Ashui.com

Saturday
Apr 20th
Home Chuyên mục Phong thủy Trong ngôi nhà nhiệt đới gió mùa

Trong ngôi nhà nhiệt đới gió mùa

Viết email In

Không cổ suý cho mê tín, song cũng phải nhìn nhận rằng, chẳng phải vô cớ mà mấy ông thầy địa lý ngày xưa có thể sống tốt bằng… khiếu nói với chút diễn ngôn có màu sắc phong thuỷ huyền bí. Giải trừ bớt những mù sương mê hoặc quanh trò chỉ trỏ kia, có thể thấy, có vẻ như từ lâu, ông bà ta đã rất quan tâm đến việc ở sao cho phải phép, hoà thuận với đất trời, không hỗn nghịch với sự vần xoay của thiên nhiên mùa màng.

Ngôi nhà không dừng lại là chỗ chui ra chui vô (như một hang đá đối với bầy tinh tinh hoang dã) mà là nơi để an trú. Rồi từ an trú che nắng che mưa, người ta đi thêm một bước xa nữa, là tận hưởng. Nhưng tận hưởng đặt trong cái nghĩa lý của sự hài hoà với sinh thái, nương theo điều kiện sinh quyển mà sống. Con người thở trong hơi thở của ngôi nhà. Đặc điểm sinh thái, vì vậy mà ảnh hưởng đến nếp ăn nếp ở của con người. 


Một không gian kiến trúc thuộc địa ở bến Bình Đông, quận 8, TP.HCM.
(ảnh: Nguyễn Nguyên Thảo) 

Những người sinh ra ở vùng nông thôn ngày trước sẽ không lạ gì việc người nông dân dùng chính chất liệu tranh tre nứa lá có sẵn trong thiên nhiên để dựng nhà. Đất sét, đất ụ mối trộn nhào với rơm khô, dựng theo sườn tre mà làm nên những bức tường nhà kiên cố. Những bức tường đất này có tác dụng “điều hoà không khí” một cách tự nhiên. Ngày nay, lên vùng cao Tây Bắc, vẫn còn thấy rất nhiều nhà trình tường. Chuyện ưu tiên sinh thái trong chất liệu xây dựng hoá ra là một kinh nghiệm sống được cài đặt từ lâu trong tâm thức cộng đồng, từ “tâm tính ở” của những người dân bình thường, trong tay không có một lý thuyết nào để múa máy. 

Kho kinh nghiệm dân gian đó, bên cạnh sự bung xung khó tránh khỏi, đã thiết lập nên những giá trị bền vững mà những nhà lý thuyết kiến trúc hiện đại khi tìm về giải mã, đã không khỏi ngỡ ngàng. Và chìa khoá duy nhất, cốt yếu của sự việc trên, là: ông bà mình đã xác lập triết lý bất thành văn về không gian ở, hình thành nếp ở trên cơ sở “lắng nghe” được đặc điểm của vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm mà ngôi nhà bị chi phối. Họ thấu hiểu được quy luật thời tiết trong “thói quen” mưa nắng vần xoay và đúc kết được sự lành, độc của từng cơn gió, sự tương tác của các yếu tố tự nhiên trong sinh quyển tạo nên sự khô, hanh, nóng, lạnh hay ẩm ướt theo từng mùa để có những bố trí thích hợp. Chính lúc lắng nghe vạn vật là con người lắng nghe, trở về với chính bản thể của mình. Về điều này, chuyên gia kiến trúc sinh thái, KTS Ken Yeang, tác giả cuốn Thiết kế với thiên nhiên (Nguyễn Huy Côn dịch, Trần Đỗ Quyên hiệu đính, NXB Tri Thức, 2011) đứng trên quan điểm kiến trúc hiện đại đã đúc kết rất gọn và sâu sắc: “Quá trình thiết kế là một hình thức chuẩn bị cho việc thống kê các tác động môi trường”. 

Chính sự “chuẩn bị cho việc thống kê” đó, dù lập thuyết hay không, đã là một thái độ ứng xử với ngôi nhà, với môi trường. 

Người Pháp khi đặt chân đến Đông Dương đã rất biết lắng nghe sinh thái trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các công trình kiến trúc công cộng và nhà ở. Họ hiểu rằng khó có thể bê nguyên xi mô hình các công trình châu Âu để áp đặt vào những xứ “nhiệt đới buồn” này, mà phải vay mượn, kết hợp, tiếp biến trong các giải pháp gắn liền với đặc điểm sinh thái bản địa. Cho nên việc nghiên cứu và chọn lựa sử dụng chất liệu đã được quan tâm. Khi tìm lai lịch, sự tham gia của cây cừ tràm vào lịch sử kết cấu, những nhà nghiên cứu truy ra một chi tiết “tiểu sử” thú vị: cây cừ tràm đã được người Pháp dùng để ép cọc xây móng Nhà hát TP.HCM từ cách đây 100 năm. Thiết kế những dãy cửa chớp lấy sáng và thông gió trong các công trình kiến trúc nhà ở và công cộng cũng là giải pháp phổ biến ở những công trình kiến trúc thuộc địa mà người Pháp để lại. Điều kiện khí hậu đã quy định thủ pháp kiến trúc, rồi từ đó, nó tạo ra những sắc thái riêng có về một diện mạo không gian sống. Nó không đơn thuần là câu chuyện lý tính, mà tác động đến cảm quan, giác quan. Có thể cảm nhận thấy điều này khi đọc những câu chữ ẩm đầy nhựa sống và nỗi buồn trong không gian văn chương Marguerite Duras khi bà mô tả hành trình của cô gái 17 tuổi dị chủng với cuộc tình tuyệt đẹp và đầy tuyệt vọng gắn với khung cảnh xứ thuộc địa Nam Kỳ, Việt Nam (tiểu thuyết Người tình). Rồi cũng có thể nhận ra cái khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm đó trong những thước phim dựa trên tiểu thuyết này, mô tả ngay cả những scene nồng nàn ái tình giữa chàng trai gốc Hoa và cô gái gốc Pháp trong một ngôi nhà có thứ ánh sáng đặc thù của hình thái kiến trúc thuộc địa ở khu Chợ Lớn, Sài Gòn mà đạo diễn Jean-Jacques Annaud thể hiện rất tài tình; đến cái đưa mắt nhìn sông nước, cửa nhà vừa xa xôi vừa thân thiện của minh tinh Jane March nói lên thứ ẩn ngữ của một sự dịch trôi, xô dạt thân phận ở chốn quê xứ đầy những giới tuyến buồn, theo cách nói của triết gia Claude Lévi-Strauss. 

Ngôi nhà đã cùng con người đi từ những mô hình hài hoà với thiên nhiên sang những thành tựu ngạo nghễ của văn minh – công năng. Từ sự thoáng đãng nhẹ nhàng của sinh thái sang phô bày sức mạnh trương nở, va đập của các yếu tố nhân tạo. Trong hành trình mà chúng ta vẫn gọi là đô thị hoá ồ ạt và đầy huyễn hoặc đó, chiều tiến hóa nơi ngôi nhà vô hình trung lại bị đảo nghịch: ngôi nhà không còn thở với con người mà trở thành nơi dung chứa, nương náu của những tiện nghi, ngôi nhà cắt đứt sự thân thiện với bối cảnh môi trường chung quanh với các thiết bị mang lại cảm giác dễ chịu cho bên trong, bất chấp thán khí thải ra cho bên ngoài, ngôi nhà trở thành nơi nương náu tạm bợ thay vì an trú và tận hưởng… Mãi chạy theo những hào nhoáng lai căng hay tệ nhũng nhiễu lạm quyền trong quy hoạch, yếu tố về đặc thù nhiệt đới gió mùa một thời đã không được các kiến trúc sư, nhà quy hoạch mảy may để tâm. Và chính sự trở mặt bất chấp môi sinh trong cách ăn ở đã tác động tiêu cực trở lại với sinh thái. Chính trong lúc này, chúng ta chứng kiến sự bất định của thời tiết mưa nắng, của chế độ gió mùa, sự bất trắc nơi những con sông, mực nước biển đến sự thất thường của cây cỏ quanh nhà. 

Chưa bao giờ câu hỏi “chuẩn bị cho việc thống kê các tác động môi trường” lại day dứt như lúc này đối với những nhà thiết kế kiến trúc. Những công trình từ mây tre mái lá thân thiện, mang trong nó biểu tượng, hồn vía văn hoá, có tác dụng tiết kiệm năng lượng năm xưa nơi thôn quê xuất hiện trong thành phố nay được các kiến trúc sư có ý thức sinh thái “nhắc lại” ở một cấp độ khác. Những không gian vườn tược được chăm chút nhiều hơn trong mỗi ngôi nhà. Tính tương thông giữa bên trong với bên ngoài, nguyên tắc khí động học được tính toán nhiều trong những giải pháp kiến trúc. Những cách thế xử lý hiện đại ứng phó với sự “cực đoan” của mưa gió thời tiết, lại vừa đảm bảo tính công năng, thẩm mỹ, văn hoá có tính bản sắc chưa bao giờ được chú trọng hơn lúc này. 

Trở lại với tinh thần nhiệt đới gió mùa ẩm, hành trình tưởng chừng tự nguyện được phát động bởi những trào lưu môi sinh, nhưng không, nó xuất phát từ nhu cầu nội sinh, tìm đến một hoà khí sống mà từ lâu sự cuồng tín thực dụng đã can thiệp, gây nhiễu. Đó là cuộc hành trình xác định lại giá trị sống còn của chính mình trong một viễn cảnh nhiệt đới gió mùa ẩm được cộng thêm bởi quá nhiều những yếu tố bất định đe doạ sẽ đến từ tương lai. 

Nguyễn Nguyên Thảo 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo
Bảng quảng cáo