Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn mới: Đáp ứng quỹ đất cho phát triển đô thị

Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn mới: Đáp ứng quỹ đất cho phát triển đô thị

Viết email In

Quy hoạch sử dụng đất phải bảo đảm tính tổng thể, tầm nhìn dài hạn, hài hòa giữa mục tiêu phát triển và bảo vệ, bảo tồn, đảm bảo tiềm năng, nguồn lực đất đai được sử dụng một cách hiệu quả.

Đất đai phải được sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững; được khai thác, sử dụng dựa trên khả năng cung ứng tự nhiên của hệ sinh thái (thuận thiên); được lượng hoá, hạch toán đầy đủ để bảo vệ không gian sinh tồn, bảo vệ môi trường, duy trì dịch vụ hệ sinh thái, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.


Về quy hoạch phát triển quỹ đất cần bảo đảm phát triển quỹ đất theo hướng khai hoang, lấn biển; xây dựng công trình ngầm trong lòng đất tại khu vực có đủ điều kiện.

Sử dụng hiệu quả quỹ đất

Bồi bổ, phục hồi, bảo vệ và nâng cao chất lượng đất, nhất là chất lượng đất canh tác nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch sử dụng đất của các cấp, đảm bảo quy hoạch sử dụng đất là quy hoạch nền tảng cho các quy hoạch có sử dụng đất khác, được quản lý đồng bộ, thống nhất, phù hợp với cơ chế thị trường, làm cơ sở để phân bổ không gian phát triển trên mặt đất, trên không, và không gian ngầm cho các cấp, các ngành, lĩnh vực có sử dụng đất.

Quy hoạch sử dụng đất là cơ sở để quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ đất công; đất do công ty nông, lâm nghiệp, doanh nghiệp nhà nước, tổ chức nhà nước khác quản lý, sử dụng; đất quốc phòng, an ninh; đất tôn giáo, tín ngưỡng; đất sử dụng đa mục tiêu; tích tụ, tập trung đất nông nghiệp.

Về phương pháp, quy hoạch sử dụng đất được xây dựng theo phương pháp tiếp cận cảnh quan, dịch vụ hệ sinh thái, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững tổng thể quốc gia, là quy hoạch nền tảng, cơ sở của các quy hoạch có sử dụng đất của ngành, lĩnh vực, vùng và địa phương tạo tính liên kết liên vùng, liên tỉnh nhằm khai thác thế mạnh, tiềm năng đất đai của từng vùng, địa phương, là cơ sở để thực hiện chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất gắn liền với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phân công lao động đáp ứng yêu cầu công nghiệp, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.

Về bảo vệ môi trường, bảo tồn tự nhiên, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo đảm khả năng chịu tải của môi trường, khả năng cung ứng dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên, bảo đảm an ninh lương thực, cần khoanh vùng bảo vệ môi trường, tài nguyên đất theo 3 ranh giới, 4 khu vực, đặc biệt trú trọng bảo vệ nghiêm ngặt diện tích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất khu bảo tồn thiên nhiên, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên và đất di tích danh thắng nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, quản lý diện tích rừng bền vững; bảo đảm hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái và đa dạng sinh học; bảo vệ nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Về quy hoạch phát triển quỹ đất, cần bảo đảm phát triển quỹ đất theo hướng khai hoang, lấn biển; xây dựng công trình ngầm trong lòng đất tại khu vực có đủ điều kiện; đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, đô thị, thực hiện dồn điền, đổi thửa tại đô thị, điều chỉnh đất đai đô thị, thu hồi đất vùng phụ cận, phát triển hệ sinh thái đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch dọc theo các hướng tuyến hạ tầng giao thông theo phương pháp tiếp cận định hướng phát triển theo hạ tầng giao thông (TOD) để khai thác, sử dụng hiệu quả tiềm năng đất đai tại các vùng trung du, miền núi, biên giới, ven biển và hải đảo.


Đất đai phải được sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững

Về ưu tiên phát triển, cần ưu tiên bố trí đủ quỹ đất để xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, tập trung phát triển các hạ tầng then chốt, có sức lan tỏa lớn; đáp ứng quỹ đất cho phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới; đặc biệt đối với vùng miền núi, biên giới, hải đảo nhằm thu hút các nguồn lực để khai thác hiệu quả quỹ đất.

Cho phép chuyển đổi những diện tích đất trồng lúa tại những khu vực bị nhiễm mặn, hạn hán, ngập lụt để chuyển sang các mục đích khác và di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi trung tâm thành phố nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Kinh nghiệm thế giới

Các nước liên minh châu Âu, Canada, Úc, New Zealand, Brazil, Singapore đã tích hợp yêu cầu về đánh giá môi trường chiến lược và tác động môi trường vào trong yêu cầu về quy hoạch sử dụng đất tích hợp theo phương pháp tiếp cận cảnh quan, hệ sinh thái.

Theo đó, phân vùng môi trường là một bộ phận quan trọng của quy hoạch sử dụng đất được phân ra theo các khu vực: Khu vực bảo vệ nghiêm ngặt cấm xâm phạm; khu vực bảo vệ, bảo tồn được phép một số hoạt động phát triển; khu vực hạn chế phát triển; và khu vực phát triển đa mục tiêu.

Trong khu vực phát triển đa mục tiêu, quy hoạch quản lý và kiểm soát việc sử dụng năng lượng, nguồn nước, đất đai theo mô hình đô thị thông minh dựa trên các chỉ tiêu về mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, mật độ dân số, khoảng xanh, không gian mở, diện tích mặt nước, và khu vực xử lý chất thải rắn, lỏng, thu giữ các bon, tái sử dụng, tái chế, và xử lý chất thải trong một nền kinh tế tuần hoàn.

Phương pháp tiếp cận hệ sinh thái đã được áp dụng như một chiến lược quản lý tổng hợp đất đai và tài nguyên nhằm thúc đẩy bảo tồn và sử dụng bền vững một cách công bằng ở Canada.

Đài Loan coi đất đai là gốc của sự phát triển đất nước và sự tồn vong của dân tộc. Phát triển bền vững đất đai quốc gia có ý nghĩa sống còn đối với hòa bình và ổn định lâu dài của một quốc gia cũng như vì hạnh phúc của người dân. Do đó, chính phủ có trách nhiệm đối với những người đã định cư ở Đài Loan qua nhiều thế hệ, tiến hành quy hoạch và phát triển đất đai quốc gia theo cách đáp ứng nguyện vọng lớn nhất của nhân dân trong cuộc sống bằng cách tạo ra một ngôi nhà và môi trường làm việc phù hợp.

Quy hoạch toàn diện lãnh thổ quốc gia của Hàn Quốc là quy hoạch sử dụng đất quốc gia do Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận tải xây dựng nhằm mục tiêu “đất đai cho mọi người, một nơi chung sống”, được sửa đổi 5 năm một lần.

Quy hoạch thực hiện gần đây nhất là Quy hoạch điều chỉnh Quy hoạch lãnh thổ quốc gia toàn diện lần thứ 4 (2011-2020). Quy hoạch này có tầm nhìn "Đất quốc gia xanh toàn cầu cho một bước nhảy vọt khác của Hàn Quốc" đặt ra 4 mục tiêu: Sử dụng đất quốc gia toàn diện với khả năng cạnh tranh, sử dụng đất quốc gia xanh bền vững, sử dụng đất quốc gia hấp dẫn với phẩm giá và sử dụng đất quốc gia mở ra thế giới.

Hàn Quốc đã công bố các chiến lược xúc tiến, đó là "Tăng cường chuyên môn hóa vùng và quan hệ đối tác diện rộng để nâng cao tính cạnh tranh của đất đai quốc gia", "Tạo không gian quốc gia thân thiện với thiên nhiên và an toàn", "Tạo môi trường đô thị, nhà ở thoải mái và văn hóa".

PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường

(Diễn đàn Doanh nghiệp)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo