưu đảo ngược kinh tuyến Đại Tây Dương – một hệ thống các dòng hải lưu đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí hậu của hành tinh.

Cuối tháng 7/2024, cơn bão Gaemi đổ bộ vào Philippines, Đài Loan (Trung Quốc) và tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc), gây ra lũ lụt và lở đất, phá hủy nhiều công trình xây dựng, khiến ít nhất 100 người thiệt mạng, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người. Gió mạnh tới 233km/giờ đã đánh chìm hai con tàu lớn, gây lũ lụt khiến nước ngập sâu ở Manila (Philippines).

Phân tích của các nhà nghiên cứu từ tổ chức đánh giá về thời tiết trên thế giới WWA cho thấy, hiện tượng nóng lên toàn cầu và việc đốt nhiên liệu hóa thạch khiến tốc độ của bão Gaemi nhanh hơn khoảng 14km/h và lượng mưa cao hơn tới 14%.

Kể từ năm 1900, số lượng các cơn bão mạnh như Gaemi ở Tây Bắc Thái Bình Dương đã tăng 30%, trong bối cảnh lượng khí thải carbon từ nhiên liệu hóa thạch tiếp tục tăng. Hàng trăm nghiên cứu khoa học cũng chung nhận định, biến đổi khí hậu đã dẫn đến các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, cực đoan như nắng nóng, cháy rừng, hạn hán, lũ lụt, bão lốc…

Tiến sĩ Ben Clarke, thuộc Đại học Hoàng gia London và là thành viên của nhóm WWA, cho rằng: “Sự nóng lên do nhiên liệu hóa thạch đang mở ra một kỷ nguyên mới của những cơn bão lớn hơn, chết chóc hơn. Sự thật phũ phàng là chúng ta sẽ chứng kiến nhiều cơn bão tàn khốc hơn như bão Gaemi khi khí hậu ấm lên. Châu Á sẽ trở thành nơi ngày càng nguy hiểm bởi những cơn bão kiểu này cho đến khi nhiên liệu hóa thạch được thay thế bằng năng lượng tái tạo”.

Như vậy, nếu các quốc gia trong khu vực không có quyết sách mạnh mẽ và trách nhiệm, chung tay đẩy lùi những nguy cơ do biến đổi khí hậu gây ra, chắc chắn sẽ phải gánh chịu thiệt hại nhiều hơn từ sức công phá khủng khiếp của những cơn bão.

Thùy Dương 

(Hà Nội Mới / video: VTV9)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo