Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Dự án khu du lịch quốc tế Hòn Dấu: Đẹp như mơ cũng không thể mờ trách nhiệm

Dự án khu du lịch quốc tế Hòn Dấu: Đẹp như mơ cũng không thể mờ trách nhiệm

Viết email In

Qua 4 lần điều chỉnh quy hoạch, quy mô dự án Khu du lịch quốc tế Hòn Dấu (quận Đồ Sơn)  tăng thêm 22,14 ha so với lần duyệt thứ nhất. Đó là chưa kể, trong quá trình triển khai,  dự án này lấn ra biển (ngoài quy hoạch) hàng nghìn m2.

Lo ngại phá vỡ cảnh quan, môi trường

Cử tri quận Đồ Sơn đề nghị thành phố kiểm tra, xem xét việc triển khai dự án Khu du lịch quốc tế Hòn Dấu của Công ty cổ phần du lịch quốc tế Hòn Dấu  đang ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường bãi tắm khu 2 Đồ Sơn.  Ông Hoàng Đình Phúc (phường Vạn Hương) cũng như nhiều người dân bức xúc cho rằng, dự án Khu du lịch quốc tế Hòn Dấu đang trong quá trình triển khai, nhưng đã làm cho hình hài vùng bờ biển khu 2, khu 3 biến dạng, khiến bãi tắm khu 2 dường như bị thu hẹp lại. Mặc dù chưa có đánh giá tác động môi trường cụ thể để kết luận nguyên nhân, nhưng từ khi san lấp chung quanh chân núi từ Casinô đến Bến Nghiêng, những hiện tượng xảy ra với bãi tắm khu 2 rất đáng lo ngại. Đó là bùn sình lầy, bồi đọng đất phù sa, nước đục ngầu hơn trước, nhiều du khách chê bãi biển Đồ Sơn không còn giữ được nguồn nước sạch tự nhiên, không còn triền cát bằng phẳng, dài rộng như ngày nào. Việc dự án ngày càng mở rộng, quy mô tới hàng chục nghìn m2 so với quy hoạch thiết kế ban đầu rất dễ tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến vẻ đẹp cảnh quan, môi trường và danh lam thắng cảnh quốc gia Đảo Dấu.

Tại Công văn số 77, ngày 16-3-2009 của UBND quận Đồ Sơn có nêu: việc thi công một số đoạn kè đá lấn biển, đường thi công làm thay đổi dòng hải lưu, dẫn đến bồi lấp phù sa vào bãi tắm khu 2, ảnh hưởng đến các yếu tố thủy văn, môi trường trong khu vực. Phần dự án đã được quy hoạch chung quanh Đảo Dấu cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng, vì đây là di tích danh lam thắng cảnh quốc gia, nên Đảo Dấu phải được bảo tồn theo Luật Di sản.

Mặt khác, trong báo cáo số 215 ngày 15-4-2009 của Ban Chỉ huy quân sự quận Đồ Sơn cũng có nội dung: sau khi kiểm tra đất và công trình quốc phòng trên địa bàn, phát hiện thấy dự án Đảo Dấu đổ đất, đá tại khu vực bến Nghiêng về phía đông khoảng 40m. Đoạn đổ đất đá có chiều dài 90m, chiều rộng 5m, đổ mép ngoài chân kè đã xây dựng những năm trước không đúng với bản thiết kế thi công đã được các cơ quan chức năng cho phép. Việc làm trên sẽ ảnh hưởng đến độ bền vững của công trình bến Nghiêng, gây khó khăn cho hoạt động tàu xuồng ra vào bến.

Sử dụng đất ngoài quy hoạch hàng chục nghìn m2 ?

Báo cáo số 85 ngày 26-8-2009 của UBND quận Đồ Sơn gửi UBND thành phố và các ngành chức năng về việc quản lý và sử dụng đất đai của Công ty cổ phần du lịch quốc tế Hòn Dấu cho rằng, công ty đã thi công san lấp, tạo mặt bằng vượt quá diện tích được giao theo quyết định giao đất của thành phố là 205.812,6 m2. 

Dự án Khu du lịch quốc tế Hòn Dấu được triển khai từ năm 2005 với 96,12 ha theo quy hoạch ban đầu được duyệt. Sau 4 lần điều chỉnh, quy hoạch lần gần đây nhất cho thấy, quy mô dự án đã tăng lên với tổng diện tích 118,26 ha, trong đó, diện tích khu A (khu Đảo Dấu) 54,95ha; khu B (bán đảo Đồ Sơn) 46,1569 ha; khu mở rộng 17,1570 ha. Dự kiến, thời gian thực hiện dự án trong 8 năm và hoàn thành vào tháng 9 năm 2013. Theo Giám đốc Ban quản lý dự án Đoàn Khắc Tiến, đến nay, dự án vận chuyển đổ hàng triệu mét khối đá, làm được 3.850 m đê chắn sóng; bơm hơn 3 triệu m3 cát, san lấp gần 50 ha mặt bằng. Mặt khác, công ty đổ hàng trăm nghìn mét khối đất phủ mặt bằng, trồng cây, thảm cỏ; hàng vạn m3 bê tông các loại, hoàn thành cơ bản hạ tầng kỹ thuật đường, điện, nước, cây xanh, chiếu sáng… trên diện tích 65ha. Cơ sở hạ tầng trên đủ điều kiện phục vụ triển khai xây dựng các công trình vui chơi, giải trí, du lịch và nhà ở nghỉ dưỡng với tổng giá trị thực hiện hàng trăm tỷ đồng.

Thế nhưng, tại công văn số 77, ngày 16-3-2009, UBND quận Đồ Sơn chỉ rõ, việc thi công các hạng mục công trình của dự án Khu du lịch quốc tế Hòn Dấu  trong thời gian qua còn nhiều sai sót, không đúng với nội dung phê duyệt. Việc giao đất, cắm mốc chỉ giới khu đất thực hiện dự án chưa tiến hành đầy đủ và chính xác, dẫn đến việc thi công một số hạng mục công trình nằm ngoài diện tích giao đất thực hiện dự án. Trong khi đó, Tổng giám đốc công ty Hoàng Văn Thiềng cam đoan: công ty không sử dụng đất vượt quy hoạch được phê duyệt và lý giải: do dự án nằm trên diện tích lấn biển, địa hình, địa chất phức tạp, không giao được mốc cụ thể trên hiện trường. Mặt khác, cơ chế nhật triều tại khu vực  biển Đồ Sơn và thời gian thi công liên tục cả ngày lẫn đêm nên việc đổ đá, làm kè không thể chuẩn xác theo ranh giới được duyệt trong quy hoạch.

Thực tế cho thấy, có 55.907,4m2 đất nằm trong chỉ giới giao đất nhưng công ty chưa san lấp mặt bằng. Trong khi 205.812,6 m2 đất nằm ngoài chỉ giới được giao  công ty đã xây kè để san lấp mặt bằng và đưa vào sử dụng. Trong đó, đáng chú ý có 35.600 m2 đất ở phía nam ngoài chỉ giới chứng chỉ quy hoạch số 192 (năm 2008). Đây cũng là tổng hợp kết quả kiểm tra, đo đạc hiện trạng sử dụng đất của dự án Hòn Dấu do Trung tâm kỹ thuật Tài nguyên và môi trường thực hiện tại Báo cáo số 58, ngày 2-7-2009 với các quyết định giao đất năm 2005 và 2006 của thành phố. Theo Phó chủ tịch UBND quận Đồ Sơn Vũ Đình Hưng, hàng trăm nghìn m2 đất được công ty triển khai khi chưa có quyết định bàn giao đất của thành phố là sai với quy định, chưa nói đến việc hàng vạn mét vuông đất được san lấp, triển khai kè bờ vượt quá cả chỉ giới quy hoạch được duyệt. Do vậy, những diễn biến tác động đến môi trường, cảnh quan gần đây có liên quan đến việc triển khai dự án hay không rất cần được cơ quan chuyên môn có thẩm quyền sớm thẩm tra, kết luận.

Có hay không việc cơ quan quản lý chạy theo dự án

Được biết, các ngành chức năng thành phố đang xem xét, đề nghị thành phố phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết sử dụng đất khu B Khu du lịch quốc tế Hòn Dấu với diện tích tăng thêm 1,6879 ha. Lý do đề nghị tăng thêm là bởi phần kè chắn sóng, đoạn từ hướng đông đến hướng nam của dự án là khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp rất lớn của bão gió; địa chất nền đất yếu, lớp bùn nhão dầy nên cần mở rộng cầu cảng du lịch (bến du thuyền) nhằm bảo vệ đê kè biển bên trong, tránh tác động phá hoại của bão, gió và sóng biển, bảo đảm an toàn cho khu nhà nghỉ dưỡng, đồng thời là bến neo đậu cho tàu thuyền tránh bão, gió. Nếu đề nghị này được phê duyệt, thì đây là lần điều chỉnh thứ 5. Người dân Đồ Sơn cũng như du khách băn khoăn tự hỏi, liệu đây đã là lần điều chỉnh cuối cùng? Thực tế cho thấy, dường như các cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng và tài nguyên, môi trường chưa theo kịp tiến độ phát sinh vi phạm của dự án (?!) Bởi mỗi lần điều chỉnh quy hoạch đều liên quan tới việc cơ quan quản lý kiểm tra, phát hiện san lấp, sử dụng đất vượt quy hoạch. Do vậy, đã đến lúc cơ quan chức năng cần đánh giá toàn diện việc điều chỉnh quy hoạch, mở rộng dự án ảnh hưởng thế nào đến cảnh quan và môi trường, nhất là quận Đồ Sơn nhiều lần có công văn yêu cầu công ty lập báo cáo đánh giá tác động môi trường tổng thể dự án theo hiện trạng. Điều này rất cần thiết, bởi dự án nằm trong khu du lịch, ảnh hưởng trực tiếp đến các di tích lịch sử quốc gia Bến Nghiêng và danh thắng cấp quốc gia Đảo Dấu cũng như toàn bộ danh thắng tự nhiên khu 2, khu 3 Đồ Sơn, đồng thời ảnh hưởng đến đời sống  tâm linh của người dân Đồ Sơn.

Với trách nhiệm quản lý Nhà nước trên địa bàn, UBND quận Đồ Sơn cũng không thể can thiệp kịp thời và hiệu quả. Bởi, đây là dự án lớn, từ cấp phép đầu tư, xác định bản đồ địa chính, lập chứng chỉ quy hoạch đều do các cơ quan thành phố tiến hành. Việc điều chỉnh quy hoạch cũng nằm ngoài thẩm quyền của quận (chính quyền địa phương có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc sử dụng đất của dự án và nếu phát hiện sai phạm báo về cơ quan có thẩm quyền giải quyết). Nhưng thực tế cho thấy, sự phối hợp giữa chủ đầu tư, các ngành chức năng và chính quyền địa phương chưa chặt chẽ.

Cẩn trọng vì lợi ích chung

Trước việc Công ty cổ phần du lịch quốc tế Hòn Dấu  triển khai thi công đường lấp biển sang đảo Dấu không có trong quy hoạch, không có thiết kế và biện pháp thi công được duyệt, UBND quận Đồ Sơn đề nghị dừng ngay việc thi công tuyến đường này. Đồng thời đề nghị thành phố không giao đất lấp biển sang phía đảo Hòn Dấu để giữ gìn cảnh quan, môi trường và danh lam thắng cảnh quốc gia đảo Hòn Dấu. Rõ ràng, trong quá trình triển khai dự án, chủ đầu tư cũng như các ngành chức năng cần tăng cường phối hợp với chính quyền sở tại để giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh, tạo thuận lợi để dự án được triển khai đúng tiến độ,  đúng quy định của pháp luật, hạn chế thấp nhất tác động xấu đến môi trường và cảnh quan nơi đây. Trong đó có việc san lấp làm cản trở dòng chảy, san lấp các vụng, đào bới, xẻ núi, đồi.

Dự án đã qua 4 lần điều chỉnh quy hoạch, do vậy, nên chăng các ngành chức năng  rà soát, kiểm tra để hoàn chỉnh các thủ tục điều chỉnh quy hoạch lần cuối. Riêng đối với khu A của dự án, cần nghiên cứu kỹ mức độ t  ác động đến môi trường và cảnh quan danh thắng quốc gia Đảo Dấu.

Đây là dự án lớn, nhiều hạng mục công trình phức tạp, quá trình triển khai có nhiều phát sinh nằm ngoài khả năng chuyên môn kiểm tra, xác định của quận. Do vậy, rất cần sự vào cuộc của các ban, ngành chuyên môn thành phố trong việc giúp chủ đầu tư triển khai dự án thuận lợi, hiệu quả nhất, phát hiện kịp thời những vướng mắc nảy sinh, ngăn ngừa những sai sót trong quá trình thực hiện. Có như vậy, môi trường đầu tư, nhất là với các dự án phát triển du lịch mới hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước, vừa đem lại lợi ích kinh tế xã hội, vừa bảo đảm phát triển bền vững, bảo vệ cảnh quan, môi trường. 

Quang Hướng 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2326 khách Trực tuyến

Quảng cáo