Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Cộng đồng Kiến trúc sư AFP ca ngợi tâm huyết dựng nhà tre chống bão của Võ Trọng Nghĩa

AFP ca ngợi tâm huyết dựng nhà tre chống bão của Võ Trọng Nghĩa

Viết email In

Ngôi nhà làm từ tre và lá dừa của anh Võ Văn Dương có bề ngoài giống như bao ngôi nhà khác trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Thực tế nó có kết cấu rất chắc chăn, chịu được sức tàn phá của bão lũ, động đất.

Nhìn vào các vật liệu tự nhiên nằm bên ngoài ngôi nhà, người ta sẽ không biết rằng bên trong nó có một cấu trúc công nghệ cao, sử dụng các dầm thép và bức vách để tạo ra một hệ thống phòng vệ vững chắc, đủ sức chống chọi sức mạnh thiên nhiên, tại khu vực hay bị thiên tai này. "Ngôi nhà mới an toàn hơn, tôi không còn lo nó có thể bị sập xuống" - Dương, 48 tuổi, chia sẻ với phóng viên hãng tin AFP bên trong ngôi nhà anh vừa chuyển tới cách đây 9 tháng.


Bên ngoài căn nhà của anh Võ Văn Dương.

 “Mái nhà cũ của tôi thường bị dột. Mỗi khi có gió mạnh, tôi rất lo ngôi nhà sẽ không thể chịu được" - Dương nói thêm và cho biết các hàng xóm rất thích căn nhà mới của anh.

Dương hiện ở trong căn nhà thử nghiệm của một công ty kiến trúc Việt Nam, nơi đang tìm kiếm giải pháp xây dựng nhà ở chi phí thấp cho các cộng đồng dân cư dễ bị tổn thương vì biến đổi khí hậu. Ngôi nhà  có tên S-House 2 được giao cho anh ở miễn phí. Nhưng nếu mô hình này có thể nhân rộng, người dân cũng chỉ cần bỏ ra chưa đầy 4.000 USD (khoảng 80 triệu đồng) để sở hữu 1 căn. Với chi phí xây dựng thấp, ngôi nhà được dự báo sẽ mở ra kỷ nguyên mới của nhà ở giá rẻ nhưng bền vững.

Ngôi nhà là đứa con tinh thần của kiến trúc sư (KTS) Võ Trọng Nghĩa. Ông đã cùng các kiến trúc sư khác trên toàn thế giới tìm kiếm giải pháp tạo ra các ngôi nhà giá rẻ, dễ lắp ráp, để phục vụ các nạn nhân thiên tai hoặc những người đang phải sống trong các khu tị nạn. Ông cho rằng tất cả các kiến trúc sư đều có trách nhiệm giúp đỡ người nghèo.

"Những người có thu nhập thấp thì sao? Ngoài kia có hàng tỷ người như thế và lào sao họ có thể sống được?" - KTS Nghĩa nói với AFP, cho rằng người thu nhập thấp cũng có quyền sống trong những ngôi nhà thoải mái, tiện nghi. Không dừng lại ở đó, Võ Trọng Nghĩa còn muốn đi xa hơn. Ông muốn giúp tạo ra một ngôi nhà giá rẻ, nhưng vẫn khiến chủ nhân của nó có thể tự hào.

"Tôi không muốn mọi người xem các ngôi nhà đó như loại "rẻ tiền" mà phải là nơi ở có chất lượng như resort (khu nghỉ dưỡng cao cấp), gần gũi với thiên nhiên. Như thế, những người sống bên trong có thể an hưởng một cuộc sống với chất lượng cao nhất" - KTS Nghĩa nói. 


Thiết kế bên trong ngôi nhà.

Những ngôi nhà lắp ráp

Nhóm của KTS Nghĩa hiện vẫn đang cải tiến các thiết kế, với mục tiêu cuối cùng là tạo ra một nhà lắp ráp. Phiên bản mới nhất mang tên S-House 3 hiện có thể được xây dựng bởi 5 người, chỉ trong vòng 3 giờ đồng hồ. "Mục tiêu của chúng tôi đối với S-house là các chủ sở hữu có thể tự xây dựng được nhà của họ" - một đối tác của KTS Nghĩa là ông Kosuke Nishijima cho biết.

Thiết kế mới nhất cũng cho phép nhiều ngôi nhà S-house có thể liên kết với nhau để tạo thành một công trình rộng lớn hơn. Chức năng này cho phép người ta xây dựng một ngôi trường với khả năng chống bão và dễ vận chuyển, để phục tại các vùng sâu vùng xa hoặc xây một ngôi nhà lớn cho một đại gia đình. 

Một số tổ chức phi chính phủ tại Bangladesh và Philippines, những nơi thường xuyên phải đối mặt với thiên tại, đã tiếp cận với KTS Nghĩa sau khi hay tin về dự án này. Tuy nhiên ông cho biết vẫn chưa sẵn sàng kinh doanh các ngôi nhà S-house.

Việc Việt Nam có những vùng đất bị biển xâm thực ở đồng bằng sông Cửu Long hay bị bão lũ tàn phá ở miền Trung cũng có nghĩa người dân địa phương sẽ muốn dùng những ngôi nhà kiểu S-house. Nhiều thập niên qua, các gia đình Việt đã phải thay đổi kết cấu nhà ở của họ, để thích nghi với điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt.

Trong những năm gần đây,các tổ chức như Hội Chữ thập đỏ, Hội phụ nữ, cũng như chính quyền địa phương, đã rất cố gắng để giúp mọi người phát triển những ngôi nhà vững chãi hơn. Tuy nhiên theo Boram Kim, một chuyên gia đô thị của chương trình UN-Habitat tại Việt Nam, các KTS phải tham gia hỗ trợ để đảm bảo các dự án như vậy thành công.

"Nhà nước và chính quyền địa phương nhận thức rất rõ rằng người nghèo cần những ngôi nhà như vậy. Nhưng họ có rất ít kiến thức kỹ thuật để hiện thực hóa ý tưởng của mình" - bà chia sẻ với AFP - "Kiến trúc sư được trang bị kiến thức kỹ thuật, có thể giảm chi phí xây dựng nhà ở trong khi vẫn chống được bão lũ". Tuy nhiên bà nói rằng các kiến trúc sư cũng cần lắng nghe nguyện vọng của người dân địa phương và đây là điều rất quan trọng.


Kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa.

Kiến trúc sư vì người nghèo

Công ty của KTS Nghĩa đã nhận ra vấn đề mà người dân nghèo sống ở Việt Nam phải đối mặt, đó là họ tốn nhiều tiền để xây dựng nhà cửa cho chắc, trong bối cảnh điều kiện thời tiết ngày càng trở nên khắc nghiệt.

Mặc dù vỏ ngoài của S-House 2 lợp bằng lá dừa (chỉ phải thay thế sau mỗi 4 năm), kết cấu chính của nó không cần bảo tới hoạt động trì tốn kém. Kỹ sư Liên Phước Huy Phương cho AFP biết: "Người ta có thể dùng ngôi nhà trong một thời gian dài, nhờ cấu trúc chắc chắn". Bên trong ngôi nhà khá rộng rãi và thoáng mát, với các cửa sổ và cửa ra vào lớn, giúp người dân gần gũi hơn với thiên nhiên.

"Chúng tôi đã thiết kế để ngôi nhà này có hệ thống thông khí tốt nhất, với các khoảng trống ở phần mái và nhiều cửa sổ để không khí tuần hoàn dễ dàng hơn" - KTS Phương nói, đồng thời cho biết việc nhà thông thoáng khiến người ở bên trong sẽ giảm nhu cầu dùng quạt điện.

KTS Nghĩa, người từng sử dụng tre làm vật liệu chính trong gian hàng của Việt Nam tại hội chợ World Expo 2010 ở Thượng Hải, đã luôn tìm cách kết hợp vật liệu tự nhiên, có tại địa phương vào các công trình của ông.

Một trong những dự án đầu tiên của ông tại Thành phố Hồ Chí Minh là Stacking Green - ngôi nhà ống truyền thống Việt Nam, đã được thiết kế để tăng cường yếu tố sinh thái.

Ngôi nhà được xây dựng hồi năm 2011, với giá khoảng 150.000 USD này, có thiết kế mặt tiền gồm nhiều tấm bê tông chồng lên nhau, với khoảng hở giữa mỗi tấm bê tông được dùng để trồng cây cối. Việc này vừa giúp đảm bảo không gian riêng tư cho gia chủ, vừa cho phép không khí và ánh sáng đi vào trong nhà một cách dễ dàng.

KTS Nghĩa đã nhận được rất nhiều lời mời chào thực hiện các dự án cao cấp, từ khách sạn cho tới nhà riêng. Nhưng dự án nhà S-House chi phí thấp vẫn là nỗi “ám ảnh” của riêng ông. "Chính tôi cũng muốn sống trong S-House nếu gia đình đồng ý" - ông nói.

Vân Anh (TT&VH)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo