Thời gian gần đây ở Việt Nam, trước thực trạng quá tải của những đô thị lớn về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, chúng ta nghe nhắc nhiều đến cụm từ “thiết kế đô thị” và được hiểu như một phần của một đồ án quy hoạch xây dựng cụ thể nhằm mục tiêu cải tạo bộ mặt và không gian đô thị.
Với tư cách là một lĩnh vực học thuật được giảng dạy trong các trường đại học và một lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp chuyên nghiệp được xã hội công nhận, khái niệm “thiết kế đô thị” lần đầu được nêu ra tại một cuộc hội thảo được tổ chức tại Đại học Havard (Hoa Kỳ) vào tháng 8 năm 1956. Giáo sư chủ tọa José Luis Sert tuyên bố: “Thiết kế đô thị là một phần của quy hoạch đô thị nhằm giải quyết vấn đề hình thức vật chất (physical form) của thành phố. Đây là phần sáng tạo nhất của quy hoạch đô thị mà trong đó năng lực sáng tạo thẩm mỹ đóng vai trò quan trọng”.
Cảng du lịch quốc tế Tuần Châu – Hạ Long.
Ở Việt Nam, khái niệm “thiết kế đô thị” lần đầu tiên được đề cập có tính pháp lý trong Luật Xây dựng năm 2003 với định nghĩa là việc cụ thể hoá nội dung quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị về kiến trúc các công trình trong đô thị, cảnh quan cho từng khu chức năng, tuyến phố và các khu không gian công cộng khác trong đô thị, tuy nhiên sự ứng dụng của thiết kế đô thị trong đồ án quy hoạch còn nhiều hạn chế và đa phần chỉ dừng ở mức độ nghiên cứu trên bản vẽ, thiếu tính thực tiễn. Về mặt đào tạo, bộ môn ‘thiết kế đô thị’ thuộc khoa Quy hoạch Trường đại học Kiến trúc Hà nội được thành lập năm 2001, tách ra từ bộ môn "Quy hoạch đô thị". Môn thiết kế đô thị là một môn học trong quá trình đào tạo kiến trúc sư quy hoạch.
Thiết kế đô thị là công việc không mới. Từ nền văn minh Cổ Đại (3.500 năm trước Công Nguyên-Thế kỷ V sau Công Nguyên), đến nền văn minh Trung Đại (Thế kỷ V-Thế kỷ XV), rồi nền văn minh Phục Hưng (Thế kỷ XV-Thế kỷ XVII) đã để lại cho nhân loại những thành phố, quảng trường, không gian công cộng đẹp, hoành tráng, nhiều xúc cảm với nguyên lý thiết kế nghiêm ngặt. Đó là một dẫn chứng tiêu biểu của sự thực hành thiết kế đô thị. Tuy nhiên khái niệm ‘thiết kế đô thị’ thì chưa được đề cập đến. Cuối những năm 1800, trong bối cảnh nền kinh tế công nghiệp, thành phố được coi là nơi đông đúc, mất vệ sinh, nơi sản sinh ra bệnh tật, rác rưởi và là sự suy tàn của xã hội. Như một phản ứng, lĩnh vực quy hoạch bắt đầu quan tâm giải quyết những căn bệnh phổ biến của đô thị, đó là suy nghĩ và thực hành của thiết kế đô thị. Thiết kế đô thị không chỉ xem thành phố như một tập hợp các công cụ chức năng mà nhìn nhận nó như một tổng thể nhiều mặt mang tính thẩm mỹ, văn hoá, vì vậy ngoài việc tập trung vào môi trường xây dựng thiết kế đô thị nghiên cứu quá trình lịch sử hình thành phát triển của đô thị đó.
Với việc giải quyết các vấn đề của đô thị, thiết kế đô thị được nhìn nhận qua hai trào lưu rõ rệt: Thứ nhất cho rằng thiết kế đô thị hiện đại phải mở những khu trung tâm đô thị truyền thống chật chội, ách tắc và mất vệ sinh, cần phải thay chúng bằng những cao ốc sáng sủa, thoáng khí, đầy đủ tiện nghi mà vẫn giữ được mật độ cao, đồng thời dành chỗ cho công viên, cây xanh, chỗ thư giãn, và thiết lập hệ thống giao thông cao tốc; Trào lưu thứ hai là việc tìm cách đóng không gian lại bằng các công trình kiến trúc, để tạo ra những khoảng trống tiện dụng, phù hợp với tỷ lệ và cảm nhận của con người, quan điểm này nhấn mạnh tính lịch sử, bản sắc, ấm cúng, liên tục của đô thị và cho rằng chúng quan trọng hơn là tính mới mẻ, tốc độ cao, hình khối mạnh mẽ.
Quy hoạch đô thị biến đổi sâu sắc vào khoảng giữa Thế kỷ XX. Quy hoạch biến đổi từ kỹ thuật thiết kế và thể hiện bản vẽ thành khoa học với một loạt những khái niệm và tư duy từ các ngành khoa học xã hội (chính trị học, kinh tế học, xã hội học và tâm lý học). Và sự biến đổi này đã thúc đẩy ‘thiết kế đô thị’ ra đời để quán xuyến yếu tố hình thức của đô thị nay không còn là mối quan tâm của các nhà quy hoạch, đồng thời cũng cho thấy sự chuyển dịch dần từ quan niệm thứ nhất sang quan niệm thứ hai trong việc xác định vai trò của thiết kế đô thị.
Một dãy phố ven sông vừa được tạo dựng ở ngoại ô TP Melbourne Australia
Song hành cùng những thực hành trong xây dựng đô thị, các nghiên cứu về thiết kế đô thị cũng ra đời biến bộ môn này thực sự là một khoa học để giải quyết vấn đề xã hội quan tâm. Năm 1960, với tác phẩm The image of the City (Hình ảnh của thành phố) Kevin Lynch mang lại một công cụ về thiết kế đô thị đó là mối liên hệ của con người với không gian sống thông qua những yếu tố: tuyến,biên, giao điểm, điểm nhấn và khu vực. Những yếu tố trên được coi là bộ công cụ để các nhà thiết kế đô thị ‘đọc’, ‘hiểu’ và ‘kiến tạo’ những nơi chốn có phương pháp luận để các đô thị được xác định rõ ràng về mặt không gian, cấu trúc không chỉ với những người kiến tạo không gian mà cả với những cư dân của đô thị đó. Vào năm 1961, một tác phẩm kinh điển khác của lĩnh vực thiết kế đô thị ra đời : The concise townscape (Cảnh quan đô thị súc tích) của kiến trúc sư Gordon Cullen. Giống như Lynch, Cullen quan tâm tới cách con người cảm nhận về môi trường sống thông qua thị giác, nhưng ông nhấn mạnh về tác động cảm xúc hơn là khả năng “đọc”môi trường. Cullen định nghĩa thiết kế đô thị là nghệ thuật về mối quan hệ (the art of relationship). Ông cho rằng con người tiếp nhận môi trường đô thị thông qua di chuyển và định vị trong môi trường đó. Từ đó ông phát triển khái niệm Tầm nhìn chuỗi (Serial Vision), trong đó giải trình các hình ảnh đô thị được coi như là một chuỗi các khám phá. Tiếp theo đó, năm 1965, kiến trúc sư Christopher Alexander trong bài luận ‘A city is not a tree’ (Thành phố không phải là một cái cây) cho rằng sự phức hợp của các đô thị cần được xem xét như một mạng lưới đa lớp, thay vì chỉ là một biểu đồ hình cây, với sự chia rẽ các chức năng. Năm 1979, trong tác phẩm ‘The timeless way of building’ (Phương pháp xây dựng vĩnh cửu), tác giả kêu gọi việc quay trở lại phương pháp thiết kế truyền thống, trong đó cho phép không gian hình thành một cách tự nhiên và mọi người đều tham gia vào quá trình thiết kế.
Bất chấp những nghiên cứu và thực hành diễn ra từ những năm 60 ở thế kỷ trước, thiết kế đô thị vẫn là một lĩnh vực mà việc định nghĩa luôn gặp khó khăn bởi sự phân mảng thiếu thống nhất giữa lĩnh vực này với quy hoạch đô thị, kiến trúc cảnh quan và kiến trúc công trình. Với sự phức tạp của đô thị Thế kỷ XX, các định nghĩa, khái niệm cũng như xác định vai trò của ‘thiết kế đô thị’ càng trở nên không rõ ràng và chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.
Đặc biệt ở Việt Nam, sự phân biệt giữa lĩnh vực ‘thiết kế đô thị’ với quy hoạch và kiến trúc càng không rõ ràng, định nghĩa khái niệm và xác định vai trò của “thiết kế đô thị” là việc khó khăn hơn rất nhiều. Trước hết, quy hoạch đô thị tại Việt Nam vẫn là một lĩnh vực gần gũi với kiến trúc và vai trò của các nhà chuyên môn là đảm bảo tính “thẩm mỹ” của đô thị. Bản thân những người thực hiện quy hoạch thường là các kiến trúc sư với nền tảng giáo dục đôi khi thiếu các kiến thức về khoa học xã hội và nhân văn vốn cần thiết cho cả quy hoạch lẫn thiết kế đô thị. Thứ hai, điều kiện kinh tế - xã hội Việt Nam đương đại không tương đồng với phương Tây những năm 1960 khi thiết kế đô thị ra đời. Hình ảnh nhà cao tầng, đường cao tốc là nhu cầu và mong ước của đại bộ phận dân chúng và là hiện tượng được nhìn nhận tích cực hơn là tiêu cực. Bên cạnh đó, những vấn nạn của đô thị phương Tây (như ngoại ô hóa mật độ thấp, sự trống vắng trong các không gian công cộng,…) mà “thiết kế đô thị” nỗ lực giải quyết hoàn toàn trái ngược với hiện thực Việt Nam, nơi mà các vấn nạn lại là mật độ công trình và dân số quá cao và có quá nhiều hoạt động diễn ra trong không gian công cộng. Thứ ba, “thiết kế đô thị” là công cụ tạo dựng mối liên hệ giữa con người và không gian sống và nhấn mạnh và thiết kế không gian công cộng. Tuy nhiên mối quan hệ con người – nơi chốn cũng như khái niệm về không gian công cộng thay đổi theo từng nền văn hóa và thực sự vô cùng khác biệt giữa Việt Nam và thế giới phương Tây. Và lý do đặc biệt xuất phát từ lịch sử, với nền kiến trúc bắt đầu có bản vẽ và được nghiên cứu bài bản như một môn khoa học, một nghề nghiệp chính quy từ thời kỳ Pháp thuộc, với nền kiến trúc gỗ trong khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa lại trải qua nhiều giai đoạn chiến tranh, Việt Nam thiếu những đô thị có lưu giữ nhiều hình ảnh của quá khứ, được nghiên cứu thiết kế xây dựng bài bản làm ví dụ cho việc thực hành ‘thiết kế đô thị’ đây là một khó khăn thật sự cho việc nghiên cứu, tìm hiểu và thực hành bộ môn khoa học này.
Đặt ra những vấn đề trên để thấy cần có có những nghiên cứu cụ thể trong học thuật và thực hành chuyên môn để định nghĩa lại khái niệm ‘thiết kế đô thị’ phù hợp với văn hoá và môi trường sống của người Việt Nam. Việc đưa các quy định về thiết kế đô thị vào trong hồ sơ quy hoạch hiện nay xem ra thiếu sự thống nhất về khái niệm và phương pháp thiết kế đô thị. Thực tế thiết kế đô thị là để chỉ một công việc nói chung hơn là một loại bản vẽ cụ thể. Việc sử dụng những bản vẽ minh họa tuyến phố như là bản vẽ thiết kế đô thị hiện nay là một hình thức đảm bảo về mặt thủ tục của một đồ án quy hoạch, thiếu tính nghiên cứu cũng như tính thực tiễn để đưa vào quá trình thực hiện đồ án quy hoạch. Ứng dụng thiết kế đô thị tại Việt Nam cần những nghiên cứu về văn hóa, xã hội và môi trường để đảm bảo tính mục đích và hiệu quả xây dựng đô thị.
Thương Nhung
(Báo Xây dựng)
- Ưu tiên gì trong phát triển đô thị xanh tại Việt Nam?
- Quy hoạch và quản lý vườn hoa, sân chơi tại khu dân cư khu vực nội thành Hà Nội
- Những kinh nghiệm chỉnh trang đô thị từ Nhật Bản
- Đừng để mất không gian công cộng ven biển miền Trung
- Thủ Thiêm: Nửa thế kỷ long đong quy hoạch
- Những đô thị đầu tiên - đô thị thần quyền
- Nhận thức lại các khái niệm trong Quy hoạch xây dựng
- Phát triển đô thị theo giao thông công cộng
- Bàn về quản lý, phát triển đô thị theo quy hoạch
- Làm sao nơi ở của chúng ta lành mạnh và đáng sống?